MicroLED là gì? Tìm hiểu kỹ hơn về màn hình MicroLED Update 01/2025

Mình cứ tưởng những màn hình thuộc họ OLED hay AMOLED sẽ là nấc tiến hoá cuối cùng của màn hình TV và Smartphone rồi.

Nhưng nào ngờ trong những năm gần đây, màn hình MicroLED lại trở nên ồn ào như vậy, và thực sự là nó đang đe dọa đến ngôi vương của OLED.

man-hinh-microled-dang-de-doa-den-su-song-con-cua-oled (1)

Trong một thị trường tràn ngập các công nghệ màn hình: Nào là IPS LCD, Super AMOLED, Plasma TV, QuantumDot TV,… thì MicroLED lại nổi bật hơn cả và được giới công nghệ đặc biệt quan tâm.

Vậy sự thực thì MicroLED đang sở hữu những quyền năng gì mà nó lại thu hút giới công nghệ như vậy? mời các bạn hãy cùng mình tìm hiểu kỹ hơn về màn hình MicroLED trong bài viết này nhé !

Đọc thêm:

#1. MicroLED là gì?

Định nghĩa về màn hình MicroLED: Đây là loại màn hình được cấu tạo bởi những mảng bóng đèn LED với kích thước siêu siêu nhỏ để tạo thành các điểm ảnh cơ bản. Và mỗi điểm ảnh này thì lại được tạo ra từ 3 điểm ảnh phụ với 3 màu sắc cơ bản đó là: Đỏ, Xanh và Lam (RGB).

Như bạn có thể thấy ở hình bên dưới, bên trái là bóng LED dùng để chiếu sáng cho màn LCD, còn bên phải là bóng của MicroLED. Bạn thấy rõ ràng rằng bóng MicroLED nhỏ hơn rất nhiều so với bóng LED thông thường.

man-hinh-microled-dang-de-doa-den-su-song-con-cua-oled (2)

Cụm từ MicroLED hay còn được biết với những cái tên khác như mLED hoặc µLED (có nghĩa là Công nghệ tấm nền màn hình phẳng) đã xuất hiện cách đây 6 – 7 năm rồi, nhưng chưa được áp dụng rộng rãi mà thôi !

Và cách thức hoạt động thì màn hình MicroLED khá giống với công nghệ màn hình OLED, tức là mỗi điểm ảnh trong màn hình MicroLED đều có khả năng tự phát sáng khi có dòng điện chạy qua, mà không cần đến tấm nền phụ như màn hình LCD.

Tuy nhiên, màn hình MicroLED lại có độ sáng cũng như độ tương phản cao hơn cả OLED và LCD. Ngoài ra, nó lại tiêu tốn ít điện năng hơn, hiệu suất hoạt động lại cao hơn và bền hơn.. một sự vượt trội rõ ràng !

Với MicroLED, người dùng có thể ghép nhiều tấm nền lại với nhau, kiểu như “module” ấy, giúp cho việc mở rộng kích thước hoặc là thay đổi tỉ lệ màn hình (từ 16:9 sang 4:3, thậm chí là 1:1) rất nhanh chóng và dễ dàng.

#2. Cấu tạo của màn MicroLED

Màn MicroLED bao gồm các bóng đèn LED với kích thước hiển vi (< 100 micromet), được đặt trên một tấm nền TFT.

Mỗi một bóng đèn LED đều có các điểm ảnh phụ với đầy đủ 3 màu sắc cơ bản (Đỏ, Xanh và Lam (RGB)) có thể tự phát ra ánh sáng khi có dòng điện đi qua.

Hợp chất vô cơ được sử dụng trong màn hình Micro LED là Gallium Nitrade (GaN).

cau-tao-cua-microled-1

#3. Tại sao màn MicroLED lại “cửa trên” so với màn OLED?

Nói lại một chút về màn LED và OLED nha các bạn: Với điểm yếu cố hữu của các màn hình hệ LED, đó là phải cần đèn nền (backlight) để hiển thị hình ảnh, dẫn đến việc tiêu tốn điện năng, độ tương phản cũng như góc nhìn thua kém xa so với các màn hình hệ OLED.

Do màn hình hình OLED cho phép các điểm ảnh tự phát sáng (emissive display) khi có dòng điện chạy qua nó, nên nó không cần đến đèn nền.

Thêm nữa là nhờ thiết kếvà công nghệ tiên tiến đã giúp giảm bớt các thành phần => giảm độ dày cũng như đơn giản hóa quy trình sản xuất hơn.

Những đặc điểm dễ nhận ra của màn hình OLED đó là: Cho ra màu đen sâu tuyệt đối – một yếu tố rất quan trọng để có thể đánh giá được chất lượng hình ảnh, màu sắc hoàn hảo, góc nhìn rộng…

=> Nói chung nếu nói về ưu điểm thì rõ ràng là màn OLED vượt trội hơn hẳn so với màn hình LED.

uu-diem-cua-man-hinh-microled-1

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là màn OLED không có điểm yếu ! Và những điểm yếu của màn hình OLED đã giúp cho màn MicroLED có cơ hội cạnh tranh gay gắt hơn, thậm chí là màn MicroLED còn ở kèo trên.

Đó là màn hình OLED được cấu thành từ vật liệu hữu cơ (Organic Compound) nên giá thành khá cao, độ sáng bị giới hạn hơn, khó sản xuất các màn hình cỡ lớn.

Có lẽ màn hình 88 inch HDR 8K Z9 của LG là màn hình thuần OLED lớn nhất đến thời điểm hiện tại, thêm nữa là hiện tượng “cháy hình” / burn-in là vết nhơ lớn nhất của loại màn hình này.

Trong giới công nghệ, người ta gọi màn hình MicroLED là thế hệ tiếp theo của màn OLED, nói như vậy là bạn cũng đủ hiểu rồi đúng không ?

Mà phiên bản tiếp theo thì chỉ có “cải tiến” lên chứ không có chuyện “cải lùi” xuống. Vì vậy, rõ ràng là giới công nghệ đã khẳng định màn hình MicroLED vượt trội hơn so với màn hình OLED.

#4. Ưu điểm vượt trội của màn hình MicroLED?

MicroLED sử dụng vật liệu vô cơ (Inorganic Compound) giúp sản phẩm đạt độ bền cao hơn hẳn so với vật liệu liệu hữu cơ của hệ OLED: điều này giúp cho MicroLED chống chọi tốt hơn với độ ẩm, nhiệt độ và sự thoái hóa theo thời gian…

Về lý thuyết thì công nghệ màn hình MicroLED hứa hẹn sẽ còn tốt hơn OLED: Như mình đã nói bên trên đó là, MicroLED cho ra màu đen hoàn hảo, góc nhìn vượt trội, màu sắc chính xác tuyệt vời,… thậm chí là độ sáng cao hơn, thiết kế mỏng hơn, không bị hiện tượng “cháy hình / burn-in”.

man-hinh-microled-dang-de-doa-den-su-song-con-cua-oled (3)

Trước đây, người ta đã từng nghi ngờ về MicroLED là công nghệ không khả thi – khi vào năm 2016, Sony cho ra mắt màn hình Crystal LED (phiên bản MicroLED riêng của Sony) với mức giá từ 400,000$.

Đặc biệt là họ chỉ bán các màn hình siêu to khổng lồ, từ 146 inch trở lên, vượt xa khả năng chi tiêu/nhu cầu của đa số người tiêu dùng.

Nhưng sau đó, MicroLED đã được hồi sinh khi “anh cả” Samsung vào cuộc, dự tính từ năm 2021 thì Samsung sẽ thương mại hoá các sản phẩm màn hình MicroLED với các dòng: Crystal LED C-Series và B-Series.

Và những gì mà mình hình MicroLED làm được tại sự kiện CES 2020 đã gây ấn tượng thực sự mạnh đối với dân công nghệ.

Với kích thước màn hình lớn, thậm chí rất lớn, độ sáng cao và màu sắc hoàn hảo. Hiện tại thì mới chỉ có Samsung, Sony và Konka là thương mại hóa trên thị trường, nhưng giá thành thì đang ở “trên mây”, rất khó để tiếp cận.

Có lẽ sau này các hãng sẽ ưu tiên dùng MicroLED để phát triển phân khúc màn hình siêu to, hướng đến lĩnh vực quảng cáo, truyền hình,… thay vì làm các sản phẩm phổ thông, bởi như vậy khác gì họ tự cạnh tranh với chính mình?

Có lẽ chúng ta sẽ phải đợi thêm một thời gian dài nữa thì MicroLED mới trở nên thông dụng được như màn OLED hiện nay.

Nói tóm lại, những ưu điểm vượt trội của màn hình MicroLED được tóm gọn trong các yếu tố sau đây:

  1. Hiển thị màu sắc chính xác, chi tiết, chân thực, sắc nét, sống động và độ tương phản cao.
  2. Tiết kiệm điện năng: Điện năng tiêu thụ thấp hơn hẳn so với LED, OLED.. Điều này không những giúp tiết kiệm được tiền điện mà còn gia tăng tuổi thọ cho thiết bị nữa.
  3. Kích thước siêu mỏng và siêu nhẹ: MicroLED sử dụng bóng LED kích thước hiển vi (điểm ảnh siêu nhỏ) nên đương nhiên là hình ảnh cho ra sẽ mịn hơn, đẹp hơn, góc nhìn rộng hơn  so với công nghệ LED và LCD hiện tại.
  4. Tuổi thọ cao: Sử dụng vật liệu hữu cơ và tỏa ít nhiệt khi hoạt động nên độ bền cao hơn so với OLED và LCD.

#5. Ứng dụng của màn hình MicroLED vào thực tế

Vâng, với hàng loạt những ưu điểm tuyệt vời như vậy thì tương lai người ta sẽ dùng màn MicroLED để:

  • Sử dụng làm màn hình Tivi.
  • Sử dụng cho các thiết bị đeo thông minh, máy AR/VR và các thiết bị di động…
  • Sử dụng trong Rạp chiếu phim.
  • Sử dụng trong phòng họp hay các khu vực tiền sảnh (cung cấp thông tin và các chỉ dẫn..)
  • Sử dụng tại các điểm bán hàng, sân bay, trung tâm thương mại hay là các Bến vận tải hành khách…..
  • Sử dụng trong các sân vận động…………….

#6. Tổng kết

Trên là là những thông tin quan trọng về màn hình MicroLED mà bạn nên biết. Mình sẽ tiếp tục cập nhật vềmàn hình MicroLED tại đây, vậy nên nếu bạn quan tâm đến công nghệ màn hình này thì hãy Bookmark lại bai viết này để tiện theo dõi hơn nhé.

Và nếu bạn vẫn đang dùng màn hình LCD thì cũng đừng chạnh lòng khi những công nghệ màn hình liên tục ra đời: OLED, AMOLED, QLED, Mini-LED, MicroLED,…

Trừ khi bạn là người làm đồ họa cao cấp hay bạn cực kỳ khó tính trong việc giải trí với TV/ máy tính, bởi dẫu sao thì LCD vẫn đảm bảo tốt cho nhu cầu xem phim, xử lý nội dung hình ảnh.

MicroLED sẽ là màn hình tiêu chuẩn của tương lai bởi kiến trúc hoàn hảo, vừa cải thiện được những yếu điểm của LCD và OLED, vừa có những tính năng ưu việt – trong khi vẫn đảm bảo chi phí sản xuất hợp lý.

Okay, hi vọng là bài viết này sẽ hữu ích với bạn, chúc các bạn một ngày tràn đầy năng lượng nhé ?

CTV: Dương Minh Thắng – Blogchiasekienthuc.com