Bản đồ địa hình (TOPO Map) là gì? Hướng dẫn cách đọc bản đồ địa hình trên điện thoại và máy tính
Thông thường, khi sử dụng các loại bản đồ trên Google Maps, bạn thường chỉ sử dụng bản đồ 2D, ngoài ra nếu có thì cũng chỉ sử dụng bản đồ vệ tinh. Tuy nhiên, vẫn còn một loại bản đồ khác cũng rất thú vị, đó chính là bản đồ TOPO Map hay còn gọi là bản đồ địa hình mà bạn nên biết. Bài viết sau đây, mình sẽ giới thiệu đến bạn bản đồ địa hình (TOPO Map) là gì và hướng dẫn cách đọc bản đồ địa hình trên điện thoại và máy tính.
1. Bản đồ TOPO Map là gì?
Bản đồ TOPO là từ viết tắt của Topographic map hay còn gọi là bản đồ địa hình. Bản đồ này có nhiều ưu điểm hơn so với bản đồ truyền thống là có độ phóng đại lớn và có thể hiển thị nhiều tính chất địa lý của các khu vực.
Dễ hiểu hơn, bản đồ TOPO có khả năng hiển thị đầy đủ về tính chất địa lý như độ cao, độ nổi khối hay độ dốc của khu vực dưới dạng 3D. Đặc biệt hơn, ở các khu vực đồi núi bản đồ địa hình còn phát huy tác dụng lớn hơn vì có thể biểu thị độ cao từng khu vực nhỏ, độ dốc, dốc đứng, nơi có nguồn nước, nơi có hố, vực… Điều mà bản đồ bình thường không thể nào cho chúng ta biết được.
2. Vì sao nhiều người lại cần đến bản đồ địa hình
Bản đồ địa hình được sinh ra với mục đích biểu thị độ cao, khả năng di chuyển và độ dốc cho các khu vực hay địa hình không có đường đi, cụ thể hơn là ở một số khu vực đồi núi. Bản đồ địa hình sẽ mô phỏng lại khu vực này một cách chính xác giúp cho người di chuyển dễ dàng xác định đường đi hợp lý và an toàn. Mình sẽ ví dụ cụ thể với 2 kiểu bản đồ dưới đây nhé.
Bản đồ khu vực thành phố:
Đối với bản đồ dạng 2D đã giúp cho bạn khá thoải mái di chuyển khi chủ yếu ở thành phố chỉ là những con đường.
Thêm nữa, với sự phát triển của công nghệ đã có những dạng bản đồ 3D để bạn có thể hình dung được độ cao thấp của các tòa nhà giúp bạn dễ dàng định vị phương hướng mà mình đi.
Bản đồ khu vực đồi núi:
Mọi chuyện sẽ khác hơn rất nhiều khi bạn chuyển sang khu vực đồi núi với bản đồ 2D. Ở dạng xem 2D các bản đồ ở khu vực đồi núi chỉ là một khoảng trắng và bạn không thể tìm được đường đi ở các khu vực này.
Nếu bạn nghĩ chế độ vệ tinh sẽ có thể giúp bạn trong điều này, tuy nhiên khi bạn chuyển sang bản đồ vệ tính bạn chỉ nhận được hình ảnh về màu xanh của cây cối và không hình dung được địa hình của khu vực.
Đối với bản đồ địa hình thì mọi thứ sẽ rõ ràng hơn, với những đường đồng nhất thể hiện độ cao và độ dốc của địa hình, bạn dễ dàng hình dung về địa lý của khu vực và tìm đường đi cho khu vực này.
3. Cách đọc bản đồ địa hình
Sau đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách đọc bản đồ địa hình (TOPO Map), mình lấy ví dụ cụ thể ở địa điểm Núi Bà Đen, Tỉnh Tây Ninh. Nơi này là ngọn núi cao có độ dốc tốt giúp bạn dễ hình dung về địa hình nơi này hơn.
Bản đồ được mình chụp lại từ trang web usgs.gov bên dưới. Ngoài ra, bạn còn có thể xem bản đồ địa hình với ứng dụng Google Map.
- Link truy cập usgs.gov
- Link truy cập Google Map
Cách đọc các đường cao độ đồng mức trong bản đồ địa hình:
Về định nghĩa đường cao độ đồng mức là đường kẻ nối những điểm có cao độ bằng nhau và cao độ này được tính từ mực nước biển trung bình. Những đường này sẽ biểu thị được cao độ theo chiều tăng dần đều của địa hình.
Nếu phóng to hơn bạn sẽ dễ dàng nhận ra có rất nhiều đường đồng mức trên bản đồ của ngọn núi. Các đường đồng mức có kẻ màu đậm hơn chính là những đường đồng mức tiêu chuẩn để ám chỉ cao độ đồng mức của địa điểm cụ thể. Các đường đồng mức tiêu chuẩn sẽ được đánh số cụ thể, ví dụ: Đường màu đen đậm ở cuối cùng là 100m, sau đó tịnh tiến dần lên 200, 300m.
Ngoài ra, vì không thể đường nào cũng đánh số vào được vì nếu đánh số tất cả nhìn chúng sẽ cực kỳ rối. Nếu bạn nhìn kỹ vào số lượng đường cao độ đồng mức giữa 2 độ cao là 100m và 200m là 10. Sau đó bạn lấy khoảng cách giữa 200m và 100m là 100, bạn chia cho số đường cao độ đồng mức bên trong là 10. Vậy cứ mỗi đường cao độ đồng mức bên trong đường cao độ tiêu chuẩn sẽ là 10m.
Cách đọc độ dốc bằng bản đồ địa hình:
Độ dốc hay thoải của bản đồ địa hình sẽ phụ thuộc vào khoảng cách của các đường cao độ đồng mức. Khoảng cách của các đường cao độ đồng mức càng gần thì sự thay đổi cao độ trên các đường này càng lớn và nhanh hơn. Vì thế những đường cao độ đồng mức càng gần sẽ càng dốc hơn và ngược lại với các đường cao độ đồng mức ở xa nhau.
Cách nhận biết đồi, núi bằng bản đồ địa hình:
Cách dễ dàng nhất để nhận biết đồi, núi hay cao nguyên trong bản đồ địa hình là độ cao và diện tích của bề mặt địa hình. Thông thường đỉnh núi sẽ là nơi cao nhất và cũng là nơi diện tích bề mặt nhỏ nhất. Chính vì thế, nếu bạn thấy bản đồ địa hình biểu thị diện tích bề mặt giảm dần đều theo cao độ thì đấy là núi hoặc đồi và ngược lại với cao nguyên.
4. Những điều lưu ý khi sử dụng bản đồ địa hình
Bản đồ địa hình có những đặc điểm và lưu ý sau bạn có thể tham khảo để sử dụng chính xác hơn:
- Bản đồ địa hình thường sẽ có tỷ lệ thu phóng là 1:24.000 và bước nhảy cao độ sẽ là 100m.
- Đôi khi sẽ có một số loại bản đồ địa hình được đánh dấu cao độ bằng màu vàng, màu càng đậm thì sẽ càng cao.
- Sông ngòi, suối trên núi đổ ra biển sẽ được đánh dấu bằng chữ V ngược, nếu sử dụng bản đồ địa hình bạn sẽ dễ dàng tìm được nguồn nước ngọt khi đi thám hiểm.
- Đối với một số quốc gia như Mỹ sẽ sở hữu nhiều loại bản đồ địa hình phong phú và được cập nhật thường xuyên hơn so với những quốc gia còn lại.
- Nếu bạn có nhu cầu về bản đồ địa hình bạn hoàn toàn có thể xem TOPO Map thông qua các ứng dụng trên máy tính, điện thoại, thiết bị dẫn đường GPS và đồng hồ GPS.
Bạn đã sử dụng được bản đồ địa hình chưa? Nếu thấy bài viết hữu ích cho mình xin một like và một share nhé. Rất cảm ơn các bạn đã xem bài viết.
Xem thêm:
- Cách xem các khu vực bị phong tỏa bằng Google Maps
- 5 tính năng mới của Google Maps trên iPhone