Mức phạt vi phạm quy định về Tiền Lương mới nhất 2021 Update 12/2024

Hiện nay, quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động tiền lương đang được thực hiện theo nghị định 28/2020/NĐ-CP (ban hành ngày 01/03/2020, có hiệu lực từ ngày 15/04/2020, thay thế nghị định 95/2013/NĐ-CP và NĐ 88/2015/NĐ-CP).

Cụ thể các mức phạt đối với người sử dụng lao động cho từng hành vi như sau:
1. Hành vi vi phạm liên quan đến thang bảng lương, quy chế lương thưởng…
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: 

– Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng;
– Không lập sổ lương và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
– Khi thay đổi hình thức trả lương, người sử dụng lao động không thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện;
– Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động;
– Sử dụng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định khi đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện;
– Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng.
Theo khoản 1 điều 16 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP
2. Hành vi vi phạm liên quan đến trả lương:
– Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:

+ Trả lương không đúng hạn;
+ Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
+ Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật
+ Trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện;
+ Không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật;
+ Khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật;
+ Trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm

– Theo một trong các mức sau đây:

+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
+ Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
+ Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Theo khoản 2 điều 16 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP
=> Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt
Theo điểm a, khoản 5, điều 16 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP

3. Hành vi liên quan đến lương tối thiểu vùng:
Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
– Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
– Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Theo khoản 3 điều 16 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP
=> Để biết các xác định mức lương phải trả cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng, các bạn xem tại đây: Mức lương tối thiểu vùng 2021
=> Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt
Theo điểm a, khoản 5, điều 16 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP

4. Hành vi liên quan đến bảo hiểm:

Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi không trả thêm một khoản tiền tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
– Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
– Từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
– Từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
– Từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
– Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Theo khoản 4 điều 16 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP
=> Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc trả đủ khoản tiền tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm cho người lao động
Theo điểm b, khoản 5, điều 16 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP

xin được giải thích thêm về hành vi vi phạm tại mục này:

Theo quy định tại khoản 3, điều 186 của Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 thì
Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.”

=> Các bạn có thể tham khảo thêm:
Mức phạt trốn không đóng BHXH theo đúng quy định 2021 mới nhất

5. Hành vi liên quan đến đào tạo, học nghề, tập nghề:

Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi: không trả lương cho người học nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách.
theo một trong các mức sau đây:
– Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
– Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
– Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
– Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
– Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên
Theo khoản 1, điều 13 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP

=> Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lương cho người học nghề, người tập nghề khi có hành vi không trả lương cho người học nghề trong thời gian học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách.

Theo điểm a, khoản 3, điều 13 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP

6. Hành vi liên quan đến lương thử việc:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi: Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.

Theo khoản 2, điều 9 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP
=> Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động
Theo khoản 3, điều 9 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP

Mời các bạn tham khảo thêm:
Quy định về thời gian và mức lương của lao động thử việc

7. Hành vi liên quan đến kỷ luật lao động:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có hành vi: Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
Theo khoản 3, điều 18 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP
=> Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động
Theo điểm a, khoản 4, điều 18 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP
thêm lời chia sẻ: xử phạt vi phạm về tiền lương
Theo điều 124 của Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 thì:
Các hình thức xử lý kỷ luật lao động gồm có:
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
3. Cách chức.
4. Sa thải.

=> Việc dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động là 1 trong những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động tại điều 127 của Bộ luật lao động số 45/2019/QH14.

8. Hành vi liên quan đến hoạt động công đoàn:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi: Không trả lương cho người lao động làm công tác công đoàn không chuyên trách trong thời gian hoạt động công đoàn

=> Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lương cho người làm công tác công đoàn không chuyên trách trong thời gian hoạt động công đoàn.
Theo điều 36 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP