iCloud Private Relay trên iOS 15 là gì? Có thể thay thế VPN hay không? Update 11/2024

Trong khuôn khổ sự kiện WWDC 2021, Apple đã cho ra mắt tính năng iCloud Private Relay trên các nền tảng iOS 15, iPadOS 15 và macOS Monterey. Vậy Private Relay là gì, có giống VPN không và sử dụng như thế nào? Cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

1. Private Relay – VPN trên iOS 15 của Apple

Private Relay, hay còn được gọi là Chuyển tiếp bảo mật, là tính năng có trên iPhone, iPad giúp ẩn các dữ liệu duyệt web của người dùng. Để dễ hiểu, bạn có thể xem Private Relay khá tương đồng với dịch vụ VPN trên app 1.1.1.1 hoặc các app liên quan.

Biểu tượng Private Relay

Biểu tượng Private Relay

Những thông tin như địa chỉ IP, tên website bạn truy cập hay hoạt động của bạn trên trang web đó đều sẽ được ẩn đi bằng cách mã hóa. Việc này làm cho nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) của bạn không biết được bạn đang truy cập trang web nào.

Private Relay mã hóa thông tin duyệt web

Private Relay mã hóa thông tin duyệt web

Điều này đồng nghĩa với việc các thông tin của bạn sẽ được đảm bảo an toàn ở chế độ riêng tư, và bạn cũng có thể truy cập những địa chỉ web đã bị cấm truy cập bởi các ISP của Việt Nam.

2. Cách hoạt động của Private Relay trên iOS 15

Private Relay sẽ hoạt động thông qua 2 máy chủ, 1 của Apple và 1 là của bên cung cấp nội dung bên thứ ba. Khi người dùng truy cập một trang web, dữ liệu này sẽ được máy chủ của Apple mã hóa và gửi đến máy chủ thứ hai. Tại đây, thông tin truy cập sẽ được giải mã và sau đó gán bằng một địa chỉ IP bất kì trong khu vực sử dụng.

Cách hoạt động của Private Relay

Cách hoạt động của Private Relay

Sau khi quá trình trên hoàn tất, bạn sẽ được chuyển hướng đến trang web muốn truy cập. Với cách hoạt động này, Private Relay đảm bảo không ai có thể biết danh tính và địa chỉ web bạn truy cập, kể cả Apple.

3. Tính năng của Private Relay – iOS 15

– Bảo mật các thông tin riêng tư như danh tính, địa chỉ trang web bạn truy cập,…

– ISP không biết bạn đang truy cập trang web nào.

– Các trang web bạn truy cập không ghi được địa chỉ IP của bạn.

– Truy cập được những trang web bị chặn.

– Duyệt web mượt, an toàn hơn.

Private Relay ẩn địa chỉ IP của bạn

Private Relay ẩn địa chỉ IP của bạn

4. Ưu nhược điểm của Private Relay – VPN

– Ưu điểm

+ Quy trình hoạt động thông qua 2 máy chủ khác nhau nên không ai biết được thông tin duyệt web của bạn.

+ Tốc độ được đánh giá là mượt hơn VPN hay Tor.

+ Giảm tình trạng chậm, lag do không phải đi qua quá nhiều máy chủ.

+ Được tích hợp ngay trên hệ điều hành, không cần phải tải thêm app.

Private Relay được tích hợp ngay trên hệ điều hành

Private Relay được tích hợp ngay trên hệ điều hành

– Nhược điểm

+ Chỉ mới hỗ trợ trên trình duyệt Safari.

+ Tốn phí vì được tích hợp với các gói iCloud+ của Apple.

+ Không được chọn khu vực truy cập khi duyệt web như các dịch vụ khác.

5. Cách bật Private Relay – VPN của Apple

Hướng dẫn nhanh:

Bước 1: Đăng ký gói dung lượng iCloud+.

Bước 2: Vào Cài đặt > iCloud > Bật Chuyển tiếp bảo mật (Beta) > Vị trí địa chỉ IP > Chọn Duy trì vị trí chung hoặc Sử dụng quốc gia và múi giờ.

6. Private Relay có phải là VPN không? So sánh Private Relay và VPN

Theo như tuyên bố của Nhà Táo, Private Relay không phải là một VPN. Và dù là cách hoạt động khá giống nhau nhưng 2 tính năng này vẫn có sự khác biệt.

VPN chỉ có duy nhất một máy chủ để mã hóa thông tin người dùng. Điều này có nghĩa là dù ISP không biết được danh tính và thông tin duyệt web của bạn nhưng máy chủ của VPN thì có.

Private Relay khác với VPN

Private Relay khác với VPN

Private Relay đã khắc phục được điểm yếu này của VPN. Vì sử dụng 2 máy chủ nên tính năng đảm bảo được không ai có thể biết được thông tin của bạn.

Ngược lại, VPN cho phép người dùng tự do lựa chọn khu vực của mình, chẳng hạn bạn có thể chọn Hồng Kông để gán địa chỉ IP. Trong khi đó Private Relay lại tự gán một cách ngẫu nhiên trong khu vực của người sử dụng.

7. Một số câu hỏi thường gặp

– Private Relay có giống Tor không?

Về cách hoạt động thì Private Relay khá giống Tor. Tuy nhiên thay vì qua 1 hay 2 máy chủ thì Tor lại đi qua rất nhiều, có khi lên đến hàng chục máy chủ nhỏ của các tình nguyện viên.

Dễ dàng thấy rằng Tor bảo mật danh tính người dùng hầu như tuyệt đối, tuy nhiên lại chậm hơn so với Private Relay vốn chỉ đi qua 2 máy chủ cố định.

Cách hoạt động của Tor

Cách hoạt động của Tor

– Private Relay có thay thế được VPN không?

Để trả lời cho câu hỏi Private Relay có thể thay thế được VPN hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và yếu tố quan trọng nhất chính là trải nghiệm sử dụng của người dùng. Tuy nhiên, câu trả lời có lẽ là khó để tính năng mới này thay thế hoàn toàn VPN.

Như đã đề cập, Private Relay chỉ mới có trên Safari và các nền tảng hệ điều hành của Apple. Độ phủ của tính năng này là khá khiêm tốn so với VPN.

Bên cạnh đó, mức phí phải trả để sử dụng cho tính năng này có thể là một rào cản đối với nhiều người dùng Việt Nam.

Bài viết vừa cung cấp các thông tin về iCloud Private Relay. Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi, hẹn gặp lại trong những bài viết khác!