Bạn đang xem: Thủy tổ là gì
Viết gia phả là viết sử của họ tộc, vì vậy người biên tập phải hết sức thận trọng, trung thực, công tâm và khách quan. Không được thiên vị nói hay cho chi họ này, nói điều không hay cho chi họ khác. Cũng không nên khoa trương, khuyếch đại quá mức những ưu điểm của họ mình. Lời văn trong gia phả phải ngắn gọn, rõ ràng; từ ngữ dùng phải trong sáng, dễ hiểu. Một trong những mục đích chính của viết gia phả là để các thế hệ sau này khi đọc thấy tự hào đối với Tổ tiên, ông cha dòng tộc mình, bởi vậy cần nêu cao truyền thống tốt đẹp, biểu dương những tấm gương sáng về đạo đức, phẩm hạnh, về sự cống hiến cho dòng tộc, cho quê hương, đất nước của những người con tiêu biểu trong họ. Đối với những mặt hạn chế, nhược điểm, cần có cách trình bày mềm mại, dùng từ ngữ tế nhị để con cháu hoặc những người liên quan trưc tiếp không bị mặc cảm.
Một số phả cũ thường chỉ viết những thế hệ trước, những người đã quá cố và chỉ viết về con trai. Ngày nay chúng ta viết phả nên viết đầy đủ từ cụ Tổ đời thứ nhất đến những cháu nhỏ được sinh ra trước thời điểm dựng phả; viết cả con trai, con gái, cả cháu nội, cháu ngoại. Riêng cháu ngoại do đã mang họ khác nên nếu không có gì đặc biệt thì không mở rộng chi tiết.
Khi nghiên cứu các bản gia phả cũ, có một số tên gọi và từ ngữ trước đây hay sử dụng nhưng theo tập quán ngày nay ít dùng đến, chúng ta cũng nên tìm hiểu để biết được ý nghĩa của nó.
Tên Húy: là tên cha mẹ đặt cho từ nhỏ lớn lên it được nhắc đến mà được gọi bằng một tên khác, dân thường hay gọi là tên Tục. (Một số từ điển giải nghĩa tên Tục là tên do cha mẹ đặt cho lúc mới sinh, chỉ gọi lúc còn bé, thường là từ Nôm, nghĩa xấu xí, mục đích tránh sự theo dõi, để ý của ma quỷ cho dễ nuôi. Tuy nhiên một số vùng người ta không phân biệt xấu hay đẹp, cứ tên cha mẹ đặt cho để gọi lúc bé đều gọi là tên Tục chứ không gọi là Húy. Húy chỉ dùng khi viết).
Tên Tự (tên chữ): là tên của giới trí thức tự đặt thêm cho mình, thường lấy chữ của một câu trong sách cổ có ý nghĩa liên quan đến tên Húy hay chứa đựng tên Húy. Tên Tự chỉ dành cho con trai từ 20 tuổi trở lên. Thí dụ: Nguyễn Sinh Cung tự Tất Thành, Nguyễn Bỉnh Khiêm tự Hanh phủ, Ngô Thì Nhậm tự Hy Doãn…
Một nghĩa khác của tên Tự đó là tên đặt cho một người đàn ông qua đời để khấn đọc khi cúng giỗ, dựa vào tên thường gọi hay phẩm chất của người đó, dùng âm Hán Việt với từ đầu thường là Phúc (phúc đức), Trực (ngay thẳng), Thuần (thuần khiết)… Thí dụ: tự Phúc Thành, tự Trực Bình, tự Thuần Hậu…
Tên Hiệu: là tên của giới trí thức tự đặt thêm cho mình bên cạnh tên vốn có, dùng từ ngữ Hán Việt có nghĩa đẹp đẽ, để gọi nhà ở, chỗ ở, nơi đọc sách, viết văn, bản quán hoặc thể hiện tâm trí cá nhân, thường hay dùng một trong các từ: Trai (nhà sách), Hiên (mái nhà), Am (nhà nhỏ), Đường (nhà lớn), Sơn (núi) Giang, Xuyên (sông)…và một số từ khác. Thí dụ: Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai, Ngô Thì Nhậm hiệu Đạt Hiên, Cao Bá Quát hiệu Cúc Đường, Trần Tế Xương hiệu Vị Xuyên …
Xem thêm: Tripadvisor Là Gì – Tìm Hiểu Những Thông Tin Cơ Bản Về Tripadvisor
Một nghĩa khác của tên Hiệu, đó là tên đặt cho một người phụ nữ qua đời để khấn đọc khi cúng giỗ, dựa vào tên vốn có hoặc phẩm hạnh của người đó, dùng từ Hán Việt với chữ đầu thường là Diệu (đẹp, khéo léo), Mỹ ( xinh đẹp), Từ (hiền từ), Thục (hiền thục)… Thí dụ: hiệu Diệu Tâm, hiệu Mỹ Xuân, hiệu Từ Tín… Ngoài ra một số nữ Phật tử có công lao, phẩm hạnh được nhà chùa đặt cho một tên hiệu, khi qua đời lấy luôn tên này để đọc cúng bái.
Xin được nói rõ thêm, trước đây một số vùng ở miền Bắc nước ta, con trai con gái lớn lên lấy vợ lấy chồng, khi có con thì không gọi bằng tên vốn có (tên húy, tên tục) của mình nữa mà lấy tên con đầu lòng gọi cho bố mẹ. Khi đã có con mà gọi tên húy, tên tục của bố mẹ thì như chửi người ta. Vì thế nhiều trường hợp con cái không biết tên cha mẹ, còn các cháu không biết tên ông bà là chuyện thường. Chính bởi vậy khi qua đời con cháu hoặc thầy cúng phải đặt cho một cái tên để gọi khi cúng bái. Thầy cúng thường là những người có chút chữ nghĩa, đặt tên cho người quá cố thường dùng từ Hán Việt. Tên đặt cho đàn ông gọi là tên Tự, đặt cho đàn bà gọi là tên Hiệu. Thực chất đây là tên Thụy, nhưng trong gia phả và bia mộ người ta không ghi là Thụy mà ghi là Tự và Hiệu, có thể do nhận thức tên Thụy chỉ được dùng cho vua chúa, quan lại, còn dân thường thì không được dùng chữ này chăng. Khi đọc gia phả ta cần phân biệt tên Tự và tên Hiệu này khác với nghĩa vốn có của nó để không bị nhầm lẫn.
Tên Thụy (thụy hiệu): là tên đặt cho một người có địa vị xã hội mất đi, dựa vào cuộc đời và sự nghiệp của người đó. Có 2 loại tên thụy là công thụy và tư thụy. Công thụy là do vua đặt cho; tư thụy là do con cháu, bà con, bạn bè, môn đệ đặt cho. (Đôi khi có người còn sống tự đặt tên Thụy cho mình). Tên Thụy thường để ca tụng tài đức của người quá cố và để khần đọc khi cúng bái nên còn được gọi là tên tụng, tên hèm, tên cúng cơm.
Thụy hiệu của nhà vua thường được ghép vào Miếu hiệu để đọc, và gọi là Thánh thụy. Thí dụ: Thánh thụy của Quang Trung là Thái tổ Võ Hoàng đế, của Gia Long là Thế Tổ Cao Hoàng đế…
Miếu hiệu : là tên của vua băng hà được vua kế vị hoăc triều thần truy tôn để viết lên bài vị hay trên các bài văn tế để đọc khi cúng bái. Thường thì các vị vua đầu, khai sáng ra Vương triều được truy tôn là Tổ, các vua kế tục truy tôn là Tông. Thí dụ: Thái Tổ, Thế Tổ, Anh Tông, Minh Tông, Nhân Tông, Thánh Tông…
Ngoài ra còn nhiều các danh xưng khác như: Mật danh, Bí danh của những người hoạt động bí mật, Bút danh của các nhà báo, nhà văn, Nghệ danh của những người hoạt động nghệ thuật, Pháp danh của Phật giáo, Tên Thánh của Công giáo … trong các bản phả cũ ít thấy xuất hiện, song ngày nay viết phả sẽ phải đề cập đến nhiều, cũng như hệ thống chức vụ, phẩm hàm xưa nay đã có nhiều đổi khác, chúng ta nên tìm hiểu kỹ ở các lĩnh vực chuyên ngành để khi cần thì sử dụng cho chính xác.
Một khái niệm khác cũng hay được nhắc đến trong các phả cũ là Niên hiệu. Niên hiệu là thời gian gồm một hoặc một số năm nhất định được các vị Hoàng đế Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa sử dụng để đánh dấu thời gian trị vì của mình. Trong các tài liệu lịch sử, Niên hiệu dùng chủ yếu để nói về thời điểm diễn ra sự việc, nay ta viết hay dịch phả cũ đều quy ra năm dương lịch cho tiện. Việc quy đổi đã có bảng tra được trình bày trong bài viết Niên hiệu các Triều Vua Việt Nam.
Trong phả cũ hoặc trong cúng tế những bậc quá cố được viết và đọc khác với khi còn sống. Theo đó cha gọi là Hiền khảo, mẹ là Hiền tỷ; ông bà là Tổ khảo, Tổ tỷ; cụ (cố) là Tằng Tổ khảo, Tằng Tổ tỷ; Kỵ (can) là Cao Tổ khảo, Cao Tổ tỷ; Các bậc trên nữa gọi chung là Tiên Tổ các đời cho đến Thủy Tổ. Một số họ từ bậc Cao Tổ khảo, cứ thêm một bậc lại thêm một chữ “cao”, chẳng hạn: Cao Cao Tổ khảo, Cao Cao Cao Tổ khảo… Cách đọc này cũng khá bất tiện nên ít được dùng.
Xem thêm: Là Gì? Đơn Vị Tính Điện Áp Volt Là Gì ? Đơn Vị Điện Áp Volt Là Gì
Một cách gọi thông thường dễ hiểu hiện được nhiều người dùng là gọi chung cụ Tổ kèm với số đời tính ngược từ bản thân trở lên. Thí dụ bản thân là đờì thứ nhất, cha mẹ là đời thứ hai, ông bà là đời thứ ba…, người ta gọi ông bà là Tổ đời thứ ba, cụ (cố) là Tổ đời thứ tư, kỵ (can) là Tổ đời thứ năm…
Có thể bạn quan tâm
Cách dựng bộ gia phả hoàn chỉnh
Gia đình, dòng họ và gia phả là gì?
Họ Trần có nguồn gốc và gia phả mộ tổ ở đâu?
Cách tạo sơ đồ phả hệ như thế nào?
Nếu có nhiều đời vợ thì sẽ phải nhập ntn?
Thiết kế gia phả các dòng họ
Chuyên mục: Định Nghĩa