Nên sử dụng Paypal hay Payoneer: Cùng phân tích và so sánh Update 12/2024

Vâng, một câu hỏi mà mình tin chắc là nhiều bạn khi mới bước chân vào lĩnh việc kiếm tiền trực tuyến đều thắc mắc đó là: Nên sử dụng dịch vụ Paypal hay là Payoneer đúng không nào?

Tất nhiên rồi, đây là 2 dịch vụ hỗ trợ giao dịch trực tuyến (giao dịch Quốc tế) vô cùng uy tín và bảo mật. Và nếu như bạn đang có cùng thắc mắc như trên thì hãy cùng mình phân tích xem nên lựa chọn thằng nào nhé ?

I. Tìm hiểu sơ lược về Paypal

nen-su-dung-paypal-hay-payoneer-2-min

Paypal được thành lập vào tháng 12 năm 1998 tại Palo Alto, California Hoa Kỳ, và có trụ sở chính tại San Jose, California – Hoa Kỳ.

Chủ sở hữu của Paypal là tập đoàn eBay (eBay Inc), và những người sáng lập ra Paypal bao gồm: Elon Musk, Max Levchin, Peter Thiel,  Luke Nosek và Ken Howery.

Paypal là một công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, họ chuyên cung cấp các giải pháp thanh toán và chuyển tiền, nhận tiền qua Internet.

Paypal phát triển được như ngày hôm nay không chỉ nhờ vào dịch vụ thanh toán/ giao dịch tiện lợi và bảo mật của họ, mà còn một lý do khác nữa đó là họ đã dẫn đầu xu hướng.

Cụ  thể là vào cuối những năm 90, họ là công ty đầu tiên phát triển hệ thống ngân hàng trực tuyến và họ đã làm rất tốt điều này. Chính vì thế, nền tảng Paypal thường là lựa chọn ưu tiên cho các giao dịch trực tuyến, giao dịch xuyên quốc gia.

Hiện tại thì Paypal đã hỗ trợ cho hơn 200 quốc gia và 25 loại tiền tệ. Một con số rất ấn tượng phải không nào. Và với Paypal thì bạn có thể:

  • Dễ dàng thanh toán khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử nước ngoài (Amazon, ebay…)
  • Nhận hoặc chuyển tiền đa quốc gia. Ví dụ như khi bạn làm tiếp thị liên kết cho một network nước ngoài chẳng hạn, bạn có thể dễ dạng nhận tiền thông qua tài khoản Paypal của bạn.
  • Mua bán các sản phẩm nước ngoài (đối với các công ty, doanh nghiệp)….
  • Paypal cũng hỗ trợ app trên cả iOS và Android, bạn có thể vào kho ứng dụng để tải về sử dụng cho tiện nhé.
  • Hỗ trợ bảo mật 2 lớp khi thực hiện giao dịch, có nghĩa là khi bạn thực hiện thanh toán thì Paypal sẽ yêu cầu bạn nhập mã xác nhận trước khi thực hiện lệnh GỬI.

II. Tìm hiểu sơ lược về Payoneer

nen-su-dung-paypal-hay-payoneer-3-min

Payoneer được thành lập vào năm 2005, có trụ sở chính tại thành phố New York, tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Người sáng lập ra dịch vụ Payoneer là Yuval Tal, và ở thời điểm hiện tại, Payoneer đã có 21 văn phòng trên toàn cầu.

Payoneer là một công ty dịch vụ tài chính, họ cung cấp các dịch vụ chuyển tiền trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số. Hiện nay Payoneer cũng đã hỗ trợ cho hơn 200 quốc gia !

Các cá nhân và doanh nghiệp có thể dễ dàng gửi và nhận tiền vào tài khoản ngân hàng của mình.

Bạn có thể coi Payoneer là một ví điện tử Quốc tế, bạn chỉ cần nạp tiền vào là đã có thể thỏa mái mua sắm và giao dịch ở mọi nơi trên thế giới (tất nhiên là những trang có liên kết với Payoneer).

Nói chung là khi bạn sở hữu tài khoản Payoneer trong tay thì bạn có thể:

  • Thanh toán khi mua sắm trên các trang thương mại điện tử nước ngoài.
  • Nhận thanh toán vào các tài khoản nhận quốc tế.
  • Mở rộng thị trường buôn bán quốc tế. Bạn có thể mua bán và thanh toán dễ dàng với các khách hàng ở nước ngoài.
  • Rút tiền về tài khoản ngân hàng nội địa.
  • Thanh toán thuế VAT..
  • Thanh toán cho các nhà cung cấp dịch vụ hosting, domain.
  • Hỗ trợ ứng dụng trên cả iOS và Android. Bạn có thể sử dụng trên smartphone một cách vô cùng tiện lợi.
  • Nhận thanh toán của các network nước ngoài: Ví dụ như CJ, UP WORK, FREELANCER, AIRBNB, FEVERR, ELANCE, ODESK, GURU…

III. So sánh Paypal và Payoneer

nen-su-dung-paypal-hay-payoneer-1-min

Okay, về cơ bản thì như vậy. Bây giờ chúng ta sẽ đi vào phân tích những ưu và nhược điểm của 2 dịch vụ này nha.

#1. Về mức độ uy tín và bảo mật

Có lẽ vấn đề này thì chúng ta không cần phải bàn đến nhiều. Vì tất nhiên rồi, cả 2 dịch vụ này đều vô cùng uy tín và đã có từ lâu đời.

Điều khoản sử dụng của họ đã cho ta thấy điều đó, và thực tế đã chứng minh, qua rất nhiều năm hoạt động họ chưa từng dính phốt nào liên quan đến để lộ dữ liệu khách hàng.

=> Về mức độ bảo mật thì mình đánh giá là như nhau nhé !

#2. Mức độ an toàn khi thực hiện giao dịch giữa đôi bên

2.1. Payoneer

Việc chuyển tiền và nhận tiền thì Payoneer họ làm việc khá là thoáng, không quá gay gắt như Paypal. Mình chưa thấy anh em nào bị tình trạng Pending (tạm giữ) cả.

Đây là ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm của Payoneer. Vì Payoneer sẽ không đảm bảo cho người mua và người bán

2.2. Paypal

Tài khoản Paypal của bạn có thể bị Limit bất cứ lúc nào nếu họ nghi ngờ về các khoản tiền mà bạn đã nhận. Anh em dùng Paypal rất sợ cái này, chính vì thế mà có rất nhiều tips hỗ trợ gỡ Paypal Limid ?

Và một khi đã bị Limid thì người dùng sẽ khá là mất thời gian để chứng minh nguồn tiền, đưa ra bằng chứng để được thả.

Ngoài ra, các tài khoản Paypal ở Việt Nam chúng ta cũng bị quản lý chặt hơn do gian lận và chiêu trò quá nhiều. Trước đây đã có rất nhiều mạng quảng cáo lớn từ chối “chơi” với thị trường Việt Nam, vì các MMOer khôn lỏi quá nhiều, làm ăn không liêm khiết !

Nhưng ngược lại, Paypal hỗ trợ tối đa cho cả người mua lẫn người bán khi thực hiện giao dịch. Họ có cơ chế hoàn tiền cho người mua và người bán nếu có dấu hiệu lừa đảo.

#3. Về tính năng

Về tính năng thì mình thấy cả 2 dịch vụ này cũng khá tương đồng nhau, họ đều hỗ trợ các khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp..

Hỗ trợ các giao dịch Quốc tế, hỗ trợ chuyển tiền, nhận tiền Quốc tế…

=> Vậy nên về tính năng mình cũng đánh giá cả 2 là như nhau nhé !

#4. Về chi phí rút tiền

4.1. Payoneer

Khi bạn thực hiện rút tiền từ tài khoản Payoneer về ngân hàng nội địa mà bạn đã liên kết sẽ không mất một khoản chi phí nào cả.

Lưu ý là khi bạn thực hiện lệnh rút thì Payoneer sẽ yêu cầu bạn trả lời câu hỏi bí mật (câu hỏi lúc bạn đăng ký tài khoản Payoneer đấy). Nên các bạn lưu ý điều này nhé !

Tuy nhiên, nếu bạn đã sở hữu thẻ vật lý Payoneer (MasterCard) rồi, và bạn sử dụng thẻ vật lý này để rút tiền thì phí sẽ là 3.15$/ 1 lần rút. Và phí duy trì thẻ sẽ là 29.95$.

Thời gian tiền về đến tài khoản ngân hàng sau khi bạn thực hiện lệnh rút là: 1 – 2 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật nhé các bạn).

=> Tất nhiên là việc sở hữu thẻ Payoneer thì không phải ai cũng được, bạn phải đủ điều kiện để yêu cầu mở thẻ thì mới được Payoneer cấp cho. Vậy nên về chi phí rút tiền về tài khoản ngân hàng thì rõ ràng Payoneer sẽ chiếm ưu thế hơn.

4.2. Paypal

Khi bạn thực hiện rút tiền từ tài khoản Paypal về ngân hàng nội địa mà bạn đã liên kết sẽ bị mất 4,5$/ 1 lần giao dịch. Tức là khoảng 103.000 VNĐ.

Thời gian tiền về đến tài khoản ngân hàng sau khi bạn thực hiện lệnh rút là: 4 – 6 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật nhé các bạn).

Phí rút tiền của Paypal khá là cao. Ví dụ như người khác chuyển tiền cho bạn 80$ thì bạn sẽ được nhận là 76,18$. Tức là bạn sẽ bị trừ 3,82$ tiền phí dịch vụ. Chát !

Cũng đồng nghĩa là bạn bị trừ đi tiền phí là 4,7 – 4,8%. Chính vì thế, trước khi bạn giao dịch với đối tác thì bạn nên thỏa thuận trước là ai là người sẽ trả phí.

phi-chuyen-tien-cua-paypal-1

Với số tiền nhỏ thì không sao, chứ nhận mấy trăm $ mà bị trừ gần 5% là cũng khá thốn đấy :)) Như hình bên dưới là mình mất hơn 300k tiền phí rồi đó. Sau lần đó sáng mắt ra hẳn, không cần thuốc nhỏ mắt nữa !

phi-chuyen-tien-cua-paypal-2

#5. Về giới hạn tiền rút

5.1. Payoneer

  • Số tiền tối thiểu để bạn có thể thực hiện được lệnh rút về tài khoản ngân hàng nội địa là 50 USD. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng thẻ để rút thì có thể rút ít hơn 50 USD.
  • Số tiền tối đa mà bạn có thể rút về ngân hàng là: 200.000 USD.

5.2. Paypal

Những giới hạn áp dụng cho việc rút tiền bằng thẻ Visa như sau:

  • Số tiền tối thiểu mà bạn có thể rút được là: 1 USD.
  • Số tiền tối đa cho mỗi lần rút là: 10.000 USD.
  • Số tiền rút tối đa cho mỗi ngày là: 20.000 USD (hoặc 150 lần rút tiền).
  • Số tiền rút tối đa cho mỗi tuần: 50.000 USD (hoặc 250 lần rút tiền).
  • Số tiền rút tối đa cho mỗi tháng: 100.000 USD (hoặc 750 lần rút tiền).

#6. Dịch vụ chăm sóc khách hàng

6.1. Payoneer

  • Có nhân viên người Việt hỗ trợ.
  • Có group Facebook hỗ trợ Việt Nam
  • Hỗ trợ rất nhanh chóng Chat Support Online. Nhưng xử lý hỗ trợ qua ticket khá là chậm.

6.2. Paypal

  • Dịch vụ hỗ trợ chăm sóc khách hàng tốt và nhanh chóng.

#7. Thị phần của Paypal và Payoneer

Vâng, đương nhiên  rồi. Paypal có thị phần lớn hơn khá nhiều do họ “đẻ” trước mà. Cụ thể là PayPal hiện tại đang chiếm hơn 35% thị phần về phương thức thanh toán trực tuyến, còn Payoneer là 10%.

Nhưng rõ ràng, với những chính sách vô cùng hấp dẫn của Payoneer cho cả người dùng và đối tác của mình thì Payoneer đang vươn lên vô cùng mạnh mẽ, và mình tin là Payoneer sẽ còn tiến xa hơn nhiều nữa.

IV. Lời Kết

Vâng, qua bài viết này thì mình tin là bạn đã hiểu rõ hơn về 2 loại hình dịch vụ thanh toán Quốc tế Payoneer và Paypal rồi đúng không.

Còn bây giờ thì mình sẽ để các bạn tự trả lời câu hỏi: Nên dùng Paypal hay Payoneer nhé !

Đối với cá nhân mình thì mình dùng cả 2, và mình nghĩ là bạn cũng nên vậy. Đặc biệt là đối với những bạn xác định làm việc trực tuyến, có phát sinh giao dịch Quốc tế thì hãy làm 2 thẻ này trước khi bắt đầu dấn thân vào giới MMO nhé ?

Okay, hi vọng là bài viết này đã giải đáp được những khúc mắc của bạn. Chúc các bạn sớm sở hữu 2 loại tài khoản này cho riêng mình nhé !

Kiên Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com