Cách kê khai hóa đơn hàng bán bị trả lại Update 12/2024

Đối với trường hợp hàng bán bị trả lại chúng ta có 2 đối tượng trả lại hàng đó là công ty và cá nhân mua hàng. 

+ Đối với trường hợp bán hàng cho công ty: Khi công ty đó muốn trả lại hàng thì công ty đó phải xuất hóa đơn trả lại hàng cho số hàng muốn trả.
+ Còn đối với cá nhân mua hàng thì không có hóa đơn để xuất trả lại hàng nên trường hợp này công ty bán và người mua là cá nhân sẽ lập biên bản trả lại hàng, bên bán thu hồi hóa đơn đã xuất khi bán.

Sau đây, Kế Toán Thiên Ưng sẽ hướng dẫn các bạn kế toán cách kê khai hàng bán bị trả lại trong từng trường hợp cụ thể:
1. Trường hợp bên mua hàng (bên trả lại hàng) là công ty:
Ví dụ: 
– Ngày 22/3/2018, Công ty cổ phần Hà Yến xuất hóa đơn bán 5 Bộ điều hòa cho công ty Thiên Ưng.
– Ngày 05/04/2018, Công ty Thiên Ưng phát hiện ra điều hòa không đúng chủng loại như đã thỏa thuận nên trả lại hàng. Để trả lại hàng đã nhận vào ngày 22/3, Công ty xuất hóa đơn trả lại hàng như sau:

Kê khai hóa đơn hàng bán bị trả lại

Hóa đơn trả lại hàng trên sẽ là căn cứ để Công ty Hà Yến điều chỉnh doanh thu và thuế GTGT đầu ra, còn Thiên Ưng sẽ điều chỉnh hàng hóa và thuế GTGT đầu vào.

mời các bạn tham khảo thêm: Cách hạch toán hàng bán bị trả lại 

1.1. Kỳ kê khai: Căn cứ hóa đơn xuất trả lại hàng, Công ty thực hiện kê khai tại kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn trả lại hàng hoặc hóa đơn điều chỉnh (Theo Công văn số 2441/CT-HTr ngày 15/1/2016 của Cục Thuế TP. Hà Nội)
Trong ví dụ trên thì hóa đơn mẫu bên trên sẽ được công ty bán (nhận hàng trả lại) và công ty mua (trả lại hàng) kê khai vào tháng 4 (Nếu kê khai theo tháng) hoặc Qúy 2/2018 (Nếu kê khai theo quý).
1.2. Cách kê khai trên tờ khai thuế GTGT trên phần mềm HTKK:
Công văn 4943/TCT-KK Ngày 23/11/2015 của Tổng Cục Thuế ban hành thì cả hai công ty thực hiện kê khai điều chỉnh giảm vào kỳ phát sinh hóa đơn trả lại hàng:

Bên Bán – Bị Trả lại hàng
(Nhận hóa đơn trả lại hàng – Liên 2)
Bên Mua – Trả lại hàng
(Xuất hóa đơn trả lại)
– Kê âm tại bảng kê bán ra 01-1/GTGT – Kê âm tại bảng kê mua vào 01-2/GTGT

Chú ý:
– Kê khai âm bằng cách đặt dấu trừ đằng trước giá trị. (Sau khi các bạn đặt dấu trừ đằng trước giá trị, rồi ấn tab hoặc chuyển ô là phần mềm tự động đưa giá trị vào trong ngoặc – hiểu là âm)
– Nếu bạn không làm phụ tờ khai thì trừ trực tiếp trên tờ khai 01/GTGT theo mức suất tương ứng với thuế suất trên hóa đơn trả lại hàng.
– Nếu trả lại hàng phát sinh cùng kỳ với khi bán hàng (Ví dụ: mua  – bán ngày 3/3/2018 trả lại ngày 5/3/218 – Cùng kỳ tháng 3 hoặc quý 1 năm 2018) thì có thể lựa chọn 1 trong 2 cách sau:
+ Cách 1: Kê dương hóa đơn khi bán – Khi mua RỒI LẠI kê âm hóa đơn trả lại hàng 
+ Cách 2: Không kê khai cả 2 hóa đơn trên vì thực tế nếu kê thì dương với âm triệt tiêu nhau hết. mà bây giờ nộp tờ khai không có phụ lục thì kê khai 1 dương 1 âm hay không kê cũng như nhau.

Hiện nay, Theo quy định về kê khai thuế: doanh nghiệp không bắt buộc phải làm và nộp phụ lục tờ khai mua vào bán ra. Và thực tế là trên PM HTKK không còn 2 phụ lục này. Do đó nếu các bạn thực hiện điều chỉnh trực tiếp trên tờ khai 01/GTGT thì thực hiện theo hướng dẫn của Công văn số 5839/CT-TTHT ngày 20/2/2017 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế: Hướng dẫn cách kê khai điều chỉnh hàng hóa mua bán bị trả lại như sau:
Theo đó, trường hợp bên bán đã lập hóa đơn giao cho bên mua, sau đó bên mua trả lại hàng, đã lập hóa đơn trả hàng theo quy định thì các bên kê khai điều chỉnh trên tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT tại kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn trả lại hàng như sau:
– Đối với bên bán thực hiện kê khai giảm vào các chỉ tiêu tương ứng tại mục II – Hàng hóa dịch vụ bán ra trong kỳ trên tờ khai 01/GTGT. Nếu là hàng hóa chịu thuế GTGT 10% thì điều chỉnh giảm doanh số tại chỉ tiêu (32), giảm thuế GTGT tại chỉ tiêu (33).
– Đối với bên mua thực hiện điều chỉnh giảm doanh số mua tại chỉ tiêu (23), giảm thuế GTGT đầu vào tại chỉ tiêu (24) và (25).

2. Trường hợp bên mua hàng (bên trả lại hàng) là cá nhân:

Theo Điểm 2.8 Phụ lục 4 của thông tư 39/2014/TT-BTC thì:
Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập
* Đối với trường hợp trả lại toàn bộ hàng hóa:
Khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.
* Đối với trường hợp trả lại một phần hàng hóa:
Sau khi lập biên bản thu hồi hóa đơn như trên và nhận số hàng bị trả lại, bên bán lập hóa đơn mới cho hàng hóa thực tế bên mua chấp nhận theo quy định.

– Nếu chưa kê khai hóa đơn lúc bán thì bên bán không cần phải kê khai hóa đơn này nữa.
– Nếu đã kê khai thuế của hóa đơn đầu ra, sau đó người mua trả lại toàn bộ hay một phần hàng và hóa đơn GTGT thì hai bên lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn của hàng hóa bị trả lại, lưu giữ hóa đơn tại người bán. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do trả lại hàng hóa và các thỏa thuận bồi thường giữa hai bên (nếu có). Căn cứ vào hóa đơn người bán trả lại, Công ty thực hiện điều chỉnh giảm doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra chịu thuế GTGT và thuế GTGT đầu ra trên tờ khai thuế GTGT mẫu số 01/GTGT. 

(Theo Công văn số 84288/CT-HTr ngày 29/12/2015 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế trả lời vướng mắc liên quan đến cách xử lý hóa đơn khi người mua trả lại hàng hóa)

mời các bạn tham khảo thêm: Cách kê khai thuế GTGT