Windows 11 hiện đang là phiên bản hệ điều hành có yêu cầu khắt khe nhất về phần cứng, cũng như tính bảo mật.. tính cho tới thời điểm hiện tại.
Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho những tín đồ yêu công nghệ hiện nay, bởi thế giới Internet giờ đã “tiến hóa” ghê gớm lắm rồi. Nếu Windows không chịu tăng tính bảo mật mạnh mẽ hơn thì rất dễ bị “xâm hại” và làm lộ thông tin người dùng.
Ngoài việc yêu cầu máy tính phải hỗ trợ Windows chuẩn UEFI, chip bảo mật TPM 2.0… thì Windows 11 cũng chỉ hỗ trợ chính thức cho các dòng CPU Intel thế hệ mới.
Cụ thể là từ đối với chip Intel thì chỉ hỗ trợ các dòng Chip thế hệ thứ 8 trở lên, còn CPU AMD Ryzen thì từ series 2000 trở đi. Vậy lí do chính là gì mà Windows 11 lại ra quyết định không hỗ trợ các CPU đời thấp hơn?
#1. Windows 11 hỗ trợ những CPU nào?
Ngay sau sự xuất hiện của Windows 11, Microsoft đã đưa ra thông báo về các loại CPU chắc chắn sẽ hỗ trợ Windows 11 như sau. Bạn có thể tham khảo để xem liệu CPU của mình có được hỗ trợ hay không:
- Intel: Windows Processor Requirements Windows 11 Supported Intel Processors
- AMD: Windows Processor Requirements Windows 11 Supported AMD Processors
Intel ra mắt chip Core i thế hệ 8 từ năm 2017 và chip Ryzen series 2000 của AMD thì được ra mắt từ năm 2018.
=> Chính vì vậy việc giới hạn CPU của Windows 11 sẽ khiến cho một lượng lớn người dùng khó tiếp cận được Windows 11 cho đến thời điểm hiện tại.
NOTE: Các bạn có thể xem chi tiết hơn trong bài viết này nhé: Làm thế nào để biết máy tính có cài được Windows 11 không?
#2. Nói một chút về CPU đời cũ
Ban đầu, Microsoft cho biết Windows 11 có thể sẽ tương thích một phần với một số CPU đời cũ, bao gồm cả các CPU thế hệ thứ 7 (của Intel).
Tuy nhiên, không hiểu tại sao, chắc anh ấy (Microsoft) đã vắt tay lên trán và suy nghĩ lại: Tại sao tôi phải hỗ trợ?
Vậy nên khi người dùng thực hiện nâng cấp lên phiên bản Windows 11 (bản dùng trước hoặc bản bị rò rỉ) sẽ xuất hiện thông báo CPU không được hỗ trợ
, đồng thời đưa ra lời khuyên là không nên nâng cấp lên Windows 11.
Tuy nhiên, sau đó ít hôm, anh ấy lại vắt tay lên trán phát nữa để suy nghĩ lại: Mình làm như vậy liệu có quá đáng lắm không ?
Và lần này thì Microsoft quyết định sẽ đưa ra một câu trả lời không chắc chắn:
Microsoft cho biết họ sẽ kiểm tra lại xem, liệu CPU Intel thếhệ 7 và AMD series 1000 liệu có “xứng đáng” để chạy được Windows 11 hay không thông qua các bản Windows Insider Preview.
Nhưng hóng mãi… cho đến thời điểm hiện tại, các dòng CPU đời thấp hơn so với yêu cầu cấu hình hệ thống đều không thể cài đặt được Windows 11 theo đúng cách (vẫn cách để lách – xem bí kíp).
Không biết đến bản Windows 11 chính thức thì Microsoft có điều chỉnh lại phần yêu cầu cấu hình hay không, cái này thì phải đợi thời gian trả lời thôi ? Nhưng cá nhân mình thấy việc Windows 11 hỗ trợ các CPU đời thấp là rất khó xảy ra.
Vì nếu có ý định hỗ trợ thì Microsoft đã cho vào phiên bản thử nghiệm để test trước rồi.
Tuy nhiên, chưa có bản chính thức thì chúng ta vẫn có quyền hi vọng về việc Windows 11 sẽ hỗ trợ các CPU đời thấp hơn.
#3. Lí do Windows 11 rất nghiêm ngặt về cấu hình hệ thống?
Một câu hỏi mà mình tin chắc là ai cũng muốn biết, đó là: Vì sao mà Windows 11 lại yêu cầu cấu hình cao như vậy, trong khi đó các phiên bản trước như Windows 10 lại không yêu cầu hệ thống cao như thế?
Đầu tiên..
Microsoft đang rất quan tâm đến vấn đề bảo mật. Giống như yêu cầu về chip bảo mật TPM 2.0, CPU cần phải hỗ trợ các tính năng bảo mật mới nhất mà các CPU đời cũ không thể đáp ứng được (bởi không có để mà đáp ứng).
Với TPM 2.0 và các công nghệ có trên CPU đời mới, các máy tính chạy Windows 11 hoàn toàn có thể được mã hóa hoặc khởi chạy Secure Boot
giúp ngăn chặn tất cả các mối nguy hại khi khởi động máy tính.
Tiếp theo nữa là độ tin cậy và ổn định, Microsoft cho biết: Các CPU đã được áp dụng trình điều khiển (driver) mới sẽ không bị lỗi nữa (99,8% là như vậy).
#4. Cuộc tấn công Meltdown và Spectre
Như vậy thì nhiều bạn sẽ đặt ra câu hỏi: Liệu các yêu cầu về bảo mật như thế có thực sự cần đến một CPU đời mới như vậy hay không?
Các bạn có nhớ vụ bê bối của Intel về lỗi thiết kế và đã gây ra các cuộc tấn công Spectre và Meltdown hay không?
Microsoft đã nhanh chóng phát hành các bản vá cho các CPU bị ảnh hưởng với “cái giá phải trả” là hiệu suất của máy tính bị giảm đi rất nhiều.
Intel thì cho biết, lỗ hổng Meltdown và Spectre đã được sửa chữa hoàn toàn kể từ CPU đời thứ 8 trở lên, và họ đã có những thay đổi phần cứng của các CPU đời mới này.
Trong khi đó, Microsoft không muốn nói cho người dùng biết rằng CPU đời cũ chạy Windows 10 là không an toàn như những CPU đời mới, vì điều này sẽ làm doanh số của Windows 10 giảm xuống.
Chính vì vậy, Microsoft đã âm thầm muốn người dùng chuyển qua các dòng CPU mới hơn để tránh các cuộc tấn công nói trên lặp lại, đó cũng là một phần lý do họ đã giới hạn số lượng CPU chạy được trên Windows 11.
#5. Thời gian khai tử của Windows 10
Microsoft đã công bố thời gian khai tử Windows 10 là vào ngày 14/10/2025. Sau thời gian này, Windows 10 sẽ không còn nhận được bất kì bản cập nhật bảo mật nào nữa.
Chính vì thế, mọi người không cần phải quá lo lắng nếu máy tính không đủ cấu hình để lên Windows 11 nữa rồi, bởi vì còn tận 4 năm nữa thì Windows 10 mới bị khai tử cơ. Thỏa mái mà dùng ᵔᴥᵔ
#6. Lời kết
OK, thì theo mình đó là những lí do vì sao Windows 11 lại không hỗ trợ các đời CPU đời cũ. Còn các bạn nhận định thế nào, tại sao Windows 11 lại không hỗ trợ các con Chip đời cũ?
Hi vọng mọi người hãy comment để thảo luận cùng mình, có như vậy thì mình mới hoàn thiện hơn ở các bài viết tiếp theo. Thank you ?
CTV: Hoàng Tuấn – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn