5 dấu hiệu smartphone của bạn đang bị theo dõi, truy cập trái phép Update 03/2024

Công nghệ ngày càng phát triển, bên cạnh những lợi ích tuyệt vời mà công nghệ mang lại cho con người thì cũng có không ít những điều tiêu cực, mà phổ biến trong số đó là các hình thức thâm nhập của hacker, cũng như các loại virus, các malware,… ngày càng tiến hóa khôn lường hơn.

Việc thâm nhập vào smartphone của bạn thì nhiều, có thể là người quen, người yêu cũ, bồ nhí, sếp,… cho đến những hacker mũ đen, những kẻ xấu xâm nhập trái phép vào thiết bị của bạn để trục lợi cho bản thân.

dau-hieu-smartphone-cua-ban-dang-bi-truy-cap-boi-nguoi-khac (1)

Việc hacker theo dõi và truy cập trái phép vào thiết bị của bạn thì có nhiều mục đích khác nhau, có thể là để tống tiền, lừa đảo người thân của bạn, theo dõi hành vi, ăn cắp các tài khoản trực tuyến của bạn, đào tiền ảo,…

Các ứng dụng quét virus miễn phí mà chúng ta hay sử dụng không phải lúc nào cũng phát hiện ra được những truy cập trái phép, hay nhận dạng được các virus, malware… bởi các phần mềm theo dõi hay một số loại virus cũng chỉ là một dạng phần mềm bình thường.

Tuy nhiên, việc chúng tồn tại bên trong smartphone của bạn có thể để lại những dấu hiệu mà bạn có thể nhận biết được (nếu như bạn cảnh giác cao độ). Và bên dưới đây là 5 dấu hiệu điển hình cho thấy smartphone của bạn đang bị truy cập trái phép bởi người khác:

#1. Hao Pin một cách bất thường, máy hay bị nóng

Các malware, virus hay là keylogger đều là các ứng dụng chạy ngầm, từ đó sẽ tăng số lượng ứng dụng hoạt động cùng lúc lên, và khiến cho lượng Pin trong smartphone của bạn nhanh chóng bị hao hụt hơn so với bình thường.

Bạn hãy để ý tới thời lượng sử dụng Pin sau một lần sạc để phát hiện ra việc hao Pin bất thường của máy, bạn có thể sử dụng tính năng thống kê thời lượng sử dụng Pin/ thời lượng on-screen liên tục có sẵn trong máy.

Việc các phần mềm “độc hại” chạy liên tục đôi khi còn khiến cho máy bị nóng lên nhanh chóng, nhất là các malware đào tiền ảo. Lúc nào nó cũng nóng như lúc bạn đang chơi game nặng vậy.

Bạn có thể cảm nhận được việc máy bị nóng bất thường một cách dễ dàng, đặc biệt là khi bạn chỉ dùng những ứng dụng nhẹ nhàng như lướt Facebook, đọc báo, nghe nhạc, … mà máy vẫn rất nóng thì phải kiểm tra lại ngay.

#2. Lượng data 3G, 4G, 5G hao hụt nhanh chóng

Các gói cước ở Việt Nam chỉ giới hạn về tốc độ chứ không giới hạn về tổng dung lượng data sử dụng, tuy nhiên nếu smartphone của bạn có tính năng đo lượng data mà máy sử dụng thì cũng có thể nhận biết được dấu hiệu này.

Các phần mềm malware, keylogger… được hacker cài vào máy của bạn để theo dõi và chúng sẽ gửi lại thông tin thu thập được về máy chủ của hacker.

Việc này tiêu tốn khá nhiều Data và khi không có Wi-Fi, một số loại thậm chí còn có thể tự bật Dữ liệu di động lên để có thể gửi được thông tin về máy chủ, gây hao hụt data và còn ảnh hưởng đến tiền trong SIM của bạn.

#3. Quảng cáo lạ và ứng dụng lạ xuất hiện trên máy

dau-hieu-smartphone-cua-ban-dang-bi-truy-cap-boi-nguoi-khac (1)

Có khi nào bạn đang đọc một trang báo mà bỗng nhiên thấy hiện quảng cáo cá cược, hay các loại quảng cáo rất lạ mà trước đây bạn chưa thấy bao giờ không?

Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy có phần mềm lạ đang được cài trong máy bạn, các quảng cáo này có thể kiếm lời theo hình thức pay-per-click, hiện các pop-up lên buộc bạn phải nhấn vào. Loại phần mềm này thường được gọi là adware, phần mềm quảng cáo độc hại.

Các ứng dụng lạ cũng có thể đang âm thầm theo dõi bạn, đặc biệt là các ứng dụng không rõ nguồn gốc, các file *.apk trôi nổi từ những nguồn không uy tín. Vì vậy, khi bạn cài đặt ứng dụng bằng file APK thì hãy kiểm tra nguồn gốc thật kỹ trước nhé.

Bạn có thể kiểm tra một lượt các ứng dụng trong phần cài đặt, vì đôi khi chúng có thể bị ẩn khỏi app Drawer hay màn hình chính của smartphone của bạn.

Các ứng dụng lừa đảo thỉnh thoảng cũng sẽ xuất hiện cả trên App Store hoặc Google Play, tuy nhiên trường hợp này thì ít gặp hơn vì nó được quản lý bởi Apple và Google mà.

Và thường thì những ứng dụng độc hại trên các kho ứng dụng này sẽ bị gỡ xuống ngay sau đó và được đưa tin khá nhanh, vậy nên bạn hãy chủ động theo dõi các tin tức công nghệ để xem mình có tải ‘nhầm’ các app độc hại vào máy không nhé.

#4. Giảm sút hiệu năng

Có bao giờ khi đang chơi game bạn gặp hiện tượng sụt giảm FPS bất thường, máy giật lag nhiều hơn so với trước hay không?

Ngoài những vấn đề về Internet hay tuổi thọ của máy, đây cũng là một dấu hiệu nhận biết máy của bạn đang bị truy cập trái phép đấy.

Lúc này, các malware trong máy đang tiêu tốn một lượng tài nguyên khá lớn của máy, do chúng đang thực hiện việc theo dõi và liên tục gửi dữ liệu về phía máy chủ của hacker.

Vậy nên hiệu năng của thiết bị sẽ giảm sút, thậm chí giảm mạnh sau một khoảng thời gian dài, và bạn có thể dễ dàng nhận ra sự giảm sút ấy thông qua các tác vụ nặng như chơi game.

dau-hieu-smartphone-cua-ban-dang-bi-truy-cap-boi-nguoi-khac (2)

#5. Xuất hiện các tin nhắn và cuộc gọi lạ

Những tin nhắn lạ thường bị bỏ qua do chúng ta thường nghĩ chúng chỉ là những tin nhắn spam đơn thuần, hay những tin nhắn phiền phức từ nhà mạng.

Tuy nhiên, chúng cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy malware đang “ngồi chễm chệ” trong smartphone của bạn.

Các tin nhắn này có thể chứa các đường link lừa đảo hoặc có thể đây là cách mà hacker ‘truyền lệnh’, ‘kích hoạt’.. cho các malware tiềm ẩn bên trong máy bạn.

Và những cuộc gọi lạ cũng có thể là một dấu hiệu nhận biết sự tồn tại của malware trong máy.

Bạn nhận được cuộc gọi đến từ một số lạ hoắc, có đầu số từ châu Phi, châu Mỹ.. và bạn tự hỏi tại sao bên gọi đến lại có số điện thoại của bạn? Vâng, rất có thể bạn đã bị theo dõi từ trước bởi các malware rồi đấy.

#6. Lời kết

Okay, trên đây là 5 dấu hiệu nhận biết smartphone của bạn đang bị theo dõi và đang có những truy cập trái phép.

Những malware đang cố thâm nhập vào smartphone của bạn được tạo ra để theo dõi bạn, lừa đảo bạn và thậm chí tống tiền bạn. Nếu lơ là mất cảnh giác và thiếu đề phòng thì rất có thể bạn sẽ trở thành miếng mồi ngon cho các hacker đấy.

Bạn có thể đề phòng các malware xâm nhập vào smartphone bằng một số cách như sau:

  • Để ý kỹ những dấu hiệu mà mình đã nêu ở trên.
  • Tránh tải xuống các phần mềm lạ, các file .apk trôi nổi không rõ nguồn gốc.
  • Dùng các ứng dụng VPN, thay DNS khi truy cập WiFi công cộng (như ở quán café)..

Việc bị các malware theo dõi không đến mức ‘nhan nhản’, nó không phổ biến như trên máy tính. Vì vậy, chỉ cần bạn biết cách đề phòng và cảnh giác cao độ thì sẽ không vấn đề gì đâu nha các bạn.

Đọc thêm:

CTV: Đình Thành – Blogchiasekienthuc.com