5 nguyên nhân chính khiến điện thoại nóng lên rất nhanh Update 01/2025

Linh kiện nào tỏa nhiệt nhiều nhất trong một chiếc điện thoại?

Vấn đề  về việc xài điện thoại liên tục trong một khoảng thời gian dài, hay là khi chạy các ứng dụng nặng khiến cho máy có hiện tượng nóng lên, thậm chí là nóng tới mức khó chịu là điều khá bình thường, và mình nghĩ là ai dùng smartphone cũng đều đã trải qua cảm giác này rồi.

Thực ra thì sự nóng lên của điện thoại là do khá nhiều nguyên nhân tác động và cộng hưởng lại, chứ không phải là một nguyên nhân duy nhất nào cả.

Và ở trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng điểm qua những nguyên nhân chính khiến điện thoại nóng lên và cũng từ đó để biết cách hạn chế điện thoại quá nóng nhé !

linh-kien-nao-phat-nhiet-nhieu-nhat-trong-dien-thoai (5)

#1. CPU

Đây được xem là nguyên nhân chính, nó ảnh hưởng nhiều nhất tới nhiệt độ của một chiếc điện thoại.

Các CPU điện thoại (hay còn gọi là CHIP) ngày nay tuy được quảng cáo là được sản xuất trên tiến trình nhỏ (cỡ 7nm, 5nm), sử dụng công nghệ hiện đại, hứa hẹn sẽ tiết kiệm điện năng và ít tỏa nhiệt hơn, NHƯNG…

Nó chỉ là trên lý thuyết, khi bạn sử dụng trong điều kiện lý tưởng mà thôi. Mà điều kiện lý tưởng là gì? Vâng, ví dụ như là nhiệt độ môi trường, sử dụng các tác vụ vừa phải… tất cả đều phải ở mức vừa đẹp.

Nhưng thực tế khi sử dụng thì mấy ai sử dụng được trong điều kiện lý tưởng đó chứ ?

Một định luật vật lý cơ bản mà hồi phổ thông chúng ta đã được học đó là, năng lượng không mất đi mà nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác !

Vâng, và nó rất đúng với CPU của điện thoại, máy tính… CPU càng mạnh thì sẽ càng tốn nhiều điện năng tiêu thụ và nhiệt lượng tỏa ra sẽ càng lớn, lượng điện này không bị mất đi mà nó được chuyển hóa thành nhiệt năng, gây ra nhiệt độ tăng cao khi sử dụng lâu.

linh-kien-nao-phat-nhiet-nhieu-nhat-trong-dien-thoai (4)

Nhưng nói thế không có nghĩa là sự phát triển của tiến trình sản xuất (công nghệ sản xuất CPU) không làm giảm nhiệt độ cũng như là lượng điện năng tiêu thụ của CPU nhé các bạn. Nói như vậy là quá phũ cho đội nghiên cứu và phát triển (R&D) ?

Chắc chắn việc tối ưu tiến trình sản xuất sẽ có tác động tích cực, nhưng không có nghĩa là CPU sẽ không nóng khi sử dụng với tần suất cao, gần như mọi thiết bị điện đều tuân thủ theo định luật vật lý nói trên. Và để xem các nhà khoa học và các kỹ sư bao giờ mới có thể hóa giải được định luật này ^^

#2. PIN

Ít ai biết rằng Pin điện thoại khi sử dụng cũng bị nóng lên, đặc biệt là khi vừa sạc vừa sử dụng. Về cơ bản thì mỗi điện thoại đều được trang bị một mạch sạc riêng cho hệ thống Pin bên trong, chứ không đơn giản là chỉ lấy nguồn từ củ sạc rồi nạp vào Pin.

linh-kien-nao-phat-nhiet-nhieu-nhat-trong-dien-thoai (3)

Các mạch sạc này vừa có nhiệm vụ quản lý nguồn sạc vào cho Pin, đồng thời nó cũng có nhiệm vụ quản lý nguồn ra luôn. Vậy nên khi vừa sạc vừa sử dụng thì mạch này sẽ phải làm việc ở cường độ rất cao.

Kết hợp với việc lượng điện tiêu thụ sẽ chuyển thành nhiệt trên Pin kể cả lúc nạp, nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng tới mạch sạc gần đó, khiến máy nóng lên nhanh hơn rất nhiều, thậm chí là nổ máy như nhiều trường hợp bạn thấy trên báo đài đấy…

Có thể kể đến scandal to nhất là Samsung Note 7 được mệnh danh là bom Phone, và nguyên nhân được công bố là từ Pin và mạch sạc của Note 7 không đủ chất lượng.

linh-kien-nao-phat-nhiet-nhieu-nhat-trong-dien-thoai (1)

#3. Màn hình

Vâng, nghe thì có vẻ hơi vô lý nhỉ, màn hình chỉ là một tấm nền mỏng dính như thế thì làm sao mà lại có thể gây nhiệt độ cao hơn cho chiếc điện thoại được – bạn đang nghĩ thế đúng không ?

Thực ra là có đấy, về cơ bản thì các màn hình điện thoại là tập hợp của những điểm LED tự phát sáng và chúng cũng tuân thủ định luật bảo toàn năng lượng như mình đã nói ở trên.

Đọc thêm một bài viết này này bạn sẽ hiểu hơn:

Không khó để nhận ra chuyện này, một số điện thoại hay cụ thể là Apple đã có hiện tượng chơi game lâu là màn hình tự động giảm độ sáng, ngoài vấn đề về năng lượng ra thì đây cũng là cách để hạn chế sự tăng nhiệt đấy các bạn ạ.

Hay thực tế, các bạn thử bật độ sáng cao trên điện thoại tầm nửa tiếng mà xem, và hãy thử đặt tay lên màn hình và cảm nhận => nó sẽ nóng lên ngay cả khi bạn chỉ để sáng màn hình thôi mà không làm gì khác.

linh-kien-nao-phat-nhiet-nhieu-nhat-trong-dien-thoai (2)

#4. Nhiệt độ từ tay người dùng

Đây là điều dễ nhận thấy nhất, nhiệt độ cơ thể của con người luôn duy trì ở mức 37o C, khi ta chạm vào vật gì và giữ nó đủ lâu thì nguồn nhiệt này sẽ truyền qua điện thoại, có thể chỉ là trên bề mặt vỏ thôi nhưng nó cũng ảnh hưởng tới khả năng tản nhiệt của điện thoại rồi.

#5. Nhiệt độ môi trường

Vâng, đây cũng là một lý do khiến điện thoại nóng lên rất nhiều. Như mình đã có đề cập với các bạn ở trong phần #1 của bài viết.

Đó là điều kiện lý tưởng để sử dụng điện thoại. Khi điện thoại của bạn sử dụng trong một môi trường nóng thì tất nhiên, chiếc điện thoại bạn đang sử dụng sẽ rất nhanh chóng trở thành “cục than hồng” trên tay. Điều này thì không có gì để bàn cãi thêm ?

#6. Lời Kết

Xem thêm bài viết:

Vâng, trên đây là 5 lý do mà theo mình là nguyên nhân chính khiến điện thoại nóng lên nhanh chóng, thứ tự trong bài không ám chỉ thứ tự xếp hạng lý do nào là quan trọng nhất nhé các bạn. Nó là sự sắp xếp một cách rất ngẫu nhiên, OK !

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ tản nhiệt bên trong điện thoại, công nghệ chip, công nghệ Pin… thì nói chung, những chiếc điện thoại đã ngày càng trở nên “mát mẻ hơn” khi sử dụng so với trước đây rồi.

Tuy nhiên, như mình đã nói ở trên rồi đấy, mọi thiết bị điện hiện nay đều tuân thủ theo định luật bảo toàn năng lượng.

Nên bạn hãy luôn nhớ rằng, đừng sử dụng điện thoại ở cường độ cao quá lâu, và cũng hạn chế việc vừa sử dụng vừa sạc nhé… điều này không những ảnh hưởng trực tiếp tới độ bền của thiết bị mà nó còn nguy hiểm đến tính mạng của bạn nữa.

Hi vọng là bài viết này sẽ hữu ích với bạn. Xin cảm ơn các bạn đã đọc hết bài viết. Thank you !

CTV: Lê Đinh Hoàng Vũ – Blogchiasekienthuc.com