Như các bạn đã biết, hiện nay về cơ bản thì Nvidia đang thương mại hóa 2 dòng card chủ đạo là Quadro và dòng RTX (gaming nói chung).
Vậy có bao giờ bạn tự hỏi sự khác nhau giữa 2 dòng card này thực ra là gì khong, liệu chúng có thể đổi chỗ cho nhau được không? đặc biệt khi giá bán của card Quadro thường cao hơn khá nhiều so với dòng gaming.
Vâng, nếu như bạn cũng đã từng thắc mắc như trên thì trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng điểm qua một số nét khác biệt cơ bản giữa hai dòng card này nhé.
Trước hết mình cần nói rõ, dòng card Quadro của Nvidia được hướng tới người dung chuyên nghiệp cho các tác vụ thiên về làm việc, như dựng hình, render video, tính toán dữ liệu, trích xuất video chất lượng cao. Còn về phía card gaming thì bao gồm dòng GTX hay RTX.
#1. Khả năng quản lý, kiểm soát Vram tốt
Vram là thành phần rất quan trọng để thực hiện các tác vụ cần đến card đồ họa, Vram càng cao và được tối ưu tốt sẽ giúp cho hình ảnh được nạp vào và xử lý một cách trơn tru hơn, mượt mà hơn, không gây ra hiện tượng giật-lag, đặc biệt là với các nhà thiết kế 3D khi dựng hình.
Đọc thêm: Cách tăng VRAM cho card đồ họa Onboard trên Windows 10
Và card Quadro làm rất tốt điều này. Khả năng quản lý tốt Vram của Quadro là không phải bàn cãi.
Về cơ bản thì khả năng này nằm ở việc Quadro sẽ tận dụng tối đa những khoản Vram thừa trên các nhân đồ họa, không để chúng “nghỉ ngơi”, qua đó tối đa được lượng Vram cần dùng.
Đối với các phần mềm chuyên dụng, như việc dựng hình 3D trên nhiều cửa sổ mở cùng lúc (đa nhiệm), hay là chạy giả lập hiệu ứng 3D (như nước, lửa..) thường ngốn một lượng Vram khổng lồ. Vậy nên tính chất tận dụng tối đa Vram giúp Quadro được tin dùng hơn trong các công việc trên.
#2. Khả năng hiển thị nhiều màn hình với nhiều công việc khác nhau
Với các công việc yêu cầu phải sử dụng nhiều màn hình cùng lúc và đặc biệt là lại chạy nhiều ứng dụng khác nhau thì các dòng card gaming phổ thông thường xảy ra tình trạng giậy, lag khi di chuyển giữa các màn hình. Nói chung là đa nhiệm rất kém.
Nhưng với Quadro thì không, với việc quản lý Vram tốt, kết hợp với chức năng Clip Region thì việc này lại càng mượt mà hơn nữa.
Nói đơn giản và dễ hiểu thì Clip Region là tính năng dùng để quản lý phần hình ảnh có trên màn hình nhưng bị che khuất bởi một cửa sổ khác.
Khi đó dữ liệu trên vùng che khuất sẽ được rút gọn tối đa để gửi về bộ nhớ đệm, qua đó thì bộ nhớ đệm sẽ không bị đầy => làm việc di chuyển giữa nhiều cửa sổ hay màn hình trơn tru hơn rất nhiều.
#3. Tính năng sử dụng đơn lẻ một một khu vực mặt phẳng trên màn hình
Nói nôm na cho dễ hiểu, nếu ai đã từng dựng hình 3D rồi thì chắc ít nhất một lần gặp phải vấn đề đó là, khi di chuyển con trỏ chuột để xoay vật thể thì vô tình chạm vào một tab lệnh nào đó trên phần mềm. Có đúng không ạ ?
Nhưng với Quadro thì không, với tính năng sử dụng đơn lẻ một một khu vực mặt phẳng trên màn hình thì nó có thể đảm bảo cho bạn chỉ có thể thao tác trên view 3D mà không sợ bị nhầm sang các tab, hay lệnh nào trên phần mềm dựng.
Việc này cũng tương tự với các trình đơn nhảy ra khi bạn làm việc cũng sẽ không bị ảnh hưởng đến quá trình thao tác.
#4. Thuật toán xử lý logic
Đây có lẽ là tính năng đáng giá bậc nhất có trên dòng card Quadro, nó được nạp sẵn vào trong phần cứng chứ không phải qua phần mềm thứ ba, điều này giúp tối đa hóa hiệu năng xử lý của card.
Về cơ bản thì tính năng này sẽ giúp bạn nhận biết trong không gian, vật thể nào bị che lấp, vật thể nào không bị che lấp.
Vật bị che sẽ hiện nét đứt, còn vật không bị che thì sẽ sáng lên… Quá tuyệt vời đối với những ai phải dựng mô hình 3D với kết cấu phức tạp và nhiều lớp.
#5. Khả năng tính toán với thuật toán AI
Đây là một khả năng mới xuất hiện trên các dòng card Quadro mới của Nvidia. Với các tập lệnh đặc biệt và nhân xử lý thông minh thì card đồ họa Quadro còn được sử dụng trong xử lý, nghiên cứu AI – một ngành đang cực kì phát triển trong thời gian gần đây, và chắc chắn là trong tương lai nữa.
#6. Được sự hậu thuẫn tối ưu từ phần cứng tới phần mềm
Đây là điều dễ nhận biết nhất, các dòng card Quadro luôn được các hãng phần mềm chuyên dụng tối ưu cho nó, để mang lại những trải nghiệm sử dụng hoàn hảo nhất có thể.
Và bản thân phần cứng trên Quadro là những linh kiện được thiết kế để có thể làm việc 24/7 ở công suất cao, nên bạn không phải lo lắng về vấn đề độ bền trong thời gian sử dụng.
#7. Khả năng khử răng cưa ngay trên phần cứng
Về cơ bản thì đây là một tính năng giúp cho hình ảnh trông có vẻ mềm và thanh thoát hơn. Khi so sánh với card phổ thông, việc khử răng cưa đòi hỏi phải có phần mềm hỗ trợ, còn với Quadro thì không cần.
Đọc tới đây thì có thể nhiều bạn sẽ thắc mắc là: Vậy card Quadro xịn xò như vậy thì liệu dùng nó để chơi game có ok không !
Vâng, thực ra về cơ bản, card Quadro khi ra mắt cùng với một dòng card gaming thì nó cũng dùng để chơi game được, nhưng không hiệu quả bằng card gaming.
Có thể là cùng kiến trúc xử lý nhưng các tập lệnh, khả năng xử lý hình ảnh là khác nhau – nên chúng thường không được sử dụng cho việc chơi game – mặc dù card Quadro dòng cao có thể làm tốt điều này.
Mà nếu bạn chỉ có nhu cầu chơi game không thôi thì tội gì phải mua card Quadro đúng không nào ? vừa hỗ trợ chơi game kém hơn, vừa đắt hơn nữa.
Còn về việc bạn có nên mua card Quadro hay không thì còn phụ thuộc vào kinh tế cũng như là công việc hiện tại của bạn nữa.
Nếu như bạn có kinh tế dư dả, bạn muốn trải nghiệm những tính năng tuyệt vời của dòng card này, hay là bạn thường nhận các dự án lớn để làm thì việc đầu tư card Quadro là hoàn toàn hợp lý.
#8. Lời Kết
Vâng, trên đây là những ưu điểm vượt trội của dòng card Quadro so với dòng card Gaming (RTX, GTX..) nói chung.
Nhưng tất nhiên, đó là trong công việc, còn khi bạn chỉ chơi game hay làm các công việc không quá nặng nề thì dòng card phổ thông là rất phù hợp với bạn rồi.
Hi vọng là bài viết này sẽ hữu ích với bạn, chúc các bạn thành công !
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com