Cách xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định mới nhất năm 2021 Update 12/2024

Tiền thuế được gọi là nộp thừa khi người nộp thuế có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp

Về cách xử lý số tiền thuế nộp thừa thì có 2 cách cơ bản sau:
+ Bù Trừ
+ Hoàn thuế

Quy định chi tiết về cách thức bù trừ hay hoàn thuế mới nhất hiện nay là tại Điều 60 của Luật quản lý thuế số: 38/2019/QH14. Cụ thể như sau:

Điều 60. Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
1. Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Trường hợp người nộp thuế đề nghị bù trừ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ thì không tính tiền chậm nộp tương ứng với khoản tiền bù trừ trong khoảng thời gian từ ngày phát sinh khoản nộp thừa đến ngày cơ quan quản lý thuế thực hiện bù trừ.
2. Trường hợp người nộp thuế yêu cầu hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì cơ quan quản lý thuế phải ra quyết định hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa hoặc có văn bản trả lời nêu rõ lý do không hoàn trả trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.
3. Không hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa và cơ quan quản lý thuế thực hiện thanh khoản số tiền nộp thừa trên sổ kế toán, trên hệ thống dữ liệu điện tử trong các trường hợp sau đây:
a) Cơ quan quản lý thuế đã thông báo cho người nộp thuế về số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa được hoàn trả nhưng người nộp thuế từ chối nhận lại số tiền nộp thừa bằng văn bản;
b) Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế, đã được cơ quan quản lý thuế thông báo về số tiền nộp thừa trên phương tiện thông tin đại chúng mà sau 01 năm kể từ ngày thông báo, người nộp thuế không có phản hồi bằng văn bản yêu cầu hoàn trả tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với cơ quan quản lý thuế;
c) Khoản nộp thừa quá thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước mà người nộp thuế không bù trừ nghĩa vụ thuế và không hoàn thuế.
4. Trường hợp người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh có tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa và tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ thì cơ quan quản lý thuế thực hiện bù trừ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.
5. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thẩm quyền, thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa quy định tại Điều này.
Mặc dù Khoản 5 Điều 60 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 nêu trên đã quy định:
5. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thẩm quyền, thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa quy định tại Điều này”.  Cách xử lý tiền thuế nộp thừa
Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên thì Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 giao Bộ Tài chính quy định thẩm quyền, thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.
Tuy nhiên, đến thời điểm này Bộ trưởng Bộ Tài chính chưa ban hành Thông tư mới hướng dẫn thi hành Luật quản lý thuế để thay thế các quy định và thủ tục về xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.

Nên theo công văn Số: 4182/TCT-KKV/v xử lý số tiền thuế nộp thừa ngày 05 tháng 10 năm 2020 của Tổng Cục Thuế thì quy định thẩm quyền, thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa vẫn thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 33 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:

Điều 33. Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
1. Tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt được coi là nộp thừa khi:
a) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp đối với từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 (mười) năm tính từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Đối với loại thuế phải quyết toán thuế thì người nộp thuế chỉ được xác định số thuế nộp thừa khi có số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp theo quyết toán thuế.
b) Người nộp thuế có số tiền thuế được hoàn theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân (trừ trường hợp nêu tại điểm a khoản này).
 
2. Người nộp thuế có quyền giải quyết số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo thứ tự quy định sau:
a) Bù trừ tự động với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc còn phải nộp của cùng loại thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 29 Thông tư này (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này).

Điều 29. Thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của Thông tư 156
1. Trường hợp người nộp thuế vừa có số tiền thuế nợ, tiền thuế truy thu, tiền chậm nộp, tiền thuế phát sinh, tiền phạt thì người nộp thuế phải ghi rõ trên chứng từ nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo thứ tự thanh toán sau đây:
a) Tiền thuế nợ;
b) Tiền thuế truy thu;
c) Tiền chậm nộp;
d) Tiền thuế phát sinh;
đ) Tiền phạt.
Trường hợp trong cùng một thứ tự thanh toán có nhiều khoản phải nộp có thời hạn nộp khác nhau thì thực hiện theo trình tự thời hạn nộp thuế của khoản phải nộp, khoản nào có hạn nộp trước được thanh toán trước.

b) Bù trừ tự động với số tiền phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo của từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này). Trường hợp quá 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuế nộp thừa mà không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm c khoản này.
c) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều này và người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa quy định tại điểm a khoản này sau khi thực hiện bù trừ theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản này mà vẫn còn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được giải quyết hoàn thuế theo hướng dẫn tại Chương VII Thông tư này.
– Trường hợp người nộp thuế được hoàn thuế, vẫn còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì phải thực hiện bù trừ trước khi hoàn thuế. Thứ tự thanh toán bù trừ được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 29 Thông tư này.
Trường hợp kết quả thanh tra, kiểm tra hoàn thuế xác định người nộp thuế vừa có số tiền thuế được hoàn, vừa có số tiền thuế bị truy thu, số tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế đồng thời bù trừ ngay số tiền thuế được hoàn với số tiền thuế bị truy thu, số tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế khi ra quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước.
Trường hợp số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ của người nộp thuế vừa phải nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước vừa phải nộp vào tài khoản tạm thu, tạm giữ của ngân sách thì ưu tiên bù trừ cho số tiền phải nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước.
Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuộc nhiều địa bàn thu ngân sách khác nhau thì được ưu tiên bù trừ đối với loại thuế có cùng địa bàn hạch toán thu ngân sách với loại thuế nộp thừa.
Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của nhiều cơ quan quản lý thuế khác nhau thì được ưu tiên bù trừ đối với loại thuế có cùng cơ quan quản lý loại thuế nộp thừa.
Trường hợp người nộp thuế được hoàn thuế, vẫn còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nhưng không đề nghị bù trừ khi đề nghị hoàn thuế, cơ quan thuế ra thông báo gửi người nộp thuế và phải thực hiện bù trừ số được hoàn với số thuế còn nợ ngân sách khi quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế.
– Trường hợp sau khi thực hiện bù trừ, người nộp thuế vẫn còn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì được ngân sách nhà nước hoàn trả theo quy định.
Trường hợp hoàn các khoản thuế nộp thừa (trừ hoàn thuế TNCN) mà người nộp thuế nộp tiền thuế tại nhiều địa phương khác, khi thực hiện bù trừ số thuế nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ nêu tại điểm c khoản này, cơ quan thuế phải ghi rõ số tiền hoàn trả từ ngân sách nhà nước của từng địa phương theo tỷ lệ tương ứng với số tiền thuế đã nộp ngân sách nhà nước tại từng địa phương đó.

Vậy là: Một khoản thuế nộp thừa sẽ không được hoàn trả lại ngay. Thay vào đó, sẽ xử lý theo thứ tự sau:

1. Bù trừ tự động với nợ thuế, nợ phạt hoặc số thuế phải nộp của cùng loại thuế
2. Bù trừ tự động với số thuế phải nộp của lần tiếp theo
3. Sau 6 tháng tính từ ngày nộp thừa, nếu không phát sinh thêm số thuế phải nộp thì được xét hoàn. (Nếu trong thời gian 6 tháng này có phát sinh số tiền thuế phải nộp thì tiếp tục bù trừ)

Một vài các công văn trả lời các câu hỏi tình huống về xử lý số thuế nộp thừa mà bạn có thể quan tâm:

1. Khi nào thì được hoàn thuế GTGT?

Theo Công văn số 3867/TCT-KK ngày 16/9/2020 của Tổng cục Thuế về việc xử lý số tiền thuế GTGT đã nộp thì người nộp thuế chỉ được giải quyết hoàn số tiền thuế nộp thừa trong trường hợp quá 06 tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuế nộp thừa người nộp thuế không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo.
2. Xuất nhập khẩu ít hơn khai báo được hoàn lại thuế nộp thừa
Theo Công văn số 4534/TXNK-CST ngày 14/5/2021 của Tổng cục Hải quan về việc hoàn thuế thì:
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Luật thuế XNK số 107/2016/QH13 và khoản 1 Điều 37 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, hàng hóa XNK thực tế nếu ít hơn số lượng đã khai nộp thuế thì được xét hoàn thuế tương ứng với lượng hàng ít hơn.
Hồ sơ hoàn thuế được lập theo Mẫu số 01 Phụ lục VIIa (nếu gửi trực tuyến) hoặc Mẫu số 09 Phụ lục VII (nếu gửi trực tiếp) ban hành kèm Nghị định 18/2021/NĐ-CP .
Trình tự, thủ tục hoàn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư 06/2021/TT-BTC.
3. Thuế nộp thừa do điều chỉnh hóa đơn có được hoàn lại? 
Theo Công văn số 95845/CT-TTHT ngày 2/11/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc hoàn thuế GTGT nộp thừa thì:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC, trường hợp sau khi xuất hóa đơn dịch vụ và kê khai thuế, Công ty mới phát hiện sai sót thì phải lập biên bản kèm hóa đơn điều chỉnh, đồng thời kê khai điều chỉnh hồ sơ khai thuế GTGT của kỳ có sai sót.
Sau khi kê khai điều chỉnh hồ sơ thuế GTGT, nếu Công ty phát sinh số thuế nộp thừa thì được bù trừ hoặc hoàn thuế theo quy định tại Điều 60 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực từ 1/7/2020).
Thủ tục, hồ sơ hoàn thuế (nếu có) được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 71 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Cá nhân phát hiện thuế nộp thừa sau quyết toán phải khai bổ sung mới được hoàn
Theo Công văn số 2748/TCT-DNNCN ngày 3/7/2020 của Tổng cục Thuế về việc kê khai bổ sung quyết toán thuế TNCN thì
Trường hợp người lao động thuộc diện tự mình quyết toán thuế TNCN, nếu có số thuế nộp thừa thì được hoàn thuế theo quyết toán.
Sau đó, nếu phát hiện vẫn còn số thuế nộp thừa và muốn được hoàn thêm số thuế nộp thừa thì người này phải khai bổ sung quyết toán của mình mới được xét hoàn

5. Thuế nộp thừa từ 10 năm trước sẽ không được hoàn trả
Theo Công văn số 4223/TCT-DNNCN ngày 7/10/2020 của Tổng cục Thuế về việc xác định ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, “thuế nộp thừa” (gồm cả thuế TNCN) sẽ không được hoàn trả nếu quá thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp tiền vào NSNN mà người nộp thuế không xin bù trừ hoặc hoàn thuế.
“Ngày nộp tiền vào NSNN” để xác định thời hạn nộp thừa quá 10 năm nêu trên, được căn cứ theo quy định tại Điều 58 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, là ngày trích tiền thuế từ tài khoản của người nộp thuế hoặc ngày cấp chứng từ thu thuế (nếu nộp bằng tiền mặt).
Cần lưu ý, theo điểm a khoản 1 Điều 33 Thông tư 156/2013/TT-BTCstatus2 , tiền thuế được coi là nộp thừa để xét hoàn trả là khi có số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp phát sinh trong thời hạn 10 năm tính từ ngày nộp tiền vào NSNN. Điều này có nghĩa, người nộp thuế sẽ bị mất quyền xin hoàn thuế đối với các khoản thuế nộp thừa đã phát sinh trên 10 năm.
6. Thuế nộp nhầm được xử lý như thuế nộp thừa
Theo Công văn số 3867/TCT-KK ngày 16/9/2020 của Tổng cục Thuế về việc xử lý số tiền thuế GTGT đã nộp thì
Trường hợp nộp nhầm thuế GTGT, Tổng cục Thuế vẫn hướng dẫn xử lý theo phương án của thuế nộp thừa.
Người nộp thuế chỉ được giải quyết hoàn số tiền thuế nộp thừa trong trường hợp quá 06 tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuế nộp thừa người nộp thuế không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo
7. Xử lý số tiền thuế nộp thừa do ghi sai số tiền thuế trên giấy nộp tiền:
Theo công văn Số: 3870/TCT-KK của Tổng Cục Thuế V/v xử lý tiền thuế nộp thừa vào NSNN ngày 16 tháng 9 năm 2020 thì cần xác định rõ nguyên nhân sai sót để xử lý như sau:
– Trường hợp xác định là sai sót trong nghiệp vụ thanh toán của ngân hàng chuyển thừa tiền số với số tiền trên chứng từ gốc (chứng từ gốc ghi đúng số tiền số với số tiền thuế phải nộp): Cục Thuế hướng dẫn Ngân hàng thực hiện tra soát với Kho bạc nhà nước. Căn cứ tra soát của ngân hàng, Kho bạc nhà nước thực hiện trả lại số tiền chuyển thừa theo quy định tại tiết b khoản 1 Điều 17 Thông tư số 84/2016/TT-BTC và thực hiện tương tự quy định tại tiết c khoản 2 Điều 17 Thông tư số 84/2016/TT-BTC đã trích dẫn nêu trên.
– Trường hợp xác định là sai sót của người nộp thuế viết sai số tiền trên chứng từ gốc số với số tiền thuế phải nộp (ngân hàng đã chuyển đúng số tiền trên chứng từ gốc): Được xác định là nộp thừa và người nộp thuế được xử lý số tiền thuế nộp thừa theo thủ tục quy định tại Điều 33 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.