Tìm hiểu kỹ hơn về Card đồ họa (VGA) trên máy tính Laptop Update 01/2025

Card đồ họa – hay còn gọi là VGA (Video Graphics Adapter) là một thiết bị chịu trách nhiệm xử lý các tác vụ và thông tin liên quan đến hình ảnh trong máy vi tính.

Và đóng vai trò quyết định đến sức mạnh của Card đồ họa đó chính là bộ xử lý đồ họa – GPU (Graphic Processing Unit).

GPU là một bộ vi xử lý chuyên dụng, nó nhận nhiệm vụ tăng tốc và xử lý đồ họa cho bộ vi xử lý trung tâm CPU (được coi là cơ quan đầu não của máy tính).

Đọc thêm:

#1. Tìm hiểu về card đồ họa của Laptop

Khi nói đến card đồ họa VGA thì người ta thường quan tâm đến 2 thông tin chính, đó là:

  1. Tốc độ xử lý của GPU
  2. Dung lượng của bộ nhớ VRAM

VRAM trên card đồ họa rời được hàn chết trên bo mạch chủ, và chúng ta cũng không thể thay đổi dung lượng được.

Còn VRAM của card đồ họa tích hợp được share từ RAM có trên máy tính, nên nếu muốn thì bạn vẫn có thể thay đổi dung lượng của nó.

Mình lấy ví dụ như sau:

Card màn hình rời nVIDIA GeForce 920M có:

  • Tốc độ xử lý của GPU: 954 Mhz
  • Bộ nhớ VRAM: 2048MB (tương ứng với 2GB)

Card Onboard Intel HD Graphics 5500 có:

  • Tốc độ xử lý của GPU: 300 Mhz Boost to 950 Mhz (có nghĩa là tốc độ xử lý là 300 Mhz, nhưng khi cần thiết thì nó có thể tự ép xung lên 950 Mhz)
  • Bộ nhớ VRAM: Share (như mình đã nói bên trên, dung lượng của VRAM phụ thuộc vào dung lượng của RAM gắn trên máy, card onboard sử dụng chung bộ nhớ với RAM của máy)

#2. Trên Laptop có mấy loại card đồ họa?

Card đồ họa có 2 loại, đó là:

  • Card onboard
  • Card rời

2.1. Card Onboard (hay còn gọi là card đồ họa tích hợp)

Chúng ta vẫn thường gọi chung là CPU, nhưng từ dòng Core i trở về sau này, trên con chíp CPU còn có cả GPU nữa.

tim-hieu-ve-card-do-hoa-tren-laptop (1)

Đặc điểm chính:

  • GPU được tích hợp chung vào một đế với CPU (hoặc chipset).
  • GPU không có bộ nhớ VRAM riêng, hoặc nếu có thì cũng rất nhỏ, nó sử dụng RAM của hệ thống máy tính làm bộ nhớ. Việc card đồ họa sử dụng bao nhiêu bộ nhớ RAM thì còn tùy thuộc vào ứng dụng đang chạy trên máy tính của bạn. Đó cũng chính là lý do mà nhiều bạn đang thắc mắc là tại sao máy tính không nhận đủ RAM đó ?
  • Đối với Card đồ họa Onboard thì nó sẽ tiêu thụ ít điện năng của máy hơn.
  • Card onboard vẫn đáp ứng được các nhu cầu cơ bản như: Xem phim, chỉnh sửa video, đồ họa, và game 2D, xử lý các ứng dụng nặng như AutoCad, game 3D ở mức độ vừa phải…

=> Hãng sản xuất mà các bạn thường gặp đó là: Intel !

Khi chíp CPU Core i xuất hiện thì công nghệ Card onboard được nâng lên một tầm cao mới, có hiệu năng mạnh hơn trước rất nhiều.

Các tên của card onboard do Intel sản xuất phổ biến như:

  • Intel® Iris™ Plus Graphics 650 (trên CPU core i7 – 7567U)
  • Intel® Iris™ Pro Graphics 580 (trên CPU core i7 – 6970HQ)
  • Intel® Iris™ Graphics 550 (trên CPU core i5 – 6267U)

2.2. Card đồ họa rời trên Laptop

Đối với Card đồ họa rời trên Laptop thì cũng có 2 bộ phận chính đó là GPUVRAM

tim-hieu-ve-card-do-hoa-tren-laptop (2)

Đặc điểm chính:

  • Card đồ họa rời mạnh mẽ hơn nhiều so với Card đồ họa tích hợp.
  • VGA rời là một bộ phận hoạt động tách rời với CPU và Chipset có trên máy tính.
  • Card đồ họa rời có bộ nhớ xử lý đồ họa (GPU) hoàn toàn riêng biệt.
  • Card đồ họa rời cũng có bộ nhớ đồ họa riêng.
  • Tiêu thụ năng lượng nhiều hơn card onboard nên sẽ làm hao Pin hơn.
  • VGA rời đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về xử lý đồ họa của người dùng hiện nay.

Hiện tại thì có 2 hãng sản xuất card đồ họa rời nổi tiếng và các bạn cũng sẽ thường gặp nhất đó là: NVIDIAAMD

tim-hieu-ve-card-do-hoa-tren-laptop (3)

#3. Một số điểm khác biệt của Card đồ họa rời trên Laptop so với PC

Card đồ họa rời trên Laptop không nâng cấp, cũng như không tháo lắp được như trên máy tính PC.

Do được hàn chết trên Mainboard của Laptop nên người dùng cũng không thể nâng cấp hoặc thay thế được.

Đối với các Laptop được sản xuất từ năm 2010 trở lại đây thì có sử dụng công nghệ đồ họa Switchable. Điều này có nghĩa là hệ thống sẽ tự động chuyển đổi qua lại giữa Card onboard và Card rời để đáp ứng xử lý các yêu cầu đồ họa.

Tức là khi bạn sử dụng các tác vụ nhẹ nhàng thì máy tính sẽ sử dụng Card onboard.

Còn khi bạn sử dụng các phần mềm hay ứng dụng nặng, đòi hỏi cần đến sức mạnh của Card rời thì nó sẽ tự động chuyển sang để Card rời và Card onboard cùng phối hợp hoạt động để xử lý.

#4. Lời Kết

Đó là những thông tin cơ bản mà bạn nên biết về Card đồ họa trên máy tính Laptop, hi vọng là bài viết này sẽ hữu ích với bạn.

Chúc các bạn thành công !

Kiên Nguyễn – Blogchiasekienthuc.com
Tham khảo bài viết trên Thế Giới Di Động