Công nghệ upscale/ super sampling hình ảnh trong game giúp tăng FPS lên đáng kể, trong khi đó thì hiệu năng bỏ ra được tiết kiệm rất nhiều so với khi chơi game ở độ phân giảm thực của màn hình (Native Resolution).
Upscaling vốn độc quyền bởi NVIDIA DLSS khi hãng này quá mạnh trong việc tối ưu phần cứng lẫn phần mềm về đồ họa gaming.
Trong khi các hãng khác vẫn đang loay hoay tìm kiếm các giải pháp phần mềm tích hợp vào game để lấy tiếng thì NVIDIA đã làm được hẳn một phần cứng chuyên biệt (lại còn tích hợp cả AI) để nâng cao chất lượng/ hiệu năng upscale, hay còn gọi là Tensor core.
Tại sự kiện Computex 2021 thì hãng AMD cũng đã giới thiệu công nghệ FidelityFX Super Resolution, và đây chính là một câu trả lời cho công nghệ DLSS của đối thủ NVIDIA.
Và ở trong bài viết này mời các bạn hãy cùng mình tìm hiểu xem liệu FidelityFX có đủ tuổi để đấu với DLSS không nhé.
#1. NVIDIA DLSS là gì?
NVIDIA DLSS (Deep Learning Super Sampling) là công nghệ kết xuất AI đột phá giúp tăng chất lượng hình ảnh hiển thị bằng cách sử dụng bộ xử lý Tensor Core AI chuyên dụng trên GPU GeForce RTX ™ .
DLSS khai thác sức mạnh của mạng nơ-ron học sâu (Neural Network) để tăng tốc độ khung hình (FPS) và tạo ra những hình ảnh đẹp và sắc nét cho game.
DLSS đã định nghĩa lại công nghệ super sampling truyền thống (vốn chỉ được dùng để khử răng cưa anti-aliasing trong game).
Với DLSS 2.0 và công nghệ AI tích hợp bên trong thì có thể nói đây là công nghệ hoàn toàn mới, mục đích cuối cùng của công nghệ này là để tăng FPS và giúp hình ảnh đạt chất lượng tốt hơn, trong khi đó thì phần cứng vẫn không đổi (tức là người dùng không cần phải nâng cấp phần cứng).
Đi kèm với Ray tracing nữa thì có thể nói, ngày mà chất lượng hình ảnh trong game tương tự hình ảnh mắt thường thấy ngoài đời thực không còn xa.
NOTE: Dành cho những bạn nào chưa biết thì Ray tracing là công nghệ dựng hình ảnh dựa theo các tia sáng có sẵn trong game và theo thời gian thực.
Nói một đơn giản và dễ hiểu hơn thì một game muốn tương thích với DLSS thì phải xuất ra các supersampled “perfect frames” để module AI bên trong card đồ họa “học hỏi” “Learn”.
“Perfect frame” hay còn gọi là khung hoàn chỉnh có thể ở độ phân giải rất thấp, sau đó module này sẽ khử răng cưa (anti-aliasing) => rồi thực hiện làm nét (sharpening) và thêm các điểm ảnh phù hợp để khung hình đạt được độ phân giải cao hơn.
Cuối cùng module “supercomputer” trong card sẽ so sánh perfect frame ban đầu và perfect frame đã được nâng độ phân giải => rồi điều chỉnh màu sắc và các chi tiết để cho ra khung hình ảnh có độ phân giải cao hơn.
Quá trình “learning – học hỏi” của GPU và các Tensor core sẽ được cải tiến và nâng cấp qua mỗi lần bạn cập nhật driver của card màn hình.
Như vậy, tổng thể máy tính của bạn sẽ chỉ phải xử lý game ở độ phân giải thấp (tốn ít tài nguyên hơn), trong khi hình ảnh thực tế được xuất ra màn hình để trải nghiệm lại nhiều chi tiết hơn (độ phân giải cao hơn) nhờ công nghệ DLSS.
Mình sẽ tổng kết lại những ưu điểm thực sự nổi bật của công nghệ DLSS như sau:
1/ Với công nghệ DLSS trên card đồ họa của NVIDIA thì bạn sẽ được trải nghiệm khả năng dò tia (ray tracing) và độ phân giải siêu cao.
Với khả năng render AI tiên tiến sẽ mang lại chất lượng hình ảnh tương đương với độ phân giải gốc, thậm chí còn cao hơn. Điều đặc biệt ở đây là nó chỉ cần render một phần của các điểm ảnh thông thường.
2/ Hiệu suất được tăng lên đáng kể: Công nghệ render với sự hỗ trợ của AI trên nhân Tensor chuyên dụng sẽ mang đến hiệu suất đáng kinh ngạc, giúp tăng tốc độ khung hình.
3/ Với DLSS thì người dùng có thể dễ dàng tùy chỉnh chất lượng hình ảnh như mong muốn: DLSS cung cấp rất nhiều các tùy chọn chất lượng hình ảnh.
Chế độ Performance (Hiệu suất) hỗ trợ độ siêu phân giải AI lên đến 4X (tức là độ phân giải render 1080p đầu vào => 4K (độ phân giải đầu ra)) trong khi chế độ Ultra-Performance (Hiệu suất cực cao) hỗ trợ độ siêu phân giải AI lên đến 9X (từ 1440p => lên 8K).
Bạn có thể tham khảo thêm về công nghệ DLSS của NVIDIA tại trang chủ của họ nhé !
#2. AMD FidelityFX Super Resolution là gì?
AMD FSR đi theo hướng sử dụng các kỹ thuật spatial upscaling algorithm thay vì dựa vào AI (Trí tuệ nhân tạo) và Neural Network như DLSS.
Về kỹ thuật mà nói thì AMD nhấn mạnh: FSR không phụ thuộc vào history buffer (lịch sử vùng đệm) hay motion vector (vector chuyển động) cũng như Training cho từng game.
Hiện tại thì FSR hỗ trợ khoảng 10 game studio/ engine và tiếp tục tăng trong năm sau.
FSR hỗ trợ 4 chế độ chất lượng hình ảnh đó là: Performance, Balanced, Quality, Ultra Quality để bạn chủ động lựa chọn giữa tốc độ khung hình hay chất lượng hình ảnh.
AMD công bố rằng với chế độ Performance thì hiệu năng FPS có thể đạt gấp đôi đối với các tựa game hỗ trợ tốt FSR.
FSR sẽ hỗ trợ các dòng card AMD Radeon RX 6000, RX 5000, RX 500, Radeon RX 470/480, RX Vega GPU cũng như các CPU AMD Ryzen với đồ họa Radeon tích hợp. Thêm nữa là FSR sẽ hỗ trợ cả NVIDIA GPU, kể cả dòng cũ như AMD series 1000.
Trong khi DLSS vẫn đang giới hạn ở các PC-GPU thì FSR hứa hẹn sẽ hỗ trợ cả hệ máy Xbox của Microsoft.
NOTE: Bạn có thể đọc thêm tài liệu về công nghệ FidelityFX Super Resolution của AMD tại đây nhé !
#3. Tổng kết
Vâng, cả 2 công nghệ này đều hướng tới việc nâng cao FPS và chất lượng hình ảnh với phần cứng không đổi. Chỉ với một nút bấm trong Setting thì từ những game chơi giật lag, hình ảnh chất lượng thấp sẽ trở nên mượt mà hơn đáng kể.
Cá nhân mình thấy: Trong giai đoạn ban đầu, cũng như hướng đi của AMD thì công nghệ FidelityFX không thể so sánh với DLSS của NVIDIA được.
Bạn thử nghĩ mà xem, với combo AI Tesor core + phần mềm của NVIDIA thì khó có thể bị đánh bại bởi phần mềm đơn thuần của AMD được (dẫu cho là AMD có ứng dụng thuật toán AI đi chăng nữa, 2 đánh 1 không chột cũng què mà :D). Đấy là còn chưa kể NVIDIA có kinh nghiệm phát triển trước ?
Nhưng các bạn lưu ý là FidelityFX hướng đến việc hỗ trợ nhiều loại card, open-source…. trong khi DLSS lại đang độc quyền công nghệ/ phần cứng.
Vậy nên, muốn trải nghiệm DLSS thì bạn phải mua card của NVIDIA series RTX 20 – hoặc 3000, thêm nữa là game đó phải được hỗ trợ bởi công nghệ này nữa.
Công nghệ thay đổi từng ngày, chỉ qua một phiên bản từ DLSS 1.0 lên DLSS 2.0 mà DLSS đã tiến hóa đến mức không tưởng. Hãy chờ xem AMD sẽ bổ sung thêm những tính năng độc đáo gì cho phiên bản FSR 2.0 nhé !
Có thể bạn sẽ thích:
- Tại sao phải dùng CARD ĐỒ HỌA để nghiên cứu AI?
- Chơi game thì nên chọn GeForce GTX hay GeForce RTX?
- Cài đặt giới hạn mức FPS tối đa cho game trên card Nvidia
- Ưu điểm của card Quadro so với dòng card gaming (RTX, GTX..)
CTV: Dương Minh Thắng – Blogchiasekienthuc.com