Nếu bạn chưa được nghe nói đến Digital Legacy hay đã từng nghe nhưng chưa biết nhiều thông tin về khái niệm này, hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về Digital Legacy là gì, cũng như các thông tin liên quan khác về chúng. Cùng tìm hiểu bài viết để có cái nhìn tổng quan hơn về khái niệm mới mẻ này nhé!
1. Digital Legacy là gì?
Digital Legacy được dịch sang tiếng Việt là Di sản kỹ thuật số, là các thông tin kỹ thuật số có sẵn về một người nào đó sau sự qua đời của họ.
Digital Legacy được hình thành bởi các thông tin mà người đó để lại trên các dịch vụ online, bao gồm tài khoản mạng xã hội (Facebook, Twitter, Instagram,…), tài khoản game, Blog, các đoạn chat, hình ảnh, video.
Digital Legacy cũng vừa được Apple giới thiệu trong WWDC 2021 (tích hợp trong iCloud), cho phép người dùng chỉ định một quản trị viên khác ngoài họ có thể truy cập dữ liệu của người dùng trong trường hợp họ qua đời.
Digital Legacy hay còn được gọi là Di sản kỹ thuật số
Ngoài ra, cũng có một thuật ngữ liên quan khác đó là Digital Assets, dịch sang tiếng Việt là Tài sản kỹ thuật số.
Hiểu đơn giản, Digital Assets là các dữ liệu tồn tại trên các thiết bị kỹ thuật số hoặc các dịch vụ trực tuyến và phải đi kèm với quyền sử dụng thì được coi là tài sản kỹ thuật số. Digital Assets có thể bao gồm ảnh, video, nhạc, website, blog và sách điện tử.
Digital Assets là các dữ liệu tồn tại trên các dịch vụ trực tuyến hoặc thiết bị kỹ thuật số
2. Di sản số thường được lưu trữ ở đâu?
– Thường được lưu trữ trong các dịch vụ online hoặc các thiết bị vật lý
+ Các dịch vụ online bao gồm các website, các trang mạng xã hội, email và các dịch vụ lưu trữ đám mây.
+ Các thiết bị vật lý bao gồm điện thoại, laptop, tablet, PC và ổ cứng.
– Apple vừa ra mắt iOS 15 và đã đưa thêm tính năng Kế thừa kỹ thuật số vào hệ sinh thái của họ, đây được xem là tính năng mới của iCloud trên iOS 15. Khi sử dụng, các Di sản số sẽ được lưu trữ trên dịch vụ đám mây của Apple (iCloud).
Bạn có thể tham khảo thêm về các tính năng mới trên iOS 15 thông qua bài viết bên dưới nhé!
Di sản kỹ thuật số còn được lưu trữ ở các dịch vụ lưu trữ đám mây
3. Ai là người sở hữu Di sản số của bạn sau khi mất?
Trường hợp sau khi bạn mất, Di sản kỹ thuật số của bạn sẽ thuộc sở hữu của những người thụ hưởng mà bạn đã chỉ định trước đó và dịch vụ trực tuyến mà bạn đã sử dụng.
Mỗi dịch vụ trực tuyến sẽ có những điều khoản, chính sách riêng tư khác nhau. Vì vậy, bạn cần đọc kỹ và hiểu rõ các điều khoản, chính sách của bên cung cấp dịch vụ bạn sử dụng để biết ai sẽ sở hữu và có quyền truy cập đối với Di sản kỹ thuật số mà bạn để lại.
Việc người sở hữu Tài sản kỹ thuật số sau khi bạn mất cũng tương tự như Di sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, sẽ có nhiều khó khăn hơn trong việc thừa kế tài sản số đó, đặc biệt là Cryptocurrency (tiền mã hóa) của bạn.
Người được sở hữu Di sản kỹ thuật số của bạn sẽ do bạn chỉ định
4. Quy trình để lại Di sản số
Để hiểu rõ hơn về quy trình để lại Di sản số, bạn tham khảo các bước thực hiện ngay bên dưới nhé!
Bước 1: Lập danh sách
Bạn cần lập danh sách về tất cả những tài khoản trực tuyến của mình, bao gồm những tài khoản mà bạn có thể đã quên hoặc không truy cập trong nhiều năm.
Bạn nên kiểm tra lại lịch sử trình duyệt, các dấu trang hay các ứng dụng được tải trực tiếp trên cả điện thoại và laptop để không sót bất kỳ tài khoản nào nhé!
Danh sách về các tài khoản trực tuyến của bạn càng đầy đủ càng tốt, tuy nhiên, bạn đừng quá căng thẳng vì bạn vẫn có thể được cập nhật thêm tài khoản cho Di sản kỹ thuật số của mình.
Đừng quên rằng, gia đình và người thừa kế Di sản số của bạn cũng sẽ cần được hướng dẫn cách vào laptop và điện thoại cá nhân của bạn.
Lập danh sách về tất cả tài khoản của bạn, bao gồm tài khoản đã lâu không sử dụng
Bước 2: Ra quyết định cho những tài khoản của mình mà bạn muốn được xử lý
Ở bước này, bạn cần xem qua danh sách và đưa ra các quyết định cho những tài khoản của mình được xử lý như thế nào khi không có mặt của bạn.
Ví dụ: Bạn muốn xóa tài khoản WeChat của mình sau khi mất, nhưng bạn muốn lưu lại những hình ảnh đã tải lên WeChat và đăng lại vào Facebook dưới dạng một kỷ niệm để tưởng nhớ.
Hãy đảm bảo rằng người kế thừa Di sản số của bạn sẽ có quyền truy cập vào bất kỳ thông tin hay dữ liệu quan trọng nào nếu bạn ra quyết định đóng hoặc hủy tài khoản đó.
Đưa ra các quyết định để xử lý các tài khoản theo mong muốn của bạn
Bước 3: Nghiên cứu chính sách kế thừa Di sản kỹ thuật số cho các tài khoản khác nhau
Một phần của việc ra quyết định về chính sách kế thừa của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách của công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến.
Ví dụ: Chính sách Facebook cho phép người thân, bạn bè của người đã qua đời có thể tưởng nhớ tài khoản của họ. Đối với chính sách Instagram, bạn cần có một mẫu đơn yêu cầu cùng với bằng chứng về sự qua đời của họ để được chấp nhận yêu cầu kích hoạt lại tài khoản.
Bạn nên nghiên cứu kỹ các chính sách của công ty cung cấp dịch vụ khi đưa ra quyết định cách bạn muốn tài khoản của mình được xử lý, điều đó giúp bạn thực hiện việc xử lý tài khoản tốt hơn.
Tìm hiểu và nghiên cứu kỹ các chính sách của công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến
Bước 4: Quyết định về người kế thừa Di sản kỹ thuật số của bạn
Đảm bảo rằng người kế thừa sẽ là người đáng tin tưởng và có thể thay bạn thực hiện những xử lý mà bạn mong muốn.
Bạn cần ghi rõ tên người sẽ kế thừa Di sản số của mình, cùng với các chi tiết về mong muốn của bạn mà họ có trách nhiệm giám sát, thực hiện.
Bạn có thể lựa chọn việc một ai đó có quyền kế thừa toàn bộ Di sản kỹ thuật số của mình hoặc họ chỉ có thể giám sát ở một số khía cạnh hay tài khoản nhất định.
Bạn nên cân nhắc khi giao quyền thừa kế lại cho những ai hiểu rõ về công nghệ để tránh gây khó khăn và phiền phức cho họ trong quá trình thực hiện.
Bạn có thể lựa chọn người kế thừa là người thân, bạn bè hay những người bạn tin cậy nhất
Bước 5: Hợp pháp hóa kế hoạch Di sản kỹ thuật số của bạn
Một số ý kiến cho rằng bạn nên hợp pháp hóa Di sản kỹ thuật số bằng cách đưa nó vào di chúc hiện có của bạn.
Tuy nhiên, đối với những người không muốn công khai những thông tin này, bạn có thể hợp pháp hóa nó bằng cách tạo một kế hoạch Di sản kỹ thuật số riêng biệt, cũng như để tránh gặp khó khăn khi bạn muốn cập nhật thêm thông tin.
Có ý kiến cho rằng nên hợp pháp hóa Di sản kỹ thuật số bằng cách đưa vào di chúc hiện có
– Đối với tính năng Digital Legacy trên iCloud, cần thực hiện theo các quy trình sau:
Người kế thừa sẽ đăng nhập thông qua “ID Apple liên hệ cũ”. Sử dụng ID và khóa truy cập, họ sẽ có quyền truy cập vào xem dữ liệu được lưu trữ trên iCloud và cũng có thể tải xuống dữ liệu đó.
Tuy nhiên, người kế thừa sẽ không có quyền truy cập vào thông tin thanh toán, cũng như chi tiết thẻ tín dụng của bạn.
Để yêu cầu được cấp quyền truy cập vào tài khoản iCloud của bạn sau khi qua đời, người kế thừa sẽ phải cung cấp bản sao giấy chứng tử của bạn. Sau khi yêu cầu được chấp thuận, họ sẽ có thể truy cập vào dữ liệu của bạn và khi đó khóa kích hoạt sẽ bị hủy kích hoạt.
Lưu ý: Apple sẽ chỉ tiến hành thêm người thừa kế truy cập vào iCloud sau khi cung cấp giấy chứng tử đã được xác minh. Người kế thừa sẽ không được cấp quyền truy cập vào tài khoản nếu người đó còn sống.
Người kế thừa Di sản kỹ thuật số cần được cấp quyền để truy cập vào iCloud
5. Vì sao bạn nên đăng ký Di sản số?
– Bảo mật thông tin sau khi mất
Những thông tin cũng như dữ liệu của bạn sẽ không bị đánh cắp sau khi qua đời, bởi bạn đã chỉ định người thừa kế lại Di sản kỹ thuật số của mình và họ sẽ là người thay thế bạn lưu giữ và thực hiện những quyết định mà bạn để lại.
– Kế thừa tài sản số cho người bạn mong muốn
Khi đăng ký Di sản kỹ thuật số, đồng nghĩa việc bạn có thể tự lựa chọn người mà bạn muốn kế thừa lại những thông tin, dữ liệu mà bạn để lại, đó có thể là bạn bè hay người thân trong gia đình. Bạn sẽ không muốn việc người mình không thích lại có thể nắm giữ toàn bộ Di sản kỹ thuật số của mình đâu nhỉ?
Khi đăng ký Di sản kỹ thuật số, dữ liệu của bạn sẽ khó bị đánh cắp khi bạn qua đời
Xem thêm
Bạn vừa tìm hiểu về khái niệm Digital Legacy và những thông tin liên quan đến Di sản kỹ thuật số, cũng như cách thức để đăng ký cho việc kế thừa Di sản số này. Chúc bạn thực hiện thành công! Đừng quên chia sẻ cho mọi người những thông tin thú vị này nhé!