5 cách phòng tránh bị lừa đảo trên Internet, MXH và điện thoại Update 01/2025

Hiện nay với sự phát triển của công nghệ 4.0, cuộc sống của con người đã có nhiều sự thay đổi đáng kể, đã có sự thu hẹp khoảng cách giữa người với người, làm cho thế giới xích lại gần nhau hơn.

Không thể phủ nhận được các lợi ích mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Internet đã mang lại cho cuộc sống của chúng ta. Có thể nói là rất nhiều ưu điểm tích cực !

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực đó thì cũng đã phát sinh ra một loại tội phạm chuyên lợi dụng mạng Internet, hay các mạng xã hội, thậm chí là điện thoại để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…. của những người khác.

Với sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dùng, hoặc một chút lơ là, mất cảnh giác… thì tất cả chúng ta đều có thể trở thành nạn nhận của loại tội phạm này.

Vậy chúng ta phải làm gì để phòng tránh được những kẻ xấu này, để không bị lợi dụng hay lừa đảo qua mạng Internet và điện thoại?

Vâng, không còn cách nào khác là bạn phải nâng cao kỹ năng và kiến thức của bản thân mình lên. Dưới đây mình sẽ cung cấp một số kỹ năng, kiến thức giúp các bạn có thể phòng tránh để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm nguy hiểm, luôn rình rập này nhé !

#1. Chia sẻ những cách phòng tránh bị lừa đảo hiệu quả nhất

Một bài viết cực hay mà hữu ích mà bạn nên tham khảo: 13 lưu ý bạn PHẢI BIẾT để luôn được AN TOÀN TRÊN INTERNET

#1. Không nghe điện thoại, hoặc thận trọng khi trò chuyện điện thoại với người lạ, số điện thoại lạ, hoặc số điện thoại bị mã hóa.

cach-phong-tranh-bi-lua-dao-tren-internet (1)

Khi nhận được những cuộc điện thoại của người lạ, không rõ mục đích thì bạn nên từ chối không nghe, hoặc trò chuyện thật thận trọng một vài câu và tắt cuộc gọi.

Đặc biệt số điện thoại được hiển thị là số đã bị mã hóa, hiện lên là đầu số của nước ngoài, nhưng lại đang được gọi ở Việt Nam thì không nên nghe và nói chuyện nhé các bạn.

#2. Không vội tin và làm theo những lời người lạ gọi điện thông báo cho mình.

Có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến cho không ít người, họ giới thiệu là nhân viên của đơn vị A, hay tổ chức B nào đó…

Và thông báo cho bạn biết là bạn đã trúng thưởng một phần quà/ phần tiền lớn… và yêu cầu bạn làm theo hướng dẫn để nhận quà.

cach-phong-tranh-bi-lua-dao-tren-internet (7)

Tuyệt đối bạn không vội tin ở điều này. Tất cả mọi thứ không phải ở trên trời rơi xuống, chúng ta phải lao động, sáng tạo và làm việc không ngừng để có được.

Không thể có một phần thưởng trị giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, tự dưng ở trên trời rơi xuống tay bạn được. Bạn hãy thận trọng khi nhận được thông tin này. Nhất là khi trước đó bạn chả có tham gia gì cả :))

Đừng vội làm theo hướng dẫn của kẻ lạ, như chuyển tiền cho ai đó để làm thủ tục nhận quà, hay nạp thẻ cào điện thoại. Đây chỉ là những chiêu trò lừa đảo mà thôi.

Ngoài ra, còn có những trường hợp tự giới thiệu là công an, thông báo hoặc đe dọa bạn đang bị người khác kiện, hoặc khai báo có liên quan đến các vụ việc phi pháp. Nếu không muốn vướng mắc đến pháp luật thì làm theo hướng dẫn của họ.

=> Bạn cần thận trọng với thông tin này !

Nếu có việc liên quan đến công an hoặc các cơ quan nhà nước thì họ sẽ có những thông báo trực tiếp bằng văn bản và qua công an xã (phường) và chính quyền địa phương, chứ không có chuyện gọi điện. OK !

Nói chung là bạn cần phải học cách tư duy phản biện, phải luôn đặt ra các nghi ngờ trước các thông tin/ sự việc mà bạn nhận được. Nhất là những thông tin từ trên trời rơi xuống.

#3. Không cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin về tài chính, tài khoản của bạn cho người lạ

Những cuộc điện thoại kiểu như vậy thường sẽ tìm cách khai thác các thông tin cá nhân của bạn, như là tên, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, tình hình thu nhập, tài chính và số tài khoản ngân hàng…

cach-phong-tranh-bi-lua-dao-tren-internet (2)

Bạn tuyệt đối không được cung cấp bất cứ thông tin cá nhân đó cho kẻ lạ. Bởi rất có thể là họ đang tìm cách lợi dụng thông tin đó để tìm cách lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bạn đấy.

Có rất nhiều vụ án mà công an đã triệt phá được, bọn tội phạm công nghệ cao đã làm giả thẻ rút tiền ATM và trộm hết tiền của chủ thẻ thật.

Vì vậy bạn tuyệt đối cẩn thận. Nếu lỡ không may bạn đã tiết lộ thông tin rồi, thì cần phải xử lý kịp thời để tránh mất mát. Bạn có thể gọi cho ngân hàng đó để nhờ họ tư vấn chẳng hạn..

#4. Nên thận trọng gặp gỡ hẹn hò qua mạng

cach-phong-tranh-bi-lua-dao-tren-internet (1)

Internet đã mang đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội cũng như lợi ích, ta có thể  làm việc, kiểm soát công việc của mình ở bất kỳ nơi đâu, chỉ cần có một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng.

Chúng ta cũng có thể giao lưu, kết bạn với nhiều người ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, những mối quan hệ qua mạng xã hội, đặc biệt với những người lạ chưa được tìm hiểu kỹ và kiểm chứng về thông tin, bạn nên hết sức thận trọng.

Có rất nhiều những chiêu trò lừa đảo thông qua mạng xã hội như hẹn hò, rủ đi chơi, du lịch… Nếu bạn không có những kỹ năng phòng bị hoặc quá ngây thơ cả tin sẽ dễ trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ lừa đảo này đấy.

Không ít cô gái chỉ quen biết qua mạng xã hội, chưa tìm hiểu hoặc chưa có những thông tin chính xác về đối phương( như gia đình, nghê nghiệp, công ty, quê quán…) đã vội nhận lời đi uống nước, đi chơi, hẹn hò… dẫn đến bị lợi dụng chiếm đoạt cả thân thể lẫn tài sản.

#5. Cẩn thận khi mua hàng qua Mạng Xã Hội

cach-phong-tranh-bi-lua-dao-tren-internet (3)

Kinh doanh online là một xu thế tất yếu của xã hội hiện nay. Bên cạnh những trang thương mại điện tử, những đơn vị kinh doanh online chân chính thì cũng có không ít những người lợi dụng mạng xã hội để bán hàng chộp giật nhằm trục lợi bất chính.

Họ đăng bán, quảng cáo mặt hàng không đúng với sự thật, gửi hàng không đúng với cam kết những gì mà khách hàng đã đặt. Khi mình mua phải những món hàng đó, liên lạc với người bán để đổi/ trả thì số điện thoại và địa chỉ gửi hàng là không có thật.

Người mua thì “tiền mất tật mang”, hoặc “ngậm đắng nuốt cay”. Bởi vậy khi mua hàng qua mạng bạn cần thận trọng, trao đổi mua bán rõ ràng về chủng loại, chất lượng và giá cả. Đặc biệt không quên yêu cầu cho kiểm tra hàng trước khi nhận.

Nếu những cửa hàng nào không đồng ý cho kiểm tra hàng trước khi nhận thì không nên đặt mua, tránh mất tiền mà gây phiền phức cho mình nha các bạn. Làm ăn gì thì cũng phải minh bạch rõ ràng thì mới tin tưởng được !

#2. Lời Kết

Tóm lại, có muôn hình vạn trạng những chiêu thức lừa đảo qua điện thoại, mạng Internet, và các mạng xã hội hiện nay. Chính vì thế, bạn hãy áp dụng linh hoạt 5 cách phòng phòng tránh bị lừa đảo trên Internet mà mình đã chia sẻ ở bên trên nhé.

Thực sự thì Internet nói chung hay các mạng xã hội nói riêng là một con dao 2 lưỡi, bạn cần phải sử dụng chúng một cách thông minh, khôn khéo và có cả chừng mực để khai thác những lợi ích mà chúng mang lại.

Đồng thời tránh bị lợi dụng hoặc trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo của những kẻ bất lương nhé. Chúc các bạn thành công !

À quên, hãy chia sẻ câu chuyện của bạn (nếu có) để mọi người cùng trao đổi và rút kinh nghiệm ha. Thank you !

CTV: Huyền Vũ – Blogchiasekienthuc.com