Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp mới nhất năm 2021 Update 12/2024

Thủ tục  – Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp mới nhất năm 2021

Căn cứ: 
– Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn về bảo hiểm thất nghiệp tại Luật việc làm (Ban hành ngày 29 tháng 5 năm 2020, có hiệu lực từ ngày 15/7/2020)
– Luật việc làm số 38/2013/QH13 (Ban hành ngày 16 tháng 11 năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015)
– Nghị định 28/2015/NĐ-CP (Ngày ban hành: 12/03/2015, có hiệu lực từ ngày 01/05/2015)
Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH (Ngày ban hành: 31/07/2015, Ngày hiệu lực: 15/09/2015)

I. Đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp:
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật việc làm số 38/2013/QH13 đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp
Cụ thể, khoản 1 Điều 43 của Luật việc làm số 38/2013/QH13 như sau:

1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

II. Điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp: 
Các đối tượng nêu trên sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ:

+ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với hợp đồng lao động (hoặc hợp đồng làm việc) có xác định thời hạn và không xác định thời hạn.
+ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định.

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.
Theo điều 49 của Luật Việc làm số 38/2013/QH13

III. Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp mới nhất
Bước 1: Người lao động chuẩn bị hồ sơ:

1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
(Theo mẫu số 03: Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH)
2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Quyết định thôi việc;
c) Quyết định sa thải;
d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
e) Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động;
g) Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;
h) Trường hợp người lao động không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thì thực hiện theo quy trình sau:
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh gửi văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xác nhận đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan công an, chính quyền địa phương nơi đơn vị sử dụng lao động đặt trụ sở chính thực hiện xác minh nội dung đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.
Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản trả lời cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh về nội dung đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu xác nhận của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.
i) Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm (Tức là đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.) thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hợp đồng đó.
3. Sổ bảo hiểm xã hội.
=> Ngoài ra, cần mang theo chứng minh thư hoặc thẻ căn cước công dân (photo) và 2 ảnh 3×4
 
Bước 2: Nộp Hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Các có thể nộp hồ sơ ở trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương bạn muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà không phụ thuộc vào địa chỉ nơi bạn đang ở hay nơi bạn đã làm việc. Nộp ở đâu cũng được.
Địa chỉ cụ thể của các trung tâm dịch vụ việc làm thì các bạn vào google seach theo cụm từ khóa “Nơi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại …..(hà nội/Hồ chí minh/….)”

Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, ghi phiếu hẹn trả kết quả theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định và trao phiếu trực tiếp cho người nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện đối với người nộp hồ sơ qua đường bưu điện; trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định thì trả lại người nộp và nêu rõ lý do.
* Thời hạn nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp:

Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nếu quá thời hạn 3 tháng mà người lao động không nộp hồ sơ:
– Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng người lao động không đến nhận tiền trợ cấp và không thông báo bằng văn bản với cơ quan BHXH nơi đang hưởng thì người lao động đó được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.
– Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến nhận được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng theo quy định.
Theo Khoản 6 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP
=> Như vậy, sau 3 tháng, người lao động không nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu để tính vào lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo chứ không bị mất đi.

* Lưu ýNgười lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
b) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
c) Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu điện.
* Thời hạn giải quyết hồ sơ:
+ Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định
+ Người lao động chưa tìm được việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp được Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trung tâm dịch vụ việc làm xác nhận về việc đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động vào sổ bảo hiểm xã hội và gửi lại người lao động cùng với quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi chụp sổ bảo hiểm xã hội để lưu hồ sơ.
+ Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được tính từ ngày thứ 16 theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo khoản 1 điều 18 của Nghị định 28/2015/NĐ-CP
Bước 3. Nhận tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp
+ Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên của người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
+ Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động từ tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 2 trở đi trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ thời điểm ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động. Trường hợp thời điểm ngày thứ 07 nêu trên là ngày nghỉ thì thời hạn chi trả trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày làm việc tiếp theo.
Theo khoản 2 điều 18 của Nghị định 28/2015/NĐ-CP
Lưu ý: Trong 03 ngày làm việc được ghi trên phiếu hẹn trả kết quả theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 61/2020/NĐ-CP, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không ủy quyền cho người khác đến nhận quyết định và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động hết hạn nhận quyết định theo phiếu hẹn trả kết quả, trung tâm dịch vụ việc làm trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định 61/2020/NĐ-CP.
Theo Khoản 8 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP
Thủ Tục - Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Mức hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp:

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động được xác định như sau: 
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60% 
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng (theo khoản 2 Điều 50 Luật việc làm)
Ví dụ: Ông Trần Văn Mạnh đóng BHTN 50 tháng với lmức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN cuối cùng là 5.000.000đ
Thời gian được hưởng BHTN của ông Mạnh:
+ 36 tháng BHTN đầu tiên => được hưởng 3 tháng trợ cấp
+ 12 tháng BHTN tiếp theo => được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp
+ số tháng còn dư là 2 tháng BHTN => cộng dồn vào lần hưởng BHTN sau.
Mức hưởng trợ cấp TN hàng háng của ông Mạnh là: 5.000.000đ x 60% = 3.000.000đ/tháng

a) Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 06 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. 
 
Ví dụ 1: Bà Nguyễn Thị Minh giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng với công ty đào tạo kế toán Thiên Ưng với mức lương như sau: từ ngày 01/9/2019 đến ngày 31/8/2020 là 2.000.000 đồng/tháng, từ ngày 01/09/2020 đến 31/8/2021 là 4.000.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, từ ngày 01/1/2021 đến ngày 30/6/2021, bà Minh nghỉ hưởng chế độ thai sản.
Sau đó, do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động vì vậy bà A đã làm đơn xin nghỉ việc theo quy định của pháp luật lao động và ngày 01/7/2021 công ty đào tạo kế toán Thiên Ưng ban hành quyết định nghỉ việc cho bà Minh, quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Như vậy, mức tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của bà Minh là bình quân tiền lương của 06 tháng liền kề trước khi bà nghỉ việc mà có đóng bảo hiểm thất nghiệp (tháng 7, 8, 9, 10, 11, 12/2020).
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của bà Minh là (2.000.000 đồng x 2 tháng + 4.000.000 đồng x 4 tháng)/6 x 60% = 2.000.000 đồng/tháng. 
 
Ví dụ 2: Ông Đào Văn Bình có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục 38 tháng (từ ngày 01/01/2018 đến ngày 28/02/2021), mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp 06 tháng cuối trước khi chấm dứt hợp đồng lao động (từ tháng 9/2020 đến tháng 2/2021) là 8.000.000 đồng/tháng, ông Bình được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian 03 tháng (thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông Bình tính từ ngày 05/4/2021 đến ngày 04/7/2021).
Ngày 02/5/2021, ông Bình giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với doanh nghiệp X (mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là 7.000.000 đồng/tháng) và thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định.
Ông Bình bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 02/5/2021 và được bảo lưu 26 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Do ốm đau cần phải điều trị dài ngày nên ngày 28/7/2018 ông Bình thỏa thuận với doanh nghiệp X để chấm dứt hợp đồng lao động và nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lần hai.
Sáu tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp để làm căn cứ tính mức trợ cấp thất nghiệp của ông Bình là các tháng sau: tháng 12/2016 và tháng 01, 02, 5, 6, 7/2018.
Như vậy, mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của ông Bình là (8.000.000 đồng x 3 tháng + 7.000.000 đồng x 3 tháng)/6 x 60% = 4.500.000 đồng/tháng. 
 
b) Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. 
 
Ví dụ 3: Ngày 01/01/2021, ông Trịnh Xuân Cao giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng với công ty đào tạo kế toán Thiên Ưng với mức lương là 70.000.000 đồng/tháng. công ty đào tạo kế toán Thiên Ưng hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ là 4.420.000 đồng/tháng. Do đó, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của ông C là: 20 lần x 4.420.000 đồng = 88.400.000 đồng/tháng. 
 
Ngày 28/9/2021, ông Cao thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với công ty đào tạo kế toán Thiên Ưng và chuyển sang giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 03 tháng với doanh nghiệp G (từ ngày 01/10/2021 đến 31/12/2021) với mức lương là 80.000.000 đồng/tháng. Doanh nghiệp G có trụ sở chính hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV, áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ là 3.070.000 đồng/tháng nhưng ông Cao không làm việc tại trụ sở chính mà làm việc tại chi nhánh, chi nhánh này hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III, áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ là 3.430.000 đồng/tháng. Do đó, ông Cao tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp tại tổ chức bảo hiểm xã hội nơi chi nhánh hoạt động với mức lương là: 20 lần x 3.4300.000 đồng = 68.600.000 đồng/tháng. 
 
Hết hạn hợp đồng lao động với doanh nghiệp G, ông Cao nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, 60% mức tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề trước khi ông Cao chấm dứt hợp đồng lao động là: (62.000.000 đồng x 3 tháng + 48.000.000 đồng x 3 tháng)/6 x 60% = 33.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo quy định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông Cao tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm ông chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của ông Cao là 17.150.000 đồng/tháng (3.430.000 đồng x 5 lần = 17.150.000 đồng/tháng). 
 
2. Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP được hướng dẫn thực hiện như sau: 
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo tháng dương lịch. Mỗi tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 50 Luật Việc làm đến ngày đó của tháng sau trừ 01 ngày. 
 
Ví dụ: Ông Cao Văn D được hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông D tính từ ngày 11/3/2021 đến ngày 10/6/2021. Như vậy, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp của ông D được xác định như sau: 
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ nhất từ ngày 11/3/2021 đến hết ngày 10/4/2021; 
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ hai từ ngày 11/4/2021 đến hết ngày 10/5/2021; 
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ ba từ ngày 11/5/2021 đến hết ngày 10/6/2021. 

Mẫu hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Mẫu quyết định thôi việc:

 

CÔNG TY KẾ TOÁN THIÊN ƯNG
Số 01/2020/QĐNV
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc 
Hà Nội, Ngày 25 tháng 02 năm 2021

 
 

QUYẾT ĐỊNH
V/v cho thôi việc

 
– Căn cứ vào Bộ luật lao động Số 45/2019/QH19
– Căn cứ vào hợp đồng lao động số 28/2017/HĐLĐ
– Xét Đơn xin nghỉ việc của Bà Nguyễn Thị Minh
 

GIÁM ĐỐC CÔNG TY KẾ TOÁN THIÊN ƯNG

QUYẾT ĐỊNH

 
Điều 1: Cho bà Nguyễn Thị Minh – Nhân viên kế toán của công ty  được nghỉ việc từ ngày 26 tháng 02 năm 2021
 
Điều 2: Bà Nguyễn Thị Minh được hưởng lương đến hết ngày 25 tháng 02 năm 2020 và được tham gia các chế độ BHXH, BHYT, BHTN đến hết ngày 28/02/2021.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Bà Nguyễn Thị Minh và bộ phận tiền lương, nhân sự  và các bộ phận có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
 

                                                                                             GIÁM ĐỐC

        Nơi nhận:                                                                                   ( Ký tên, đóng dấu)                  

  • Bộ phận kế toán
  • Phòng HCNS

 

2. Mẫu giấy: Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (Mẫu số 03: Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 
ĐỀ NGHỊ HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP

                    Kính gửi: – Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
– Chi nhánh bảo hiểm thất nhiệp quận Thanh Xuân
Tên tôi là: Nguyễn Thị Minh sinh ngày 15/06/1989 Nam , Nữ x
Số chứng minh nhân dân: 168229222
Ngày cấp: 25/04/2014 nơi cấp: CA Hà Nội
Số sổ BHXH: 5813000892
Số điện thoại: 0989.233.284 Địa chỉ email (nếu có) NTM@gmail.com
Dân tộc:…Kinh…. Tôn giáo:……Không………………
Số tài khoản (ATM nếu có) 010245021412 tại ngân hàng: Đông Á
Trình độ đào tạo: Đại Học
Ngành nghề đào tạo: Kế Toán
Nơi thường trú (1): Số 15 đường Nguyễn Trãi, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Thành Phố Hà Nội.
Chỗ ở hiện nay (2): Số 22 ngõ 01 phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa – Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội
Ngày 26/02/2021, tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc với Công ty
tại địa chỉ: Số 19 đường Nguyễn Trãi, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Thành Phố Hà Nội.
 
  Lý do chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc: hết hạn hợp đồng
Loại hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc: hợp đồng thời hạn 36 tháng
Số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp..25 .tháng.
Nơi đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp (BHXH quận/huyện hoặc qua thẻ ATM): BHXH Quận Thanh Xuân
Kèm theo Đề nghị này là CMT ND và quyết định thôi việc và Sổ bảo hiểm xã hội của tôi. Đề nghị quý Trung tâm xem xét, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho tôi theo đúng quy định.
Tôi cam đoan nội dung ghi trên là hoàn toàn đúng sự thật, nếu sai tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật./.

   Hà Nội, ngày ……. tháng ….. năm 2021
 Người đề nghị
  (Ký, ghi rõ họ tên)

 
Các bạn muốn lấy các mẫu trong hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên thì gửi mail vào địa chỉ mail hoangtrungthat@gmail
sẽ gửi lại cho các bạn!