Công nghệ màn hình OLED, QLED, SLED là gì? Ưu nhược điểm của từng loại ra sao? Đọc ngay bài viết này để có câu trả lời nhé!
Trong các thiết bị điện tử như TV, smartphone hay laptop, màn hình là điểm luôn được nhà sản xuất quan tâm hàng đầu. Từ đó, có nhiều công nghệ màn hình được ra đời và người dùng cũng sinh ra không ít thắc mắc về các công nghệ này. Trong bài viết hôm nay, mình sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về công nghệ màn hình OLED, QLED, SLED và ưu nhược điểm của từng loại trên.
Ngay bây giờ hãy cùng 24h công nghệ tìm hiểu bài viết này nhé!
1. OLED là gì?
OLED viết tắt của Organic light-emitting diode (tiếng Việt là điốt phát quang hữu cơ), là một loại diode phát sáng (LED). Trong đó, lớp phát xạ điện quang là một màng thuốc film làm bằng vật liệu từ một loại chất bán dẫn hữu cơ có khả năng phát sáng khi có dòng điện chạy qua.
Diode phát sáng hữu cơ được dùng với vai trò hiển thị số (digital display) trong các thiết bị màn hình của tivi, máy tính bàn, laptop, điện thoại,…Thế hệ iPhone 12 series là một ví dụ điển hình trong những chiếc smartphone sở hữu công nghệ màn hình OLED.
Công nghệ màn hình điện thoại AMOLED phổ biến hiện nay được trang bị trên nhiều chiếc smartphone như Mi 11 5G, Galaxy S21+, OPPO A93,… chính là một cải tiến từ màn hình OLED, được trang bị thêm ma trận chủ động giúp hình ảnh được hiển thị rõ nét và chân thực hơn.
Ưu điểm của màn hình OLED
So với các công nghệ LED thông thường, LCD,… màn hình OLED đem lại hình ảnh sắc nét, có độ sáng và độ tương phản cao hơn từ đó giúp cho người dùng được trải nghiệm những thước phim có màu sắc phong phú và sống động hơn.
Bên cạnh đó, màn hình này cũng đem đến góc nhìn rộng hơn cùng khả năng tùy biến theo nhiều hình dạng khác nhau bởi tính chất nhẹ, dẻo của nó. Ngoài ra, tuy có chất lượng hiển thị sắc nét nhưng công nghệ OLED vẫn đảm bảo việc tiết kiệm điện năng.
Nhược điểm màn hình OLED
Ngoài những ưu điểm phía trên thì màn hình OLED cũng có những nhược điểm là chi phí sản xuất cao và phức tạp, từ đó giá thành cũng sẽ cao hơn.
Thỉnh thoảng, bạn cũng có thể sẽ gặp xuất hiện hiện tượng burn-in (lỗi lưu hình ảnh) đồng thời màn hình này cũng dễ hư hỏng khi gặp môi trường ẩm thấp hay tiếp xúc với nước.
2. QLED là gì?
QLED viết tắt của Quantum light-emitting diode (tiếng Việt là điốt phát quang chấm lượng tử), được phát triển dựa trên công nghệ LED, kết hợp với chất liệu kim loại chấm lượng tử Quantum Dot trên tấm nền LED giúp tăng độ sáng và tạo ra màu sắc rực rỡ cho từng điểm ảnh.
Trước khi ánh sáng phát ra từ các đèn LED chiếu vào mắt bạn, nó đi qua một ma trận LCD với hàng triệu màn trập nhỏ, mở và đóng vô cùng nhanh. Những màn trập này cùng với các chấm lượng tử tạo ra hình ảnh bằng cách cho một lượng ánh sáng vừa phải đi qua và lọc nó để tạo ra sắc màu.
Thực sự, QLED không phải là một công nghệ hiển thị quá mới mẻ được ra mắt, nó chỉ là một tinh chỉnh cho công nghệ LCD trước đó.
Ưu điểm của màn hình QLED
Công nghệ QLED có lợi thế về độ sáng (khoảng 2.000 nits) bởi vì chúng sử dụng backlight riêng biệt thay vì dựa vào từng pixel để tạo ra ánh sáng. Việc sở hữu các chấm lượng tử cũng giúp màn hình QLED có dải màu rộng hơn.
Bên cạnh đó, QLED có một yếu tố giúp nó vượt trội hơn OLED là về tuổi thọ. Các bóng trên QLED dùng vật liệu vô cơ để phát sáng nên độ bền thực tế của chúng luôn cao hơn OLED.
Ngoài ra, các chấm lượng tử của tivi QLED còn có khả năng tối đa hóa ánh sáng bằng cách tạo ra những màu sáng hơn trong phổ màu mà không làm mất đi độ bão hòa.
Nhược điểm màn hình QLED
Tuy ra đời sau OLED nhưng công nghệ QLED vẫn chưa có chất lượng hiển thị màu đen nổi bật, thậm chí tivi OLED được cho là nhỉnh hơn tivi QLED ở khả năng thể hiện màu đen.
Cadmium (Cd) là một kim loại nặng có khả năng gây ung thư cho con người, bao gồm cả Cd dùng làm chấm lượng tử trên một số màn hình QLED hiện nay. Vì vậy trong quá trình sử dụng nếu bị làm rơi vỡ, các màn QLED dùng Cd sẽ có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng.
Những màn hình QLED có độ sáng cao nên cũng có thể gây ra hiện tượng chói mắt trong quá trình sử dụng.
3. SLED là gì?
SLED viết tắt của Superluminescent Diode (tiếng Việt là điốt siêu phát quang), là công nghệ dựa trên hiện tượng khuếch đại điện tử và là sự phối hợp giữa độ sáng cao của diode laser và tính kết hợp thấp của công nghệ LED thông thường.
Hiện nay, SLED vẫn là thứ rất mới mẻ và vẫn chưa có thiết bị điện tử áp dụng công nghệ SLED nào được phát hành chính thức tính đến thời điểm hiện tại.
Theo Realme công bố, họ sẽ phát hành chiếc TV đầu tiên sở hữu màn hình SLED có kích thước 55 inch, cung cấp độ phủ 108% với phổ màu NTSC vào ngày 07/10/2021 sắp tới. Trước đó, họ cũng cho rằng công nghệ này là một giải pháp thay thế tuyệt vời cho màn hình chấm lượng tử (QLED).
Ưu điểm của màn hình SLED
SLED đạt tiêu chuẩn chứng nhận TUV Rheinland Low Blue Light giúp giữ lượng ánh sáng xanh luôn trong tầm kiểm soát, để tránh căng thẳng cho mắt khi xem, từ đó hỗ trợ việc chăm sóc đôi mắt người dùng tốt hơn.
Nhược điểm của màn hình SLED
Đây là một công nghệ mới nên chắc chắn sẽ cần một thời gian để nhà sản xuất cải tiến, nâng cấp nhằm đưa ra những phiên bản thực sự tốt.
Trước mắt chúng ta vẫn phải chờ xem những sản phẩm áp dụng công nghệ SLED sẽ cho người dùng trải nghiệm thực tế như thế nào.
Tổng kết
Như vậy chúng ta đã cùng điểm qua các khái niệm về công nghệ màn hình OLED, QLED, SLED cũng như ưu nhược điểm của từng loại.
Bạn cảm thấy ấn tượng với công nghệ màn hình nào? Cùng thảo luận phía dưới phần comment nhé!
Xem thêm:
- Motorola Edge S Pro chính thức ra mắt, sở hữu màn hình OLED 144Hz
- Xiaomi ra mắt Mi TV 6 OLED: Hai kích thước 55, 65 inch độ phân giải 4K