Quy Định về Chữ ký của người mua trên hóa đơn điện tử 2021 Update 01/2025

Quy định về chữ ký của người mua trên hóa đơn điện tử

1. Đối với các doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC:
– Tại Điểm e Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC  của Bộ Tài chính hướng dẫn về nội dung của hóa đơn điện tử: 
“1. Hóa đơn điện tử phải có các nội dung sau:
e) Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán.
2. Một số trường hợp hóa đơn điện tử không có đầy đủ các nội dung bắt buộc được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính”.
– Theo khoản 2 – điều 8 của Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì:
Trường hợp người mua là đơn vị kế toán, khi nhận được hóa đơn điện tử có chữ ký điện tử của người bán, người mua thực hiện ký điện tử trên hóa đơn điện tử nhận được và gửi cho người bán hóa đơn điện tử có đủ chữ ký điện tử của người mua và người bán
Để tìm hiểu đơn vị kế toán là gì các bạn xem chi tiết tại đây:
 Đơn vị kế toán là gì? Gồm các cơ quan, đơn vị, tổ chức nào?
2. Đối với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại nghị định 119/2018/NĐ-CP hoặc Thông tư 68/2019/TT-BTC:

Theo điểm đ, khoản 1, điều 3 của Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì:
– Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh và người mua, người bán có thỏa thuận về việc người mua đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử do người bán lập thì người mua ký số, ký điện tử trên hóa đơn.
– Trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán và người mua thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 như sau: 
+ Trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua (bao gồm cả trường hợp lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở nước ngoài). Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh và người mua, người bán có thỏa thuận về việc người mua đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử do người bán lập thì hóa đơn điện tử có chữ ký số, ký điện tử của người bán và người mua theo thỏa thuận giữa hai bên.
+  Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh theo quy định và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
+ Hóa đơn sử dụng cho thanh toán Interline giữa các hãng hàng không được lập theo quy định của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có các chỉ tiêu: ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu hóa đơn, tên địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua, đơn vị tính, số lượng, đơn giá.
Chữ ký của người mua trên hóa đơn điện tử
3. Các công văn hướng dẫn thực hiện hóa đơn điện tử về chữ ký của người mua trên hóa đơn điện tử:
– Công văn số 411/TCT-DNL ngày 4/2/2020 của Tổng cục Thuế về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử:
+ Hóa đơn điện tử đối với hoạt động bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ lập giao cho khách hàng không phải là đơn vị kế toán thì không phải có chữ ký điện tử của người mua.
+ Trường hợp người mua là đơn vị kế toán, nếu có hồ sơ, chứng từ chứng minh việc mua, bán hàng hóa, dịch vụ giữa Ngân hàng với khách hàng như: hợp đồng kinh tế, biên nhận thanh toán, phiếu thu… thì Ngân hàng lập hóa đơn điện tử cho khách hàng theo quy định, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của khách hàng.
– Theo hướng dẫn tại công văn số 2402/BTC-TCT ngày 23/2/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc miễn chữ ký người mua trên hóa đơn điện tử thì:
Trường hợp người mua không phải là đơn vị kế toán hoặc là đơn vị kế toán nếu có các hồ sơ, chứng từ chứng minh việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa người bán với người mua như: hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên nhận thanh toán, phiếu thu, …thì người bán lập hóa đơn điện tử cho người mua theo quy định, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua