Hướng dẫn tắt tính năng Reserved Storage trên Windows 10 Update 01/2025

Reserved Storage đã xuất hiện cũng khá lâu trên Windows 10 rồi, nhưng vì cách thức hoạt động cũng như sự hiệu quả mà nó mang lại “khó mà đong đếm được” nên nhiều người vẫn giảm hoặc tắt hẳn tính năng này đi.

Cụ thể thì tính năng này sẽ chiếm một phần dung lượng ổ cài đặt Windows 10 (khoảng 7GB) để phục vụ cho việc update windows được thuận lợi hơn, hoặc là lưu trữ các file tạm…

I. Reserved Storage là gì?

Reserved Storage trên Windows 10 có tác dụng chính là “cắt” ra khoảng 7GB dung lượng ổ cứng (ổ cài đặt hệ điều hành) để phục vụ cho việc Update Windows. Ngoài ra thì nó cũng sử dụng để lưu trữ các file tạm của các ứng dụng/ phần mềm mà bạn vẫn hay dùng, hay là bộ nhớ hệ thống… khi không sử dụng các file cập nhật.

Reserved Storage xuất hiện kể từ phiên bản Windows 10 version 1903. Nếu bạn cài đặt mới phiên bản này thì nó mặc định sẽ được kích hoạt. Còn ngược lại, nếu bạn update Windows 10 từ phiên bản cũ lên thì nó sẽ không kích hoạt.

II. Cách kiểm tra Reserved Storage có đang được kích hoạt hay không?

+ Bước 1: Bạn mở Windows Settings lên bằng cách nhấn tổ hợp phím Windows + I => sau đó chọn System => chọn Storage => và nhấn vào Show more categories như hình bên dưới.

cach-tat-tinh-nang-reserved-storage-tren-windows-10-1-min

+ Bước 2: Bạn chọn System & reserved

cach-tat-tinh-nang-reserved-storage-tren-windows-10-2-min

+ Bước 3: Okay, tại đây nếu bạn thấy dòng Reserved Storage có chiếm dung lượng như hình bên dưới thì có nghĩa là tính năng này đang hoạt động.

cach-tat-tinh-nang-reserved-storage-tren-windows-10-4-min

Ngược lại, như máy tính của mình được update thì phiên bản cũ lên nên nó chưa được kích hoạt. Như các bạn có thể thấy, không có dòng Reserved Storag nào cả.

cach-tat-tinh-nang-reserved-storage-tren-windows-10-3-min

III. Có nên tắt Reserved Storage trên Windows 10 không?

Vâng, với Microsoft thì họ khuyên không nên tắt tính năng này. Vì mục đích của tính năng này là đảm bảo các chức năng quan trọng của hệ điều hành luôn có đủ không gian ổ cứng để có thể hoạt động được.

Nếu tính năng Reserved Storage không được kích hoạt thì khi ổ cứng gần đầy thì Windows hoặc một số ứng dụng có thể hoạt động kém hơn vì không đủ dung lượng trống.

Nhưng nếu dung lượng ổ cứng của bạn quá ít, hoặc bạn có thể kiểm soát được dung lượng trống cho ổ chứa hệ điều hành (thường là ổ C) thì bạn có thể cân nhắc việc tắt tính năng này đi để lấy lại dung lượng lưu trữ đã bị “cắt” đi.

IV. Cách tắt tính năng Reserved Storage trên Windows 10

Trước khi tắt Reserved Storage thì bạn cũng nên kiểm tra dung lượng tính năng này đang chiếm dụng trên Windows 10 của mình để cân nhắc xem có nên tắt nó đi hay không nhé.

Hãy đọc phần phía trên trước, mình biết nhiều bạn thường không đọc phần đầu đâu :))

#1. Tắt Reserved Storage trên Windows 10 bằng Command Prompt

Để tắt được tính năng này trên Windows 10, chúng ta có thể sử dụng công cụ Deployment Imaging and Servicing Management hay còn gọi là DISM.

Tuy nhiên, do DISM là một công cụ dạng command-line tool – tức không có giao diện đồ họa (GUI – Graphical User Interface), mà chúng ta chỉ có thể thực hiện bằng các lệnh (CLI – Command Line Interface) trong Terminal, với Windows 10 thì nó là Command Prompt (CMD).

+ Bước 1: Đầu tiên bạn hãy mở CMD lên với quyền Administrator bằng cách nhập từ khóa cmd vào ô tìm kiếm trên thanh Taskbar của Windows (bạn có thể sử dụng tổ hợp Windows + S) => và chọn Run as administrator như trong hình.

tat-tinh-nang-reserved-storage-tren-windows-10 (1)

Tips : Bạn có thể nhập từ khóa cmd vào của sổ Windows Run (Windows + R) rồi bấm tổ hợp phím Ctrl + Shift + Enter để mở nhanh Command Prompt với quyền Admin, đây cũng là cách mình thường xuyên sử dụng và nó thực sự rất tiện.

+ Bước 2: Sau đó sử dụng công cụ DISM để kiểm tra trạng thái của Reserved Storage trên Windows bằng cách nhập dòng lệnh bên dưới => rồi nhấn Enter.

DISM.exe /Online /Get-ReservedStorageState

Nếu kết quả trả về là Reserved storage is enabled như hình thì nghĩa là Reserved Storage đang hoạt động và ngược lại.

Mặc dù tính năng này mặc định đã được bật khi bạn cài xong Windows 10, nhưng chúng ta vẫn cứ nên kiểm trả lại cho chắc chắn, thừa còn hơn thiếu !

tat-tinh-nang-reserved-storage-tren-windows-10 (2)

+ Bước 3: Trường hợp tính năng này đang được bật, bạn hãy nhập tiếp dòng lệnh bên dưới vào Command Prompt => rồi Enter để tắt tính năng Reserved Storage trên Windows 10.

DISM.exe /Online /Set-ReservedStorageState /State:Disabled

Nếu không có lỗi gì xảy ra, bạn sẽ nhận được thông báo The operation completed successfully như hình bên dưới, và Reserved Storage sẽ được tắt.

Lưu ý: Bạn sẽ không thể thực hiện tắt hay bật tính năng này khi Windows 10 đang thực hiện cập nhật, lúc này bạn buộc phải chờ quá trình cập nhật hoàn tất thì mới có thể tắt hay bật tùy ý.

tat-tinh-nang-reserved-storage-tren-windows-10 (3)

Khi muốn bật lại thì bạn chỉ việc thay từ Disabled trong câu lệnh trên thành Enabled là xong, tức câu lệnh đầy đủ sẽ là:

DISM.exe /Online /Set-ReservedStorageState /State:Enabled

#2. Tắt Reserved Storage trên Windows 10 bằng PowerShell

Windows PowerShell cũng là một công cụ giúp bạn thực hiện các thao tác thông qua giao diện dòng lệnh xuất hiện kể từ Windows 7, và sau này Microsoft biến nó trở thành một ứng dụng mã nguồn mở và đa nền tảng gọi là Powershell Core.

PowerShell thực sự rất mạnh mẽ, đây là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên bạn sẽ mất kha khá thời gian để làm quen, khai thác, nắm bắt và sử dụng cái mạnh mẽ đó.

Bên cạnh đó, vì cấu trúc câu lệnh khá phức tạp và loằng ngoằng nên nó sẽ phù hợp với lập trình viên hơn là người dùng phổ thông, đây cũng là một lí do khiến PowerShell không được sử dụng nhiều như là đàn anh Command Prompt.

Còn việc tắt Reserved Storage bằng PowerShell thì vô cùng đơn giản luôn, bạn chẳng cần phải sử dụng đến DISM như trong Command Prompt, mà chỉ cần một dòng lệnh mà thôi.

Thực hiện:

+ Bước 1: Trước tiên bạn mở Windows PowerShell với quyền Administrator bằng cách click chuột phải lên nút Start => và chọn Windows PowerShell (Admin).

Hoặc bạn có thể bấm tổ hợp phím Windows + X => rồi chọn Windows PowerShell (Admin) trong Menu vừa hiện ra.

tat-tinh-nang-reserved-storage-tren-windows-10 (4)

+ Bước 2: Sử dụng lệnh Get-WindowsReservedStorageState để kiểm tra trạng thái của Reserved Storage là bật hay tắt.

+ Bước 3: Sau đó bạn nhập lệnh Set-WindowsReservedStorageState -State Disabled vào cửa sổ PowerShell => rồi nhấn Enter để tắt Reserved Storage

Hoặc Set-WindowsReservedStorageState -State Enabled để bật lại tính năng này là xong. Kết quả trả về tương tự như hình bên dưới là đã thực hiện thành công nha các bạn.

tat-tinh-nang-reserved-storage-tren-windows-10 (5)

#3. Tắt Reserved Storage trên Windows 10 ver 1903 và 1909

Trên thực tế thì ở thời điểm hiện tại, đa số người dùng đều đã cập nhật lên phiên bản Windows 10 20H2 build mới nhất, ngoài quán nét ra thì khá ít người dùng phổ thông còn sử dụng 2 phiên bản này.

Nhưng mình vẫn sẽ có hướng dẫn cho nó vì biết đâu bạn lại nằm trong nhóm người dùng “Khá ít” đó thì sao :D.

Lẽ ra chúng ta sẽ phải thực hiện chỉnh sửa trực tiếp trong Registry trong Windows 10, nhưng để rút ngắn thời gian cũng như tiện sử dụng và bớt rủi ro nên mình đã chuẩn bị sẵn file .REG rồi. Bạn hãy tải xuống file này bằng một trong các đường link dưới đây :

Tải xong giải nén ra bạn sẽ được 2 file là Bat_Reserved_Storage.regTat_Reserved_Storage.reg, giờ bạn chỉ việc click chạy file bật hoặc tắt tương ứng => và bấm Yes khi được yêu cầu xác nhận sửa Registry nhé.

Cuối cùng, bạn cần phải khởi động lại máy tính để thay đổi này có hiệu lực, vậy là xong, rất tiện phải không nào.

tat-tinh-nang-reserved-storage-tren-windows-10 (6)

V. Lời kết

Như vậy là mình đã vừa hướng dẫn xong cho các bạn cách tắt Reserved Storage trên Windows 10 rồi nhé. Nói chung là rất dễ phải không nào.

Nhìn chung thì đây là một tính năng rất hữu ích và thực sự chúng ta không nên tắt nó đi, trừ trường hợp quá bí bách thì mới nên tắt thôi nhé.

Đây là một bài viết với mục đích chính là để giúp các bạn hiểu hơn về Reserved Storage là gì. Còn quyết định tắt hay không thì phụ thuộc vào khả năng quản lý máy tính của bạn. Hy vọng là bài viết này sẽ có ích cho các bạn. Chúc các bạn thành công !

CTV: Nguyễn Thanh Tùng – Blogchiasekienthuc.com