Phụ cấp xăng xe là một khoản hỗ trợ đi lại cho người lao động. Trong doanh nghiệp nó có thể xuất hiện dưới dạng công tác phí hoặc được chi trả cố định hàng tháng trên bảng lương cho người lao động.
Trong bài viết này, công ty đào tạo kế toán Thiên Ưng xin được chia sẻ các thông tin liên quan đến khoản phụ cấp xăng xe hay chi phí đi lại này khi các bạn thực hiện tính thuế TNCN:
Các khoản thu nhập chịu thuế hay được miễn thuế TNCN được quy định khá chi tiết tại điều 2 của thông tư 111/2013/TT-BTC
Tuy nhiên, tại điểm đ4, khoản 1, điều 2 của thông tư 111/2013/TT-BTC chỉ quy định:
Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,…
Mà lại không nhắc đến khoản tiền xăng xe hay phụ cấp đi lại:
Vào thời điểm năm 2016, thì cục thuế TP HCM cũng có các công văn:
+ Công văn số 6587/CT-TTHT ngày 12/7/2016, hướng dẫn: trường hợp Công ty có phụ cấp tiền xăng xe cho người lao động hàng tháng nhưng không phải công tác phí thì khoản phụ cấp này phải chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.
+ Công văn số 6626/CT-TTHT ngày 13/7/2016 hướng dẫn: trường hợp hàng tháng Công ty có chi trả phụ cấp tiền xăng xe cho người lao động và được tính trong tiền lương, tiền công thì khoản phụ cấp này là thu nhập từ tiền lương, tiền công phải chịu thuế TNCN.
Và đến ngày 25/5/2017 Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 2192/TCT-TNCN về khoản khoán chi xăng xe theo mức cố định hàng tháng cho nhân viên
Theo đó: chi phí xăng xe cho người lao động theo mức cố định hàng tháng để phục vụ cho việc đi lại của cá nhân, không phải đi công tác thì khoản khoán chi phí xăng xe này không được miễn thuế TNCN.
Vậy là:
+ Nếu phụ cấp xăng xe, chi phí đi lại thuộc về công tác phí thì được Miễn thuế TNCN
+ Còn nếu khoản tiền phụ cấp xăng xe, phụ cấp đi lại được hưởng cố định hàng tháng trên bảng lương thì khi nhận khoản tiền này sẽ bị tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN (tức là không được miễn thuế)
Công Ty mời các bạn xem thêm
các khoản thu nhập chịu thuế hoặc miễn thuế khác tại bài viết này:
Cách tính thuế TNCN
Dưới đây, xin được trích dẫn toàn bộ công văn số 2192/TCT-TNCN ngày 25/05/2017, để các bạn kế toán tham khảo:
BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
——-
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
|
Số: 2192/TCT-TNCN
V/v Trả lời kiến nghị của VPĐD Reifenhauser Private Ltd tại TP Hồ Chí Minh.
|
Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2017
|
Kính gửi: Văn phòng đại diện Reifenhauser Private Ltd tại TP Hồ Chí Minh.
(Địa chỉ: 13C Nguvễn Văn Mai, Phường 8, Quận 3, TP Hồ Chí Minh)
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nhận được công văn số 4361/VPCP-ĐMDN ngày 28/4/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc kiến nghị của Văn phòng đại diện Reifenhauser Private Ltd tại TP Hồ Chí Minh liên quan đến khoản khoán chi xăng xe theo mức cố định hàng tháng cho nhân viên. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công:
“Thu nhập từ tiền lương, tiền công là tìm nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền….
đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:
…
đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
đ.4.3) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.”
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, việc xác định Văn phòng đại diện Reifenhauser Private Ltd tại TP Hồ Chí Minh là văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài hay văn phòng đại diện của tổ chức kinh doanh thì đề nghị Văn phòng đại diện Reifenhauser Private Ltd tại TP Hồ Chí Minh liên hệ với Sở Công thương TP Hồ Chí Minh để được giải đáp. Trường hợp Văn phòng đại diện Reifenhauser Private Ltd tại TP Hồ Chí Minh là văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài có khoản khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục theo điểm đ.4.3 khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Trường hợp Văn phòng đại diện Reifenhauser Private Ltd tại TP Hồ Chí Minh trả khoản khoán chi xăng xe theo mức cố định hàng tháng cho nhân viên phục vụ cho việc đi lại của cá nhân thì khoản thu nhập này được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của cá nhân.
Tổng cục Thuế trả lời để Văn phòng đại diện Reifenhauser Private Ltd tại TP Hồ Chí Minh được biết./.
|
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Cao Anh Tuấn
|
|