Trang này tập hợp những từ ngữ thú vị mà các biên tập viên của Dự án bắt gặp trong quá trình hiệu đính, biên tập các bản dịch. Chúng tôi tập hợp các từ ngữ lên đây để độc giả không chỉ biết thêm về các vấn đề quan hệ quốc tế mà còn tích lũy thêm vốn từ tiếng Anh. Trang sẽ được cập nhật thường xuyên và hi vọng sẽ trở thành một nguồn tham khảo bổ ích, thư giãn với quý vị độc giả!
—-
27. Capital punishment & capital goods
Đây là hai cụm từ liên quan đến từ “capital” mà một số Cộng tác viên (CTV) đã dịch sai:
– Capital punishment: Án tử hình. Có CTV dịch là “trừng phạt tài chính”– Capital goods: Tư liệu sản xuất (Máy móc thiết bị, hay hàng hóa đầu vào dùng cho sản xuất). Có CTV dịch là “sản phẩm tư bản”.
Bạn đang xem: White goods là gì
26. Phân biệt authoritarianism (chủ nghĩa chuyên chế) và totalitarianism (chủ nghĩa toàn trị)
Một số bạn CTV có xu hướng dịch hai từ này lẫn lỗn nhau, hoặc cho rằng chúng có nghĩa như nhau. Tuy nhiên hai khái niệm này có sự khác biệt về ý nghĩa nhất định. Theo đó, “authoritarianism” chỉ các chế độ chính trị đòi hỏi sự phục tùng cao độ của dân chúng đối với chính quyền, hạn chế các quyền tự do chính trị, tự do dân sự, và thường được đặc trưng bởi sự cầm quyền kéo dài của một chính đảng nào đó (thường là chế độ độc đảng).Trong khi đó “Totalitarianism” cũng có những tính chất tương tự như vậy nhưng mức độ kiểm soát của chính quyền đối với cuộc sống người dân lớn hơn, tới mức có thể nói là mọi mặt cuộc sống của họ bị kiểm soát, quyền tự do chính trị, dân sự cực kỳ hạn chế.
Ở khu vực hiện nay, những chính thể như Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia… có thể gọi là “authoritarian”, còn “totalitarian” sẽ phù hợp hơn để miêu tả chế độ Bắc Triều Tiên hiện nay.
25. Good offices: Làm trung gian hòa giải (trong các cuộc xung đột)
Ví dụ: Such a charter would empower ASEAN’s secretary general to provide good offices.(Một bản hiến chương như vậy sẽ trao quyền cho Tổng thứ ký ASEAN để thực hiện vai trò trung gian hòa giải)
24. So sánh “rule of law” và “rule by law”
“Rule of law” (nền pháp quyền) chỉ sự thượng tôn pháp luật, trong đó mọi hoạt động trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đều phải tuân thủ pháp luật, lấy pháp luật làm nền tảng. Trong khi đó “rule by law” (nền pháp trị) nghĩa là cai trị bằng pháp luật, dùng pháp luật để quản lý xã hội (ví dụ thay vì dùng tôn giáo), chủ yếu hàm ý phục vụ lợi ích của tầng lớp cai trị.
Trong khi “rule by law” phổ biến ở mọi chế độ chính trị, thì “rule of law” không hẳn như vậy, vì luật pháp dù được áp dụng để quản lý xã hội nhưng vẫn có thể bị bẻ cong hoặc áp dụng một cách có chọn lọc, tùy tiện, phục vụ lợi ích của chính quyền. Nói cách khác, “rule by law” không đồng nghĩa với, hay tự động dẫn tới “rule of law”.
23. “Democrazy”, “freedamn”, “fewman rights”, “harmoney”
Đây là những từ mà người dân Trung Quốc đã chế ra như một cách mỉa mai nền chính trị nước này. Theo đó democrazy (dân chủ điên rồ) là một cách nói chế nhạo nền dân chủ của Trung Quốc; “freedamn” (tự do chết tiệt) là một cách mỉa mai về quyền tự do của người dân nước này, “fewman rights” (quyền của một số người) là cách họ nói mỉa về tình trạng nhân quyền, trong khi “harmoney” (hài hòa nhờ tiền) là cách họ chế nhạo lý tưởng xây dựng một xã hội hài hòa của nguyên Chủ tịch Hồ Cẩm Đào!
22. Phân biệt từ “sign” và “conclude”
Nhiều bạn CTV thường không phân biệt giữa hai từ “sign” và “conclude”, và thường dịch theo nghĩa như nhau là “ký kết”. Tuy nhiên, hai từ này có ý nghĩa và cách dùng hoàn toàn khác nhau, đặc biệt là khi nói tới các điều ước quốc tế đa phương.
Từ “sign” đơn thuần chỉ hành động ký vào văn bản đã được thỏa thuận của một điều ước, trong khi từ “conclude” nghĩa là bên ký đã hoàn thành toàn bộ quy trình pháp lý trong nước để cho điều ước đó có hiệu lực với mình (bao gồm việc ký, phê duyệt, hoặc phê chuẩn, hoặc các quy trình khác theo quy định pháp luật mỗi nước).
Vì vậy, “sign” cần phải dịch là “ký” chứ không phải “ký kết”, và một điều ước mới được ký thôi thông thường chưa tạo ra nghĩa vụ pháp lý ràng buộc đối với nước ký (signatory), trong khi “conclude” cần dịch là “ký kết”, nghĩa là khi đó điều ước đã trở nên ràng buộc với nước ký thông qua các quy trình pháp lý trong nước như đã kể trên. Khi đó, nước ký (signatory) trở thành bên tham gia, hay thành viên (party) của điều ước.
21. Dim sum bonds
Đây là từ chỉ các trái phiếu phát hành ở các nước ngoài Trung Quốc nhưng được định danh bằng đồng Nhân dân tệ chứ không phải đồng bản tệ. Trái phiếu dạng này được phát hành lần đầu ở Hong Kong năm 2007 nhưng nay đã được mở rộng ra các thị trường tài chính khác, và các nhà phát hành trái phiếu giờ đây không chỉ bao gồm các ngân hàng mà còn có cả các công ty đa quốc gia.
Trái phiếu dim sum thể hiện vai trò gia tăng của đồng NDT, và là một biện pháp được Trung Quốc khuyến khích nhằm quốc tế hóa đồng tiền này.
Từ dim sum bắt nguồn từ tên một món ăn phổ biến ở Hong Kong, nơi đầu tiên phát hành trái phiếu dạng này.
20. Pyrrhic victory
Đây là cụm từ chỉ một “chiến thắng cay đắng”, trong đó tổn thất của bên thắng cuộc không khác gì so với bên thua cuộc.Từ Pyrrhic bắt nguồn từ tên riêng của Pyrrhus (319-272 TCN), vua của xứ Epirus, một thành bang nằm ở rìa của Hy Lạp cổ đại. Năm 279 TCN Pyrrhus đánh bại người La Mã ở Asculum nhưng phải chịu tổn thất vô cùng nặng nề.
VD: Some Soviet military officers have asserted that victory is possible in nuclear war, but even they have acknowledged that such a victory would be Pyrrhic.(Vài sĩ quan quân đội Xô Viết khẳng định rằng chiến thắng là điều có thể xảy ra trong chiến tranh hạt nhân, nhưng ngay cả họ thâm chí cũng thừa nhận rằng một chiến thắng như vậy sẽ cay đắng chẳng khác nào thất bại.)
20. Canary in the coal mine
Đây là thành ngữ chỉ một dấu hiệu cảnh báo sớm cho thấy một điều nguy hiểm nào đấy đang đến gần. Thành ngữ này bắt nguồn từ việc các thợ mỏ ở các nước phương Tây trước kia có thói quen mang một lồng chim hoàng yến (canary) xuống hầm mỏ. Khi lượng khí độc như methane hay CO2 trong hầm vượt quá nồng độ an toàn thì con chim hoàng yến sẽ chết trước, giúp thợ mỏ nhận ra nguy hiểm và kịp thời rút ra khỏi hầm.
Ví dụ: In some exceptional cases, democracy could be at risk. The canary in the coal mine may be Hungary, which has come under intense criticism for Prime Minister Viktor Orban’s efforts to consolidate his party’s hold on power.(Trong một số ngoại lệ, nền dân chủ có thể đối mặt với rủi ro. Một nhân tố cảnh báo sớm có thể là Hungary, đất nước đã phải chịu nhiều chỉ trích vì Thủ tướng Viktor Orban đang cố gắng củng cố sự cầm quyền của Đảng mình).
19. Beggar-thy-neighbor policy
Đây là từ để chỉ các chính sách có lợi cho nước mình nhưng có hại cho các nước láng giềng. Một ví dụ điển hình là việc phá giá đồng nội tệ sẽ giúp một nước tăng xuất khẩu, nhưng đồng thời sẽ làm giảm sức cạnh tranh hàng xuất khẩu của các nước láng giềng.
Ví dụ: Rising populism and nationalism would inhibit regional cooperation and make beggar-thy-neighbor policies much more likely.(Sự gia tăng chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc sẽ ngăn cản hợp tác khu vực và dễ dẫn đến các chính sách có lợi cho mình nhưng có hại cho láng giềng hơn).
18. Pork barrel politics
Đây là cụm từ chỉ hoạt động chính trị mà trong đó các chính trị gia tìm cách đưa các dự án có thể tạo công ăn việc làm, doanh thu và các lợi ích khác (nhất là các dự án cơ sở hạ tầng) về các đơn vị bầu cử mà họ đại diện, qua đó có thể giành được sự ủng hộ từ các cử tri ở một khu vực nhất định mà họ đại diện trong khi ảnh hưởng tiêu cực hoặc không tính tới lợi ích của các đơn vị bầu cử khác.
Từ pork barrel (thùng thịt heo) được dùng theo nghĩa này được cho là từ khoảng thời kỳ Nội chiến Mỹ (1861-1865), liên quan đến một tục lệ trong đó các nô lệ được phát một thùng thịt heo làm phần thưởng và họ phải tranh giành nhau để giành được phần của mình.
Xem thêm: Phác Đồ Điều Trị Rối Loạn Tic Là Gì, Rối Loạn Tic (Tật Máy Giật) Là Gì
17. Bondholder haircut.
Trong lĩnh vực tài chính haircut nghĩa là phần chiết khấu khỏi giá trị thật của tài sản khi tài sản được thế chấp tại ngân hàng. Ví dụ, một lô đất giá trị 100 đồng nhưng ngân hàng chỉ chấp nhận thế chấp ở mức 75 đồng, để đề phòng rủi ro tài sản giảm giá, và phần chênh lệch 25 đồng được gọi là haircut. Tương tự, trong khủng hoảng các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, người ta áp dụng biện pháp này để buộc các trái chủ chấp nhận giảm giá trị trái phiếu đang gửi tại các ngân hàng (tức con nợ của họ) theo một tỉ lệ nhất định để giúp giảm số nợ của ngân hàng. Số chiết khấu này cũng có thể được biến thành cổ phần của các trái chủ trong các ngân hàng đó, làm giúp tăng quy mô vốn cho các ngân hàng. Giải pháp này được nhiều nước ủng hộ trong quá trình tái cơ cấu nợ của các ngân hàng vì nó chuyển chi phí sang các trái chủ, trong khi nếu dùng giải pháp giải cứu (bail out) thì nhà nước phải dùng ngân sách, tức tiền thuế của dân, để làm việc đó, dẫn tới các phản đối của người dân.
16. Rapprochement
Một số bạn khi dịch các bài về quan hệ Mỹ – Trung đã dịch từ “Sino-American rapprochement” là “bình thường hóa quan hệ Mỹ – Trung”. Dịch như vậy không thật chính xác mà phải dịch “rapprochement” là “quá trình xích lại gần nhau” giữa hai nước, vì thực tế quá trình này (rapprochement) bắt đầu từ khoảng (trước) 1972, với việc diễn ra chuyến thăm của Nixon tới Bắc Kinh và ngoại giao bóng bàn giữa hai nước, trong khi việc bình thường hóa chính thức (normalization) phải tới đầu năm 1979 mới diễn ra.
15. Quisling regime
Từ này bắt nguồn từ Vidkun Quisling (1887–1945), nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy trước 1941, người đã làm thủ tướng trong một chính phủ hợp tác với Đức Quốc xã trong phần lãnh thổ Na Uy bị Đức chiếm đóng trong Thế chiến II, từ năm 1941 đến năm 1945. Từ “Quisling” sau đó được dùng để mô tả các các chế độ bù nhìn bản địa được dựng lên để hợp tác với Đức Quốc xã (như ở Pháp, Hi Lạp, Nam Tư… trong Thế chiến II) nói riêng, hay các chế độ hợp tác với kẻ thù nói chung.
14. Burgher
Đây là từ chỉ những người thuộc tầng lớp thị dân sống trong các thành phố (thường có tường thành bao quanh) ở Châu Âu thời kỳ Trung Cổ. Từ này bắt nguồn từ chữ burgh trong tiếng Đức hay Hà Lan (chuyển thành burg trong tiếng Anh), nghĩa là các thành phố, thị trấn như vậy.
Từ “burgh” hoặc “burg” xuất hiện trong tên nhiều thành phố ở Mỹ và Châu Âu, ví dụ như Pittsburgh (thành phố của Pitts), hay tương tự là Petersburg, Endinburg…
13. Tulip mania (Cơn sốt hoa tulip)
Đây là từ chỉ cuộc đầu cơ hoa tulip diễn ra ở Hà Lan trong Thời kỳ hoàng kim của Hà Lan (TK 17), theo đó giá hợp đồng của hoa tulip, lúc đó mới được đưa vào trồng ở Hà Lan, đã tăng vọt tới mức bất thường rồi đột ngột sụp đổ. Đây nhìn chung được coi là bong bóng đầu cơ đầu tiên được ghi lại trong lịch sử. Thuật ngữ này ngày nay được dùng như một cách nói ẩn dụ để chỉ các bong bóng kinh tế lớn.
12. Samizdat
Đây là từ chỉ các ấn phẩm, báo chí bí mật, hoặc bị cấm, ngoài luồng, do các (nhóm) cá nhân tự xuất bản mà không được chính quyền cho phép lưu hành chính thức. Được mượn từ tiếng Nga, từ này gồm hai phần: sam (nghĩa là tự) và izdat (viết tắt của từ izdatel’stvo, nghĩa là nhà xuất bản).
11. Phân biệt hai từ “Muslim” và “Islamist”:
– Muslim là từ chỉ các tín đồ theo đạo Hồi nói chung– Islamist là từ để chỉ những người theo tư tưởng chính trị Hồi giáo, muốn biến Hồi giáo thành nền tảng định hướng đời sống chính trị – xã hội của một quốc gia.
10. Kangaroo court (tòa án trá hình)
Đây là từ để chỉ các tòa án trá hình được dựng lên để xét xử ai đó theo các bản án đã được định trước, mà trong đó các nguyên tắc pháp lý bị bỏ qua.
VD: Bilateral differences began in 2003 over the Yukos affair which resulted in the kangaroo court trial and jailing of Russia’s most successful businessman, Mikhail Khodorkovsky.
(Các khác biệt giữa hai nước bắt đầu vào năm 2003 xung quanh vụ Yukos, sự kiện dẫn tới vụ xét xử trong một tòa án trá hình và bỏ tù doanh nhân thành công nhất của nước Nga, Mikhail Khodorkovsky.
9. Oligarchy (Tập đoàn đầu sỏ chính trị)
Thuật ngữ “tập đoàn đầu sỏ chính trị” mô tả tình huống một vài cá nhân có đủ ảnh hưởng để có thể hình thành các chính sách kinh tế, các thể chế kinh tế chính trị của một quốc gia theo hướng mang lại lợi thế cho bản thân họ. Đầu sỏ chính trị có thể là các chính trị gia, các tướng lĩnh, địa chủ, nhà công nghiệp hoặc kết hợp trong số này. Các đầu sỏ chính trị không tham gia chính phủ một cách chính thức có thể sử dụng các biện pháp hợp pháp hoặc bất hợp pháp để gây ảnh hưởng như tài trợ các chiến dịch chính trị, hỗ trợ chính phủ thông qua các cơ quan truyền thông mà họ kiểm soát, cung cấp việc làm lương cao cho các chính trị gia, quan chức về hưu, hoặc đơn giản là thực hiện hối lộ.
8. White elephant
Đây là từ chỉ một dự án tốn kém được thực hiện trong điều kiện eo hẹp về tài chính (Nói một cách dân dã là nghèo mà chơi hoang).Ví dụ: What is worse, the regime has wasted the country’s natural-resources windfall on white elephants such as the new capital at Naypyidaw—a project that the IMF estimates may have cost Burma as much as 2 percent of its annual GDP for 2006.(Tệ hại hơn, chế độ đã lãng phí khoản thu nhập từ tài nguyên thiên nhiên của đất nước vào các dự án tốn kém chẳng hạn như kế hoạch xây dựng thủ đô mới tại thành phố Naypyidaw – dự án mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính có thể tiêu tốn của Miến Điện gần 2% GDP năm 2006.)
7. Fortress mentality (tâm lý pháo đài/ tâm lý cố thủ)
Đây là tâm lý nảy sinh trong tình huống một nhóm người cảm thấy bị tấn công và vì vậy từ chối lắng nghe các chỉ trích hay quan điểm không phù hợp với mục đích hoặc lập trường sẵn có của họ.VD: Jordan’s King Abdullah II warned on Monday that Israel’s “fortress mentality” would leave it “isolated from the rest of the neighborhood.”(Vào hôm thứ Hai Vua Abdullah II của Jordan cảnh báo rằng “tâm lý pháo đài” của Israel sẽ khiến nước này “bị cô lập khỏi phần còn lại của khu vực.”)
6. Các từ chỉ quốc hội các nước
Nhiều quốc gia trên thế giới có các cách khác nhau để gọi quốc hội của mình trong tiếng Anh, ví dụ:– Anh: Parliament (QH) = House of Lords (TV) + House of Commons (HV)– Mỹ: Congress (QH) = Senate (TV) + House of Representatives (HV)– Nga: Federal Assembly (QH) = Federal Council (Hội đồng Liên bang- TV) + State Duma (Duma Quốc gia – HV)– Nhật: National Diet (Quốc hội) = House of Councilors (TV) + House of Representatives (HV)– TQ: National People’s Congress (Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc hay Nhân Đại – QH)– Pháp: Parliament (QH) = Senate (TV) + National Assembly (HV)– Việt Nam/Myanmar…: National Assembly (QH)Khi dịch, đặc biệt là dịch Việt – Anh, chúng ta nên chú ý để dịch cho chính xác. Nếu dịch Anh – Việt, với những từ đặc biệt như Duma Quốc gia hay Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc chúng ta nên bổ sung nghĩa thông thường trong ngoặc đơn để người đọc dễ hiểu, ví dụ: Duma Quốc gia (Hạ viện).
5. Dutch Disease (Căn bệnh Hà Lan)
Đây là thuật ngữ để chỉ quá trình phi công nghiệp hóa, kết quả của những khoản thu nhập lớn bất thình lình từ tài nguyên thiên nhiên. Thuật ngữ ra đời tại Hà Lan vào những năm 1960, sau khi người ta phát hiện được những mỏ khí tự nhiên với trữ lượng rất lớn ở quốc gia này.Hiện tượng xảy ra ở các nước mắc phải “căn bệnh Hà Lan” nói một cách ngắn gọn là việc đồng nội tệ ở những nước này tăng giá vì nguồn thu ngoại tệ đột ngột chảy vào nhờ xuất khẩu tài nguyên. Kết quả là những mặt hàng công nghiệp xuất khẩu không còn khả năng cạnh tranh, trong khi hàng nhập khẩu thì giảm giá còn rất rẻ, khiến ngành công nghiệp trong nước trở nên chết yểu, dẫn tới quá trình phi công nghiệp hóa của nền kinh tế.
4. Hedging strategy (Tạm dịch: chiến lược phòng bị nước đôi)
Hedging là một chiến lược trong đó một quốc gia theo đuổi đồng thời nhiều chính sách khác nhau, đôi khi mâu thuẫn trái ngược nhau, với một quốc gia khác, nhằm tránh tình trạng phải lựa chọn chiến lược theo một chiều hướng duy nhất. Chiến lược hedging được lựa chọn do sự không chắc chắn đối với tương lai, khi người ta không biết được cách ứng xử của quốc gia kia trong tương lai sẽ như thế nào. Ví dụ, chiến lược hedging có thể bao gồm đồng thời các yếu tố như vừa cạnh tranh vừa hợp tác, vừa thỏa hiệp vừa ngăn chặn, răn đe…, để vừa tận dụng được các lợi ích mà mối quan hệ hợp tác mang lại, vừa đề phòng cho những rủi ro chiến lược trong tương lai xuất phát từ quốc gia đối tác.
3. Eminent domain
Đây là từ để chỉ quyền của chính quyền trong việc thu hồi, trưng mua đất của các cá nhân/ hộ gia đình vì mục đích phát triển công cộng.
Ví dụ: Compensation for houses demolished under eminent domain is often minimal, but a few homeowners with the nerve to “make trouble” have received excessive payouts.(Bồi thường nhà cửa bị phá hủy vì các mục đích phát triển công cộng thường không cao, nhưng một vài chủ nhà có gan “gây rối” đã nhận được các khoản bồi thường lớn.)
2. Phân biệt giữa từ “các” và từ “những”:
– Những: Từ đặt trước một danh từ số nhiều– Các: Từ dùng để chỉ số lượng nhiều được xác định, gồm tất cả sự vật muốn nói đến.Ví dụ: Chinese officials and scholars attacked the “China threat theory” but also recognized the need to address the concerns of their neighbors.– Câu dịch chưa chuẩn: Các quan chức và học giả Trung Quốc công kích “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” nhưng cũng thừa nhận việc cần giải quyết mối quan ngại của NHỮNG nước láng giềng.– Câu dịch chuẩn hơn: Các quan chức và học giả Trung Quốc công kích “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” nhưng cũng thừa nhận việc cần giải quyết mối quan ngại của CÁC nước láng giềng.
Xem thêm: Nghĩa Của Từ Đối Lập Là Gì ? Nghĩa Của Từ Mặt Đối Lập Trong Tiếng Việt
1. Một số từ chỉ chức vụ thường bị dịch nhầm lẫn:
– Speaker (of Parliament/ House of Representative…): Chủ tịch (Quốc hội/ Hạ viện…) Đã có nhiều trường hợp các bạn dịch là “người phát ngôn”– Minister of State: Quốc vụ khanh (một chức vụ chỉ có ở một số nước).– Secretary of State: Ngoại trưởng (Mỹ). Đã có nhiều bạn dịch là Thư ký liên bang.
Chuyên mục: Định Nghĩa