Blockchain là gì? Giải thích dễ hiểu nhất về Blockchain Update 01/2025

Nhiều bạn vẫn đang nghĩ blockchain như là một công nghệ để tạo ra các loại tiền kỹ thuật số (tiền điện tử, tiền ảo) chẳng hạn như đồng tiền Bitcoin, Litecoin, Ethereum,… có đúng không ạ!

Nhưng sự thực thì mục đích ban đầu của blockchain không phải là như vậy, và tiềm năng của blockchain còn lớn hơn thế rất nhiều.

Để đơn giản bài viết hơn thì trong khuân khổ bài viết này, mình sẽ không đi sâu vào các vấn đề mà người ta thường hiểu nhầm (mình sẽ có bài riêng) về blockchain, ví dụ như:

Cả internet chỉ có một blockchain?, chỉ có tin tặc mới xài blockchain?, blockchain là tên gọi khác của Bitcoin?,…

blockchain-la-gi (1)

#1. Blockchain là gì?

Về bản chất thì Blockchain chính là một công nghệ lưu trữ dữ liệu. Nhưng tất nhiên là blockchain sẽ không lưu trữ theo cách thông thường. Nó giúp giải quyết các vấn đề về niềm tin giữa 2 bên để giao dịch một cách an toàn tuyệt đối và bảo mật.

Những ưu điểm tuyệt vời của công nghệ blockchain mà mình có thể tóm gọn lại như sau:

  1. Là một công nghệ lưu trữ dữ liệu.
  2. Loại bỏ vai trò của bên thứ 3 (bên trung gian, ví dụ như ngân hàng, luật sư…), giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc…
  3. Tính minh bạch và bảo mật cực cao: Nó cho phép mọi người đều có thể biết các thông tin giao dịch của nhau, nhưng tất nhiên dữ liệu riêng tư của mỗi cá nhân thì vẫn được đảm bảo bí mật tuyệt đối.
  4. Không thể sửa đổi hay phá hủy: Không có bất cứ ai hay tổ chức nào có thể sửa đổi và phá hủy được, nó sẽ tồn tại mãi mãi => đây là một yếu tố then chốt để cả thế giới có thể đặt niềm tin vào blockchain.
  5. Đây cũng là công nghệ đã tạo nên đồng tiền Bitcoin. Nhiều người vẫn lầm tưởng Blockchain và Bitcoin là một => hiểu thế này sai quá sai nha các bạn. Bitcoin hay nhiều đồng tiền điện tử khác đều được xây dựng dựa trên nền tảng Blockchain mà thôi.

=> Đấy, tóm tắt lại thì là như vậy. Các bạn chỉ cần nhớ những ưu điểm của Blockchain thế là đã khá ổn rồi đấy.

Đơn vị lưu trữ cơ bản của Blockchain là một khối dữ liệu (Block). Tất cả các dữ liệu của chúng ta sẽ được đóng gói vào 1 khối.

blockchain-la-gi (1)

=> Sau đó khối này sẽ được khóa lại bằng thuật toán mã hóa. Một khi đã khóa xong thì dữ liệu này sẽ không thể nào thay đổi được nữa. Nó là một bằng chức bất di bất dịch tồn tại mãi mãi.

blockchain-la-gi (2)

Và các khối sau khi đã được tạo ra sẽ liên kết với nhau thành một chuỗi khối (như sợi dây xích) => và đây cũng chính là tên gọi của công nghệ chuỗi khối.

blockchain-la-gi (3)

Sự phát triển của blockchain sẽ trải qua 3 phiên bản như hình bên dưới. Nhìn vào hình là các bạn sẽ hình dung được luôn ?

blockchain-la-gi (4)

#2. Những đặc tính cơ bản của Blockchain

Công nghệ blockchain có thể hiểu đơn giản là cách thức ghi chép thông tin vào sổ sách, công nghệ này được lập trình ra để có thể ghi lại và theo dõi bất cứ thứ gì có giá trị (từ những giao dịch tài chính đến hồ sơ y tế, hoặc thậm chí là quyền sở hữu đất đai…).

Điểm khác biệt là thay vì chỉ ghi thông tin vào một cuốn sổ cái do một người hay tổ chức nào đó giữ (ví dụ như ngân hàng) thì nay công nghệ blockchain sẽ giúp cho cuốn sổ cái này được công khai và nhiều người có thể cùng giám sát những thông tin được ghi và sửa đổi trên cuốn sổ cái này.

Điều này, giúp cho tất cả những thông tin được lưu vào trong cuốn sổ cái này được minh bạch và chính xác hơn !

Vâng, bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem làm sao blockchain có thể thực hiện được điều đó – “Điều mà đã khiến nó trở thành một cuộc cách mạng trong cách con người tương tác với nhau”.

Giải thích thêm:

Phân tích về mô hình sổ cái tập trung (Centralized Ledger)

Đây là một mô hình phổ biến từ xưa đến nay, ví dụ điển hình là ngân hàng. Cụ thể là khi khách hàng mở tài khoản tại Ngân hàng X, và khi khách hàng thực hiện chuyển tiền cho nhau thì các thông tin giao dịch sẽ được lưu trữ tại cuốn sổ cái của ngân hàng X.

Trên thực tế thì cuốn sổ cái này chính là hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu của ngân hàng, hệ thống này rất phức tạp và đắt tiền => các ngân hàng sẽ phải chi rất nhiều tiền để bảo vệ hệ thống máy chủ này khỏi hacker => nói chung là rất nhiều rủi ro.

blockchain (1)

Mô hình sổ cái tập trung thường được cài đặt trong một hệ thống mạng máy tính tập trung gọi là Centralized Network.

Trong đó, máy chủ trung tâm đóng vai trò vô cùng quan trọng, toàn bộ máy trong mạng sẽ đề phụ thuộc vào máy chủ này. Bởi vì nếu máy chủ bị tấn công thì toàn bộ khách hàng sẽ bị ảnh hưởng.

blockchain

Phân tích về mô hình sổ cái phân tán (Distributed Ledger)

Đây chính là mô hình sổ cái mà blockchain đã sử dụng. Mô hình này sẽ loại bỏ đi vai trò của bên thứ 3, có nghĩa là người dùng sẽ không cần phải thông qua Ngân hàng X nữa.

Quyển sổ cái ghi chép và lưu trữ sẽ được phân phát cho tất cả mọi người, mỗi người đều được giữ một bản sao giống hệt nhau.

=> Vậy nên nếu hacker có tấn công được một người thì dữ liệu vẫn còn ở rất nhiều nơi khác. Và người tấn công cũng sẽ dễ dàng khôi phục lại dữ liệu gốc bằng cách sao chép của người khác => các bạn có thể thấy, nó vô cùng an toàn.

blockchain (3)

Trên thực tế thì blockchain được triển khai trên một hệ thống máy tính mạng ngang hàng (P2P), trong đó mỗi máy tính tham gia vào hệ thống được gọi là một Node, và tất cả các Node đều có chức năng và quyền hạn như nhau.

Trong mạng P2P sẽ không có máy nào là chủ, nhưng bản thân tất cả các máy đều là máy chủ. Hệ thống tồn tại dựa trên số đông và không lệ thuộc vào một cá thể nào.

Hệ thống có càng nhiều Node tham gia thì càng mạnh mẽ và khả năng bảo mật sẽ càng tốt hơn.

blockchain (4)

#3. Ví dụ cụ thể về ứng dụng của blockchain trong cuộc sống

Thứ nhất: Cách thức lưu trữ và theo dõi dữ liệu:

Blockchain lưu trữ thông tin trong các khối, các khối này được liên kết với nhau theo thời gian thực để tạo thành một chuỗi liên tục.

Vì vậy, blockchain có nghĩa là một chuỗi các khối, nếu một thông tin đã được lưu trữ thành công vào một khối rồi thì khối đó sẽ không cho phép bất cứ ai chỉnh sửa được nữa.

=> Vì thế, nếu muốn chỉnh sửa thông tin đó thì chỉ có một cách duy nhất là phải ghi thông tin lên một khối mới kèm theo thông tin của người đã chỉnh sửa, và thời gian cụ thể.

Nghe có vẻ cũng đơn giản vì Blockchain cũng chỉ dựa theo phương pháp ghi chép của bên tài chính, đó là không xóa dữ liệu cũ, để có thể theo dõi được sự thay đổi theo thời gian.

blockchain-la-gi (4)

Dưới đây 1 ví dụ cụ thể gắn liền với dân “nông thôn” đó là đất đai:

Giả sử đang có một sự tranh chấp giữa ông Khánh và bà Hoa về quyền sở hữu một mảnh đất của gia đình: Nhờ có công nghệ blockchain nên những thông tin liên quan tới mảnh đất này đều đã lưu trữ trong hồ sơ tổng (cuốn sổ cái).

Khi xem lại thông tin từ đầu, ta biết được rằng ông Tuấn là người đầu tiên sở hữu mảnh đất này vào năm 1985, sau đó, ông đã bán tài sản này cho bà Lan vào năm 1991, và một lịch sử giao dịch mới đã được ghi vào trong hồ sơ tổng.

Cứ tiếp tục như vậy, mỗi sự thay đổi quyền sở hữu liên quan tới mảnh đất này đều đã được ghi chép vào hồ sơ tổng dưới dạng như một lịch sử giao dịch mới.

Điều quan trọng là thông tin giao dịch cuối cùng liên quan tới mảnh đất này thể hiện rằng ông Khánh đã mua tài sản này từ cha của mình vào năm 2009.

Điều này có nghĩa là ông Khánh là chủ sở hữu hiện tại của mảnh đất này, điểm thú vị và độc đáo ở đây là không giống như việc lưu trữ các lịch sử giao dịch theo cách cũ, thường chỉ được lưu vào trong một hồ sơ tổng hoặc chỉ lưu trong một hệ thống duy nhất.

Mà thay vào đó, Blockchain được thiết kế để có thể phát tán thông tin có trong sổ cái lên ra một mạng lưới máy tính rộng lớn.

Đây là kiểu lưu trữ thông tin phi tập trung, việc lưu trữ thông tin phi tập trung sẽ hạn chế được việc giả mạo dữ liệu, hay là hack dữ liệu.. => điều này sẽ đưa chúng ta tới yếu tố thứ hai đã làm cho blockchain trở nên độc đáo hơn.

Để một khối mới có đủ điều kiện được thêm vào chuỗi, nó phải trải qua vài bước xử lý. Đầu tiên, một câu đố mật mã phải được giải để có thể tạo ra một khối mới, tất cả các máy tính trong mạng lưới sẽ cùng cố gắng giải câu đố này, nhưng chỉ có duy nhất một máy tính sẽ cho ra kết quả đầu tiên.

Máy tính giải được câu đố, sẽ chia sẻ kết quả cho những máy tính khác trong mạng lưới, đây được coi như là bằng chứng của công việc. Sau đó, tất cả các máy tính khác trong mạng lưới sẽ kiểm tra thông tin của kết quả giải câu đố trên.

Và nếu kết quả là đúng thì khối mới sẽ được thêm vào chuỗi. Chính sự kết hợp giữa những câu đố toán học và được xác minh bởi nhiều máy tính khác trong cùng mạng lưới đã đảm bảo rằng, mọi thông tin được lưu trong khối đó là minh bạch và chính xác.

Vì thế, chúng ta có thể tin tưởng vào những dữ liệu này, và vì chúng ta cũng là một phần trong mạng lưới đó nên chúng ta có thể tương tác trực tiếp với dữ liệu của mình trong thời gian thực.

Chính điều này đã dẫn chúng ta tới yếu tố thứ 3, yếu tố đã khiến cho công nghệ blockchain là một công nghệ thay đổi luật chơi đó là loại bỏ trung gian.

blockchain-la-gi (2)

Như hiện tại, khi làm ăn với các đối tác nước ngoài, các công ty thường phải thông qua trung gian là ngân hàng để tránh rủi ro hàng hóa đã xuất đi nhưng bên đối tác lại không chịu chuyển tiền.

Hoặc như khi đi mua đất đai, người mua đất cũng có thể thông qua trung gian ngân hàng để đảm bảo rằng các giấy tờ sang nhượng quyền sử dụng đất đã được hoàn thành rồi mới chuyển tiền cho bên người bán.

Cách làm ăn này có thể hạn chế được rủi ro nhưng nó cũng làm cho chúng ta phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn!

Quay trở lại ví dụ tranh chấp đất đai giữa ông Khánh và bà Hoa ở phía trên, nếu như thông tin quyền sở hữu mảnh đất của ông Khánh được lưu trong 1 blockchain, ông Khánh sẽ không cần phải thông qua luật sư và tòa án để có thể chứng minh rằng tài sản này là của mình nữa.

Vì chúng ta đã biết rằng tất cả các khối được thêm vào chuỗi đã được kiểm chứng thông tin là đúng sự thật và không thể bị giả mạo.

Khi đó, ông Khánh chỉ cần cho bà Hoa xem thông tin về quyền sở hữu của mình đã được lưu trữ an toàn trên blockchain => là sự tranh chấp coi như đã được giải quyết xong.

Kết quả là ông Khánh đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc cho trung gian (đó là luật sư) để giải quyết việc kiện tụng tại tòa án theo như cách thông thường.

Đây chính là kiểu tương tác ngang hàng (p2p) đáng tin cậy với dữ liệu, nó thực sự là cuộc cách mạng trong cách chúng ta truy cập thông tin, xác minh thông tin và tiến hành giao dịch với nhau.

Hơn thế nữa, vì Blockchain là một dạng công nghệ chứ không phải là một mạng lưới đơn lẻ nên nó có thể được áp dụng theo nhiều cách và nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tùy theo mục đích sử dụng mà một số blockchain có thể hoàn toàn công khai cho tất cả mọi người sử dụng, một số blockchain khác thì chỉ cho phép công khai trong một nhóm các công ty, hoặc một nhóm các ngân hàng, hay là các cơ quan của chính phủ.

Cũng có những blockchain kiểu con lai, nghĩa là nó sẽ công khai hết dữ liệu cho mọi người xem nhưng chỉ cho phép một số người được cấp quyền thêm dữ liệu mới. Ví dụ như chính phủ có thể sử dụng blockchain kiểu con lai trong việc lưu trữ thông tin về quyền sở hữu đất đai.

Nhờ đó mà ông Khánh và bà Hoa có thể tránh được việc kiện tụng vì họ có thể tự kiểm tra thông tin ai là người đang sở hữu mảnh đất hiện tại thông qua dữ liệu đang có trên blockchain.

blockchain-la-gi (3)

#4. Kết luận

Đọc thêm:

Kết hợp cả 3 yếu tố kể trên thì chúng ta có thể lưu trữ dữ liệu phi tập trung, để tạo ra những dữ liệu đáng tin cậy và loại bỏ trung gian trong việc tương tác với nhau.

Điều này đã khiến cho công nghệ blockchain thực sự trở thành một cuộc cách mạng trong cách mà chúng ta tương tác với nhau, tương tự như sự trỗi dậy của Internet trong những năm gần đây vậy.

Tiêu đề có từ “dân nông thôn” không có ý miệt thị giàu nghèo gì cả, hiểu đơn giản là nói chung “dân nông thôn không rành về các công nghệ này lắm”. OK !

Mình đây khi xem SharkTank, nghe các startup nói về Blockchain, Big Data, AI,… các thứ mà đau hết cả đầu, nên đã quyết định viết một bài thật đơn giản như này để các bạn có cái nhìn đơn giản hơn về một công nghệ có khả năng sẽ là tiêu chuẩn của con người trong thời gian tới.

CTV: Dương Minh Thắng – Blogchiasekienthuc.com
Có tham khảo thông tin trên chanel #Rất-Đơn-Giản