Online |
10 |
Tổng |
147,183 |
Với việc sử dụng lý thuyết Từ vựng – ngữ nghĩa học, bài viết đưa ra những tìm tòi về sự phân chia các tiểu trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính trước 1945, từ đó làm cơ sở cho việc đi sâu phân tích các đặc điểm ngữ pháp của lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn”. Lý thuyết Ngữ pháp học trên quan điểm Ngữ pháp chức năng được vận dụng để nghiên cứu các đặc điểm từ loại, chức năng cú pháp (cấp độ ngữ đoạn và cấp độ câu) của lớp từ này, đưa ra những khám phá mới về phong cách ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính.
Bạn đang xem: Trường nghĩa là gì
ĐẶC ĐIỂM NGỮ PHÁP CỦA LỚP TỪ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA VƯỜN TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH TRƯỚC 1945
TÓM TẮT
Với việc sử dụng lý thuyết Từ vựng – ngữ nghĩa học, bài viết đưa ra những tìm tòi về sự phân chia các tiểu trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính trước 1945, từ đó làm cơ sở cho việc đi sâu phân tích các đặc điểm ngữ pháp của lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn”. Lý thuyết Ngữ pháp học trên quan điểm Ngữ pháp chức năng được vận dụng để nghiên cứu các đặc điểm từ loại, chức năng cú pháp (cấp độ ngữ đoạn và cấp độ câu) của lớp từ này, đưa ra những khám phá mới về phong cách ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính.
A. MỞ ĐẦU
Cùng nghiên cứu về một đối tượng là “từ”, Từ vựng – ngữ nghĩa học và Ngữ pháp học là hai ngành khoa học ngôn ngữ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu Từ vựng – ngữ nghĩa học nghiên cứu đặc điểm cấu tạo và ý nghĩa của từ thì Ngữ pháp học nghiên cứu về mặt từ loại và chức năng ngữ pháp của nó trong câu. Sự tập hợp các từ trong vốn từ vựng lại với nhau theo quan hệ cùng trườngtạo điều kiện cho việc nghiên cứu sự phong phú về vốn từ trong một ngôn ngữ, phản ánh đặc trưng tư duy của những con người sử dụng nó. Và đến lượt mình, ngữ pháp cho chúng ta thấy những nét khái quát tạo thành ý nghĩa ngữ pháp của từ, những khả năng của từ trong việc tạo thành các ngữ đoạn, câu. Việc nghiên cứu các đặc điểm ngữ pháp của lớp từ thuộc một trường từ vựng – ngữ nghĩa là một hướng tiếp cận khá mới mẻ và thú vị đối với vốn từ của hệ thống ngôn ngữ. Trong nghiên cứu từ vựng tiếng Việt, việc áp dụng lý thuyết về ngôn ngữ nói chung, đặc biệt là lý thuyết về ngữ pháp học nói riêng vào nghiên cứu ngôn ngữ văn chương đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, và đang là một cánh cửa rộng mở cho những tìm tòi mới.
Nói đến phong cách trong ngôn ngữ thơ ca, chúng ta không thể không nhắc đến phong cách chân quê của Nguyễn Bính. Ông không chỉ tìm đến với những cảnh sắc thôn quê, dân dã mà còn thể hiện điều đó thông qua ngôn ngữ thơ của mình một cách rõ nét. Có thể thấy rằng, trường từ vựng – ngữ nghĩa về “vườn” trong thơ Nguyễn Bính là một bộ phận khá phong phú và mang được những đặc sắc riêng của thơ ông, đặc biệt là bộ phận thơ trước năm 1945. Nghiên cứu về trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính trước năm 1945 trên bình diện Ngữ pháp học là một cách tiếp cận mới đối với một phong cách ngôn ngữ thơ ca đã quen thuộc với chúng ta từ rất lâu.
B. NỘI DUNG
1. Một số vấn đề lý thuyết
1.1. Trường từ vựng – ngữ nghĩa
Trường từ vựng là tập hợp các từ và ngữ cố định trong từ vựng của một ngôn ngữ dựa vào sự đồng nhất nào đấy về ngữ nghĩa. Trong hệ thống ngôn ngữ nói chung có hai dạng quan hệ chung nhất là: quan hệ đối vị (quan hệ dọc) và quan hệ tuyến tính (quan hệ ngang). Căn cứ vào các dạng quan hệ đó, có thể phân loại các trường nghĩa thành: trường nghĩa biểu vật và trường nghĩa biểu niệm (trường nghĩa dọc), trường nghĩa tuyến tính (trường nghĩa ngang). Ngoài ra, có thể kể đến trường liên tưởng vừa có tính chất trường nghĩa dọc vừa có tính chất trường nghĩa ngang do tính chất liên hội. Trường nghĩa biểu vật là tập hợp những từ đồng nhất về ý nghĩa biểu vật, tức là cùng chỉ những sự vật thuộc phạm vi sự vật nào đó. Do hiện tượng nhiều nghĩa biểu vật nên một từ có thể thuộc nhiều trường nghĩa biểu vật khác nhau. Trường nghĩa biểu niệm là tập hợp những từ có chung một cấu trúc biểu niệm. Cũng như các trường nghĩa biểu vật, do hiện tượng nhiều nghĩa nên có những từ có thể đi vào nhiều trường biểu niệm khác nhau và trường biểu niệm lớn có thể chia thành các trường biểu niệm nhỏ. Trường nghĩa tuyến tính là tập hợp tất cả các từ có thể kết hợp với một từ gốc lập thành chuỗi tuyến tính (cụm từ, câu) chấp nhận được một cách bình thường đối với người sử dụng ngôn ngữ. Trường liên tưởng của một từ gồm những từ đồng nhất về nghĩa với từ đó và những từ khác tuy không đồng nhất nhưng thường đi kèm với từ trung tâm hay những từ đống nhất về nghĩa với nó.
1.2. Từ loại:
Mỗi một ngôn ngữ đều có vốn từ vựng riêng, và sự phân chia vốn từ đó theo hướng ngữ ngữ pháp đưa đến kết quả là từ loại. Nói như Lê Biên: “Từ loại – đó là sự phân định vốn từ của một ngôn ngữ cụ thể thành những loại, những lớp hạng dựa vào những đặc trưng ngữ pháp” . Để phân định từ loại tiếng Việt, ta dựa vào nhóm các tiêu chuẩn cụ thể là: ý nghĩa khái quát, khả năng kết hợp, chức vụ cú pháp. Sự phân định này “chính là dựa vào mối quan hệ giữa tư duy với phạm trù từ loại; mỗi từ được coi là một đơn vị hoàn chỉnh về nghĩa và ngữ pháp, thể hiện sự thống nhất giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện” . Dựa trên ba tiêu chí trên, theo ngôn ngữ học chức năng, Cao Xuân Hạo đưa ra hệ thống từ loại tiếng Việt bao gồm: danh từ, đại từ, vị từ, lượng từ, tình thái từ, liên từ, giới từ.
Hiện tượng chuyển loại là hiện tượng thay đổi từ loại, tức là thay đổi đặc điểm ngữ pháp của từ. Đây là một phương thức tạo từ mới trong ngôn ngữ. Do đặc trưng của loại hình đơn lập, không biến hình, từ tiếng Việt có phần dễ chuyển loại. Hiện tượng chuyển loại có thể diễn ra giữa các từ loại khác nhau (từ loại này chuyển sang từ loại khác), cũng có thể diễn ra trong nội bộ từ loại (giữa các tiểu loại với nhau).
1.3. Ngữ đoạn
Theo quan điểm của ngôn ngữ học chức năng, “ngữ đoạn là những bộ phận của câu có chức năng cú pháp nhất định và biểu hiện một vai nghĩa nhất định” . Về thuộc tính ngữ pháp và ngữ nghĩa của ngữ đoạn, Cao Xuân Hạo chỉ ra: “Có loại ngữ đoạn chuyên biểu hiện nội dung của sự tình (hành động, quá trình, trạng thái, sự tồn tại, những mối quan hệ,…) đó là những ngữ vị từ”, “có loại ngữ đoạn chuyên biểu hiện các tham tố của sự tình (kẻ hành động, vật bị tác động, vật trải qua quá trình, nới diễn ra quá trình, lực gây tác động, người hoặc vật ở trong trạng thái hoặc mang tính chất, vật làm công cụ, người tiếp nhận,…) đó là những ngữ danh từ” . Cấu trúc cú pháp của một ngữ đoạn nội tâm bao gồm hai thành tố: thành tố trung tâm và thành tố phụ. Thành tố trung tâm, theo Cao Xuân Hạo “chính là cái hạt nhân, cái cốt lõi, cái linh hồn ngữ pháp của ngữ đoạn ấy” . Như vậy, hiểu một cách đơn giản, trung tâm của ngữ đoạn là một thành tố trực tiếp mà nếu lược bỏ đi thì phần còn lại không còn giữ được thuộc tính ngữ pháp cũ hoặc không còn hoàn chỉnh về ngữ pháp nữa, do đó cả câu cũng thay đổi về cấu trúc và sai ngữ pháp. Thành tố chính trong ngữ danh từ là danh từ, đại từ, trong ngữ vị từ là vị từ,… “Ngữ đoạn có được chức năng cú pháp, có được bản sắc ngữ loại chính và nó là kết quả của việc triển khai cái trung tâm ấy bằng cách bổ sung cho nó những phụ ngữ” . Thành tố phụ (phụ ngữ) là những thành tố trực tiếp có thể lược bỏ đi mà phần còn lại vẫn đại diện được cho toàn ngữ đoạn, do đó ngữ đoạn vẫn giữ nguyên thuộc tính ngữ pháp và chức năng cú pháp trong câu. Thành tố này có thể là bổ ngữ trong ngữ vị từ, định ngữ trong ngữ danh từ,…
1.4. Cấu trúc Đề – Thuyết của câu tiếng Việt
Theo quan điểm của Ngữ pháp chức năng, một mệnh đề có cấu trúc bao gồm hai phần Sở đề và Sở thuyết. Hai thành phần này được phản ánh trong câu bằng hai thành phần là Đề (Đề ngữ) và Thuyết (Thuyết ngữ). Cấu trúc cú pháp cơ bản của một câu tiếng Việt tương ứng với cấu trúc một mệnh đề. Cấu trúc Đề – Thuyết là một thuộc tính của câu với tính cách là sự thể hiện của một hành động nhận định (hay hành động mệnh đề) chứ không phải là của phát ngôn với tính cách là một hành động giao tiếp giữa những người nói cụ thể, trong những tình huống cụ thể.
“Đề là thành phần trực tiếp của câu nêu rõ cái phạm vi ứng dụng của điều được nói bằng thành phần trực tiếp thứ hai: Thuyết” , bao gồm Ngoại Đề và Nội Đề.Phần lớn các đề được sử dụng trong câu là những Nội đề, tức là phần Đề nằm trong cấu trúc cú pháp của câu, khi phát âm, nó liền mạch với phần thuyết. Nội đề trong câu có hai loại: chủ đề và khung đề. Chủ đề là thành phần câu nêu lên cái được nói đến trong phần thuyết của câu. Khung đề là thành phần câu nêu lên những điều kiện làm thành cái khung về cảnh huống, thời gian, không gian, trong đó điều kiện được nói ở phần thuyết có hiệu lực.
Thuyết là thành phần trực tiếp của câu, nêu lên nội dung của nhận định, có hiệu lực trong phạm vi được đưa ra ở phần Đề.Vị trí tự nhiên của phần Thuyết là ở sau phần Đề. Giữa Đề và Thuyết là một quan hệ cú pháp phản ánh một quan hệ logic giữa sở đề và sở thuyết của một nhận định. Quan hệ về nghĩa này rất đa dạng, trong đó có một số quan hệ tiêu biểu thể hiện bằng các vai nghĩa: chủ thể, đối thể, thời gian, nơi chốn, công cụ, định tính, điều kiện,… Như vậy, trong một câu, cấu trúc Đề – Thuyết chính là cấu trúc nòng cốt.
Thành phần phụ của câu là thành phần nằm ngoài cấu trúc nòng cốt, tức là không tham gia vào cấu tạo nòng cốt, được dùng kèm với nòng cốt để bổ sung ý nghĩa cho nó. Có thể kể tên một số thành phần phụ trong câu như: trạng ngữ (thành phần tình huống), Khởi ngữ (thành phần khởi ý), Hô ngữ (thành phần than gọi), Thành phần chuyển tiếp, Thành phần chú thích (phần phụ chú).
2. Các tiểu trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính trước 1945
2.1. Tiêu chí phân lập các tiểu trường
Theo Hoàng Phê trong “Từ điển Tiếng Việt” thì “vườn” được định nghĩa “là khu đất thường ở sát cạnh nhà, được rào kín xung quanh để trồng rau, hoa hay cây ăn quả” . Nhìn chung, khái niệm “vườn” được hiểu với tư cách là một bộ phận của ngôi nhà và bản thân “vườn” cũng là một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố tạo thành. Tính hệ thống của khái niệm “vườn” là một điều kiện và cũng là tiêu chí cho sự phân lập các tiểu trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính. Dựa trên cở sở lý thuyết về trường từ vựng – ngữ nghĩa, căn cứ vào nét nghĩa chung lớn nhất là “vườn” cùng với sự gặp gỡ của các nét nghĩa riêng của các từ mà Nguyễn Bính sử dụng trong thơ, có thể phân chia trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính thành các tiểu trường theo các tiêu chí sau:
Theo mối quan hệ ngang (tuyến tính), có thể thấy khả năng kết hợp với từ “vườn” để tạo thành tiểu trường chỉ tên gọi của “vườn” của các từ trong thơ Nguyễn Bính.
Căn cứ vào sự tương đồng trong nét nghĩa biểu vật của từ để phân lập thành các tiểu trường chỉ đặc điểm của “vườn” và chỉ bộ phận của “vườn”.
Dựa trên cấu trúc biểu niệm (hoạt động) (của người) (có cách thức) (tiến hành trong vườn) để phân lập tiểu trường chỉ hoạt động của con người trong “vườn”
2.2. Hệ thống các tiểu trường
Bảng 1. Thống kê số lượng và tỉ lệ % các tiểu trường
Tiểu trường |
Số lượng |
Tỉ lệ |
Tên gọi của “vườn” |
37 |
35,2 % |
Đặc điểm của “vườn” |
7 |
6,7 % |
Bộ phận của “vườn” |
43 |
41 % |
Hoạt động của con người trong “vườn” |
18 |
17,1 % |
Qua khảo sát, có thể thấy tiểu trường chỉ tên gọi của “vườn”trong thơ Nguyễn Bính rất phong phú, bao gồm 37 đơn vị khác nhau. Trong công trình Trường nghĩa “vườn” trong thơ ca Việt Nam và sự tri nhận về ý niệm “vườn”, Nguyễn Thị Huyền đã khảo sát được 16 đơn vị chứa tên gọi của “vườn”. Có thể thấy, con số mà Nguyễn Bính đem lại cho tên gọi “vườn” đã thể hiện phần nào tài năng và sự sáng tạo của nhà thơ. Tiểu trường nghĩa chỉ tên gọi của “vườn” là một tiểu trường nghĩa tuyến tính, do đó, có thể dựa trên mô hình của Nguyễn Thị Huyền để phân tích các yếu tố trong tiểu trường này như sau:1/Tên gọi = yếu tố đơn vị (có hoặc không) + yếu tố chỉ loại: đây là mô hình tạo ra tên gọi khái quát mà trong thơ Nguyễn Bính, ta bắt gặp 2 đơn vị: mảnh vườn (1 lần), vườn (11 lần). 2/ Tên gọi = yếu tố chỉ loại + yếu tố chỉ đặc điểm riêng: đây là mô hình tên gọi cụ thể của “vườn”. Trong thơ Nguyễn Bính, ta có thể chia nhóm tên gọi này thành các nhóm nhỏ: nhóm tên gọi cụ thể gắn với những thành phần của khu vườn bao gồm 15 đơn vị. Đây là nhóm phong phú nhất, bao gồm: vườn dâu (7 lần), vườn chè (3 lần), vườn chanh (1 lần), vườn suông (1 lần), vườn hồng (2 lần), vườn cải (3 lần), vườn đào (4 lần), vườn cam (1 lần), vườn lê (2 lần), vườn hoa nở (1 lần), vườn mía (3 lần), vườn hoa cúc (1 lần), vườn cúc (1 lần), vườn cây (1 lần), vườn đất (1 lần); nhóm tên gọi cụ thể gắn với chủ thể của “vườn”, bao gồm 5 đơn vị: vườn tôi (2 lần), vườn ai (1 lần), vườn nhà (1 lần), vườn anh (1 lần), vườn tiên giới (1 lần); nhóm tên gọi cụ thể gắn với đặc điểm của “vườn”, bao gồm 7 đơn vị: vườn hoang (4 lần), vườn tiên (2 lần), vườn trần (1 lần), vườn cũ (3 lần), vườn vắng (1 lần), vườn ngự (1 lần), vườn hoa nở (1 lần); nhóm tên gọi cụ thể gắn với tên riêng, bao gồm 4 đơn vị: vườn Thanh (5 lần), vườn Thượng uyển (1 lần), vườn Ngự uyển (1 lần), vườn Nam (1 lần); nhóm tên gọi cụ thể gắn với yếu tố chỉ thời gian bao gồm 3 đơn vị: vườn xuân (1 lần), vườn chiều (1 lần), vườn khuya (1 lần); nhóm tên gọi cụ thể gắn với sự chỉ định, bao gồm 1 đơn vị: vườn này (1 lần).
Tiểu trường chỉ đặc điểm của “vườn” trong thơ Nguyễn Bính là tiểu trường nhỏ nhất với ít thành phần nhất. Tiểu trường này bao gồm những từ đi liền sau tên gọi của “vườn” để chỉ những tính chất, đặc điểm của khu vườn. Đôi khi, những từ này đi kèm với yếu tố chỉ loại (“vườn”) để tạo thành những tên gọi của “vườn”. Trong tiểu trường này, ta khảo sát được 7 đơn vị: xác xơ (1 lần), xưa (1 lần), xa (1 lần), xiêu (1 lần), vắng (1 lần), hoang (4 lần), cũ (1 lần).
Tiểu trường chỉ bộ phận của “vườn” là một trường nghĩa biểu vật, bao gồm những từ có sự đồng nhất về ý nghĩa biểu vật chỉ bộ phận của khu vườn. Ở đây, ta khảo sát những bộ phận vô sinh và hữu sinh tồn tại trong một khu vườn, làm thành một khu vườn. Tiểu trường này gồm 43 đơn vị: cánh cửa (1 lần), giậu (5 lần), giàn (7 lần), bờ (6 lần), luống (1 lần), dây (3 lần), đất (1 lần), cây (13 lần), hoa (155 lần), lá (62 lần), bông (3 lần), gốc (2 lần), cành/nhành (13 lần), nụ (3 lần), mầm (2 lần), cánh (30 lần), chồi (1 lần), chòm (1 lần), khóm (2 lần), cúc (3 lần), cau (5 lần), trầu/giầu (4 lần), mồng tơi (1 lần), dâu (7 lần), bưởi (1 lần), cải (2 lần), cam (5 lần), đào (1 lần), cần (2 lần), xoan/xoan đào (2 lần), cỏ (5 lần), xương rồng (1 lần), rau (4 lần), quả (1 lần), hoa màu (1 lần), liễu (3 lần), mai (1 lần), chuối (1 lần), cùi dừa (1 lần), ong (1 lần), bướm (82 lần), con ve (1 lần), chim (9 lần). Do hiện tượng nhiều nghĩa biểu vật của từ nên trong tiểu trường chỉ các bộ phận của “vườn” các từ chỉ cây cối trong khu vườn còn thuộc trường nghĩa biểu vật lớn hơn là trường nghĩa thực vật. Do vậy, trong thơ Nguyễn Bính, ta có thể bắt gặp rất nhiều các từ chỉ thực vật như hoa, lá, cành,mai, cúc,…xuất hiện trong ngữ cảnh cho phép ta xác định nó thuộc trường nghĩa thực vật chung: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”; “Bỗng một ngày hè hoa phượng thắm/ Nở đầy trong lá phượng xanh tươi”. Tuy nhiên, xét trên bình diện từ vựng – ngữ nghĩa, khi khảo sát những từ chỉ cây cối trong vườn, ta tính tất cả những lần xuất hiện của các từ này trong thơ Nguyễn Bính, điều này phần nào còn có liên quan đến hiện tượng chuyển nghĩa của từ. Vì thế, trong tiểu trường chỉ bộ phận của “vườn”, ta nhận thấy có những từ được sử dụng rất nhiều lần như hoa (155 lần), bướm (82 lần), lá (62 lần) chính là một đặc điểm nghệ thuật của ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính.
Tiểu trường chỉ hoạt động của con người trong “vườn”không phải là một tiểu trường đa dạng nhưng lại có những giá trị quan trọng khi phân tích ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính. Có 18 đơn vị thuộc tiểu trường này: hái (12 lần), nhặt (8 lần), đốn (1 lần), trồng/giồng (8 lần), chặt (1 lần), xem (5 lần), rắc (1 lần), đuổi (3 lần), bắt (6 lần), ngắt (1 lần), hôn hoa (6 lần), ra (2 lần), trẩy (1 lần), bứt (1 lần), nhuộm (1 lần), ngắm (2 lần), nhìn (2 lần), tưới (1 lần).Qua lớp từ tìm thấy trong tiểu trường này, có thể thấy rằng, Nguyễn Bính nói về vườn nhưng không phải là quan tâm tới những lao động trong khu vườn mà để thể hiện những tâm hồn quê nhẹ nhàng, lắm lúc mơ mộng. Theo cấu trúc biểu niệm (hoạt động) (của người) (có cách thức) (tiến hành trong vườn) thì tiểu trường chỉ hoạt động của con người trong “vườn” không còn đơn thuần là những từ chỉ hoạt động tác động vật lý của con người đến khu vườn mà nó bao hàm cả những hoạt động tâm lý diễn ra khi con người ở trong vườn, có liên quan đến vườn. Đặc điểm này tạo ra một khả năng chuyển nghĩa cao trong ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính.
3. Đặc điểm từ loại của lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính trước năm 1945
Có thể phân định từ loại cho lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính như sau:
Từ loại |
Số lượng |
Tiểu trường |
Hình thức chuyển loại |
|
Danh từ |
Danh từ đơn vị |
6 |
Bộ phận của “vườn” |
Danh từ khối chỉ chủng loại -> Danh từ đơn vị |
Danh từ khối |
37 |
|||
Vị từ |
Vị từ trạng thái không thường tồn |
7 |
Đặc điểm của “vườn” |
Vị từ trạng thái không thường tồn -> Vị từ trạng thái thường tồn |
Vị từ hành động |
VTHĐ chuyển vị |
5 |
Hoạt động của con người trong “vườn” |
|
VTHĐ chuyển thái |
7 |
|||
VTHĐ tạo tác |
1 |
|||
VTHĐ tri giác |
4 |
|||
VTHĐ di chuyển |
1 |
Tiểu trường chỉ bộ phận của “vườn” là những danh từ nhưng lại được phân chia khá phức tạp do tính chất thành phần của nó. Nhóm các từ chỉ bộ phận thuộc về kết cấu của “vườn” (vô sinh) gồm những danh từ đơn vị: mảnh vườn, giàn, giậu, bờ, luống, dây.Nhóm từ chỉ cây cối và đất đai trong “vườn” bao gồm những danh từ khối: đất, hoa, lá, gốc, cúc, cau, trầu/giầu, mồng tơi, dâu, bưởi, cải, cam, cần, xoan đào, cỏ, xương rồng , rau, hoa màu, liễu, mai, chuối, cùi dừa, ong, bướm, ve, chim, mầm, chồi.Một số từ trong nhóm này là những danh từ khối chỉ chủng loại, được chuyển loại thành các danh từ đơn vị: cánh, cành, bông, gốc, cây, nụ, quả, khóm, chòm.
Tiểu trường chỉ đặc điểm của khu vườn bao gồm những từ thuộc nhóm vị từ trạng thái không thường tồn (vật trạng). Những vị từ này biểu thị tính chất và tình trạng của khu vườn: xác xơ, xưa, xa, xiêu, vắng, hoang, cũ. Tuy nhiên, khi đi vào thơ Nguyễn Bính, một số từ thuộc nhóm này đã có sự chuyển loại từ một vị từ trạng thái không thường tồn sang một vị từ trạng thái thường tồn:“Một bông cúc nở trong vườn vắng”; “Một thửa vườn hoang bên cạnh am”. Có thể thấy, “vắng”, “hoang” vốn không phải là một trạng thái thuộc về tính chất thường tồn của khái niệm “vườn”. Nhưng ở đây, Nguyễn Bính đã dùng các từ này để gọi tên, định danh cho “vườn” như là một trạng thái thuộc về bản chất, thường tồn của “vườn”. Sự chuyển loại này mang tính chất tạm thời và thuộc về sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Bính.
Tiểu trường chỉ hoạt động của con người trong “vườn” bao gồm những vị từ hành động, được phân chia cụ thể như sau:Vị từ hành động chuyển vị: đuổi, bắt, nhặt, rắc, tưới; Vị từ hành động chuyển thái: hái, chặt, ngắt, trẩy, bứt, đốn, nhuộm;Vị từ hành động tạo tác: trồng/giồng;Vị từ hành động tri giác: xem, hôn, nhìn, ngắm;Vị từ hành động di chuyển: ra
Như vậy, sự phân định từ loại của lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính đã dựa trên cơ sở phân định từ loại Tiếng Việt cùng với sự sáng tạo riêng của nhà thơ. Điều này cho thấy, Nguyễn Bính không chỉ có một vốn từ phong phú về “vườn” mà còn có tài năng trong việc tạo ra những sắc thái biểu cảm, những khả năng kết hơp mới cho lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ mình.
4. Chức năng cú pháp của lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính trước 1945
4.1. Ở cấp độ ngữ đoạn:
4.1.1. Chức năng làm thành tố trung tâm
Kết quả phân chia từ loại đã cho thấy, lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính trước năm 1945 bao gồm danh từ và vị từ. Đặc điểm về từ loại này quy định chức năng cú pháp của chúng ở cấp độ ngữ đoạn: lớp từ này có khả năng làm thành tố trung tâm của các ngữ danh từ và ngữ vị từ. Qua khảo sát 121 bài thơ có xuất hiện lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn”, ta nhận ra một điều rằng Nguyễn Bính đã tạo ra một hệ thống các ngữ đoạn khá phong phú, trong đó có những ngữ đoạn thuộc về sáng tạo riêng của nhà thơ.
Phân loại ngữ |
Ngữ đoạn |
Thành tố trung tâm |
||
Số lượng |
Tỉ lệ |
Số lượng |
Tỉ lệ |
|
Ngữ danh từ |
232 |
86,6% |
67 |
76,1% |
Ngữ vị từ |
36 |
13,4% |
21 |
23,9% |
Dựa trên chất liệu các tiểu trường tên gọi, bộ phận, đặc điểm của “vườn”, Nguyễn Bính đã tạo nên 232 ngữ danh từ với 67 thành tố trung tâm, trong đó, có thể kể đến một số ngữ cơ bản như:
Ngữ gọi tên “vườn” với thành tố trung tâm là “vườn”. Trong nhóm này có đến 37 ngữ được tạo ra. Với yếu tố “vườn”, nhà thơ đã kết hợp cho nó những định ngữ chỉ loại như: hoa, cây, đào, cúc, lê, mía,…; những định ngữ hạn định như: Thanh, Ngự Uyển, Nam, tôi, nhà, anh, chiều, khuya,…; những định ngữ miêu tả như: vắng, hoang, cũ,… Ngoài ra, nhà thơ còn chú ý đến việc kết hợp với lượng từ như hai trong ngữ danh từ hai vườn cải của mình. Nhìn chung, thành tố trung tâm vườn là một thành tố có nhiều khả năng kết hợp để tạo thành ngữ danh từ. Các ngữ danh từ được tạo ra bởi thành tố trung tâm chỉ loại vườn này chính là tiểu trường chỉ tên gọi của vườn trong hệ thống các tiểu trường thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính.
Ngữ danh từ chỉ các bộ phận trong khu vườn với các thành tố trung tâm là các danh từ trong lớp từ thuộc tiểu trường chỉ bộ phận của “vườn” như: hoa (41 ngữ đoạn), bướm (13 ngữ đoạn), lá (15 ngữ đoạn), cánh (16 ngữ đoạn), cây (8 ngữ đoạn), cành (7 ngữ đoạn), giậu (4 ngữ đoạn),… Trung tâm hoa là thành tố trung tâm có nhiều khả năng kết hợp nhất trong thơ Nguyễn Bính (41 ngữ đoạn) với các định ngữ chỉ loại như: cam, cúc, lê, mận, mai, đào,…; định ngữ hạn định như: vườn Thượng Uyển; các định ngữ miêu tả như: tươi, non, trắng, vàng, tim tím,…Bướm cũng là một danh từ giữ vai trò trung tâm trong nhiều ngữ danh từ (13 ngữ đoạn), và cũng là một dụng ý nghệ thuật đầy sáng tạo của Nguyễn Bính. Bướm chỉ kết hợp với các định ngữ miêu tả: trắng, vàng, yêu yêu, xuân xanh, già, dại, non, giang hồ, tiên,… Trong đó, tiên và giang hồ là hai danh từ được chuyển loại thành vị từ để miêu tả cho trung tâm bướm.
Qua thống kê, có thể thấy rằng hầu như tất cả các danh từ thuộc tiểu trường bộ phận của “vườn” đều trở thành trung tâm trong các ngữ danh từ chỉ bộ phận của “vườn”.
Các ngữ vị từ trong thơ Nguyễn Bính được tạo nên bởi các trung tâm thuộc hai tiểu trường chỉ đặc điểm của “vườn” và hoạt động con người trong “vườn”. Có tất cả 36 ngữ vị từ chứa các trung tâm này, có thể kể đến như: hái (6 ngữ đoạn), nhặt (5 ngữ đoạn), trồng (4 ngữ đoạn), xem (2 ngữ đoan), chặt (1 ngữ đoạn), ra (1 ngữ đoạn),…Các trung tâm của ngữ vị từ này, khi là những vị từ hành động thì được kết hợp với các bổ ngữ trực tiếp chỉ đối tượng của hành động đó, tức là các danh từ chỉ bộ phận khu vườn: hoa, cây, cánh,…; hay kết hợp với bổ ngữ gián tiếp thông qua chuyển tố cho (hái cho giàn giầu) hoặc tự mình làm thành ngữ đoạn như: hái, đốn, hôn,… Khi là vị từ trạng thái, tự nó sẽ làm thành một ngữ đoạn như: vắng.
Xem thêm: Summer Vibe Là Gì – Phân Biệt Các Khái Niệm Về
4.1.2. Chức năng làm thành tố phụ
Bên cạnh việc đảm nhiệm chức năng làm thành tố trung tâm, các từ trong lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính còn giữ chức năng làm thành tố phụ định ngữ. Ở đây, các danh từ giữ chức năng làm định ngữ chỉ loại và hạn định, các vị từ trạng thái làm định ngữ miêu tả.
Các danh từ làm định ngữ chỉ loại bao gồm các danh từ thuộc tiểu trường bộ phận của “vườn”. Có 17 đơn vị làm định ngữ chỉ loại, bao gồm: cây, hoa, lá, cúc, cau, giầu, mồng tơi, dâu, cam, cần, xoan đào, liễu, mai, chuối, bướm, con ve, chim, trong đó nhiều nhất là hai định ngữ hoa và bướm. Bên cạnh việc kết hợp với những danh từ đơn vị chỉ hoa như vườn, đóa, nụ, cánh,…, Nguyễn Bính còn mang đến những danh từ đơn vị mới theo nghĩa ẩn dụ để kết hợp với hoa tạo thành các ngữ danh từ như: một trời hoa, đời hoa, lầu hoa,… Cùng với đó là những sự kết hợp độc đáo với bướm: chiếc bướm vàng, bóng bướm, …Một số danh từ trong nhóm trên cũng tham gia đảm nhiệm chức năng làm định ngữ hạn định như: hoa trong nụ cười hoa, cúc trong vườn hoa cúc, vườn Thanh trong người vườn Thanh, vườn hoang trong cánh cửa vườn hoang. Các định ngữ miêu tả trong ngữ danh từ do các vị từ chỉ đặc điểm của “vườn” đảm nhận, bao gồm: vắng (vườn vắng), xưa (vườn Thanh xưa), cũ (vườn dâu cũ, vườn cũ), xác xơ (một mảnh vườn xác xơ).
Trong các ngữ động từ liên quan đến trường nghĩa “vườn”, các bổ ngữ do các danh từ, ngữ danh từ chỉ bộ phận của “vườn” đảm nhiệm như: hoa, trầu, giàn giầu, cánh hoa lê, cánh mai vàng, hoa mai, dâu, cam, cải, giàn đỗ, lá vàng, cây lê, bướm, vườn, một bông tươi. Trong số đó chỉ có giàn giầu là bổ ngữ gián tiếp. Các bổ ngữ trong các ngữ vị từ bổ sung ý nghĩa đối tượng của hoạt động con người, cũng là cơ sở để tập hợp tiểu trường các hoạt động của con người trong “vườn”.
4.2. Ở cấp độ câu:
Nguyễn Bính sáng tác chủ yếu bằng thể lục bát và thất ngôn. Đặc điểm nổi bật của câu thơ Nguyễn Bính là mỗi câu thơ thường là một thành phần của một cấu trúc Đ – T lớn được tạo ra bởi nhiều câu thơ: “Tôi ra đứng ở đầu làng,Ngùi trông thao chị khuất ngàn dâu thưa.”; “Tháng ngày qua cửa buồng the,Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa.”…Như vậy, để hiểu được ý thơ Nguyễn Bính, ta phải đặt câu thơ trong một sự liên kết về ngữ pháp với các câu thơ khác. Tuy nhiên, với nhiệm vụ làm rõ chức năng của các ngữ đoạn trong việc tham gia làm thành phần câu, chúng ta sẽ có thể tách các câu thơ ra và coi như đó là một câu độc lập. Trong trường hợp này, sẽ có nhiều câu rơi vào dạng cấu trúc một phần (tĩnh lược), ta sẽ chỉ tập trung làm rõ chức năng của các ngữ đoạn chứa lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính mà thôi.Theo kết quả thống kê thì có 275 câu thơ có mặt các từ thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính. Đến đây, khi xét chức năng cú pháp của lớp từ này ở cấp độ câu, ta sẽ xét trên các ngữ đoạn mà chúng là trung tâm ngữ. Có thể thống kê các chức năng cú pháp ở cấp độ câu của các ngữ đoạn đó theo bảng sau:
Thành phần câu |
Số lượng |
|
ĐỀ |
Ngoại Đề |
9 |
Nội Đề |
Khung Đề |
16 |
Chủ Đề |
185 |
|
THUYẾT |
34 |
|
TRẠNG NGỮ |
8 |
4.2.1. Chức năng làm Đề
Đề là thành phần câu chỉ ra cái phạm vi ứng dụng” của nội dung được nói đến trong Thuyết. Do đó, xuất hiện trong vị trí này là các ngữ danh từ có trung tâm là các từ thuộc tiểu trường tên gọi, bộ phận của “vườn”. Về chức năng làm Đề ngữ, các ngữ đoạn được tạo ra bởi lớp từ thuộc trường nghiã “vườn” trong thơ Nguyễn Bính đảm nhận được cả ba vị trí: Ngoại Đề, Chủ Đề, Khung Đề.
Về Ngoại Đề, ta thấy một số câu thơ như: “Bờ tơ lá lộc tay ngà vin xanh”; “Lá lộc chồi tơ tay ngọc hái”; “Vườn dâu nó thẹn với đôi tay ngà”. Tuy nhiên, chức năng làm Ngoại Đề là không nhiều trong các câu thơ Nguyễn Bính.
Khi đảm nhiệm chức năng Khung Đề trong câu thơ, phần lớn các ngữ danh từ sẽ đứng độc lập, khó nhận diện: “Qua giậutầm xuân thấy bướm nhiều”; “Vườn trần theo bướm phấn hương bay”. Điều này khiến cho chủ thể trong câu thơ được nhấn mạnh, tạo nên giá trị nghệ thuật của câu thơ.
Các ngữ danh từ phần lớn tham gia vào thành phần Chủ Đề ta có thể kể đến các ngữ danh từ chỉ có một thành tố trung tâm như:“Cúc bao lần nở, lá vàng bao rơi?”; “Lá rơi lả tả trên đầu như mưa…”. Ngoài ra, các ngữ đoạn chỉ tên gọi của “vườn”, bộ phận của “vườn” đều có khả năng tham gia cấu tạo thành phần Chủ Đề trong câu thơ Nguyễn Bính: “Vườn dâu nó thẹn với đôi tay ngà”; “Hoa soan nở, xác con ve hoàn hồn”; “Một bông cúc nở trong vườn vắng”. Trong kết quả thống kê các ngữ đoạn, có thể thấy, các danh từ “vườn”, “hoa”, “bướm”, “lá”,… có khả năng tạo nhiều ngữ danh từ nhất. Đồng thời, số lần xuất hiện của chúng trong thơ Nguyễn Bính cũng rất cao, do đó, các ngữ danh từ này tham gia nhiều nhất vào chức năng làm Đề của câu. “Hoa” và “bướm” là hai danh từ được nhà thơ dùng với nghĩa ẩn dụ chỉ hai chủ thể trữ tình trong thơ ông. Hai từ này tạo thành hệ thống các ngữ danh từ làm chủ thể hành động, do đó, thơ Nguyễn Bính có đa phần Chủ Đề là các ngữ danh từ này:“Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”; “Hoa còn toan thắm cuối mùa xuân”; “Bướm vàng như thể đứa con tôi”; “Bướm rũ trăm năm một nẻo đường”. Do số lượng các ngữ danh từ được tạo ra bởi lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính là rất nhiều nên các Chủ Đề trong câu thơ của ông rất phong phú. Đặc điểm này của Chủ Đề làm sáng tỏ một đặc điểm của ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính đó là thường hướng đến các đối tượng của tự nhiên để tỏ lòng, thủ thỉ, và cũng là để mượn hình ảnh thiên nhiên mà nói về con người. Chính vì thế, thiên nhiên trong thơ Nguyễn Bính luôn mang hình bóng con người.
4.2.2. Chức năng làm Thuyết
Với 18 đơn vị từ vựng chỉ hoạt động của con người trong “vườn” làm trung tâm ngữ, có tất cả 36 ngữ vị từ được tạo ra. Khi tham gia vào cấu trúc câu thơ, các ngữ vị từ này chủ yếu đảm nhận vai trò Thuyết ngữ: “Vườn dâu em hái, mẹ già em thương”; “Nhặt giữ giùm con dăm cánh thôi”; “Ai đem bứt hết lá vàng”,…
Do đặc điểm câu thơ Nguyễn Bính, mỗi câu thơ thường là một thành phần của một cấu trúc Đ – T lớn hơn, cùng với quyền tỉnh lược đồng sở chỉ của Đề ngữ, các câu thơ của Nguyễn Bính đa phần là câu một thành phần, tức là câu chỉ có phần Thuyết: “Hôn vụng hoa tươi có một lần”; “Bắtbóng chim xa tận cuối trời”; “Nhặt giữ giùm con dăm cánh thôi”,…
Trong số các ngữ vị từ được đảm nhận chức năng làm Thuyết ngữ thì ngữ vị từ có trung tâm là “hái” xuất hiện nhiều lần trong vai trò này nhất (7 lần). Nguyễn Bính không dành nhiều câu thơ cho những hoạt động này nhưng sự xuất hiện của các các thuyết ngữ đứng độc lập (câu một phần) ấy đã tạo ra ấn tượng sâu sắc về hình ảnh con người thôn dã nhưng nhiều mơ mộng trong thơ Nguyễn Bính.
4.2.3. Chức năng làm thành phần phu Trạng ngữ:
Các ngữ đoạn có chứa lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính khi đảm nhận chức năng Trạng ngữ sẽ phải kết hợp với các giới từ, tuy nhiên, đây cũng không phải là chức năng thường gặp trong thơ ông (8 trạng ngữ). Ta bắt gặp một số câu thơ như:“Nở đầy trong lá phượng xanh tươi”; “Một bông cúc nở trong vườn vắng”; “Qua lá mành tương đã lạt màu”,… Chỉ có một trường hợp ngữ Trạng ngữ được lược bớt giới từ, đứng độc lập:“Bờ vắng, chim cu ồn tiếng gáy”.
Trạng ngữ xuất hiện không nhiều trong câu thơ Nguyễn Bính và đôi khi dễ nhầm lẫn với Khung Đề. Tuy nhiên, việc tham gia vào thành phần Trạng ngữ đã thể hiện được tính chất “không gian” của lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính.
Như vậy, lớp từ thuộc trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính trước năm 1945, với đặc điểm từ loại của mình đã tham gia thực hiện các chức năng cú pháp ở cả cấp độ ngữ đoạn và câu. Việc tham gia của lớp từ phong phú này vào cấu trúc thành phần câu thơ Nguyễn Bính đã góp phần thể hiện tính chất dân dã trong câu thơ ông.
C. KẾT LUẬN
Việc áp dụng lý thuyết ngôn ngữ học vào nghiên cứu ngôn ngữ văn chương bao giờ cũng tính đến những sáng tạo của cá nhân trong sáng tác. Đối với việc tìm hiểu về trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính trước năm 1945 cũng vậy, lý thuyết về từ vựng – ngữ nghĩa và ngữ pháp tiếng Việt là công cụ để khai phá và làm sáng tỏ một vẻ đẹp trong ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính. “Vườn” trong thơ Nguyễn Bính đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật. Nguyễn Bính viết nhiều về “vườn”, đến mức ta có thể thấy hồn thơ của ông như một khu vườn muôn màu muôn vẻ. Trong thơ ông, ta bắt gặp những “mảnh vườn”, những “vườn hoa nở” với hoa, lá , cành, với những giàn giầu, những giậu mồng tơi… Xét trên phương diện là những hình ảnh thơ, chúng thể hiện cái chất “chân quê” của Nguyễn Bính. Và đứng trên phương diện từ vựng – ngữ nghĩa học, ta lại nhìn nhận chúng như là sự thể hiện vốn ngôn ngữ phong phú của nhà thơ. Vốn ngôn ngữ ấy vừa mang tính dân tộc, vừa là kết quả của sự sáng tạo ngôn từ của tác giả.Trường nghĩa “vườn” trong thơ Nguyễn Bính trước năm 1945, khi được nghiên cứu kết hợp với lý thuyết ngữ pháp tiếng Việt lại càng làm rõ hơn khả năng của chúng trong việc tạo thành các ngữ đoạn và câu thơ. Sự kết hợp này ẩn chứa sức sáng tạo to lớn của nhà thơ, là nơi nhà thơ gửi gắm những dụng ý nghệ thuật của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cao Xuân Hạo (2007), Tiếng Việt – mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Giáo dục, Hà Nội.
2. Cao Xuân Hạo, Ngữ pháp chức năng tiếng Việt: Câu trong Tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Cao Xuân Hạo, Ngữ pháp chức năng tiếng Việt: Ngữ đoạn và từ loại, NXB Giáo dục, Hà Nội.
4. Đỗ Hữu Châu (2007), Giáo trình từ vựng học tiếng Việt, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội.
5. Hoàng Phê (2010), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng.
6. Lê Biên (1993), Từ loại tiếng Việt hiện đại, NXB Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
7. Nguyễn Bính toàn tập, NXB Văn học, Hà Nội.
8. Nguyễn Thị Bạch Nhạn (1986), Bài giảng Từ vựng – Ngữ nghĩa tiếng Việt hiện đại, NXB Đại Học Huế, Huế.
Xem thêm: Nghĩa Của Từ Swoosh Là Gì ? Ý Nghĩa Biểu Tượng Logo Của Nike
9. Nguyễn Thị Hiền, Trường nghĩa “vườn” trong thơ ca Việt Nam và sự tri nhận của người Việt về ý niệm “vườn(2012), Tạp chí nghiên cứu văn học, Hà Nội.
Chuyên mục: Định Nghĩa