Trợ cấp thôi việc, mất việc làm có phải tính thuế TNCN không? Update 11/2024

Thuế thu nhập cá nhân viên đối với khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm

1. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là gì?
– Trợ cấp thôi việc là khoản trợ cấp mà người sử dụng lao động có trách nhiệm phải chi trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
– Trợ cấp mất việc làm là khoản trợ cấp mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động mất việc làm khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

2. Trợ cấp thôi việc, mất việc làm có phải tính thuế TNCN không?

Theo quy định tại điểm b, khoản 2 điều 2 của thông tư 111/2013/TT-BTC: quy định về các khoản phụ cấp trợ cấp phải tính thuế TNCN thì:
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, Điều này phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.
Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.
Vậy là:
– Nếu người lao động nhận được khoản Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc theo đúng mức quy định của Bộ luật Lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN (tức là được miễn thuế TNCN)
– Nếu phần trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp được chi trả cao hơn mức quy định của Bộ luật Lao động thì phần vượt phải chịu thuế TNCN.Thuế TNCN đối với khoản trợ cấp thôi việc, mất việc làm
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn Mạnh được công ty Kế Toán Thiên Ưng chi trả một khoản tiền trợ cấp khi thôi việc là 3 triệu đồng. Trong đó có 2 triệu là theo mức quy định của Bộ luật Lao động, còn 1 triệu là cao hơn mức quy định của Bộ luật Lao động
Thì: Trong khoản tiền 3 triệu anh Mạnh nhận được có:
+ 2 triệu được miễn thuế TNCN
+ 1 triệu không được miễn thuế TNCN (phải cộng vào thu nhập chịu thuế để tính thuế)

3. Cách tính thuế TNCN đối với khoản trợ cấp nhận được cao hơn mức quy định:

– Nếu thời điểm chi trả trợ cấp trước khi chấm dứt HĐLĐ thì chịu thuế theo biểu lũy tiến.
Tức là: Trường hợp doanh nghiệp chi trả cho người lao động (khoản tiền trợ cấp cao hơn mức quy định) trước khi chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp tổng hợp thu nhập cùng với các khoản thu nhập từ tiền lương tiền công khác phát sinh trong kỳ để khấu trừ thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần.
Chi tiết về cách tính xem tại đây: Cách tính thuế thu nhập cá nhân (theo biểu lũy tiền từng phần)
– Nếu chi trả sau khi chấm dứt HĐLĐ thì phải chịu thuế theo tỷ lệ 10%
Tức là: Trường hợp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động doanh nghiệp mới chi trả cho người lao động (khoản trợ cấp cao hơn mức quy định) (chi thêm đó) thì nếu chi trả từ 2 triệu đồng trở lên thì thực hiện khấu trừ 10%/số tiền trợ cấp cao hơn mức quy định khi chi trả.
Chi tiết về cách tính xem tại đây: Cách tính thuế TNCN theo tỷ lệ 10%
Cách tính trên được thực hiện theo hướng dẫn tại:
– Công văn số 70182/CT-TTHT ngày 19/10/2018 của Cục Thuế TP. Hà Nội về thuế TNCN đối với các khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp 
– Công văn số 6553/CT-TTHT ngày 5/7/2018 của Cục Thuế TP. HCM
– Công văn số 45749/CT-TTHT ngày 2/7/2018 của Cục Thuế TP. Hà Nội: 
+ Hỗ trợ tài chính cho lao động nghỉ việc phải khấu trừ thuế TNCN
+ Trường hợp Công ty vừa có khấu trừ thuế TNCN theo biểu lũy tiến, vừa khấu trừ thuế TNCN theo biểu thuế toàn phần thi khi khai quyết toán thuế, Công ty kê khai vào Bảng kê 05-1/BK-TNCN (đối với số thuế khấu trừ theo biểu lũy tiến) và Bảng kê 05-2/BK-QTT-TNCN (đối với số thuế khấu trừ theo biểu toàn phần).