Công Nghệ Thông Tin bao gồm những chuyên ngành gì? Update 11/2024

Chào các bạn, trong những năm trở lại đây, công nghệ thông tin đang trở thành một trong những ngành học rất “hot”. Và mình cũng đã đề cập tới điều này khá nhiều lần trong các bài viết trước rồi.

Nhưng việc báo đài thổi phồng điều này quá mức khiến cho nhiều bạn trẻ lao đầu vào học mà không hề có định hướng rõ ràng gì cả. Đến khi theo học rồi lại rơi vào bế tắc, thành ra xôi hỏng bỏng không, trở nên công cốc..

Vì vậy trong bài viết này mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu về một số những chuyên ngành trong ngành công nghệ thông tin để các bạn có thể nắm được cụ thể hơn. Ok, bắt đầu thôi nào !

cong-nghe-thong-tin-bao-gom-nhung-chuyen-nganh-gi (1)

#1. Công nghệ phần mềm

Một cách hiểu đơn giản thì công nghệ phần mềm là chuyên ngành các bạn dựa vào các kỹ thuật lập trình, ngôn ngữ lập trình và các công cụ khác để tạo nên một phần mềm nào đó.

Sản phẩm đó có thể là một ứng dụng web, một ứng dụng di động hoặc là một chương trình nhúng chạy trên các thiết bị phần cứng…

Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của các công nghệ cao thì cơ hội và nhu cầu việc làm của ngành công nghệ phần mềm là rất lớn và luôn thu hút đông đảo các bạn trẻ.

Chuyên ngành công nghệ này chủ yếu phù hợp cho những bạn nào thích lập trình thuần túy. Khi lập trình xong, thường ta sẽ tạo ra một sản phẩm gọi là “phần mềm”, “chương trình” hoặc “ứng dụng”.

Nếu bạn thực sự quan tâm đến cách thực hành và muốn học chuyên sâu hơn về phần mềm thì đây sẽ là một ngành lý tưởng dành cho bạn.

#2. Khoa học máy tính

cong-nghe-thong-tin-bao-gom-nhung-chuyen-nganh-gi (2)

Nếu như công nghệ phần mềm chủ yếu đào sâu vào việc tạo ra một ứng dụng phần mềm (đôi khi chúng ta không cần quá quan tâm đến hạ tầng phần cứng) thì khoa học máy tính là ngành học thiên về nghiên cứu các cơ sở lý thuyết, quá trình thực hiện, ứng dụng vào tính toán và thông tin trong hệ thống máy tính.

Đôi khi những nghiên cứu, lý thuyết đó được áp dụng cho việc tạo ra một phần mềm, giúp cho ngành công nghệ phần mềm có những công cụ mới trong phát triển phần mềm.

Học ngành này thì chúng ta sẽ được trang bị các kiến thức nền tảng và chuyên sâu về Khoa học Máy tính như:

Cấu trúc máy tính, ngôn ngữ lập trình phần mềm và phần cứng, trí tuệ nhân tạo, hệ điều hành, bảo mật và an toàn máy tính, xử lý dữ liệu khối lượng lớn từ mạng Internet và các mạng xã hội, thiết kế và phát triển các ứng dụng cho các thiết bị di động và môi trường web…

Có thể nói, đây là một trong những chuyên ngành khó, vì nó đào sâu vào lý thuyết. Vì vậy nếu bạn xác định theo học ngành học này thì bạn cần chuẩn bị một khối lượng kiến thức tương đối lớn.

#3. Hệ thống thông tin

Khi nói về “hệ thống” chúng ta phải nghĩ đến một tập hợp các thành phần kết hợp với nhau để có thể vận hành được. Đó có thể là hệ thống phần cứng, phần mềm, các thiết bị mạng…

cong-nghe-thong-tin-bao-gom-nhung-chuyen-nganh-gi (1)

Vì vậy, hệ thống thông tin là ngành học có nhiều yếu tố có mối liên quan với nhau, cùng thực hiện nhiệm vụ theo quy trình bao gồm: thu thập, xử lí, lưu trữ và phân phối, thông tin. Sau đó, tạo nên một cơ chế phản hồi đáp ứng mục tiêu đặt ra từ trước.

Đây là sự kết hợp giữa phần cứng, phần mềm, mạng truyền thông. Sử dụng để làm nhiệm vụ thu thập, xử lý, lưu trữ, phân phối thông tin và các dữ liệu nhằm thực hiện mục tiêu ban đầu.

Sinh viên sẽ được đào tạo để lĩnh hội tư duy về thuật toán, hệ thống, cũng như các kỹ năng thiết kế, tối ưu hóa cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó là vận hành, bảo trì, phát triển hệ thống thông tin.

Nếu bạn theo học ngành này các bạn sẽ phải tìm hiểu nhiều thành phần khác nhau của hệ thống. Đôi khi đây là một trở ngại với các bạn sinh viên vì các bạn khó có thể bao quát được khối lượng kiến thức như vậy.

#4. An toàn thông tin

Với sự phát triển của các hệ thống thông tin cũng như Internet, khi mà hàng triệu máy tính kết nối với nhau thì vấn đề an toàn thông tin, bảo mật thông tin là tất yếu.

cong-nghe-thong-tin-bao-gom-nhung-chuyen-nganh-gi (3)

Đó cũng chính là lý do ngành an toàn thông tin đang ngày càng phát triển, thu hút đông đảo các bạn trẻ theo học.

Cụ thể thì an toàn thông tin là hiểu và làm chủ được những công nghệ bảo mật phổ biến, ví dụ như các kỹ thuật mã hóa, giải mã các thông điệp và nắm được cách xây dựng một hệ thống mạng an toàn…

Cách thức phòng chống các cuộc tấn công từ chối dịch vụ, tìm hiểu cơ chế hoạt động của Virus, Worms, phần mềm độc hại để từ đó phát hiện và phòng tránh chúng.

Nếu bạn có đam mê với các công việc bảo mật, thích tìm hiểu cách một hệ thống an toàn được xây dựng như thế nào hay đơn giản chỉ muốn trở thành một kỹ sư bảo mật – ngầu như mấy anh hacker thì đây là ngành học dành cho bạn.

#5. Mạng máy tính và truyền thông

Mạng máy tính gần như là một thành phần không thể thiếu trong hệ thống thông tin hiện nay. Nó là kênh giao tiếp chính cũng là phổ biến nhất giữa các máy tính với nhau.

cong-nghe-thong-tin-bao-gom-nhung-chuyen-nganh-gi (4)

Mạng máy tính và truyền thông cung cấp những kiến thức tổng hợp liên quan đến mạng máy tính và truyền thông, ví dụ như: thiết kế hệ thống mạng, chuyển mạch và định tuyến, mạng LAN và WAN, các hệ điều hành…

Ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu còn là một ngành nghiên cứu những nguyên lý của mạng, cách thiết kế, xây dựng một hệ thống mạng từ mạng nội bộ cho đến mạng diện rộng có kết nối toàn cầu.

Đây là một ngành học phù hợp cho những bạn ham thích khám phá công nghệ, giao tiếp với nhiều người trên khắp thế giới mà chỉ cần thông qua chiếc máy tính có kết nối mạng Internet.

Đồng thời, với những hiểu biết về mạng máy tính, các bạn có thể xây dựng được cho mình một không gian chuyên môn của mình trên Internet.

#6. Kỹ thuật máy tính

cong-nghe-thong-tin-bao-gom-nhung-chuyen-nganh-gi (5)

Chúng ta có công nghệ phần mềm (hay còn gọi là kỹ thuật phần mềm) là ngành chủ yếu làm việc với phần mềm – thì kỹ thuật máy tính là ngành thiên về làm việc với phần cứng hơn.

Kỹ thuật máy tính nghiên cứu các nguyên lý, phương pháp để thiết kế và phát triển các hệ thống phần cứng, phần mềm để phục vụ cho hoạt động của các thiết bị phần cứng đó.

Kỹ thuật máy tính được nói đến trong nhiều khía cạnh của máy tính, từ thiết kế các mạch điện tử đơn giản đến thiết kế vi xử lý, máy tính cá nhân và kể cả các siêu máy tính.

Đặc biệt trong việc thiết kế các hệ thống nhúng dùng trong hầu hết các thiết bị điện – điện tử như điện thoại di động, xe hơi, các bộ điều khiển trong các máy móc, các robot công nghiệp.

Đây là ngành học phù hợp với các bạn thích làm việc với các thiết bị điện tử, thích các bảng mạch, vi mạch…

#7. Lời Kết

Vậy là mình đã cùng các bạn tìm hiểu về 6 chuyên ngành phổ biển nhất trong ngành Công Nghệ Thông Tin nói chung rồi ha.

Việc lựa chọn chuyên ngành còn tùy thuộc vào định hướng cũng như sở thích của mỗi người. Nhưng mình hi vọng qua bài viết này sẽ giúp các bạn phần nào có cái nhìn rõ ràng hơn.

Tránh tình trạng mông lung khi phải đưa ra quyết định theo chuyên ngành nào. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nha !

Đọc thêm:

CTV: Nguyễn Đức Cảnh – Blogchiasekienthuc.com