Tính năng Refresh (F5) ngoài Desktop có tác dụng gì? Update 01/2025

Vâng ! một thói quen mà mình tin chắc bất kỳ một người sử dụng máy tính nào, dù là gà mờ hay chuyên nghiệp cũng đều vẫn hay làm đó là nhấn chuột phải ở ngoài màn hình Desktop và chọn Refresh hoặc là nhấn F5 liên tục.

Điều này có tác dụng gì không thì không biết nhưng cứ phải làm mấy phát cho nó mát máy cái đã rồi muốn làm gì thì làm ♥‿♥

Vậy thực sự tác dụng của chức năng Refresh (F5) là gì mà lại nhiều người sử dụng nó như vậy ? bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về vấn đề này nhé !

#1. Refresh là gì ?

tinh-nang-refresh-tren-windows-1

Refresh dịch ra Tiếng Việt thì nó có nghĩa là “làm mới, làm tươi” lại. Nhưng các bạn đừng hiểu nhầm với tính năng Refresh lại hệ điều hành Windows nhé, nó khác hoàn toàn đấy.

Ở trong bài viết này chúng ta chỉ đang bàn tới việc sử dụng tính năng Refresh ngoài màn hình Desktop mà thôi.

#2. Tác dụng của tính năng Refresh (F5) trên máy tính?

Nó là một cách làm thủ công để giúp máy tính của bạn cập nhật lại các biểu tượng hay đường dẫn mà bạn vừa mới thay đổi mà thôi.

Ví dụ như bạn vừa đưa một file mới vào môt thư mục, bạn copy ra đâu đó hoặc có thể là bạn vừa thực hiện thay đổi tên, thay đổi định dạng…. của chúng nhưng lúc này hệ thống không thể tự động cập nhật các thay đổi thì lúc này tính năng Refresh sẽ có tác dụng cập nhật lại các thay đổi về trạng thái mới nhất.

Thực sự thì chỉ với những máy cấu hình thấp và những máy đời cũ mới hay xảy ra hiện tượng không tự động cập nhật được thôi, chứ với những máy tính đời mới hiện nay thì rất hiếm khi xảy ra tính trạng đó và bạn cũng không cần phải sử dụng Refresh một cách thủ công như vậy.

Vậy nó ít có tác dụng như vậy mà Microsoft lại vẫn để đó mấy chục năm nay, hơn nữa nó còn là mặc định ở menu chuột phải nữa?

Điều này chắc chắn là phải có lý do của nó, tuy là không nhiều tác dụng nhưng nó lại cực kỳ cần thiết, mình lấy ví dụ như:

  • Sắp xếp lại các biểu tượng icon: Chỉ 1 thao tác thôi là Desktop sẽ gọn gàng và được sắp xếp theo một trật tự rất ngăn nắp.
  • Đôi khi bạn nháp đúp chuột vào 1 icon ngoài Desktop nhưng lại không thể khởi động được ứng dụng/ phần mềm đó thì lúc này bạn cũng có thể sử dụng tính năng Refresh để giải quyết vấn đề.
  • Hoặc như mình đã nói ở trên, nếu như bạn vừa thực hiện copy hoặc sửa chữa tên, định dạng của một file/ folder nào đó mà vẫn không thấy có thay đổi gì thì chỉ cần Refresh 1 cái là ngon lành ngay.

#3. Refresh có làm máy tính bạn chạy nhanh hơn?

Đầu tiên mình phải khẳng định là KHÔNG nhé ! Nó không có tác dụng giải phóng bộ nhớ RAM hay là đóng lại các tiến trình đang chạy ngầm như mọi người vẫn lầm tưởng đâu nhé.

Chính vì vậy mà tính năng Refresh không có tác dụng làm máy tính của bạn chạy nhanh hơn mà nó chỉ giúp máy tính chạy mượt hơn mà hơn thôi.

#4. Đọc xong bài viết này bạn sẽ làm gì?

Đây cũng chỉ là một thói quen mà thôi, nhiều khi mở máy ra cũng chưa biết phải làm gì nên tranh thủ Refresh vài phát để có thời gian suy nghĩ xem nên làm gì trước tiên. Nên xem phim hay chơi game ?

Mình thấy nhiều người vừa khơi động máy lên 1 cái là điên cuồng nhấn F5, nhìn mà chóng hết cả mặt (•‿•)

Điều này thực sự là không cần thiết mà thay vì nhấn nhiều như vậy, bạn chỉ nên nhấn F5 sau mỗi lần vừa thực hiện thay đổi gì đó thôi để cho đỡ mất thời gian nhé !

Hi vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn, chúc các bạn thành công !

Kiên Nguyễn  – Blogchiasekienthuc.com