Trưởng thành là gì Update 01/2025

6 May, 2018 in Giáo dục Tâm lý học ứng dụng Thông tin khoa học Uncategorized Văn hóa Việt Dinh Doan

Trưởng thành (mature) là việc đạt đến một sự hoàn thiện, hoàn hảo trong quá trình phát triển của mỗi con người. Con người mãi không trưởng thành là một bất hạnh. Chúng ta sợ nhất người ta nói rằng “mày còn trẻ con lắm”, “đúng là trẻ người non dạ”.

Bạn đang xem: Trưởng thành là gì

Khái niệm “lớn” không đồng nghĩa với “trưởng thành”, bởi thiếu gì người “to đầu mà dại”, hay chỉ là “đứa trẻ to xác”.

Khái niệm có tuổi, lớn tuổi, nhiều tuổi cũng chỉ chứng minh rằng bạn đã ăn nhiều, hít thở nhiều hơn người khác, chứ không đồng nghĩa với “trưởng thành”. Thiếu gì người trẻ mà chững chạc, ra dáng người lớn. Ngược lại, không ít người “đã lớn rồi mà như ngây thơ!”.

Có bằng cấp cũng chỉ chứng tỏ bạn chịu khó học. Có nhiều tài sản chỉ chứng tỏ bạn kiếm tiền và tiết kiệm tiền để mua sắm tải sản. Đầu hai thứ tóc cũng chỉ chứng tỏ bạn “xấu máu”. Con cái đề huề, cũng chỉ chứng tỏ bạn có khả năng sinh đẻ, chứ chắc gì bạn đã trưởng thành. Thiếu gì người đàn ông, trong ngày vợ đẻ còn đi chơi game, đi nhậu, thậm chí đi nhà nghỉ với bạn gái.

Người xưa có chỉ ra mức độ “cần đạt được”, tức là “chuẩn”, là standard cho từng độ tuổi khác nhau. Ai đến độ tuổi nào đó mà không “đạt chuẩn”, thì bị coi như chưa trưởng thành. Còn nhỏ thì “biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Từ ba mươi trở đi mới có “chuẩn”. Tam thập nhi lập, tức là tuổi 30 rồi, phải tự lập thôi, không thể sống phụ thuộc vào cha mẹ mãi được. Tự lập nghĩa là “làm lấy mà ăn”, tự làm nhà mà ở, mua trâu mà cày, lấy vợ mà sinh con. Một anh 32 tuổi, vẫn vùi đầu vào học, hết thạc sĩ, đến tiến sĩ, vợ không lấy, tiền không có, vẫn ăn nhờ, ở đậu với bố mẹ… thì chưa gọi là “nhi lập” được.

Tứ thập nhi bất hoặc, nghĩa là 40 tuổi rồi thì phải xông pha, đi đây đi đó, nhìn ngó để thấu hiểu thực tế cuộc đời, biết cái gì đúng, cái gì sai, điều gì đáng làm, điều gì nên tránh, nhận ra kẻ xấu, người tốt… Điều này chỉ có được nhờ những trải nghiệm tích cực của mỗi con người.

Ngũ thập tri thiên mệnh. Thiên mệnh là “mệnh trời”, là quy luật tự nhiên, tất yếu. Tuổi 50 rồi phải hiểu mọi lĩ lẽ cuộc đời, biết “nhân nào quả ấy”, biết “có làm thì mới có ăn”, nhận ra rằng trong xấu có tốt, trong tốt cũng còn có điều chưa được, không tuyệt đối hoá, không lý tưởng hoá. Tri thiên mệnh là nhận ra rằng đời người hữu hạn, ai cũng sẽ già, ai cũng phải chết, chẳng mang theo được gì. Tri thiên mệnh còn là hiểu rằng con người không phải điều gì muốn là được, nhiều việc có thành công hay không phải có đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Khi biết mình đã khá lớn tuổi, những điều ôm ấp cả đời mà mãi không thể với tới, thì hãy biết buông để mà thanh thản, mà sống bình yên. Không tham được đâu!

Lục thập nhi nhĩ thuận, tức là đến 60 tuổi rồi, tai nghe mọi thứ trên đời, chẳng còn gì là lạ nữa, “thuận nhĩ” là biết cái gì cũng có thể xảy ra, không mắt tròn mắt dẹt, ô a, ố ớ khi nghe một “cái tin” nào đó. Nhĩ thuận tức là nghe được mọi điều, ai khen mình cũng không lấy đó làm quá vui, ai chê mình, chửi mình cũng không lấy đó làm giận, sống bình tâm, thanh thản.

Xem thêm: Phân Loại Vật Kính Là Gì ? Phân Loại Và Đặc Điểm Kỹ Thuật Của Vật Kính

Từ 70 tuổi trở lên (ngày xưa tuổi thọ thấp) đã được coi là “cổ lai hi”, là xưa nay hiếm, miễn bàn.

*

Hình minh hoạ: Tuổi tác không phải là thước đo sự trưởng thành.

Dưới góc nhìn khoa học, toàn diện, biện chứng ngày nay, có thể nói về 3 loại, hay ba khía cạnh trưởng thành của con người: Trưởng thành sinh lý, trưởng thành tâm lý và trưởng thành văn hoá – xã hội.

Trưởng thành sinh lý là điều dễ đạt nhất, dễ thấy nhất, bởi nó đo bằng chiều cao, cân nặng, bằng những dấu hiệu dậy thì như mông to, ngực nở, ria mép lún phún, thắt đáy lưng ong, bộ phận sinh dục “đạt chuẩn”. Người trưởng thành về sinh lý là người có thể tham gia các hoạt động “trai trên gái dưới”, có thể lấy vợ, lấy chồng và nếu không có bệnh tật gì đặc biệt thì … có thể sinh con. Mốc trưởng thành sinh lý loanh quanh quãng 18, đôi mươi (được phép kết hôn theo luật định).

Trưởng thành tâm lý là thứ khó đạt hơn, bởi ông trời không cho sẵn, mà mỗi người tự phấn đấu thì mới có được, nên không có chuẩn tuổi tác. Trưởng thành tâm lý được đánh giá bởi sự tự lập, suy nghĩ chín chắn, nhìn trước ngó sau, ứng xử phải đạo, không hấp tấp, vội vàng. Tự lập, tự quyết là điều cần thiết để trưởng thành tâm lý. Tự lập tâm lý cũng đi kèm với việc biết mình biết người, nhận ra mình là ai, có giá trị gì, có sở trường, sở đoản gì, có nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm gì. Trưởng thành tâm lý cũng gắn với những thứ “có”: Có vợ/ chồng, có con cái có nghề nghiệp, có địa vị xã hội nhất định (là ai đó trong xã hội, chứ không nhất thiết phải là ông nọ, bà kia), có nhà để ở, có tiền để tiêu cho những nhu cầu của bản thân và gia đình.

Loại trưởng thành cuối cùng là trưởng thành về mặt văn hoá – xã hội, cũng là đòi hỏi ở mức cao, không phải ai cũng đạt được. Người trưởng thành về văn hoá – xã hội không chỉ thấu hiểu quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, mà còn dành nhiều thời gian nghĩ đến người khác, nghĩ đến “đạo lý”, đến “lương tâm”, nghĩ đến phận người, kiếp người. Trong gia đình, người trưởng thành về văn hoá – xã hội nghĩ đến “đạo vợ chồng”, “nghĩa phu thê”, “tình huynh đệ”, “phận làm con”, nên không chỉ sống cho mình, mà còn biết chăm lo, làm bờ vai, chỗ dựa cho người khác. Ngoài xã hội, người trưởng thành về văn hoá – xã hội cũng thường nghĩ và làm những việc liên quan tới “tình quê hương”, “nghĩa đồng bào”, “tình làng nghĩa xóm”. Không chỉ biết vơ vào mình, giữ cho mình, mà còn biết san sẻ, chia sẻ, làm phước, ban phát…

Người trưởng thành về tâm lý có thể không còn phụ thuộc vào ai, không làm ai buồn vì mình, nhà mình mình ở, tiền mình mình tiêu. Nhưng người trưởng thành về tâm lý – xã hội thì biết mình ăn bát cơm, phải nghĩ đến bố mẹ đang ăn cháo, mình đang ăn nhậu, chợt nhớ đến việc phải dành tiền mua cho vợ cái tủ lạnh, cái máy giặt, cái bình lọc nước… cho vợ con đỡ vất vả.

Xem thêm: Sodium Lauryl Sulfate Là Gì, Dầu Gội Đầu Chứa Sulfate Có Xấu Xa Như Bạn Nghĩ

Trưởng thành về văn hoá – xã hội là đỉnh cao của trưởng thành mà ai cũng mong muốn đạt tới, còn đạt được hay không lại tuỳ ở mỗi người.

Bạn hãy dành một ít thời gian suy ngẫm, đánh giá bản thân xem mình đang ở đâu trong bậc thang trưởng thành của đời người nhé!

Chuyên mục: Định Nghĩa