Tuyên thệ là gì Update 01/2025

TTO – Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói như vậy sau khi chứng kiến lễ tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ.

Bạn đang xem: Tuyên thệ là gì

Từ trái qua: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ – Ảnh: Việt Dũng

ÔngDương Trung Quốc bày tỏ:

– Tôi là một trong những người đề nghị nên có thủ tục tuyên thệ, thủ tục này đã được quy định trong Hiến pháp 2013. Chính vì thế, cá nhân tôi rất quan tâm đến việc thực hiện tổ chức lễ tuyên thệ.

Qua theo dõi, tôi đề nghị đồng thời với người tuyên thệ thì những người chứng kiến lễ tuyên thệ cũng phải giữ sự nghiêm trang, tức là các đại biểu Quốc hội nên đứng dậy để chứng kiến tuyên thệ, không nên đưa điện thoại, máy chụp ảnh ra sử dụng trong lúc diễn ra lễ tuyên thệ.

Chủ tọa không nên ngồi ở trên cùng mà nên đứng xuống cánh gà. Nên nghiên cứu bố trí lại vị trí cờ Tổ quốc hoặc thay đổi câu chữ tuyên thệ bởi người tuyên thệ nói là “trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc…” nhưng lá cờ lại ở phía sau lưng họ.

Những góp ý như vậy đã được Chủ tịch Quốc hội tiếp thu, đồng thời cho biết đến lần sau sẽ xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Tôi nghĩ trong quá trình hình thành một nghi thức mới thì việc rút kinh nghiệm, điều chỉnh cũng là bình thường.

Cử tri ghi nhận những lời thề của những người đứng đầu đất nước, nhưng cử tri cũng sẽ giám sát việc thực thi những cam kết của từng người. Chúng tôi kỳ vọng từ lời tuyên thệ, những người đứng đầu đất nước sẽ “đốt lửa” để đưa đất nước ta vượt lên, nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Ông LÊ KHẮC LINH(hội viên Câu lạc bộ Thăng Long)

* Sau khi tuyên thệ “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng đều có thêm phần phát biểu để đưa ra lời hứa trước Quốc hội. Theo ông, lời tuyên thệ và lời hứa có giá trị pháp lý và giá trị tinh thần như thế nào?

– Giá trị pháp lý thì đã rõ, bởi việc tuyên thệ này được quy định trong Hiến pháp, bắt buộc phải thực hiện. Đồng thời, tuyên thệ cũng mang giá trị văn hóa – tinh thần rất lớn. Chúng ta thấy rằng tuyên thệ không phải là nghi lễ mới mà trong lịch sử có từ lâu.

Trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, theo truyền thuyết, Vua Hùng dựng cột đá thề. Khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa, có hội thề Lũng Nhai.

Chúng tôi còn thấy được tấm ảnh chụp Bác Hồ và lãnh đạo các đảng phái khác nhau đứng trước bàn thờ Phật ở chùa Bà Đá để tuyên thệ. Chính phủ đầu tiên ra mắt quốc dân đồng bào cũng có tuyên thệ. Nếu nhìn ra thế giới thì lễ tuyên thệ đều trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia.

Như vậy, nghi lễ trang trọng được tổ chức tại Quốc hội hiện nay chính là việc chúng ta đang trở lại với truyền thống và giá trị phổ quát của nhân loại.

Với người tuyên thệ thì lời thề là rất thiêng liêng, khiến họ phải nỗ lực, quyết tâm thực hiện. Người tuyên thệ phải có trách nhiệm thực hiện những gì mình hứa, nếu không họ sẽ mất uy tín.

* Thưa ông, có đại biểu nêu ý kiến đề nghị người tuyên thệ hứa không tham nhũng, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, ông nghĩ sao?

– Tuyên thệ là một nghi thức, mà đã là nghi thức thì càng ổn định càng tốt. Tuy nhiên, lời tuyên thệ phải có tính thực tiễn, phản ánh phong cách cá nhân người tuyên thệ, đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của nhân dân trong giai đoạn lịch sử cụ thể của đất nước.

Ví dụ, lời thề của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn tiền khởi nghĩa thì gắn với nhiệm vụ thiêng liêng là giành độc lập dân tộc, lời thề lúc đó là “dù hi sinh tới đâu…”.

Lời thề cụ thể, phản ánh đúng mong muốn của nhân dân sẽ khơi dậy lòng người, nhận được sự ủng hộ của quần chúng, tạo nên sự đoàn kết và sức mạnh. Chính vì vậy, đề xuất tuyên thệ không tham nhũng, kiên quyết chống tham nhũng là hoàn toàn chính đáng.

* Đại biểu Trần Ngọc Vinh (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Lời tuyên thệ có giá trị pháp lý

Lời tuyên thệ không phải là một đạo luật, không phải một pháp lệnh, không phải một nghị quyết của Quốc hội, nhưng theo tôi cùng với ý nghĩa thiêng liêng thì lời tuyên thệ có giá trị pháp lý.

Vì sao? Việc tuyên thệ là thực hiện một quy định được ghi trong Hiến pháp, tức là thực hiện một việc có giá trị pháp lý. Người tuyên thệ phải thực hiện đúng lời tuyên thệ của mình, nếu quá trình có gì không đúng thì có thể căn cứ vào Hiến pháp để xem xét.

Xem thêm: Nghĩa Của Từ Whisper Là Gì ? Nghĩa Của Từ Whisper Trong Tiếng Việt

* TS Lưu Bích Hồ (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển):

Có giá trị thiêng liêng

Lời tuyên thệ tuy ngắn gọn nhưng đó là sự cam kết, có ý nghĩa rất thiêng liêng khi một người đứng giơ tay tuyên thệ trước cờ Tổ quốc, trước đồng bào cả nước. Các vị lãnh đạo sẽ phải ghi nhớ, suy nghĩ về lời tuyên thệ trước các hành động của mình.

* Ông LA NGỌC THOÁNG (trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng):

Lời hứa câu thề sức nặng ngàn cân

Trong đời sống, trong văn hóa, lịch sử của dân tộc ta, lời thề có ý nghĩa rất sâu sắc, mang giá trị tinh thần to lớn.

Lời hứa câu thề là sức nặng ngàn cân nên luôn được xem trọng. Lời thề càng trở nên thiêng liêng và có sức nặng hơn khi được Hiến pháp quy định, bởi nó mang cả giá trị tinh thần và giá trị pháp lý.

Vì lẽ đó, tôi tin tưởng và kỳ vọng sau các lễ tuyên thệ vừa qua, những người lãnh đạo cao nhất của đất nước sẽ luôn nhớ đến những gì mình tuyên thệ trước Quốc hội và trước đồng bào cả nước.

Qua đó quyết tâm thực hiện bằng được lời tuyên thệ, xứng đáng với sự tín nhiệm của Quốc hội và mong muốn của nhân dân.

* GS.TS Nguyễn Quang Thái (phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN):

Sự cam kết

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ tuyên thệ trước nhân dân khi nhậm chức, đó là thực hiện tinh thần của Hiến pháp, là một bước tiến theo mục tiêu nhà nước pháp quyền.

Tôi cho rằng lời tuyên thệ của các lãnh đạo cấp cao là một lời khẳng định trước nhân dân, lời hiệu triệu cho toàn thể cử tri. Nó chắc chắn có giá trị pháp lý, bởi việc tuyên thệ được khẳng định trong Hiến pháp. Nếu không thực hiện được lời tuyên thệ, Quốc hội có quyền bãi miễn.

* Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM):

Quốc hội nên “nghị quyết hóa” lời tuyên thệ

Cả Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội đều không quy định trách nhiệm pháp lý đối với lời tuyên thệ. Theo thông lệ thì lời tuyên thệ này chỉ có tính tượng trưng.

Theo tôi, để lời tuyên thệ có tính ràng buộc pháp lý, sau khi các nguyên thủ quốc gia tuyên thệ thì Quốc hội cần ra nghị quyết để ghi nhận lời cam kết đó.

Để rồi sau nửa nhiệm kỳ hoặc sau cả nhiệm kỳ nhìn lại sẽ có thể đánh giá mức độ thực hiện lời hứa đến đâu. Từ đó mới có cơ sở xét công hay luận tội. Như vậy thì lời tuyên thệ mới có sức nặng, tạo được niềm tin trong nhân dân.

LÊ KIÊN – X.LONG – C.V.KÌNH- V.V.THÀNH- MAI HƯƠNG

Nguyên thủ các nước tuyên thệ thế nào?

Ở các nước, lời tuyên thệ của nguyên thủ quốc gia được quy định cụ thể trong hiến pháp và thường có nội dung cốt lõi là cam kết tuân thủ và trung thành với hiến pháp. Việc phản bội lời tuyên thệ có thể bị xem là tội phản quốc.

Lời tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Mỹ được quy định rõ từng chữ (36 chữ), người mới đắc cử sẽ phải tuyên thệ trước khi chính thức điều hành đất nước có nội dung như sau: “Tôi xin thề (hoặc “cam kết”) sẽ trung thực điều hành văn phòng tổng thống nước Mỹ và sẽ làm hết khả năng để gìn giữ, che chở và bảo vệ cho hiến pháp nước Mỹ”.

Hiến pháp Mỹ không quy định bắt buộc ai là người điều hành lễ tuyên thệ của tổng thống, nhưng thường thì buổi lễ này sẽ do bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì.

Lời tuyên thệ của tổng thống Nga cũng được quy định trong hiến pháp Nga: “Tôi xin thề sẽ thực thi những quyền lực của tổng thống Liên bang Nga để tôn trọng và bảo vệ các quyền lợi và quyền tự do của con người và của công dân, để tuân thủ và bảo vệ hiến pháp Liên bang Nga, để bảo vệ chủ quyền và độc lập, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, để trung thực phục vụ nhân dân”.

Xem thêm: Con Vẹm Là Gì Vẹm Xanh Có Tác Dụng Gì Có Độc Không, Nguồn Gốc Chữ Vẹm Từ Đâu Ra

Tổng thống Nga đọc lời tuyên thệ trước sự hiện diện của các thành viên trong Hội đồng liên bang (Thượng viện), Đuma quốc gia (Hạ viện) và các thẩm phán của Tòa án hiến pháp Liên bang Nga.

Chuyên mục: Định Nghĩa