Lựa chọn laptop cho sinh viên học ngành IT: Chuyện ai cũng nghĩ không dễ mà lại dễ không tưởng
Khi bước chân vào cổng trường Đại học, chắc rằng ai cũng đã một lần đau đầu khi lựa chọn chiếc laptop để phục vụ học tập cũng như giải trí. Điều này lại càng khó khăn hơn với các bạn học ngành IT khi chiếc laptop gần như là đặc thù của ngành! Vậy làm sao để chọn một chiếc laptop phù hợp cho sinh viên IT? Hãy theo dõi bài viết sau để có thể tìm được “chiến hữu” trong suốt quãng đường Đại học của mình.
Lưu ý: Dưới đây là kinh nghiệm lựa chọn laptop dành cho dân IT của chính bản thân mình và các bạn cùng học khoa Khoa Học và Kỹ Thuật Máy Tính của đại học Bách Khoa Tp.HCM. Mọi thắc mắc và góp ý các bạn hãy để lại bình luận phía dưới nhé!
Ngành Công nghệ thông tin hay còn được gọi là IT đang rất phát triển trong những năm trở lại đây. Và chắc chắn rằng nhiều bạn cũng lựa chọn ngành này là hướng đi tương lai cho mình. Cho nên việc mua một chiếc laptop là điều hiển nhiên đối với các bạn học ngành này. Tuy gọi chung là Công nghệ thông tin nhưng các lĩnh vực mà nó hướng đến khá rộng lớn. Ta có thể chia ngành này thành hai mảng là Khoa học Máy tính (CS) và Kỹ thuật Máy tính (CE), hai mảng này có nhiều khác biệt, tuy nhiên ở bài viết tư vấn này mình không nói đến sự khác biệt của chúng mà tập trung vào việc nên chọn laptop như thế nào.
Ở phần đầu bài viết thì mình sẽ khái quát những phần chung của một chiếc laptop. Phần sau sẽ chi tiết hơn về học gì và cần gì. Các bạn nhớ theo dõi hết bài nhé.
Cấu hình là điều nên xem xét đầu tiên
Nhắc đến cấu hình, chúng ta sẽ đề cập tới combo: Bộ xử lý trung tâm (Central Processing Unit – CPU), bộ xử lý đồ họa (Graphics Processing Unit – GPU), bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (Random Access Memory – RAM), và ổ cứng.
Mình xin giải thích ngắn gọn về cách phối hợp cách hoạt động của chúng như sau:
– Dữ liệu và các phần mềm đều được lưu trữ ở bộ nhớ thứ cấp (Secondary Memory) mà thường là ổ cứng.
– Khi chạy chương trình, các chương trình sẽ được chuyển từ ổ cứng lên RAM rồi các lệnh của chương trình đó sẽ được chạy bởi các bộ xử lý (CPU, GPU).
Mặc dù CPU quan trọng, nhưng đầu tiên mình muốn nhấn mạnh vai trò của các yếu tố “tốc độ ổ cứng” và “dung lượng RAM”. Bởi vì cặp đôi RAM – CPU phải được thiết kế cho tốc độ RAM đáp ứng được tốc độ CPU, theo như giải thích ở trên thì nếu tốc độ tải dữ liệu từ ổ cứng lên RAM quá chậm thì sẽ làm chậm toàn bộ quá trình (CPU chạy các lệnh trên RAM nhưng các chương trình lại được tải từ ổ cứng lên RAM).
Hiện tại, ổ cứng có hai loại chính thường được sử dụng: HDD (Hard Disk Drive) và SSD (Solid State Drive). Và SSD sẽ có tốc độ đọc ghi nhanh gấp hàng trăm thậm chí là hàng ngàn lần HDD, cho nên giá cả cũng cao hơn nhiều.
Ngày nay, HDD đã trở nên lạc hậu, nó thích hợp với việc lưu trữ dữ liệu hơn là chứa chương trình để load lên RAM cho CPU thực thi. Vì vậy một chiếc laptop cần phải có SSD để cài hệ điều hành (OS) và các phần mềm lên đó. Vậy nên khi lựa chọn một chiếc laptop, các bạn hãy chú ý tìm các dòng chữ như:
– “256 GB SSD” và “1 TB HDD”: Tức là có sẵn 1 SSD dung lượng 256 GB và 1 HDD dung lượng 1 TB, SSD để cài OS, phần mềm, HDD để lưu trữ dữ liệu, nhìn chung là ổn.
– “1 TB HDD” và “Support M2.Sata” hoặc “Support M2. PCIe” hoặc “support M2. NVMe”: Có nghĩa là máy có gắn sẵn một ổ cứng HDD dung lượng 1 TB và có thêm khe trống để cắm thêm SSD.
SSD cũng có nhiều loại: Loại Sata 2.5”, loại M2. Sata, loại M2. PCIe… Ổ cứng Sata 2.5” có hình dạng giống ổ HDD cho laptop thông thường.
Về RAM, đây là thành phần “dung lượng càng lớn càng tốt”. Dòng RAM hiện tại thường là DDR4 và Bus RAM trên 2000. Mình khuyên các bạn nên sử dụng 8 GB RAM trở lên để đảm bảo hoạt động tốt. Có một điều cần lưu tâm là trên chiếc máy bạn định mua còn có khe trống để cắm thêm RAM khi cần thiết hay không. Thường thì các hãng bán laptop sẽ có ghi chú, tuy nhiên để chắc chắn các bạn có thể tự tìm Google cách kiểm tra số khe RAM trên máy.
Về CPU, các CPU của hãng Intel thế hệ 8, 9 và 10 cho laptop hiện nay được chia thành các dòng phổ biến là dòng U và dòng H (Có cả HQ, HK, M, F,…). Trong đó dòng U là dòng tiết kiệm điện, còn dòng H là dòng hiệu năng cao. Các “mác” CPU của intel trong cùng một dòng (dòng H hoặc dòng U) và cùng một đời được chia theo sức mạnh tăng dần: i3, i5, i7, i9. AMD cũng là hãng đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc sản xuất CPU. Các dòng Ryzen 3 – 5 của hãng này cũng mạnh mẽ (thậm chí một số vượt mặt Core i cùng tầm giá), AMD dùng số nhân và luồng cao để áp đảo nên phù hợp với những tác vụ đa nhân.
Cuối cùng là GPU, laptop hiện nay chủ yếu được trang bị các card đồ họa tích hợp (onboard) hay thấy trên thị trường là Intel UHD Graphic. Các dòng máy cao cấp hơn có thể trang bị card đồ họa rời. Đương nhiên, card đồ họa rời sẽ đem lại trải nghiệm hình ảnh cao hơn so với card onboard. Nếu các bạn ưu tiên học tập và chỉ chơi các game nhẹ thì card tích hợp là đủ, còn thích chơi game và làm đồ họa nặng thì ưu tiên các dòng máy có trang bị card rời. Và hiện hai ông lớn đang sản xuất card đồ họa rời là NVIDIA và AMD, cả hai đều suýt sao trong phân khúc tầm trung, nhưng những dòng cao cấp thì AMD đang yếu thế hơn. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về các loại card đồ họa của hai hàng này. Lưu ý: laptop thường được trang bị card đồ họa rời dòng M.
Chất lượng gia công và phối hợp phần cứng (“Build” của máy)
Các yếu như phối hợp CPU – RAM – GPU là khá là chuyên sâu, thường các bạn sử dụng máy tính bàn mới quan tâm đến điều này. Còn với laptop thì hầu hết nhà sản xuất đã cân nhắc kĩ lưỡng để cho ra một sản phẩm rồi. Cho nên ta chủ yếu quan tâm đến chất lượng gia công của máy thôi. Một chiếc máy được gia công tốt sẽ có những cấu trúc nhôm CNC bền, đẹp, hỗ trợ tốt tản nhiệt; thiết kế của máy phù hợp với công suất tỏa nhiệt của CPU, GPU; bản lề máy chắc chắn, màn hình không quá nhỏ so với thân máy; bàn phím nẩy;…
Thời lượng pin và khối lượng máy
Các laptop sử dụng chip dòng H (đặc biệt là các máy gaming) sử dụng năng lượng khá dữ và cũng đòi hỏi phải có đủ không gian để lắp dàn tản nhiệt phù hợp. Vì vậy điểm chung của chúng là to, nặng (phải 3kg trở lên) và xác định là đem đi đâu cũng phải đem theo ổ điện và dây sạc. Riêng cái khoản dây sạc của những dòng laptop kiểu vầy nó cũng to và nặng đáo để. Và ngược lại thì chip dòng U rất tiết kiệm pin và đa số khá nhẹ. Những điều này bạn cũng cân nhắc khi lựa chọn máy nhé. Nhất là khi lúc nào cũng phải đem laptop trong người, nên việc chọn chiếc laptop quá nặng cũng không hay tí nào.
Lựa chọn hãng sản xuất cũng khá quan trọng
Apple: Thật sự mà nói, dân IT, nhất là học về phần mềm rất thích sử dụng MacBook vì gọn nhẹ, MacOS hỗ trợ rất tốt việc lập trình và quan trọng là “sang”. MacBook thường có giá khá cao. Nếu kinh tế không quá dư giả thì không nên chọn hãng này. Có bạn sẽ thắc mắc rằng MacBook Air vẫn ổn mà? Nhưng mình không thực sự khuyến khích các bạn sử dụng MacBook Air, cơ bản là không mạnh như các máy cùng tầm giá.
Dell: Máy tính của hãng này cực kì bền bỉ trâu bò và khó hỏng hóc, đặc biệt với các bạn học Kỹ thuật máy tính thì không nên bỏ qua hãng này. Workstation của Dell cũng nổi tiếng, bạn nào học về xây dựng hệ thống thông tin hay server của có thể xem qua. Điểm trừ là thiết kế hơi thô và không được đánh giá cao.
Asus: Asus là một thương hiệu của Đài Loan. Giá thành bình dân và đa dạng các dòng máy là ưu thế của Asus. Thiết kế của hãng cũng rất bắt mắt chỉ thua mỗi MacBook.
HP: dòng Workstation của HP được đánh giá rất cao trên các bảng xếp hạng. Laptop HP cũng khá bền bỉ và mạnh mẽ. Nhưng với mình thì nếu các bạn muốn sử dụng Workstation thì hãy lựa chọn HP.
Lenovo: Chiếm thị phần laptop lớn nhất trên thế giới, Lenovo đã khẳng định về chất lượng sản phẩm của mình. Hãng laptop này thường hướng đến đối tượng doanh nhân và văn phòng nhưng dùng để lập trình thì cũng tốt chán. Lời khuyên là nếu không mua MacBook thì hãy lựa chọn Lenovo.
Acer: Là nhà sản xuất đến từ Đài Loan và đang rất nổi tiếng với các dòng máy gaming như Predator hay Nitro 5. Nhưng đối với ngành IT, mình nghĩ các bạn nên xem xét các dòng Aspire và Swift của hãng này, giá thì khá mềm và chất lượng cũng ổn định nha.
Còn nhiều hãng sản xuất khác như MSI, LG,… nhưng trên đây là 6 cái tên nổi trội nhất nhé!
Vậy chọn máy như thế nào là phù hợp?
Với các bạn chuyên về phần mềm và không quá quan trọng việc chơi game thì CPU Intel Core i7 dòng U thế hệ 7 hoặc AMD Ryzen 3 2200 trở lên, card đồ họa onboard, RAM 8 GB DDR4 là đủ. Phần còn lại để dành cho ngoại hình cũng như màn hình, bàn phím các thứ.
Với các bạn có định hướng làm game thì có thể cân nhắc chọn các máy tính có chip dòng H và card đồ họa rời. Nói đúng hơn là các máy gaming tầm trung để tập tành. Nếu không có điều kiện thì dùng các máy có chip U và card rời 900MX thôi cũng không sao, dù gì thì mới tập tành thì cũng không cần quá cao đâu.
Những bạn nào chọn con đường trí tuệ nhân tạo, học máy, khai thác dữ liệu hoặc hệ thống thông tin thì nên chọn các máy Workstation hoặc là mua laptop như những bạn học phần mềm, số tiền còn lại thì build một chiếc PC có card rời và CPU dòng H. (Việc build PC khi nào vào chuyên ngành hãy làm nha)
Cuối cùng là mảng kỹ thuật máy tính, các bạn sẽ làm việc nhiều với cả phần mềm và phần cứng (các vi điều khiển). Ngành này các bạn sẽ di chuyển nhiều hơn so với Khoa học máy tính, nên gọn nhẹ hãy là ưu tiên hàng đầu. CPU i5 (dòng U) thế hệ 7 trở lên là đủ dùng. Bạn cũng có thể cân nhắc card đồ họa rời (Vì sẽ học luôn một số phần mềm thiết kế)
Dù gì thì dù cũng phải có SSD hoặc khe SSD và RAM 8 GB nha các bạn!
Bạn thấy những tư vấn trên có hữu ích không? Hãy để lại nhận xét và góp ý dưới phần bình luận nhé.
Mua laptop mới tại và Điện máy XANH trong mùa Back To School vơi giá rẻ không tưởng, ưu đãi đến 700.000 đồng cho học sinh sinh viên. Bên cạnh đó, 100% laptop mua chính hãng sẽ tặng kèm quà ngon. Thời gian áp dụng đến 31/10/2020 nên bạn nhanh tay mua ngay nhé.
ĐẶT MUA LAPTOP SINH VIÊN
Xem thêm: Những lý do bạn nên chọn HP zBook Firefly 14 G7: Chiếc laptop workstation mỏng nhẹ nhất thế giới