(Bài này trích ra từ cuốn “ Ý NGHĨA HOẰNG PHÁP & HỘ PHÁP” của Cư sĩ DIỆU ÂM DIỆU NGỘ).
Bạn đang xem: đạo phật là gì
Kính thưa quý bạn! Đạo Phật không phải là tôn giáo được đặt ra bởi một đấng Thiêng Liêng tuyệt đối nào đó, để bắt buộc con người phải tuân theo mệnh lệnh, tôn thờ hay phục tùng.
Đạo, là đạo tâm; Phật, là Phật tánh. Đạo Phật dạy cho ta biết quay về để sống với chân tâm (Phật tánh) sẵn có của ta. Đạo Phật là giáo học dạy về chân tướng của vũ trụ, nhân sinh, đạo tâm và giải thoát. Chân tướng của vũ trụ, nghĩa là dạy cho ta biết vũ trụ được thành tựu và hoại diệt như thế nào; nhân sinh, nghĩa là dạy cho ta biết sự biến hóa nào đã tạo ra có Phật, có chúng sanh hữu tình và vô tình; đạo tâm, nghĩa là dạy cho ta biết từ bi, thánh thiện và đạo đức; giải thoát, nghĩa là dạy cho ta phương pháp tu hành để chuyển phàm thành Phật. Tóm lại, đạo Phật dạy cho ta thành Phật để sống mãi không chết, trẻ mãi không già, giàu hoài không nghèo và hạnh phúc, an lạc vĩnh cửu. (Khi vãng sanh về cõi Phật thì ta sẽ có tất cả vĩnh cửu).
Nhưng tiếc thay, chúng ta xưa nay không hiểu, ngược lại còn hiểu lầm cho rằng đạo Phật là mê tín, tiêu cực và bỏ quên trách nhiệm. Cũng vì si mê và nghi ngờ mà chúng ta đã bỏ mất cơ hội làm Phật và chịu mọi đau khổ trong sáu ngã luân hồi, không thể thoát ra. Sáu ngã luân hồi đó là: Trời, Người, Thần, Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục (luân hồi, nghĩa là đầu thai trở lại vô số kiếp).
Tuy ở đây, chúng tôi nguyện dùng hết tâm can để giải bày, nhưng khả năng và giấy mực cũng chỉ có giới hạn, xin quý bạn hãy tìm Kinh Phật để học hỏi thêm. Còn nếu bạn bận rộn không có thời gian để tham cứu Kinh Phật mà muốn được vãng sanh về cõi Phật ngay trong đời này, thì bạn chỉ cần tin sâu và tu niệm A Mi Đà Phật là đủ. Tại sao? Vì câu A Mi Đà Phật là pháp môn Kim cang Diệu thiền của chư Phật, là chìa khóa mở cửa kho tàng chân tâm của bạn. (Kim cang, nghĩa là trực chỉ chân tâm thành tựu pháp thân Kim cang bất hoại; Diệu thiền, nghĩa là trực chỉ Phật tánh Mi Đà khai tri kiến Phật thành tựu lục thông). Thật ra, kho tàng thần thông và trí tuệ đó không ở đâu xa, mà tất cả đều đã có sẵn ở trong tâm chúng ta. Chẳng qua chúng ta bị vô minh che lấp nên không thấy được đó thôi. Chúng ta si mê thật là đáng thương, thà làm kẻ ăn xin bần cùng chịu mọi đau khổ đời đời, kiếp kiếp, chớ không chịu tin lời Phật dạy trở về chân tâm, để hưởng thụ kho tàng quý báu sẵn có của mình.
Bây giờ chúng ta tìm hiểu vào phần chi tiết. Trước khi bước vào phần chi tiết, thì tôi xin nêu ra một câu hỏi để quý bạn tự trả lời. Tuy câu hỏi này rất là đơn giản nhưng đây là đầu mối sẽ giúp cho quý bạn có cái nhìn khác hơn về đạo Phật.
Câu hỏi: Thưa quý bạn! Những vị giáo sư và những nhà khoa học ở trên thế giới này, họ đang dạy con người về những sự chuyển hóa của vạn vật, hay là họ đang dạy con người về tôn giáo và mê tín dị đoan?
Nếu bạn trả lời rằng: Họ đang dạy con người về những sự biến hóa của vạn vật, thì bạn đã hiểu được phần nào về đạo Phật rồi đó. Còn nếu bạn trả lời rằng: Họ đang dạy con người về tôn giáo và mê tín dị đoan, thì thần kinh của bạn đã có vấn đề rồi đó. Tại sao? Vì những vị giáo sư và những nhà khoa học ở trên thế giới này, họ đang dạy con người về những sự biến hóa của vạn vật ở trên Trái Đất này, họ nào có dạy điều gì liên quan đến tôn giáo hay là mê tín dị đoan.
Thưa quý bạn! Chư Phật và chư Bồ tát thị hiện đến đây, là để chỉ dạy cho chúng ta biết về cái chân tướng của vũ trụ, nhân sinh, đạo tâm và giải thoát. Quý Ngài nào có dạy điều gì liên quan đến ban phước lành hay trừng phạt đâu mà quý bạn vội cho đạo Phật là mê tín dị đoan.
Có một điều chúng ta cần phải biết đó là: Cho dù những vị giáo sư hay những nhà khoa học ở trên Trái Đất này có tài giỏi đến đâu, thì họ cũng chỉ hiểu được có một phần sự tướng giả tạm của thế giới này thôi, chớ họ không thể hiểu được hết. Sự tướng giả tạm của thế gian họ còn chưa hiểu thấu, thì nói chi đến chân tướng của tâm linh. Tại sao? Vì họ cũng là phàm phu si mê, điên đảo. Họ chỉ hơn chúng ta ở chỗ, là có một chút thông minh và có nghiên cứu nên mới biết. Nhưng nếu đem sự thông minh và sự hiểu biết của họ để so với chư Phật, thì sự hiểu biết của họ không bằng hạt cát giữa sa mạc.
Phật Thích Ca thị hiện đến thế giới Ta bà này gần ba ngàn năm trước, tu hành và đi thuyết pháp hết 49 năm. (Ta bà là thế giới có đầy rẫy đau khổ và tội ác). Trong 49 năm thuyết pháp, những gì Ngài thuyết đều không ra ngoài tâm của chúng sanh. Không chỉ riêng Phật Thích Ca mà ba đời mười phương chư Phật và chư Bồ tát đều thuyết giống nhau không khác. Quý Ngài đều có cùng một tâm nguyện giống nhau, đó là: Giúp cho chúng sanh giác ngộ, lìa mê và chuyển phàm thành Phật giống như quý Ngài. Quý Ngài xưa nay chưa hề tự đặt ra một môn phái hay một giáo lý riêng biệt nào để bắt buộc chúng sanh phải tôn thờ hay phục tùng.
Trong Kinh Phật nói: “Nếu có chúng sanh nào nói Kinh Phật là do Phật tự thuyết thì sẽ oan ức cho chư Phật ba đời”.
Xem thêm: Xác Định Chỉ Số Acid Là Gì, Chỉ Số Acid Uric (Axit Uric) Là Gì
Đọc đến đây, tôi biết quý bạn sẽ không khỏi thắc mắc rằng: “Rõ ràng ba Đại Tạng Kinh là do Phật Thích Ca thuyết mới có và còn tồn tại cho đến ngày hôm nay, nhưng tại sao Phật lại nói rằng là Phật chưa hề thuyết, thật là vô lý quá”.
Bây giờ tôi xin đưa ra một ví dụ: Anh A có một kho vàng được chôn ở trong nhà nhưng không hề hay biết, cam tâm sống đau khổ và bần cùng ăn xin khắp nơi, từ năm này qua năm nọ. Anh B thấy anh A si mê tội nghiệp, nên tới mách bảo cho anh A biết trong nhà của anh A đã có sẵn một kho tàng vô giá. Vậy thử hỏi, những lời anh B nói với anh A là bịa đặt hay là anh B chỉ nói lên cái chân tướng sự thật để cho anh A biết mà thôi?
Thưa quý bạn! Ba đời mười phương chư Phật cũng như anh B vậy đó. Quý Ngài đến đây, chỉ có một tâm nguyện, đó là muốn nói cho chúng ta biết: “Tất cả chúng ta đều có sẵn chủng tử Phật tánh để thành Phật A Mi Đà”. Chẳng qua chúng ta không có đủ phước duyên để tin lời Phật dạy đó thôi.
Bây giờ chúng tôi xin phân tích thêm, để quý bạn hiểu tại sao Phật nói là Phật chưa hề thuyết. Trong 49 năm thuyết pháp, những gì Phật nói đều không ra ngoài ba nguyên nhân chính, đó là: Một, vì có đệ tử hỏi nên Phật trả lời; hai, là khi gặp nhân duyên nên Phật giải thích; ba, là Phật tự thuyết để giúp cho chúng sanh giác ngộ thành Phật. Ý nghĩa tự thuyết ở đây, không phải là Phật tự đặt ra để thuyết, mà là Phật tự động nói ra cái chân tướng sẵn có ở trong tâm chúng sanh. Cũng như anh B tự động đến nói cho anh A biết về cái kho vàng mà anh A đang có.
Những bộ Kinh Đại thừa mà Phật tự thuyết đó là: “Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Mi Đà,…”. Vì vậy, ngay tựa đề của những bộ Kinh này đều có ghi hai chữ “Phật thuyết”. Tức là không có ai hỏi mà Phật tự động thuyết. Tại sao? Vì ý nghĩa đại thừa là cao siêu, thậm thâm và vi diệu, nên chỉ có Phật mới hiểu được Phật mà thôi. Còn chúng sanh si mê như chúng ta làm sao biết mà thưa hỏi, nên Phật phải tự động nói ra cái chân tướng sự thật để cứu chúng sanh.
Tuy những bộ Kinh Đại thừa, đều là do Phật Thích Ca thuyết mới có và được tồn tại cho đến ngày hôm nay, nhưng cũng không phải do Phật tự đặt ra để thuyết. Tại sao? Vì những gì Phật Thích Ca thuyết thì ba đời mười phương chư Phật cũng đều thuyết giống nhau, không khác. Quý Ngài thị hiện đến đây, chỉ có một tâm nguyện là giúp giác ngộ chúng sanh hữu tình.
Cuối cùng, Kinh Phật không có Phật nào thuyết cả. Đọc đến đây, tôi biết quý bạn sẽ thắc mắc rằng: “Nếu không có Phật nào thuyết, vậy thì tại sao lại gọi là Kinh điển của Phật?”. Thưa bạn! Hai chữ của Phật ở đây, là nói chung cho tất cả tâm Phật của chúng sanh, không phải nói của chư Phật. Nói cho dễ hiểu là: Vì chúng sanh có tâm Phật nên mới có Kinh Phật. Kinh Phật là thuộc về của chúng sanh, không phải thuộc về của chư Phật. Tức là nói, vì có chúng sanh nên mới có Kinh Phật. Cũng như, vì có kho vàng của anh A mà câu chuyện của anh B mới được thành lập. Nếu như anh A biết rõ mình có kho vàng ở trong nhà thì anh B không có chuyện gì để nói. Thậm chí, danh từ anh B cũng không có.
Tóm lại, vì chúng sanh có tâm Phật mà không biết, nên chư Phật mới thị hiện ra đời để dẫn dắt và khai thị. Nếu chúng sanh biết tâm Phật của mình ở đâu, thì chư Phật sẽ không cần ra đời và danh từ Phật cũng không có.
Nếu chúng sanh biết tâm Phật của mình ở đâu, thì danh từ chúng sanh cũng không có. Tại sao? Vì nếu chúng sanh biết tâm Phật của mình ở đâu, thì chúng sanh đã thành Phật hết rồi, còn ai để mà gọi là chúng sanh. Nếu danh từ chúng sanh không có, thì làm gì có danh từ Phật, vì vậy mà Phật nói rằng là Phật chưa hề thuyết. Tuy chư Phật chưa hề thuyết, nhưng tất cả chư Phật đều thuyết. Không những tất cả chư Phật đều thuyết mà tất cả chúng sanh đều có thể thuyết. Tại sao? Vì khi thành Phật, chúng ta lại đem những chân tướng sự thật này để chỉ dạy lại cho chúng sanh ở đời sau. Rồi cứ như vậy, mà chúng ta tiếp nối dạy nhau không cùng tận. Tóm lại, trên sự, thì tất cả Kinh Phật đều là do chư Phật thuyết mới có, nhưng trên lý, thì chư Phật chưa hề thuyết. Vì chữ thuyết ở đây là từ nơi chúng sanh mà có, không phải từ nơi chư Phật mà có.
Bây giờ chúng ta đã hiểu danh từ Kinh Phật là từ nơi chúng ta mà có và hai chữ đạo Phật cũng từ nơi chúng ta mà ra, không có gì là thuộc về sở hữu của chư Phật cả. Nếu hai chữ “đạo Phật” là nói về đạo tâm và Phật tánh của ta, thì vấn đề làm Phật, Trời, Người, Thần, Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục đều tự ta quyết định. Nếu ta là người có quyền điều khiển vận mạng của ta, thì không ai có quyền ban phước lành hay trừng phạt ta, mà chỉ tự ta ban phước và trừng phạt ta thôi.
Thưa quý bạn! Chư Phật thương chúng ta vô bờ bến. Quý Ngài đến đây, không những là khai thị cho chúng ta biết hết chân tướng sự thật, mà quý Ngài còn chỉ dạy cho chúng ta nhiều phương pháp tu hành khác nhau, để giúp chúng ta tùy theo căn tánh và thời thế mà tự chọn cho mình một môn tu thích hợp. Phật dạy cho chúng ta tám vạn bốn ngàn pháp môn, để đối trị với tám vạn bốn ngàn phiền não và đau khổ. Ngoài tám vạn bốn ngàn pháp môn ra, Ngài còn từ bi chỉ dạy cho chúng ta một pháp tu Tịnh độ nhiệm mầu, dễ tu, dễ chứng và được vãng sanh ngay trong một đời (vãng sanh đồng nghĩa với thành Phật).
I. Ý nghĩa tin Phật
Đa số chúng ta vẫn còn hiểu lầm nên cho rằng ai tin Phật thì sẽ được Phật cứu, còn ai không tin Phật thì sẽ không được Phật cứu. Thậm chí, chúng ta còn cho rằng Phật là đấng có quyền năng trừng phạt hay ban phước lành. Thật ra, chư Phật không có ban phước lành hay là trừng phạt ai cả, mà mục đích của quý Ngài đến đây, là để giúp cho chúng ta tu hành và thành Phật giống như quý Ngài. Nếu chúng ta tin lời Phật dạy và tinh tấn tu hành, thì quý Ngài sẽ luôn phóng quang đến đây để trợ lực cho chúng ta. Chư Phật và Bồ tát đã làm hết sức rồi, còn chịu làm Phật hay không thì phải xem chúng ta có chịu tin Phật và Bồ tát hay không?
Còn ý nghĩa câu: “Tin Phật sẽ được Phật cứu” ở đây là nói: Nếu chúng ta tin lời Phật dạy và tinh tấn tu hành thì sẽ được thành Phật. Khi ta được thành Phật thì đồng nghĩa với câu: “Tin Phật thì sẽ được Phật cứu”. Còn ý nghĩa câu: “Không tin Phật sẽ bị đọa” ở đây là nói: Nếu chúng ta không tin lời Phật dạy, không tin có quả báo, luân hồi và không lo tu hành thì ta sẽ bị đọa. Khi ta bị đọa thì đồng nghĩa với câu: “Không tin Phật sẽ bị đọa”. Ở trong nhà Phật có một câu nói: “Ai tu nấy đắc, ai tội nấy mang”. Cũng như chúng ta ai ăn thì no, ai không ăn thì đói, không ai có thể ăn thế cho ai hoặc là chịu đói giùm cho ai.
II. Thờ cúng chư Phật
Chư Phật không hề bắt buộc chúng ta quỳ gối, lễ lạy hay là thờ cúng quý Ngài. Nhưng vì mang ơn chư Phật, nên chúng ta mới lập bàn thờ để lễ lạy và tưởng nhớ. Cũng như chúng ta mang ơn tổ tiên, ông bà và cha mẹ đã mất, nên chúng ta mới lập bàn thờ để lễ lạy và tưởng nhớ. Ý nghĩa thờ cúng là để chiêm ngưỡng và noi gương, không phải là để van xin phù hộ cho mình thế này hay thế khác. Chúng ta xưa nay, thường dùng tà tri và tà kiến của mình, rồi hiểu lầm cho rằng thờ cúng thì sẽ được hạnh phúc và làm ăn phát tài. Cũng vì những ý nghĩ si mê, điên đảo mà chúng ta đã tạo nên những cảnh tượng mê tín và cúng tế trời, đất, quỷ, thần,… Chúng ta si mê, điên đảo mà không biết, ngược lại, còn hiểu lầm cho rằng đạo Phật là đạo tiêu cực và mê tín dị đoan. Thử hỏi tội lỗi này chúng ta làm sao mà gánh nổi?
Chuyên mục: Định Nghĩa