Tìm hiểu kỹ hơn về ngành CNTT qua 5 câu hỏi kinh điển, phần #1 Update 11/2024

#1. Đôi lời mở đầu

Chào các bạn, thời điểm mà mình viết bài này thì 2k2 cũng vừa mới biết điểm vào đại học. Chúc mừng các em đã vượt qua kỳ thi THPT quốc gia để bước đầu thực hiện ước mơ đại học của mình.

tim-hieu-ve-nganh-cong-nghe-thong-tin (1)

Mình của 4 năm trước cũng như các em bây giờ, vui có mà lo lắng thì cũng rất nhiều. Hiện tại mình đang là sinh viên năm cuối tại một trường đại học top đầu về đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam.

Có lẽ đứng trước bước ngoặt lớn đầu đời, việc chọn lựa một trường đại học cũng như một ngành học sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới những bước đi sau này.

Vì vậy trong bài viết này mình sẽ cùng các bạn trả lời 5 câu hỏi về ngành CNTT để các bạn phần nào hiểu rõ hơn, tránh những “ảo tưởng” và cố gắng nhiều nữa nha.

  1. Học công nghệ thông tin là học về cái gì?
  2. Những ai phù hợp với ngành công nghệ thông tin?
  3. Học công nghệ thông tin lương cao lắm!
  4. Học công nghệ thông tin ra có dễ xin việc không?
  5. Học công nghệ thông tin “nhàn” hay “cực”?

Đọc thêm:

#2. Đầu tiên mình muốn các bạn hình dung được học công nghệ thông tin là học những gì?

Thực ra công nghệ thông tin là một khái niệm rất rộng, bao hàm nhiều ngành học khác nhau, từ hàn lâm cho đến ứng dụng phần mềm đều có.

Trong bài viết này mình sẽ chỉ nói về khía cạnh ứng dụng, tức là những sản phẩm của ngành công nghệ thông tin. Nói chính xác hơn là những sản phẩm mà sau khi các bạn học CNTT ở Việt Nam ra sẽ có thể làm.

Về phần cứng là các sản phẩm nhúng. Nếu bạn nào từng nghe đến thuật ngữ IoT (Internet of Things) thì đây cũng đang là một xu hướng công nghệ hiện tại và tương lai.

Ở đó các bạn sẽ tích hợp các thiết bị phần cứng với các phần mềm để tạo nên một hệ thống thông minh với nhiều thiết bị kết nối với nhau qua Internet. (Ví dụ như nhà thông minh, hệ thống tưới cây tự động…)

tim-hieu-ve-nganh-cong-nghe-thong-tin (1)
Nhà thông minh điều khiển bằng smartphone.

Về phần mềm thì sẽ có nhiều sản phẩm hơn, và cũng là hướng đi của hầu hết các bạn sinh viên CNTT.

Một phần vì nhu cầu cao, một phần vì làm phần mềm thường dễ triển khai hơn so với một hệ thống có tích hợp phần cứng. Vậy phần mềm thì sẽ có những sản phẩm gì?

Không đâu xa, đó là thứ mà các bạn vẫn tiếp xúc hàng ngày đấy. Ví dụ như hệ điều hành Window (bạn nào có máy tính chả có), hay Facebook, Zalo là những ứng dụng di động…

Hoặc là các trang web như blogchiasekienthuc.com, vnexpress.vn, tiki.vn hay là những phần mềm như Photoshop, Vietkey, thậm chí là những game như PUBG, Liên Quân Mobile… mà các bạn vẫn hay chơi. Tất cả là sản phẩm của ngành IT nói chung.

Tất nhiên, những ví dụ mình lấy các bạn có thể sẽ khó hình dung ra – bởi vì các bạn mặc dù là đang dùng nhưng chưa chắc đã hiểu về nó.

Để đơn giản hơn thì ta chia làm 4 loại ứng dụng phần mềm đó là: Ứng dụng web, ứng dụng di động, ứng dụng Desktop (các ứng dụng các bạn hay tải về và cài lên máy tính đó), và cuối cùng là ứng dụng game. Bạn có thể lựa chọn một trong những hướng đi đó.

Ngoài ra thì các bạn có thể đi theo hướng học về an toàn thông tin. Đây cũng là một nhánh của ngành công nghệ thông tin nói chung.

Hiểu nôm na là sau khi học xong, các bạn có thể trở thành các kỹ sư bảo mật, bảo vệ một hệ thống. Có thể là hệ thống phần mềm, phần cứng hoặc cả hai…

Kết luận: Học Công Nghệ Thông Tin không phải là tạo ra cái gì đó quá cao siêu, tất cả là những ứng dụng phần mềm, thiết bị phần cứng để phục vụ hoặc giải quyết một nhu cầu hoặc bài toán thực tế nào đó.

#3. Vậy những ai phù hợp với việc học công nghệ thông tin?

Tất nhiên là ai cũng có thể học rồi, kể cả các bạn đang học cấp 2, cấp 3 hay thậm chí là các bác chạy Grab như báo chí vẫn hay “giật tít”.

Cái này đúng, nhưng mình sẽ không đề cập đến những đối tượng đó ở đây. Mình sẽ tập trung vào đối tượng là các sinh viên đại học, cao đẳng hoặc độ tuổi tương đương.

Câu hỏi 1: “Em là nữ, liệu có phù hợp với ngành này không?”

tim-hieu-ve-nganh-cong-nghe-thong-tin (2)

Điều đầu tiên mình muốn nói với các bạn đó là: “Lập trình viên đầu tiên trên thế giới là nữ”. (Lập trình viên là người viết ra các sản phẩm CNTT, là vị trí được quan tâm nhất khi các bạn học CNTT).

Quay lại với câu hỏi thì biết ngay là các bạn chưa biết gì về CNTT hết. Trả lời: “Tất nhiên là được, nếu các bạn có tố chất, chịu khó và dám đánh đổi.” Đánh đổi gì ở đây? Các cụ bảo rồi “cần cù bù thông minh”.

Nếu không phải quá thông minh thì khi học CNTT các bạn sẽ phải đánh đổi thời gian, thậm chí là cả nhan sắc nếu muốn cày cuốc để giỏi hơn.

Đơn giản bởi vì ngành này thiên về kỹ thuật, suốt ngày ôm máy tính và code thôi (hiện có nhiều hướng đi mới cho các bạn nữ, ví dụ như Tester, BA nhưng quá trình học vẫn khá là vất).

Các bạn cũng không cần phải sợ, nếu các bạn thích kỹ thuật mà không muốn tay dính “dầu xe” thì học cntt là rất hợp lý đó ?

Câu hỏi 2 “Em học không được giỏi toán liệu có học CNTT được không?”.

tim-hieu-ve-nganh-cong-nghe-thong-tin (3)

Khi học CNTT (ở Việt Nam) các bạn sẽ phải tiếp cận với một khái niệm là lập trình. Hiểu một cách đơn giản “lập trình” là quá trình bạn giải quyết các vấn đề, bài toán bằng cách viết mã (code) cho máy tính hiểu với mục đích là tận dụng tốc độ và khả năng tính toán của máy tính.

Vậy rõ rãng nó đòi hỏi sự tư duy – logic (tư duy giải quyết vấn đề) tốt. Toán học lại là một công cụ để rèn luyện và đánh giá tư duy (tất nhiên tư duy toán và tư duy lập trình khác nhau).

Nhưng chung quy lại tư duy toán tốt (không cần phải quá giỏi như thi này thi nọ) sẽ giúp bạn rất nhiều trong lập trình.

tim-hieu-ve-nganh-cong-nghe-thong-tin (4)

Vậy câu trả lời là không cần giỏi toán quá đâu, nhưng tư duy lập trình (tư duy giải quyết vấn đề) là phải có. Cũng rất may là cái này các bạn có thể rèn luyện được.

Kết luận: Ai cũng có thể học ngành CNTT, không phân biệt già trẻ, gái trai. Nhưng bạn nên cân nhắc vì độ tuổi phù hợp nhất chính là khi bạn còn trẻ, đó cũng là lúc bộ não các bạn làm việc tốt nhất và cũng thuận lợi cho con đường sự nghiệp (không nên quá già, cũng cũng không nên quá trẻ).

Trong phần tiếp theo mình sẽ cùng các bạn trả lời nốt 3 câu hỏi còn lại nhé. Chào các bạn và hẹn gặp lại trong phần sắp tới !

CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com