Chia sẻ kinh nghiệm mua một chiếc máy tính PC cũ Update 01/2025

Có rất nhiều anh em ở đây muốn tự build một chiếc PC cho riêng mình, nhưng thực tế cuộc sống thì không được như vậy, không phải ai cũng có đủ điều kiện để làm điều đó. Ai chả muốn được sử dụng đồ mới, được sử dụng đồ do chính mình chọn lựa..

Nhưng nếu không có đủ điều kiện để mua một chiếc máy tính mới thì việc chọn mua một chiếc máy tính cũ, một chiếc máy tính thanh lý sẽ là sự lựa chọn phù hợp hơn vào lúc này.

Và rõ ràng rồi, khi mua đồ điện tử thì sẽ có phần trăm rủi ro bị lỗi, thậm chí đó là đồ mới. Vậy nên, việc mua một thiết bị điện tử cũ lại ẩn chứa rủi ro hơn gấp nhiều lần nữa, chính vì thế mà bạn cần phải trang bị một số kiến thức trước khi quyết định xuống tiền nhé.

#1. Tốt nhất là nên mua trực tiếp, đừng mua online

Cấu tạo của một chiếc máy tính PC gồm có rất nhiều linh kiện theo kèm: Nào là Ram, nào là ổ cứng, nào là CPU, GPU, nguồn…..

Vì vậy, khi đặt mua online rất có thể bạn sẽ nhận được một chiếc PC bề ngoài thì giống với ảnh chụp giao bán, nhưng thực chất những linh kiện bên trong đã bị thay đổi, hoặc không còn được lành lặn như khi giao bán nữa.

Đến mua trực tiếp thì bạn sẽ giảm thiểu được những rủi ro này, bạn được tận mắt, tận tay kiểm tra các linh kiện bên trong máy.

Còn trong trường hợp bạn không đến trực tiếp để mua được, bởi bạn không có nhiều thời gian hoặc là nơi bán cách xa nơi bạn ở thì bạn hãy mua ở những cửa hàng lớn, uy tín, có số điện thoại, có địa chỉ cửa hàng rõ ràng, có thêm Email, website nữa thì càng tốt.

Còn nếu là mua lại của những người dùng cá nhân thì bạn hãy kiểm tra thật kỹ các trang mạng xã hội của người bán, xem họ có uy tín không, chúng ta phải nắm được đầy đủ các thông tin của người đó trước khi giao dịch, cần phải cầm đằng chuôi nhé các bạn !

Và tất nhiên rồi, bạn hãy yêu cầu người bán chụp từng ngóc ngách của chiếc máy tính đó, mở máy ra để chụp mainboard và các linh kiện bên trong, khi mua máy theo kèm những gì cũng chụp hết. Đó sẽ là bằng chứng nếu xảy ra tranh cãi ?

#2. Cấu hình máy cao nhưng mức giá rẻ cũng đừng ham

Tất cả các thông số cầu hình đều rất OK, đây đều là những thông số thật của máy tính, nhưng bạn nên hiểu là.

Không có cái gì ngon mà lại rẻ một cách bất thường cả (tức là rẻ hơn so với mặt bằng chung), bởi rất có thể những chiếc máy này được thải ra từ các quán Game, chúng hoạt động với cường độ liên tục và sắp nát rồi.

Bạn nên kiểm tra thật kỹ các linh kiện như ổ cứng, RAM, chip… bằng các phần mềm chuyên dụng. Và hãy chạy thử một vài phần mềm nặng (tương xứng với khả năng của cấu hình máy đó) xem có chạy OK không nhé.

#3. PC chạy êm, ít tiếng động lạ đặc biệt là khi khởi động

Có thể nhiều bạn nghĩ rằng PC thì lúc nào chẳng chạy êm, hay làm gì có tiếng động nào. Nhưng trên thực tế thì có 2 nguyên nhân khiến PC phát ra tiếng động, đó là khi PC khởi động hoặc trong lúc chạy có tiếng động lớn là do ổ cứng và quạt tản nhiệt.

Đối với một số PC sử dụng ổ cứng HDD (mà máy cũ thì đa số là sử dụng ổ HDD thôi) nếu ổ cứng không tốt bạn sẽ nghe một tiếng rẹt rẹt khá nhỏ khi khởi động, nếu không để ý bạn sẽ không biết được.

Bởi khi khởi động xong rồi, máy chạy ổn định rồi thì sẽ không còn tiếng gì nữa, nhưng thực chất là ổ cứng đó có vấn đề, đây là kinh nghiệm của cá nhân mình với chiếc PC của mình.

Ngoài ra thì bạn có thể sử dụng phần mềm để kiểm tra trình trạng của ổ cứng đó xem thế nào: Cách kiểm tra tình trạng sức khỏe ổ cứng với CrystalDiskInfo

Còn đối với quạt tản nhiệt, những loại quạt tản nhiệt đi theo máy thường có độ ồn khá thấp, còn với những quạt tản nhiệt được độ/chế thêm, nếu là quạt tốt thì không sao, nhưng nếu quạt trôi nổi ngoài thì trường thì chúng sẽ có tiếng gió khá to và thậm chí là cảm giác nó đang rung lên bần bật.

Với những PC này thì bạn nên chú ý, nếu là quạt cũ thì có thể yêu cầu tra dầu, còn nếu quạt độ/chế thì nên cân nhắc bỏ đi và thay thế.

#4. Kiểm tra mặt lưng phía sau của bo mạch chủ

Nếu bạn hỏi tại sao phải làm thế thì bởi trên một mainboard, chỗ các khe cắm thiết bị/ linh kiện thường sẽ được phủ một lớp kim loại mỏng, rất khó bị gỉ sét (nếu gỉ thì chứng tỏ chúng đã quá cũ rồi, hoặc đã để trong môi trường ẩm không tốt).

Ở mặt trên của bo mạch chủ, nơi bạn nhìn thấy các linh kiện cũng vậy, chúng cũng được bảo vệ bởi một lớp sơn mỏng.

Ngoài ra, bạn nên mở nắp lưng sau máy để kiểm tra thêm. Phía sau main chúng ta chỉ thấy các chân hàn, và theo kinh nghiệm của mình thì bạn có thể quan sát các chân hàn này, nếu bị gỉ sét, không có sự đồng nhất về màu sắc thì rất có thể chúng đã được sữa chữa rồi.

#5. Nhìn màn hình ở nhiều góc

Có nhiều bạn khi kiểm tra màn hình thường chỉ nhìn trực tiếp, xem màu sắc, có đốm hay sọc gì không.

Nhưng các bạn nên thử nhìn từ các góc khác nhau (trên/ dưới/ trái/ phải), bởi một số lỗi như hở sáng, loang màu chỉ nhìn được ở các góc không phải trực diện với màn hình.

#6. Nên test Full công suất

Tất nhiên rồi, cách khiến chúng ta tin tưởng nhất là kiểm tra khi hệ thống chạy Full Load gồm CPU và GPU.

Bạn nên dành sự chú ý cho xung nhịp của CPU hay GPU, nếu chúng lên xuống chỉ vài đơn vị thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu hơn thì hãy cẩn thận thì rất có thể nó đang được nuôi bởi một bộ nguồn kém, không đủ công suất.

Về các bước kiểm tra từng linh kiện của máy tính thì trên blog đã có một bài hướng dẫn rất chi tiết rồi, bạn xem lại tại đây nhé, mình không nhắc lại để tránh bị loãng bài viết:

Vâng, trên đây là những mẹo nhỏ giúp bạn chọn được một chiếc máy tính PC cũ ưng ý. Mua mới thì không sao, chúng ta còn có bảo hành của hãng, nhưng mua cũ thì khác hoàn toàn, bạn phải thật cẩn thận để chọn lựa nhé.