Chúng ta thật may mắn khi được sống trong thời đại công nghệ, nơi mà mọi thứ đã rất phát triển nhờ những ứng dụng của Internet, mạng xã hội, cũng như những công nghệ kỹ thuật tiên tiến,…
Chắc hẳn các bạn đã rất quen với khái niệm “nhận diện khuôn mặt” – Facial recognition rồi đúng không?
Từ việc Facebook tự tag bạn vào những bức hình có mặt bạn, cho đến việc các mẫu điện thoại iPhone, Android hay nhiều mẫu Laptop có hỗ trợ mở khóa nhanh chóng bằng hình thức nhận diện khuôn mặt,…
Vậy tại sao một công ty chuyên cung cấp dịch vụ “nhận diện khuôn mặt” giúp cảnh sát tìm kiếm nghi phạm gây án thông qua những hình ảnh ghi lại được từ camera an ninh hoặc nhân chứng như Clearview AI lại bị luật pháp/ dư luận lên án mạnh mẽ như vậy?
#1. Giới thiệu một chút về Clearview AI
Những thông tin này do trang chủ https://clearview.ai đăng tải, mình xin tóm tắt lại cho các bạn như sau:
Clearview AI là công cụ điều tra dành cho các đơn vị hành pháp, sử dụng để xác định danh tính của kẻ thủ ác cũng như nạn nhân trong vụ án.
Cho đến thời điểm hiện tại thì công cụ này đã chứng minh được tính hữu dụng của nó bằng việc giúp đỡ hơn 600 cơ quan cảnh sát của các bang ở Mỹ/ Canada tìm ra hàng trăm tên tội phạm, cũng như xác định chính xác danh tính nạn nhân trong các vụ án: từ tài chính, trộm cắp vặt, cho đến bọn buôn người, buôn ma túy,…
Những lợi ích của Clearview AI mà chúng ta có thể suy ra được như:
+ Ở góc độ kẻ gây án: Sau khi có được hình ảnh thủ phạm (có thể từ nhân chứng cung cấp hoặc từ camera an ninh ở hiện trường) thì cảnh sát có thể nhập vào phần mềm Clearview AI để tìm ra danh tính thủ phạm nhanh chóng hơn…
Thay vì phải khoanh vùng + bắt đối tượng khả nghi về thẩm vấn, lấy lời khai của nhân chứng,… => mất rất nhiều thời gian.
Chưa kể với thời gian chết đó thì hung thủ đã có thể gây thêm án hoặc bỏ trốn từ lâu rồi !
+ Ở góc độ nạn nhân: Việc xác định nhanh danh tính của nạn nhân giúp cho liên lạc được với người thân của nạn nhân được nhanh chóng hơn, cũng như xác định nhanh những thông tin y tế cần thiết như nhóm máu, tiền sử bệnh án,… => rất cần thiết cho việc cấp cứu.
+ Về những người vô can: Việc bắt giữ những đối tượng khả nghi, trông có vẻ giống thủ phạm về để thẩm vấn, sàng lọc… thực sự là mất rất nhiều thời gian.
Vậy nên, thay vào đó, Clearview AI giúp xác định danh tính của thủ phạm ngay từ đầu (độ chính xác khoảng trên 75% theo khảo sát với các đơn vị hành pháp).
Ở thời điểm hiện tại thì Clearview AI chỉ tìm được những hình ảnh đã được đăng lên Internet, hay các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram,…
Và thông qua công nghệ AI nhận diện sinh trắc học để định danh con người, với cơ sở dữ liệu hình ảnh lên đến 3 tỷ tấm ảnh và không ngừng tăng lên mỗi ngày.
Với độ bá đạo của “thiên lý nhãn” Clearview AI hiện tại, nếu hãng còn “đi xa hơn” nữa thì chắc chắn 100% công cụ này sẽ bị luật pháp ngăn chặn, chứ chưa nói đến việc bị công chúng “ném đá” không thương tiếc !
“Đi xa hơn” ở đây có nghĩa là như trong phim viễn tưởng đó các bạn: Công nghệ thông đồng hoặc hack vào máy chủ các trang mạng => sau đó lấy dữ liệu người dùng, hình ảnh cá nhân để định danh họ.
Hoặc tấn công vào hệ thống vệ tinh giám sát/ camera công cộng để theo dõi vị trí người dùng “realtime – thời gian thực” như hacker God’s Eye trong bộ phim The Fast and the Furious 7 (Quá nhanh quá nguy hiểm) vậy.
#2. Bản án cuối cùng từ luật pháp và dư luận
Sau một thời gian dài điều tra thì những những ủy viên hội đồng (tương đương với Đại biểu chính quyền Trung ương ở tỉnh của Việt Nam ta) của Canada mà đại diện là ông Daniel Therrien kết luận:
Lượng lớn dữ liệu Facial Recognition (nhận diện khuôn mặt) mà Clearview AI thu thập được bị xếp vào dạng giám sát trái phép và bắt buộc phải xóa những dữ liệu của người dân Canada khỏi hệ thống.
Kết luận trên đi kèm với cuộc điều tra qua nhiều năm của các cơ quan về quyền riêng tư ở Canada, những luật về quyền riêng tư mà Clearview AI tự nhận không áp dụng được ở Canada, đơn giản bởi vì công ty Clearview AI không có mối liên kết hay hợp tác nào với chính phủ nước này.
Theo tờ New York Times thì Clearview AI có hơn 3 tỷ hình ảnh trong hệ thống và đa số chúng đều là “trái phép”, bởi theo điều luật của chính các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter,… thì các hãng công nghệ thứ 3 không có quyền khai thác/ lưu trữ thông tin người dùng khi chưa được thỏa thuận.
Hiện tại thì Clearview AI đã phải dừng hoạt động ở Canada để chờ phán quyết tiếp theo, nhưng công ty này vẫn khăng khăng mình chỉ hỗ trợ tìm kiếm hình ảnh công khai, để phục vụ cho mục đích hành pháp.
Và họ khẳng định là không vi phạm quyền riêng tư, vậy nên họ vẫn không có ý định xóa dữ liệu của người Canada theo yêu cầu (mà thay vào đó, họ chỉ cung cấp công cụ hỗ trợ gửi yêu cầu xóa hình ảnh của chính chủ ra khỏi hệ thống của họ).
Điều đáng buồn cười là trong khi chính quyền Canada cấm cản Clearview AI thì rất nhiều cơ quan cảnh sát của nước này lại đang sử dụng dịch vụ của công ty Clearview trong công việc hàng này ? đặc biệt là Cảnh sát Hoàng Gia Canada – Royal Canadian Mounted Police.
Ủy viên Hội đồng không có quyền để phạt hay ra lệnh cho hãng công nghệ này phải rời khỏi Canada, nên tổ chức này chỉ gửi thư yêu cầu dừng mọi hoạt động định danh người dân Canada bằng hình ảnh, dừng dịch vụ Nhận diện khuôn mặt ở Canada cũng như xóa mọi dữ liệu về người dân Canada trước đó.
Trước đó ở Mỹ thì công ty này cũng bị khởi kiện vì vi phạm luật Biometric Information Privacy Act và phải hủy mọi hợp đồng ở bang Illinois mặc dù khách hàng của Clearview AI toàn những “ông lớn”, ví dụ như các cơ quan hành pháp, Bank of America, Wallmart, Macy’s,…
Những phản bác mà cá nhân mình rất đồng tình với Clearview AI ở Tòa Giải Quyết Khiếu Nại Liên Bang – The Federal Courts of Appeal, đó là:
+ Dịch vụ Clearview AI là một search engine ( tức là một bộ máy tìm kiếm) tương tự Google Search, họ chuyên khai thác các dữ liệu được công khai trên Internet.
+ Việc thu thập thông tin công cộng từ Internet là hoàn toàn hợp pháp như đạo luật Personal Information Protection and Electronic Documents Act (PIPEDA) của Canada đã quy định.
Đây đều là những lý lẽ rất thuyết phục, ít nhất là đối vơi cá nhân mình ?
#3. Lời Kết
Qủa thực thì cách một công nghệ vận hành là phạm pháp hay không thật sự rất mong manh, các bạn có thấy thế không?
Công ty sử dụng công nghệ đúng luật, nhưng bị đối thủ tạo dư luận xấu dẫn đến lụi tàn. Còn công ty công khai mình phát triển sản phẩm hợp pháp, nhưng lại âm thầm bán dữ liệu cho bên thứ 3 hoặc các tổ chức xấu.. rồi công bố là sản phẩm bị hacker đánh cắp là xong chuyện.
Dựa trên những đóng góp tích cực mà Clearview AI đã và đang mang lại cho các cơ quan hành pháp, cùng với tôn chỉ hoạt động là “thượng tôn pháp luật” thì cá nhân mình rất ủng hộ cho công ty Clearview.
Hơn nữa, đằng sau công ty này là những con người, những tổ chức rất lớn đầu tư và trợ giúp như:
Richard Schwartz, Chuck Johnson, Mike Cernovich, Douglass Mackey, and Paul Nehlen, Peter Thiel, Kirenaga Partners,…
Nhất là founder Hoang Ton-That, là người Canada gốc Việt nên mình rất cảm tình và ủng hộ anh, hi vọng dịch vụ này sẽ phát triển theo đúng như tinh thần mà hãng đã công bố trên website.
Những rủi ro liên quan đến công nghệ là rất phức tạp, bạn nên chủ động tìm hiểu những trang báo chính thống, hay những kênh YouTube uy tín để nâng cao nhận thức, cũng như bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về những viễn cảnh xấu nhất mà công nghệ có thể mang lại thì bạn có thể xem các bộ phim như The Social Dilemma, Jason Bourne,… để biết việc xâm phạm quyền riêng tư đúng nghĩa nó ra làm sao nhé !
CTV: Dương Minh Thắng – Blogchiasekienthuc.com