Một chiếc điện thoại có khả năng chụp hình đẹp, nịnh mắt người xem là điều khó có thể thiếu được đối với đa số các dòng smartphone hiện nay.
Không còn là cái thời kì chụp ảnh chỉ mang tính tượng trưng nữa (hình ảnh được chụp ra từ các dòng điện thoại cục gạch), những bức ảnh được chụp trên smartphone ngày nay phải đạt được những yêu cầu tối thiểu về ánh sáng, độ nét, màu sắc, độ tương phản.…
Vậy những yếu tố nào trên smartphone sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng bức ảnh đầu ra? Vâng, nếu như bạn chưa biết và đang đi tìm câu trả lời thì hãy cùng mình đi tìm đáp án ngay trong bài viết này !
Đọc thêm:
- Đâu sẽ là tương lai của nhiếp ảnh trên Smartphone?
- 11 mẹo và thủ thuật để chụp một bức ảnh đẹp trên iPhone
- Tại sao 12MP là độ phân giải hợp lí nhất cho camera điện thoại?
- Smartphone có những loại camera gì, camera nào thật sự cần thiết?
#1. Quang học (ống kính)
Đây là yếu tố tiên quyết, nó sẽ quyết định đến 50% chất lượng bức ảnh đầu ra.
Mặc dù hiện nay, các smartphone có tích hợp rất nhiều những công nghệ hiện đại, các thuật toán AI thông minh, cùng với hàng tá những app hỗ trợ theo kèm…. nhưng vẫn là một thiếu sót lớn nếu chiếc smartphone đó không trang bị một ống kính tốt.
Bản chất của chụp ảnh trên điện thoại hay bất kì thiết bị chụp ảnh chuyên nghiệp nào là: ánh sáng từ vật thể sẽ truyền qua ống kính, rồi mới tới những bộ phận xử lý khác.
Một ống kính tốt sẽ bảo toàn gần như toàn bộ những gì mà nó thu được và loại bỏ đi những yếu tố gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng bức ảnh, loại bỏ đi những tác nhân gây ảnh hưởng đến ánh sáng thu được.
Vậy nên, không phải tự nhiên mà các hãng điện thoại lớn trên thế giới đều cố gắng có được sự đồng ý hợp tác với các hãng ống kính chuyên nghiệp như ZEISS, Lecia….
#2. Cảm biến của camera
Cảm biến camera là một linh kiện có khả năng thu nhận ánh sánh và xử lý những gì mà nó nhận được để cho ra một bức ảnh mà bạn nhìn được trên thiết bị: bao gồm cả trước và sau khi nhấn chụp. Cảm biến camera quyết định đến 40% chất lượng ảnh đầu ra.
Những yếu tố kĩ thuật của một bức ảnh, như: màu sắc, độ sâu của ảnh, độ sắc nét của ảnh, cũng như dải nhạy sáng của ảnh…. đều được quyết định bởi bộ phận cảm biến này.
Đọc tới đây nhiều bạn sẽ nghĩ rằng vậy cảm biến mới là thứ quan trọng nhất của camera chứ, có khi nó phải chiếm tới 60% chất lượng ảnh đầu ra mới xứng đáng. Có đúng không ạ ?
Vâng, đúng là gần như mọi yếu tố mà người dùng quan tâm tới một bức ảnh thì phần lớn đều được quyết định bới cảm biến camera.
Nhưng bạn hãy nhớ là…
Cảm biến camera về cơ bản thì chỉ thu nhận ánh sáng và tiến hành xử lý chúng, bản thân chúng không có khả năng thu nhận ánh sáng nếu không có ống kính. Vậy nên ống kính mới là thứ quyết định đến 50% chất lượng hình ảnh.
#3. Thuật toán AI và các ứng dụng của bên thứ 3
Rõ ràng rồi, đây được xem là yếu tố ít quan trọng nhất trong việc cho ra một bức ảnh đẹp trên điện thoại.
AI chỉ xuất hiện trong tầm 4 năm trở lại đây và thực tế những ngày đầu tiên chúng chỉ dùng để tăng độ nét cho hình ảnh (pixel) mà thôi, sau đó qua một thời gian dài “tiến hóa” thì chúng còn được sử dụng để xóa phông, tăng sáng chụp đêm….
Có thể hiểu một cách đơn giản thì yếu tố này là sự tối ưu đến từ nhà sản xuất để lấp đầy những hạn chế của ống kính và cảm biến để lại.
Tuy nhiên, với công nghệ ngày càng tinh vi thì không thể phủ nhận sức mạnh của các thuật toán được tích hợp trong cụm camera được.
Ví dụ như khả năng chụp thiên văn của điện thoại Google Pixel, có thể thấy thuật toán AI của Google đã làm rất tốt, điều mà trước đây các smartphone không thể làm được.
Nói gì thì nói, có những thứ mà phần mềm (thuật toán AI) không thể thay thế cho các linh kiện phần cứng được (ống kính và cảm biến), và cũng không thể làm tốt như phần cứng được.
Nhưng theo mình, việc nghiên cứu và phát triển các thuật toán AI thông minh cho cụm camera sẽ là xu hướng của các hãng smartphone. Đơn giản là để tối ưu giá thành sản phẩm !
Một vấn đề nữa là kích thước của phần cứng trên smartphone thì cũng có giới hạn thôi, không phải là các hãng ống kính hay cảm biến không đủ khả năng làm ra những ống kính hay cảm biến xuất sắc cho điện thoại.
Vấn đề là khi làm ra nó sẽ đội giá chiếc điện thoại lên gấp nhiều lần, còn về kích thước thì các bạn biết rồi đó, một chiếc điện thoại nhỏ không thể trang bị một ống kính to đùng được, nó sẽ phát vỡ hết thiết kế của nhà sản xuất.
Lời Kết
Trên đây là 3 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới chất lượng hình ảnh sau khi chụp của một chiếc điện thoại, dù là yếu tố nào đi chăng nữa thì nó sinh ra là để bổ trợ cho nhau, nhằm khắc phục những yếu điểm của nhau, từ đó đem lại những bức ảnh với chất lượng tốt nhất có thể.
Nhu cầu của người dùng ngày càng khó tính hơn, không bao giờ là cố định một chỗ cả. Và đó cũng là một yếu tố quan trọng để thôi thúc các nhà sản xuất luôn nghiên cứu và phát triển ra những ống kính tốt hơn, những cảm biến chất lượng hơn, những thuật toán AI thông minh hơn… sao cho phù hợp với nhu cầu của người dùng hiện nay.
CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com