Phơi sáng hay Exposure là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình chụp ảnh để có được bức hình thành phẩm đẹp nhất. Hãy cùng bài viết này tham khảo phơi sáng là gì và kỹ thuật chụp ảnh phơi sáng cơ bản cho người mới nhé!
1. Phơi sáng trong máy ảnh là gì?
Phơi sáng hay còn gọi là Exposure là lượng ánh sáng mà cảm biến ảnh trong camera thu được thông qua tốc độ mở của màn trập và khẩu độ của máy ảnh khi bấm chụp. Mức độ phơi sáng nhiều hay ít ảnh hưởng rất lớn đến độ sáng, mức cân bằng màu sắc và độ tương phản của bức ảnh cho ra. Một bức ảnh phơi sáng đúng mức độ và phù hợp hoàn cảnh sẽ là một bức ảnh hoàn hảo cho người xem.
Phơi sáng là kỹ thuật không thể thiếu trong nhiếp ảnh
2. Tìm hiểu về tam giác phơi sáng
Trong nhiếp ảnh, mức phơi sáng được quyết định bởi 3 yếu tố chính bao gồm: Tốc độ màn trập, khẩu độ và ISO của máy ảnh. Người chụp ảnh sẽ chỉnh 3 thông số này để cho ra mức phơi sáng tốt và hợp lý nhất.
Tốc độ màn trập
Tốc độ màn trập là khoảng thời gian mà màn trập của máy ảnh mở kể từ khi bấm nút chụp, màn trập mở càng lâu thì ánh sáng thu được vào cảm biến càng lâu và nhiều. Trên các máy ảnh có nhiều mức độ màn trập khác nhau, thường giao động khoảng từ 1/125 giây tới 1/16000 giây đối với máy ảnh trên điện thoại bởi chúng không có màn trập vật lý nên tốc độ rất nhanh. Ở máy ảnh cơ, tùy theo mục đích sử dụng mà tốc độ màn trập khác nhau, ở một số máy ảnh chuyên nghiệp, màn trập có thể được chỉnh lên đến hàng giờ.
Tốc độ mở màn trập càng lâu thì ánh sáng thu được càng nhiều nhưng khả năng ảnh bị nhòe, mờ do rung lắc hoặc do vật thể chuyển động trong khung hình càng cao. Vì vậy khi chụp phơi sáng với tốc độ màn trập thấp, hãy cố định máy ảnh với tripod.
Tốc độ màn trập thấp sẽ thu sáng nhiều hơn nhưng vật thể chuyển động sẽ bị nhòe đi
Khẩu độ
Khẩu độ là độ mở của ống kính để tạo điều kiện cho ánh sáng đi vào máy ảnh. Số khẩu độ càng nhỏ thì độ mở khẩu độ sẽ càng lớn, từ đó sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn cho bức ảnh. Các dòng điện thoại flagship hiện nay luôn được các hãng trang bị chỉ số khẩu độ rất nhỏ: f/1.6 trên camera chính iPhone 12 Pro Max và f/1.8 trên Samsung Galaxy S21 Ultra 5G.
Tham khảo bài viết sau để hiểu chi tiết về khẩu độ:
Hình minh họa cho các mức khẩu độ từ thấp đến cao
ISO máy ảnh
ISO hay còn gọi là độ nhạy sáng của máy ảnh. Mức độ ISO được đặt ra bởi Cơ Quan Tiêu Chuẩn Hóa Quốc Tế (International Organization for Standardization) để chuẩn hóa các giá trị ISO của máy ảnh. Số ISO càng lớn thì độ nhạy sáng càng cao. Để chụp phơi sáng, người chụp cần chỉnh mức ISO ở mức cao để tăng độ nhạy cảm với ảnh sáng của cảm biến bên trong máy ảnh. Tuy nhiên, khi tăng mức ISO quá cao, ảnh sẽ có nguy cơ bị nhiễu hạt rất nhiều, cần ở mức ISO vừa phải để độ mịn của ảnh được tốt nhất.
ISO cao sẽ thu nhiều sáng nhưng có thể gây nhiễu ảnh
3. Các kiểu phơi sáng
Có 4 kiểu phơi sáng hay kỹ thuật phơi sáng: Phơi sáng quá mức, thiếu phơi sáng, phơi sáng lâu và phơi sáng kép. Tùy thuộc vào hoàn cảnh chụp ảnh và mục đích của người chụp sẽ ứng với từng kỹ thuật phơi sáng khác nhau.
Phơi sáng quá mức
Phơi sáng quá mức (Overexposure) là trường hợp cảm biến trên máy ảnh thu quá nhiều ánh sáng, tổng thể của bức hình khi phơi sáng quá mức sẽ có hiệu ứng toả sáng hơn, đặc biệt là chụp những khung hình có mặt trời hoặc ngược sáng. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng kỹ thuật phơi sáng quá mức (Overexposure) ở những hoàn cảnh không phù hợp, bức ảnh sẽ bị thiếu chi tiết rất nặng.
Khung cảnh nên thơ hơn khi áp dụng phơi sáng quá mức
Thiếu phơi sáng
Dù đây là một kỹ thuật phơi sáng nhưng thiếu phơi sáng (Underexposure) là kỹ thuật giảm ánh sáng thu được từ cảm biến dưới mức bình thường. Khi chụp kiểu Underexposure, ảnh sẽ thiên về màu tối, các chi tiết sẽ khó nhìn hơn bởi sự thiếu ánh sáng. Ảnh thiếu phơi sáng thường sẽ đem lại cảm giác u tối, trống trải.
Ảnh thiếu phơi sáng có thể tạo nhiều cảm xúc cho người xem
Phơi sáng lâu
Phơi sáng lâu hay Long exposure là kỹ thuật phơi sáng với tốc độ màn trập thấp. Khi màn trập máy ảnh được mở trong thời gian lâu để thu sáng trong thời gian dài. Phơi sáng lâu sẽ phù hợp khi chụp vào trời tối, đặc biệt là chụp cảnh bầu trời ban đêm. Kỹ thuật này sẽ tạo ra những vệt mờ khi chụp vật chuyển động do tốc độ màn trập thấp, nên xài tripod để hạn chế rung lắc trong quá trình chụp Long exposure.
Ảnh phơi sáng lâu đem giúp lưu lại những bức hình ảo diệu
Phơi sáng kép
Phơi sáng kép, double exposure hay multiple exposure là kỹ thuật phơi sáng thông qua việc ghép hai bức ảnh ở hai độ phơi sáng khác nhau vào thành một. Kỹ thuật này có thể thực hiện trực tiếp trên camera hoặc thông qua các phần mềm ghép ảnh.
Kỹ thuật phơi sáng kép tạo ra những bức ảnh độc đáo
4. Cách cài đặt chụp phơi sáng trên máy ảnh
Trên máy ảnh, có các cách cài đặt như sau để bạn tùy chỉnh chụp phơi sáng:
– Phơi sáng thủ công (Manual Exposure): Khi chụp phơi sáng thủ công, người chụp sẽ có thể tự do tùy chỉnh màn trập, khẩu độ, ISO theo ý muốn.
– Ưu tiên màn trập (Shutter Priority): Ở chế độ này, người chụp sẽ có thể chỉnh tốc độ màn trập theo ý muốn, máy ảnh sẽ tự động điều chỉnh khẩu độ, ISO có thể để tự động hoặc tùy chỉnh tùy vào người chụp.
– Ưu tiên khẩu độ (Aperture Priority): Ở chế độ này, người chụp có thể chỉnh khẩu độ tùy theo ý muốn, máy ảnh sẽ tự động điều chỉnh tốc độ màn trập, ISO có thể điều chỉnh hoặc để tự động.
Ngoài ra, ở các ứng dụng chụp ảnh trên điện thoại và trên máy ảnh có tính năng chỉnh giá trị phơi sáng (EV hay Exposure Value) là một tính năng phần mềm giúp bù sáng trong khi chụp. EV là sự kết hợp giữa tùy chỉnh khẩu độ và tốc độ màn trập cùng một lúc, để người dùng tùy chỉnh nhanh hơn trong một số trường hợp cấp thiết.
EV giúp chỉnh nhanh khẩu độ và tốc độ màn trập cùng lúc
5. Cách để chụp ảnh có độ phơi sáng phù hợp
Không có một công thức hoàn chỉnh nào để chụp một bức hình phơi sáng hoàn hảo. Tuy vậy, dưới đây là một số lưu ý trong các tình huống chụp nhất định để bạn có thể có một bức ảnh phơi sáng tốt.
Chụp ảnh phong cảnh ban ngày
Khi chụp phơi sáng ở khung cảnh ban ngày, ánh sáng sẽ khá là đầy đủ, vì vậy không nên chọn tốc độ màn trập thấp để thu ánh sáng, sẽ gây khó khăn nếu hình bạn chụp vô tình có chuyển động. Thay vào đó, hãy chọn mở khẩu độ để thu ánh sáng tốt hơn trong điều kiện này.
Chụp ảnh ban ngày không cần chỉnh tốc độ màn trập, nên chỉnh khẩu độ
Chụp ảnh chân dung
Đối với ảnh chụp chân dung, chỉnh phơi sáng thông qua khẩu độ là điều thiết yếu, bởi khẩu độ quyết định rất nhiều đến độ sâu trường ảnh. Trong trường hợp chụp chân dung, nên để khẩu độ ở số cao, mức f/2.8 hoặc f/1.4 để làm mờ được hậu cảnh. Chỉnh chỉ số ISO và màn trập để bù sáng khi khẩu độ thấp.
Chỉnh ISO để bù lại ánh sáng khi khẩu độ hẹp và tốc độ màn trập thấp
Chụp ảnh thể thao và động vật hoang dã
Khi chụp động vật hoang dã và thể thao, động vật và người thường xuyên di chuyển nên hãy để tốc độ màn trập ở mức nhanh. Chỉnh khẩu độ tuỳ vào độ gần xa của động vật. ISO cần được chỉnh lên cao để bù lại ánh sáng yếu khi tốc độ màn trập cao.
Hình ảnh động vật hoang dã, thể thao cần tốc độ màn trập nhanh để dễ bắt được khoảnh khắc
Xem thêm:
Bài viết đã giải thích chi tiết về phơi sáng và cách chụp ảnh phơi sáng! Hy vọng bạn có những bức hình phơi sáng tuyệt đẹp sau bài viết!