Các tính mức hưởng lương ngừng việc do dịch Covid-19 Update 12/2024

Ngày 25/3/2020 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL để hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Thời gian qua, do tác động bởi dịch Covid-19, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, một số người lao động phải ngừng việc xuất phát từ các tác động của dịch như:

+ Lao động là người nước ngoài chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc trong thời gian có dịch theo quy định;
+ Người lao động phải thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
+ Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp không vận hành được vì những người lao động khác trong thời gian chưa quay trở lại làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền
+ Doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch ảnh hưởng đến nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới phải thu hẹp sản xuất, không bố trí đủ việc làm cho người lao động.

Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.
1. 

Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như:

+ Lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
+ Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
+ Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc

thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định).

Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau Lương ngừng việc do dịch bệnh
Vùng I 4.420.000 đồng/tháng
Vùng II 3.920.000 đồng/tháng
Vùng III 3.430.000 đồng/tháng
Vùng IV 3.070.000 đồng/tháng

2. Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động. Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động; nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.

Kế Toán Thiên ƯNG xin được trích dẫn 1 số điều của bộ luật lao động liên quan đến việc xác định tiền lương ngừng việc cho người lao động do dịch bệnh để các bạn tham khảo:

* Điều 98 Tiền lương ngừng việc

Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

* Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.
3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
* Điều 32. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.
* Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
* Điều 44. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế

1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
2. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
3. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Dưới đây là 1 số câu hỏi mà bạn có thể quan tâm;
Câu 1; 
Công ty có được chấm dứt hợp đồng với nhân viên vì dịch bệnh?
Thay vì cho nhân viên tạm thời nghỉ việc, nhiều công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với người lao động. Lý do đưa ra là do dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, dẫn đến việc công ty gặp tổn thất nặng nề.
Pháp luật hoàn toàn cho phép các công ty làm việc này. Bởi theo điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012:
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác (địch họa, dịch bệnh…) mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
Do đó, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Tuy nhiên, trước khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước một thời gian theo đúng quy định.
Ngoài ra, trong trường hợp này, người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên sẽ được nhận trợ cấp thôi việc với mức trợ cấp mỗi năm làm việc bằng một nửa tháng lương

Câu 2; Chế độ bảo hiểm của người lao động bị cách ly vì Covid-19

Tại Điều 25 Luật BHXH về điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH thì người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
 
Như vậy, đối với người bị cách ly y tế mà không bị mắc bệnh truyền nhiễm không phải là trường hợp ốm đau và không phải điều trị nhưng bị bắt buộc nghỉ việc để phòng dịch thì còn liên quan đến quyền lợi về BHXH.
 
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đồng ý đối với những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế.
 
2. Về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người bị cách ly y tế
 
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật BHXH; Khoản 1, 2 Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT, hồ Sơ gồm: Trường hợp điều trị nội trú: Giấy ra viện; Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú. Tuy nhiên, đối với người bị cách ly y tế mà không mắc bệnh truyền nhiễm thì không được cấp những giấy tờ này.
 
Tại khoản 7 Điều 2 Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/02/2012 của Bộ Tài chính về việc quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thì Cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn (nếu có). Tuy nhiên đối với người bị cách ly y tế tại nhà thì không có quy định cấp hồ sơ làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau.
 
Theo quy định tại khoản 4 Điều 100 Luật BHXH thì Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện và các giấy tờ khác làm căn cứ hưởng chế độ BHXH.
 
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Y tế đồng ý đối với những người bị cách ly y tế tại nhà thì Trạm Y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú căn cứ Danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà được Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã phê duyệt có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ ốm đau theo quy định.