Cũng vào dịp cuối năm, chắc có lẽ nhiều bạn sinh viên nói chung và những bạn học IT nói riêng đang sắp tốt nghiệp và chuẩn bị ra trường xin việc làm.
Đối với ngành IT (Công nghệ thông tin) được cho là một trong những ngành có tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp thấp nhất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cứ học IT ra trường là sẽ xin được việc làm ngay nha các bạn.
Vậy các bạn sinh viên IT cần phải chuẩn bị những gì để dễ dàng xin việc hơn, “apply” đâu là được nhận đó, thì trong bài viết mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu kỹ hơn nhé.
#1. Một bản CV đẹp
Tại sao mình lại không nói là: “Một bản CV ấn tượng”?
Cũng dễ hiểu thôi, vì nếu là một bản CV ấn tượng thì sẽ yêu cầu rất nhiều thành tích tốt, trong khi đó, đâu phải sinh viên nào mới ra trường cũng có nhiều thành tích ấn tượng đâu. Vậy nên nó không dành cho số đông !
Vậy thì như thế nào là một bản CV đẹp?
Vâng, trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ chỉ đề cập đến CV của các bạn sinh viên IT thôi, nên có thể sẽ không đúng hoàn toàn với các bạn học các ngành khác.
1.1. Trường Đại học mà bạn đã theo học:
Nếu bạn được đào tạo ngành IT ở những trường đại học uy tín trong nước, ví dụ như là Đại học Bách Khoa, đại học Công nghệ… thì có thể CV của các bạn sẽ được ưu ái hơn.
Mình đã từng xem rất nhiều mẫu tuyển dụng, họ ghi rất rõ là ưu tiên các bạn sinh viên Bách Khoa, Công nghệ…
Đây không phải là một sự thiên vị gì cả, vì có thể họ đã thống kê được rằng, các bạn sinh viên ở những trường này thường giỏi và có thái độ làm việc tốt nên họ mới ưu ái như vậy.
Nhưng điều đó không có nghĩa bạn không học Bách Khoa hay Công nghệ thì không được đem CV đi ứng tuyển hoặc là không được ưu ái. Tất cả phụ thuộc phần lớn vào bản thân bạn thôi. OK !
1.2. Điểm số:
Có một sự thật rằng, bảng điểm toàn A chưa chắc đã tốt. Tại sao vậy?
Mình đã từng nghe thầy giáo mình kể như thế này:
“Nếu tôi là nhà tuyển dụng, tôi sẽ không chọn một bạn có bảng điểm đều đều, môn nào cũng B+, A mà chẳng có gì nổi bật. Tôi thích chọn những bạn có thiên hướng giỏi một số môn chuyên ngành hơn.”
Nói vậy không phải là để cổ súy các bạn học lệch, mà đây nó là thực tế, đào tạo đại học ở Việt Nam lúc nào cũng muốn giỏi toàn diện, cuối cùng lại chẳng giỏi thứ gì cả. Cái gì cũng ở mức bình bình.
Ở trường thì thầy cô, bè bạn rất đề cao thành tích, cứ học đều đều ở mức trung bình khá là được đánh giá rất tốt trong mắt mọi người rồi. Nhưng thực tế đi làm thì không như vậy !
Ở các nước phát triển, họ rất đề cao tính sáng tạo và sở trường của mỗi cá nhân. Bởi con người chúng ta có 8 loại hình thông minh khác nhau, người thì thông minh logic (thường có điểm số rất cao ở trường), thông minh vận động, thông minh cảm xúc…
Mà ở trường thì các bạn biết rồi đấy, chỉ những bạn học giỏi Toán, Lý, Hóa.. mới được đánh giá cao.
Còn những bạn gỏi về hội họa, âm nhạc hay thể dục thì gần như chẳng có ý nghĩa gì, nếu dốt mấy môn chính kia thì trong mắt mọi người bạn vẫn là thằng dốt đặc cán mai mà thôi.
Đấy, các bạn có thấy nó vô lý không?
Ra đời thì có nhiều cách để kiếm tiền, không tin các bạn cứ nhìn mấy ca sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng đá đó. Họ kiếm tiền đâu có thua kém những nghề khác, và quan trọng là họ được làm những công việc mà họ thích.
Chính vì thế, theo cá nhân mình, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn hãy học và nghiên cứu thật sâu sở trường của bạn. Đây sẽ là cần câu cơm sau này của chúng ta mà, phải đặc biệt quan tâm chứ.
Còn những môn khác, chúng ta học ở mức trung bình hoặc để qua môn là được rồi. Chỗ này mình nói hơi dài một chút vì mình đang muốn chứng minh quan điểm của cá nhân mình.
Nhưng tất nhiên, nếu có thể thì hãy luôn cố gắng để có được điểm số thật tốt và không quên trau dồi thực lực cũng như kinh nghiệm thực tế các bạn nhé.
1.3. Chứng chỉ:
Ở đây mình đang muốn nói đến các thành tích ngoài thành tích học tập, ví dụ như là các cuộc thi học thuật, các cuộc thi lập trình… Nếu các bạn có giải thì ghi vào, đó sẽ là một điểm cộng rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng đó các bạn.
1.4. Các thông tin khác:
Các thông tin khác thì có rất nhiều, nó bao gồm từ việc các bạn viết CV ra sao, có sở thích gì, sở trường, sở đoản như thế nào… Tất cả nếu có thể, bạn hãy “show” ra hết để nhà tuyển dụng có thêm tiêu chí chọn lọc, đánh giá.
#2. Trình độ chuyên môn
Một bản CV đẹp giống như một tấm vé vào cửa vậy – nó giúp các bạn lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng giữa hàng chục, thậm chí hàng trăm bản CV ngoài kia.
Nhưng vé vào cửa thì cũng chỉ là vé vào cửa thôi mà thôi ! Nếu các bạn không có thực lực, không có chuyên môn thật thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải.
Chính vì vậy, chuyên môn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các bạn sinh viên IT. Chuyên môn có tốt thì mới đáp ứng được công việc.
Vậy làm sao để có chuyên môn tốt trong khi mới vừa tốt nghiệp ra trường? Đây quả thực là điều mà nhiều bạn sinh viên trăn trở vì việc học ở trường đôi khi quá khác so với thực tế.
Theo mình các bạn sinh viên IT nên thu xếp thời gian để tham gia thực tập vào khoảng giữa hoặc cuối năm thứ 3 đại học.
Đây là khoảng thời gian rất phù hợp, vì nói gì thì nói các bạn cũng đã có hơn 3 năm tích lũy kiến thức rồi, đây cũng là lúc được các nhà tuyển dụng để ý đến.
Vậy nên nếu có thể hay sắp xếp thời gian và tham gia thực tập tại doanh nghiệp. Mình tin là các bạn sẽ học được rất nhiều đó.
Đọc thêm:
- [Sinh Viên IT] 6 lý do càng đi thực tập sớm càng tốt
- Thực Tập Sinh: 5 điều cần lưu ý khi đi thực tập tại doanh nghiệp
#3. Kỹ năng phỏng vấn
Mình quen nhiều bạn có khả năng kỹ thuật rất tốt, nhưng lại rất yếu trong khoản giao tiếp và truyền đạt ý hiểu cho người khác.
Đây thực sự là một cái “thiệt” cho nhiều bạn sinh viên IT nói riêng và các bạn sinh viên nói chung. Việc quá tập trung vào chuyên môn đôi khi khiến các bạn quên đi việc rèn luyện và phát triển những kỹ năng khác.
Bạn phải biết rằng, trong một buổi phỏng vấn, bạn không có nhiều thời gian để thể hiện với nhà tuyển dụng và họ cũng không thể chỉ dựa vào bằng cấp để nhận hay từ chối bạn được.
Vậy câu hỏi là kỹ năng phỏng vấn là gì? Và làm sao rèn luyện nó?
Với mình, kỹ năng phỏng vấn gồm hai phần:
- Đầu tiên là phần chuẩn bị, tức là các bạn chuẩn bị cho buổi phỏng vấn như thế nào? Có tìm hiểu về công ty không? Có ôn luyện lại chuyên môn không? Có tập trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng không?…
- Hai là khả năng ứng biến trong quá trình phỏng vấn, vì dù bạn có chuẩn bị kỹ tới đâu thì cũng sẽ có sai sót. Để rèn luyện sự ứng biến này không còn cách nào khác là bạn phải luyện tập, phải “apply” nhiều công ty và tích góp dần qua mỗi lần như thế.
#4. Bạn bè giới thiệu
Nhiều người nói làm IT quan trọng là ở chuyên môn, chứ quan hệ quan trọng gì đâu? Điều đó đúng, nhưng chưa đủ, đặc biệt là tại Việt Nam.
Thực tế, mình đã từng có được 2 công việc rất “ngon” nhờ những người bạn của mình giới thiệu. Tất nhiên là mình có thực lực chứ không hoàn toàn dựa vào quan hệ bạn bè để có được công việc đó.
Quan hệ bạn bè mà mình muốn nói đến ở đây nó giống như một cây cầu kết nối vậy. Nó chỉ là bước kết nối đầu tiên, còn về sau bạn phải hoàn toàn dựa vào năng lực của mình, xem có đáp ứng được công việc hay không thì mới đi qua được cây cầu đó.
Ví dụ mình có một bản CV không mấy ấn tượng, nhưng đổi lại chuyên môn mình tốt, có khả năng teamwork tốt… Bình thường có thể mình sẽ bị loại khỏi vòng chọn CV vì không thể so sánh với các bạn khác.
Nhưng giả sử chị HR là người quen của bạn mình, thì khi đó, mọi chuyện sẽ dễ thở hơn rất nhiều. Mình chỉ cần thể hiện tốt ở vòng phỏng vấn và chứng minh được là mình phù hợp với công việc thì mọi thứ đều sẽ “okay” cả thôi.
#5. Lời kết
Vâng, trên đây là những bước cần chuẩn bị của một sinh viên IT sắp ra trường, để có thể xin được những công việc tốt, trong một môi trường tốt.
Hi vọng là với những gì mà mình chia sẻ vừa rồi có thể giúp các bạn sinh viên IT có thêm những kinh nghiệm để bước vào đời một cách tự tin hơn.
Mặc dù IT là ngành “hot” thật đó, nhưng nó không nhàn hạ như nhiều người vẫn nghĩ, lại càng không phải dễ xin việc như người ta vẫn nói.
Tất cả phụ thuộc rất nhiều vào bạn, vậy nên hãy thật cố gắng không ngừng thì mới có thành quả bạn nhé. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo.
Đọc thêm:
- Portfolio là gì? Cách xây dựng một Portfolio chuyên nghiệp
- 5 LỖI CẦN TRÁNH khi viết CV xin việc của anh em Lập trình
CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn