Cộng tác viên tiếng Anh là “collaborator”- viết tắt là CTV – là từ dùng để chỉ những người làm việc tự do, không trực thuộc hệ thống nhân viên chính thức của bất kỳ công ty nào. Những người này thường không bị gò bó về thời gian, không gian cũng như thị trường làm việc. Họ có thể cộng tác với nhiều doanh nghiệp, cá nhân cùng lúc miễn là đảm bảo đáp ứng KPI theo thỏa thuận với doanh nghiệp.
Cộng tác viên được trả thù lao theo từng công việc hoàn thành, hoặc theo tiến độ thực hiện công việc.
Cộng tác viên có thể ký hợp đồng với doanh nghiệp bằng 1 trong 2 hình thức là: Hợp đồng dịch vụ và Hợp đồng lao động
– Hợp đồng cộng tác viên ký kết theo Bộ luật Dân sự số: 91/2015/QH13: tức là ký “Hợp đồng dịch vụ”
Theo điều 513 Bộ luật Dân sự thì:
“Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ“
-> Phần lớn hợp đồng cộng tác viên hiện nay được ký theo hình thức là hợp đồng dịch vụ, trong đó bên thuê dịch vụ là doanh nghiệp nhận cộng tác viên làm việc và Cộng tác viên chính là bên cung ứng dịch vụ.
– Hợp đồng cộng tác viên ký kết theo Bộ luật Lao động số: 45/2019/QH14: Tức là ký hợp đồng lao động với cộng tác viên
Theo điều 13 của Bộ Luật lao động thì:
“Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.“
Tùy vào từng cách giao kết hợp đồng mà sẽ có cách tính thuế TNCN tương ứng cho cộng tác viên
Cụ thể như sau:
1. Trường hợp 1: Doanh nghiệp ký “Hợp đồng dịch vụ’ với cộng tác viên:
Cách tính thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp hợp đồng cộng tác viên không phải là hợp đồng lao động này sẽ được thực hiện theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 25, Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:
– Nếu tổng mức trả thu nhập dưới 2 triệu đồng/lần trở lên thì không phải khấu trừ thuế TNCN.
– Nếu tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì Phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cộng tác viên.
Lưu ý: Trường hợp cộng tác viên chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cộng tác viên làm cam kết (theo mẫu 02/CK-TNCN ban hành theo thông tư 92) gửi doanh nghiệp để doanh nghiệp trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.
Chi tiết về mẫu biểu, điều kiện và cách làm cam kết các bạn xem tại đây: Mẫu cam kết thu nhập 02/CK-TNCN
Ví dụ 1: Bà Nguyễn Thị Hạnh ký hợp đồng cộng tác viên với công ty dưới dạng hợp đồng dịch vụ (Không phải là hợp đồng lao động):
+ Tháng 9/2021: Bà Hạnh được công ty trả thù lao là 1.800.000đ
=> Vì mức thu nhập 1.800.000đ < 2.000.000đ nên tháng 9/2021 bà Hạnh Không bị công ty khấu trừ thuế TNCN.
+ Tháng 10/2021: Bà Hạnh được công ty trả thù lao là 3.000.000đ
=> Vì mức thu nhập 3.000.000đ > 2.000.000đ nên tháng 10/2021 bà Hạnh bị công ty khấu trừ thuế TNCN 10% ngay khi chi trả thu nhập (Bà Hạnh không đủ điều kiện để làm cam kết)
Số thuế TNCN phải khấu trừ = 10% x 3.000.000 = 300.000 (công ty khấu trừ rồi nộp về ngân sách nhà nước)
Số tiền thù lao bà Hạnh còn được nhận = 3.000.000 – 300.000 = 2.700.000đ
Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn Long ký hợp đồng cộng tác viên với công ty dưới dạng hợp đồng dịch vụ (Không phải là hợp đồng lao động):
+ Tháng 11/2021: Ông Long được công ty trả thù lao là 3.500.000đ
=> Mặc dù mức thu nhập 3.500.000đ > 2.000.000đ Nhưng ông Long đã làm cam kết thu nhập mẫu 02/CK-TNCN gửi công ty nên công ty không khấu trừ thuế TNCN của ông Long khi chi trả thu nhập.
2. Trường hợp 2: Doanh nghiệp ký “Hợp đồng lao động’ với cộng tác viên:
Khi ký ở dạng hợp đồng lao động thì cách tính thuế TNCN cho cộng tác viên lúc này lại được căn cứ vào thời hạn của hợp đồng lao động:
– Nếu ký hợp đồng công tác viên dưới hợp đồng lao động dưới 3 tháng: thì cách tính thuế thu nhập cá nhân thực hiện giống với trường hợp 1 nêu trên là sẽ bị khấu trừ 10% khi chi trả thu nhập từ 2 triệu/lần trở lên.
– Nếu ký hợp đồng công tác viên dưới hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên: thì cách tính thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo biểu lũy tiền từng phần. Chi tiết về cách tính các bạn xem tại đây: Cách tính thuế thu nhập cá nhân 2021
Một vào công văn hướng dẫn về cách tính thuế TNCN cho cộng tác viên mà bạn có thể muốn tham khảo thêm:
Công văn số 1203/CTTPHCM-TTHT ngày 8/2/2021 của Cục Thuế TP. HCM về chính sách thuế Thù lao trả cho cộng tác viên không có HĐLĐ phải khấu trừ thuế 10%
trường hợp Công ty thuê nhân viên bán hàng bằng hợp đồng cộng tác viên, không phải hợp đồng lao động thì khi trả thu nhập (tiền công, hoa hồng…) phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10%.
Công văn số 86538/CT-TTHT ngày 28/9/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế TNCN: Hợp đồng cộng tác viên phải chịu thuế theo tỷ lệ 10%
Trường hợp Bà Nguyễn Thị Mai Liên phát sinh thu nhập từ tiền lương, tiền công theo hợp đồng cộng tác viên với Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển địa ốc Thành phố Hoàng Gia (không phải hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên) thì với mỗi lần chi trả từ 02 triệu đồng trở lên, Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho Bà Nguyễn Thị Mai Liên theo hướng dẫn tại Điểm i, Khoản 1, Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC nêu trên.
Công văn số 313/CT-TTHT ngày 11/1/2018 của Cục Thuế TP. HCM về thuế TNCN: Lương chi hộ do bên nào khai thuế TNCN?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, “khấu trừ thuế TNCN” là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập.
Theo Công văn này, trường hợp Công ty mẹ nhờ Công ty con chi trả hộ tiền lương cho các cộng tác viên của Công ty mẹ đồng thời là nhân viên của Công ty con thì thực chất đơn vị trả lương vẫn là Công ty mẹ.
Do đó, Công ty mẹ phải chịu trách nhiệm khấu trừ và kê khai nộp thuế TNCN đối với khoản lương của các cộng tác viên, áp dụng tỷ lệ 10% nếu cộng tác viên không có hoặc có HĐLĐ dưới 3 tháng.
Khi Công ty mẹ hoàn lại khoản lương của cộng tác viên do Công ty con chi hộ thì các bên cần lập phiếu thu, chi theo quy định.
Công văn số 49/CT-TTHT ngày 3/1/2017 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế: Không ký HĐLĐ, cộng tác viên phải chịu thuế TNCN theo tỷ lệ 10%:
Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng hợp tác (không phải hợp đồng lao động) với các cá nhân để làm cộng tác viên giới thiệu khách hàng cho doanh nghiệp thì khi trả tiền công, thù lao cho các cá nhân này từ 2 triệu đồng/lần trở lên, doanh nghiệp phải khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10%.
Công văn số 2393/CT-TTHT ngày 19/3/2015 của Cục Thuế TP. HCM về việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân: Cộng tác viên có được khấu trừ thuế TNCN theo Biểu lũy tiến?
Trường hợp theo trình bày Công ty có ký hợp lao động dài hạn (trên 3 tháng) với các Bác sỹ dưới hình thức cộng tác viên thì khi chi trả thu nhập tiền lương, tiền công Công ty khấu trừ thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần.
Công văn số 1972/TCT-TNCN ngày 8/6/2010 của Tổng cục Thuế Hướng dẫn khấu trừ thuế TNCN với đối tượng là công tác viên: Hợp đồng dịch vụ của cộng tác viên không được tính thuế theo biểu lũy tiến
Văn bản trả lời vấn đề liên quan đến Viettel trong việc tính thuế TNCN của các công tác viên có hợp đồng dịch vụ từ trên 3 tháng đến dưới 12 tháng phải khấu trừ 10% theo hướng dẫn tại Công văn số 4231/TCT-TNCN ngày 14/10/2009.