Tổng hợp các Tình Huống hóa đơn điện tử mới nhất 2021 Update 12/2024

Tổng hợp các công văn giải đáp về hóa đơn điện tử mới nhất năm 2021

Hóa đơn điện tử có bắt buộc ký ngay trong ngày lập?
Cục thuế TP. Hà Nội cho rằng khi sử dụng hóa đơn điện loại cũ theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Thông tư 32/2011/TT-BTC, về nguyên tắc, ngày lập và ngày ký hóa đơn phải cùng trong một ngày.
Trường hợp ngày ký trễ hơn so với ngày lập hóa đơn điện tử thì phải căn cứ vào ngày lập để kê khai nộp thuế và hạch toán.
Theo Công văn số 95840/CT-TTHT ngày 2/11/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về ngày lập hóa đơn điện tử
Theo công văn số 4989/CTHN-TTHT ngày 8/2/2021 của Cục Thuế TP. Hà Nội về hóa đơn điện tử có ngày lập khác ngày ký

Hóa đơn điện tử áp dụng theo quy định mới là Nghị định số 119/2018/NĐ-CP và Thông tư 68/2019/TT-BTC hay quy định cũ là Thông tư 32/2011/TT-BTC?
Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP:
– Trước ngày 1/11/2020, Nếu các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin được đáp ứng thì Cơ quan thuế sẽ thông báo các doanh nghiệp, tổ chức chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ.
=> Chưa áp dụng quy định của hóa đơn điện tử loại mới nếu cơ quan Thuế chưa yêu cầu
Trước 1/11/2020, hóa đơn điện tử loại mới chỉ bắt buộc sử dụng khi cơ quan Thuế có yêu cầu
– Trước khi Cơ quan thuế thông báo thi các doanh nghiệp, tổ chức tiếp tục sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại các Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính.
=> Theo đó, hiện nay các Doanh nghiệp thực hiện hóa đơn điện tử theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính.
Theo Công văn số 2580/TCT-CS ngày 23/6/2020 của Tổng cục Thuế về hóa đơn điện tử

 

Khi nào hóa đơn điện tử được miễn chữ ký của người mua?
Người mua có thể được miễn ký số trên hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, hai bên mua – bán phải đảm bảo có đầy đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh giao dịch mua bán như: hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng, biên nhận thanh toán, phiếu thu,… (Theo hướng dẫn tại Công văn số 2402/BTC-TCT ngày 23/2/2016).

Chi tiết các bạn xem tại đây: Chữ ký của người mua trên hóa đơn điện tử
Công văn số 108005/CTHN-TTHT ngày 17/12/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc miễn chữ ký người mua trên hóa đơn điện tử

Bổ sung thêm tiêu chí “Ngày ký” trên HĐĐT có phải gửi lại thông báo phát hành không?
Theo Công văn số 73246/CT-TTHT ngày 7/8/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội thì trường hợp Công ty không thay đổi mẫu hóa đơn điện tử mà chỉ bổ sung nội dung hiển thị ngày tháng năm tại chữ ký điện tử trên mẫu hóa đơn đã thông báo phát hành thì không phải gửi lại thông báo phát hành mới.

Sử dụng chữ không dấu trên HĐĐT được miễn đăng ký với Thuế
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC, việc sử dụng chữ tiếng Việt không dấu trên hóa đơn được miễn đăng ký với cơ quan thuế, tuy nhiên phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn.
Quy định này áp dụng đồng thời đối với cả hóa đơn điện tử.
Theo Công văn số 72822/CT-TTHT ngày 6/8/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội

Lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán lẻ dưới 200.000đ mỗi lần như thế nào?
Tùy thuộc vào loại hóa đơn mà doanh nghiệp đang sử dụng là loại cũ theo Thông tư 32/2011/TT-BTC hay loại mới theo Thông tư 68/2019/TT-BTC để xác định việc xuất hóa đơn điện tử được thực hiện như thế nào.
1. Trường hợp áp dụng hóa đơn theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì đối với trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập hóa đơn thực hiện theo Điều 18 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính.

+ Nếu bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn (Ngay tại thời điểm bán, thời điểm giao hành hóa), trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.
+ Mặc dù khi bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn nhưng người bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ (Theo mẫu số 5.6 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 39). 
=> Rồi đến cuối mỗi ngày, phải lập một hóa đơn ghi số tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng tổng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tiêu thức “Tên, địa chỉ người mua” trên hóa đơn này ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn”.”
2. Trường hợp áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, Thông tư số 68/2019/TT-BTC thì nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP thì không phân biệt giá trị món hàng là bao nhiêu, vẫn phải lập một hóa đơn điện tử:
Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
Theo Công văn số 2387/TCT-CS ngày 12/6/2020 của Tổng cục Thuế

Chuyển đổi từ hóa đơn điện tử ra giấy nhiều hơn 1 trang (số lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra nhiều hơn số dòng của một trang hóa đơn khi in ra giấy)
Để phù hợp với đặc thù của HĐĐT, trường hợp chuyển đổi HĐĐT ra giấy, nếu số lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra nhiều hơn số dòng của một trang hóa đơn thì Công ty thực hiện tương tự trường hợp sử dụng hóa đơn tự in mà việc lập và in hóa đơn thực hiện trực tiếp từ phần mềm và số lượng hàng hóa, dịch vụ bán ra nhiều hơn số dòng của một trang hóa đơn, cụ thể: Tình huống hóa đơn điện tử
Công ty được thể hiện hóa đơn nhiều hơn một trang nếu trên phần đầu trang sau của hóa đơn có hiển thị: cùng số hóa đơn như của trang đầu (do hệ thống máy tính cấp tự động); cùng tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, người bán như trang đầu; cùng mẫu và ký hiệu hóa đơn như trang đầu; kèm theo ghi chú bằng tiếng Việt không dấu “tiep theo trang truoc – trang X/Y” (trong đó X là số thứ tự trang và Y là tổng số trang của hóa đơn đó).
Theo Công văn số 68697/CT-TTHT ngày 23/7/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc sử dụng hóa đơn điện tử nhiều hơn một trang

Thời điểm lập hóa đơn điện tử là thời điểm nào?
Theo Công văn số 49815/CT-TTHT ngày 10/6/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội thì: 
Mặc dù Nghị định 119/2018/NĐ-CP đã có hiệu lực từ 1/11/2018, tuy nhiên, trước ngày 1/11/2020, nếu cơ quan Thuế chưa yêu cầu doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử loại mới theo Nghị định 119 thì thời điểm lập hóa đơn điện tử loại cũ vẫn thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC .
(Tức là giống với thời điểm lập hóa đơn giấy)

Hóa đơn điện tử có được đính kèm bảng kê không?
Theo Công văn số 36240/CT-TTHT ngày 15/5/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội thì:
– Hoá đơn điện tử bản chất là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử, số dòng có thể tăng lên tuỳ theo số lượng hàng hoá, sản phẩm có trên hoá đơn.

=> Trường hợp Công ty lập hóa điện tử không hiển thị đầy đủ danh mục hàng hóa, dịch vụ bán ra mà lại kèm theo bảng kê giấy cho khách hàng trong đó có những hàng hóa, dịch vụ không được hiển thị trên hóa đơn điện tử là không phù hợp theo quy định về hóa đơn điện tử.

Theo Công văn số 3447/CT-TTHT ngày 6/4/2020 của Cục Thuế TP. HCM thì:
Trường hợp Công ty hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, khi lập hóa đơn điện tử giao cho khách hàng 
Đối với hóa đơn ăn uống nhà hàng, Công ty không được lập hóa điện tử không có danh mục hàng hóa mà lại kèm theo bảng kê hàng hóa bản giấy cho khách hàng. 

Theo Công văn số 3443/CT-TTHT ngày 6/4/2020 của Cục Thuế TP. HCM thì
Công ty hàng không khi bán vé máy bay và vận đơn hàng không được lập hóa đơn điện tử đính kèm bảng kê chi tiết số liệu để đối chiếu với khách hàng.
Theo Công văn số 726/CT-TTHT ngày 21/1/2020 của Cục Thuế TP. HCM về hóa đơn điện tử kèm bảng kê thì: Về nguyên tắc, hóa đơn điện tử không bị giới hạn về số dòng nên khi nhận và lập hóa đơn điện tử không được đính kèm bảng kê.

Theo Công văn số 2047/TCT-CS ngày 22/5/2019, hóa đơn điện tử không bị giới hạn số dòng trên một tờ hóa đơn nên khi sử dụng hóa đơn điện tử không được lập kèm bảng kê.

Nhưng Công văn số 3451/CT-TTHT ngày 6/4/2020 của Cục Thuế TP. HCM về hóa đơn điện tử đã trích dẫn Công văn số 15606/BTC-TCT ngày 28/10/2014, khi lập hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho dịch vụ vận tải, doanh nghiệp được phép đính kèm bảng kê chi tiết số liệu để đối chiếu với khách hàng.

– Trường hợp Công ty cung cấp dịch vụ vận tải, khi lập hóa đơn điện tử cho khách hàng nội dung ghi trên hóa đơn điện tử là dịch vụ vận tải đính kèm bảng chi tiết số liệu (để đối chiếu giữa người mua và người bán) là phù hợp với quy định hiện hành.
– Trường hợp Công ty có nhận các hóa đơn GTGT điện tử đầu vào của các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển khác thì khi lập hóa đơn điện tử giao cho Công ty, nội dung ghi trên hóa đơn điện tử là dịch vụ vận tải đính kèm bảng chi tiết số liệu (để đối chiếu giữa người mua và người bán) là phù hợp để căn cứ kê khai và nộp thuế theo quy định.
Hay Công văn số 11/CT-TTHT ngày 2/1/2020 của Cục Thuế TP. HCM thì: Về nguyên tắc, hóa đơn điện tử không được phép đính kèm bảng kê như hóa đơn giấy. Tuy nhiên, đối với dịch vụ giao nhận và vận tải, nếu nội dung ghi trên hóa đơn điện tử là “dịch vụ vận tải hàng hóa” thì có thể đính kèm bảng kê về số liệu phục vụ cho việc đối chiếu về kế toán giữa hai bên

 

Chuyển đổi HĐĐT để “đi đường” phải có chữ ký và đóng dấu của người bán
Trường hợp chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hữu hình trong quá trình lưu thông và chỉ được chuyển đổi một (01) lần thì hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng các quy định nêu tại Khoản 2, 3, 4 Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC và phải có chữ ký người đại diện theo pháp luật của người bán, dấu của người bán.
Theo Công văn số 33312/CT-TTHT ngày 11/5/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội

Ký văn bản thỏa thuận khi phát hiện sai sót trong quá trình lập hóa đơn điện tử mà người mua không có chữ ký điện tử như thế nào?
Theo Công văn số 7639/CT-TTHT ngày 24/2/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội thì Đối với biên bản điều chỉnh sai sót cho hóa đơn điện tử, về nguyên tắc bắt buộc phải có đầy đủ chữ ký của bên bán và bên mua.
Theo đó, nếu bên mua có chữ ký điện tử thì biên bản điều chỉnh được lập và ký điện tử. Ngược lại, nếu bên mua không có chữ ký điện tử thì biên bản điều chỉnh phải lập bằng giấy và ký trực tiếp.
Theo Công văn số 412/CT-TTHT ngày 6/1/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội hướng dẫn về hóa đơn điện tử thì:
Trường hợp người mua không có chữ ký điện tử thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận bằng giấy ghi rõ sai sót có chữ ký của người bán và người mua.
Theo Công văn số 941/CT-TTHT ngày 10/2/2020 của Cục Thuế TP. HCM thì Biên bản điều chỉnh sai sót có thể lập điện tử hoặc biên bản giấy, tuy nhiên phải đảm bảo có đầy đủ chữ ký của các bên.

Kê khai thuế theo ngày lập hay ngày ký trên hóa đơn?
Theo Cục thuế TP. HCM, trường hợp trên hóa đơn điện tử có ngày lập và ngày ký thì về nguyên tắc, tại thời điểm lập hóa đơn điện tử người bán phải thiết lập đầy đủ các thông tin quy định tại Điều 6 Thông tư 32/2011/TT-BTC để chuyển giao cho người mua.
Hóa đơn được lập đầy đủ các chỉ tiêu bắt buộc theo quy định tại Điều 6 Thông tư 32/2011/TT-BTC được coi là hợp pháp và có giá trị kê khai thuế.
Về thời điểm kê khai thuế sẽ căn cứ vào thời điểm lập hóa đơn theo quy định tại Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC .
Theo Công văn số 11236/CT-TTHT ngày 3/10/2019 của Cục Thuế TP. HCM