Hầu hết chúng ta đều rất quen thuộc với bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn”. Nhưng liệu bạn có biết Bản Đôn hay còn gọi là Buôn Đôn, trong bài hát ấy cũng chính là tên một địa điểm du lịch có thật tại Đắk Lắk không. Đến với hành trình du lịch tại Buôn Đôn bạn sẽ được hòa mình vào màu xanh bao la của núi rừng Tây Nguyên, được cưỡi trên lưng những chú voi dễ thương và khám phá bản sắc văn hóa của người dân tộc nữa. Nào hãy cùng tham khảo bài viết Du lịch Buôn Đôn nhà của “Chú voi ở Bản Đôn” trong huyền thoại, để biết thêm những thông tin hữu ích về địa điểm du lịch này nhé.
Lễ hội đua voi ở Buôn Đôn
I. Giới thiệu về Buôn Đôn
Buôn Đôn hay còn được biết đến với tên gọi thân thương là Bản Đôn, nằm ngay trên trục tỉnh lộ 1, cách trung tâm thành phố Buôn MaThuột khoảng 40km về hướng Tây Bắc. Lý giải về tên gọi này thì người M’nông và người Ê Đê giải thích rằng Buôn Đôn có nghĩa là “làng đảo”. Bởi làng được xây dựng trên một đảo nổi của dòng sông Sêrêpôk hiền hòa đầy thơ mộng. Cho đến hiện tại thì sông Sêrêpôk chính là tuyến đường thủy quan trọng nhất để Buôn Đôn trở thành điểm giao thương, trao đổi và buôn bán hàng hóa với Lào, Campuchia,….
Trẻ em ở Buôn Đôn cùng sinh hoạt với nhau
Bên cạnh đó, Buôn Đôn còn là mảnh đất thuần dưỡng những chú voi Tây Nguyên. Khi đến đây bạn sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, cưỡi voi vượt sông Sêrêpôk thơ mộng, ngắm nhìn rừng già, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Bảy nhánh và những ngôi nhà dài hàng trăm mét của người dân tộc. Chưa dừng lại ở đó, bạn còn được khám phá những điều hết sức thú vị về ẩm thực, văn hóa, tín ngưỡng. Đặc biệt là được nghe các già làng kể về huyền thoại vua săn voi Khun Ju Nốp – vị tù trưởng không chỉ có tài săn voi mà còn có công phát triển nghề nuôi voi ở Buôn Đôn.
Buôn Đôn là nơi thuần dưỡng voi nổi tiếng ở Tây Nguyên
Huyền thoại về “Vua săn voi Khun Ju Nốp”:Ông tên thật là Y Thu K’nul, thọ 110 tuổi, là người gốc M’nông. Tương truyền rằng, trước khi hạ sinh, mẹ ông đau đẻ cả ba ngày ba đêm, người nhà đã tổ chức rất nhiều lễ cúng bái theo phong tục nhưng vẫn không sinh được. Cho đến khi điều kì lạ xảy ra là vào đêm thứ ba mọi người đều thấy bóng một con ngựa trắng bay xung quanh nhà cùng với tiếng chuông leng keng, thì mẹ ông mới có thể sinh được, và chính điều đó khiến người ta tin rằng ông không phải là một người bình thường.
Du khách cưỡi voi dạo Buôn Đôn
Cuộc sống yên bình được một khoảng thời gian thì không may buôn làng của ông và buôn kế bên đã xảy ra mâu thuẩn đánh nhau, mẹ cùng nhiều người nhà của ông bị người buôn bên cạnh bắt nhốt. Khun Ju Nốp may mắn thoát thân và nhanh chóng tìm đến một vị tù trưởng giàu có ở vùng đất Cư M’gar để mượn người đi cứu gia đình. Nhận thấy vùng thác Bảy nhánh có đường đi hiểm trở, người ngoài khó xâm nhập nên sau khi giải thoát được mọi người, Khun Ju Nốp đưa tất cả về đây sinh sống, lập buôn và đặt tên là Buôn Đôn (theo tiếng Lào gọi là làng Đảo). Trải qua ba lần chuyển buôn do bị hỏa hoạn, thì cuối cùng Buôn Đôn đã được yên vị tại vùng đất trù phú cạnh bờ sông Sêrêpôk (tức buôn Trí A, xã Krông Na, Buôn Đôn ngày nay).
Thác Bảy nhánh ngày nay
Sinh thời, chiến tích của vua săn voi Khun Ju Nốp bắt được hơn 400 con, có nhiều con voi đực một ngà và đặc biệt nhất là ông săn được một con voi đực màu trắng. Nghĩ rằng chỉ các bậc vua chúa cao quý mới được sử dụng voi trắng nên ông đã đem con voi ấy biếu cho vua nước Xiêm La và được phong tặng danh hiệu Khun Ju Nốp – nghĩa là “vua săn voi”. Từ đó, ông trở thành “vua săn voi” của Buôn Đôn.
Khun Ju Nốp luôn nhận nuôi những người có tài săn bắt, thuần dưỡng voi giỏi và sau đó chỉ huy họ vào rừng săn bắt. Voi rừng sau khi được thuần dưỡng thì ông sẽ đem giao thương với các nước lân bang. Không chỉ giàu có, uy tín, Khun Ju Nốp là người vô cùng bao dung, ông luôn sẵn sàng bỏ tiền của mình ra để mua, và tha bổng cho những người bị bán làm nô lệ hay người bị quy cho là “ma lai” bị dân làng kéo đến đòi giết, ông cũng dùng ngà voi mà mình săn được thế cho giặc Pháp để người dân của mình không bắt đi lính. Chính những việc làm này, đã khiến ông được rất nhiều người dân Tây Nguyên kính trọng.
Mộ vua săn voi Khun Ju Nốp
Mặc dù vậy, nhưng Khun Ju Nốp lại không có con trai nối dõi. Sau khi chết, ông được các con, cháu mà mình nhận nuôi tổ chức xây dựng ngôi mộ ở trung tâm nghĩa địa của các Gru (bậc cao nhất trong nghề săn voi).
II. Cách di chuyển đến Buôn Đôn
1. Các cách di chuyển đến Buôn Đôn
Để di chuyển từ địa điểm như thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh thành lân cận đến Buôn Đôn bạn có thể di chuyển bằng các cách sau:
- Di chuyển bằng xe khách: Bạn có thể tiết kiệm chi phí đi lại của mình với cách di chuyển này. Bạn chỉ cần đến bến xe miền Đông, sẽ có rất nhiều nhà xe đi đến Buôn Ma Thuột. Giá vé giao động từ 220.000 đồng – 400.000 đồng tùy hãng và tùy loại ghế và bạn sẽ mất tầm khoảng 8 – 10 tiếng sẽ đến Buôn Ma Thuột, rồi bắt tiếp các phương tiện khác để đến Buôn Đôn. Bạn có thể tham khảo một số nhà xe ở bến xe miền Đông như: Lê Tuấn – Quầy vé 21, Kumho Samco -Quầy vé 31,32,33, Đồng Tâm,…
- Di chuyển bằng máy bay: Đây có lẽ là phương tiện được lựa chọn nhiều nhất vì bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chưa đến 1 tiếng đồng hồ. Bằng cách đặt vé đến Buôn Ma Thuột các chuyến bay của bạn sẽ được khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất (Phường 2, quận Bình Thạnh). Có khá nhiều hãng để bạn có thể lựa chọn như: Vietjet Air, Vietnam Airlines, Jetstar,… sau khi đến Buôn Ma Thuột thì bạn có thể di chuyển đến Bản Đôn bằng xe khách hoặc taxi nhé.
2. Các phương tiện di chuyển ở Buôn Đôn
Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40km về phía Tây Bắc. Bạn có thể tham khảo những cách di chuyển sau đây để đến được Buôn Đôn:
Di chuyển bằng phương tiện cá nhân: Xuất phát từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột bạn sẽ mất khoảng chừng 1 – 2 tiếng đi xe máy là tới nơi. Đầu tiên bạn di chuyển về hướng Tây Nam lên Lê Duẩn, sau đó bạn rẽ phải vào đường Giải Phóng. Tiếp tục rẽ trái vào Y Ngông, đi thêm một đoạn nữa bạn tiếp tục rẽ trái lần nữa để vào đường Nguyễn Thị Định. Từ đây bạn cứ tiếp tục chạy thẳng cho đến khi vào TL1/Tỉnh lộ 681/DDT681. Từ vị trí này, bạn rẽ trái tại quán cơm Bản Đôn, chếch sang phải đi qua trung tâm Học tập Cộng đồng xã Krông Na phía bên phải là bạn sẽ đến được Buôn Đôn. Bằng việc đi xe máy này bạn có thể phiêu diêu trên những con đường đất đỏ bazan, ngắm cảnh núi rừng, nghe tiếng chim kêu vi vu và tiếng thác nước vọng về rất thú vị.
Di chuyển bằng xe máy: nếu bạn có nhu cầu cần thuê xe máy thì có thể tham khảo một số địa chỉ dưới đây:
Cho Thuê Xe Máy Tại Buôn Ma Thuột – A Hưng
- Địa chỉ: 53/14b Lê Duẩn, Tự An, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
- Số điện thoại: 0915.10.62.35
Cho thuê xe máy Buôn Ma Thuột – A Phong
- Địa chỉ: 22 Lương Thế Vinh, Tân tiến, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
- Số điện thoại: 0848.79.23.79
Di chuyển bằng xe bus: Nếu muốn tiết kiệm hơn trong việc di chuyển hay để tránh khói bụi, ồn ào thì bạn cũng có thể bắt xe bus để đến Buôn Đôn nhé, việc đi bằng phương tiện này cũng rất thuận lợi, giá vé chỉ tầm 20.000 đồng/lượt. Bạn chỉ cần bắt tuyến xe bus số 15 Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn, và ngồi xe khoảng một tiếng là đến được cầu treo khu du lịch Buôn Đôn.
III. Giá vé tham quan và các dịch vụ đi kèm ở Buôn Đôn
Buôn Đôn có rất nhiều địa điểm tham quan vô cùng hấp dẫn và thú vị, dưới đây là giá vé một số địa điểm và hoạt động mà bạn có thể tham khảo:
- Giá vé khu du lịch Buôn Đôn: 40.000 đồng/người lớn và miễn phí vé hoàn toàn đối với trẻ em cao dưới 1.3 m
- Giá vé tham quan cầu treo: ngày thường người lớn 40.000 đồng/ người, trẻ em và người cao tuổi 30.000 đồng/ người. Dịp lễ, Tết người lớn 50.000 đồng/ người, trẻ em và người cao tuổi 40.000 đồng/ người.
- Giá vé giao lưu văn hóa cồng chiêng: Tùy theo số lượng khách sẽ có mức giá khác nhau, giao động từ khoảng 3.000.000 đồng – 4.000.000 đồng/ show (bao gồm cồng chiêng, âm thanh, ánh sáng, MC, lửa trại và tặng 1 ché rượu cần 6-9-12-17 lít tuỳ theo số lượng khách tương ứng).
- Phí hướng dẫn: 150.000 đồng/ tour, bao gồm nghe thuyết trình về lịch sử hình thành Buôn Đôn, nghệ thuật săn bắt, thuần dưỡng voi, tham quan cầu treo.
- Giá vé tham quan mộ vua săn voi: 10.000 đồng/ người
- Giá vé tham quan Nhà sàn cổ: 15.000 đồng/ người
- Giá vé cưỡi voi: Lộ trình 300m: 2 người lớn kèm 1 trẻ em dưới 6 tuổi giá 200.000 đồng/ voi. Lộ trình 600m: 2 người lớn kèm 1 trẻ em dưới 6 tuổi giá 400.000 đồng/ voi.
- Giá vé tham quan vườn quốc gia Yok Đôn: từ 10.000 đồng – 60.000 đồng tùy đối tượng
- Giá vé gửi xe: Tùy theo số chỗ ngồi của xe có thể dao động từ 30.000 đồng – 50.000 đồng/ xe.
IV. Buôn Đôn có gì thú vị?
Nếu là người yêu thích sự khám phá thiên nhiên thì bạn có thể trải nghiệm các hoạt động như:
1. Cưỡi voi vượt sông Sêrêpôk thơ mộng
Hết sức thân thuộc với bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn”, ai đến đây mà không muốn ngắm nhìn những những chú voi hiền lành, dễ thương và chơi đùa với chúng phải không nào. Bạn chỉ cần mua một nải chuối xanh hoặc một túi mía thì có thể đứng check in với voi ở khoảng cách gần và vuốt ve chúng rồi đó.
Trải nghiệm cảm giác ngồi trên lưng voi vượt sông Sêrêpôk
Ngoài ra, việc cưỡi trên lưng những chú voi này vượt dòng sông Sêrêpôk thơ mộng hoặc ngắm nhìn cuộc sống thường nhật của những người dân tộc tại các buôn làng sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến hành trình. Tuy nhiên, theo thời gian những chú voi ở đây cũng đã già, và thường du khách sẽ lựa chọn ngắm nhìn và chụp ảnh thay vì cưỡi trên lưng chúng.
2. Thú vị với cảm giác qua cầu treo Buôn Đôn
Đây là chiếc cầu tham quan rất thú vị, nơi “sống ảo” cực đẹp cho những ai đam mê chụp ảnh. Bên cạnh đó đây còn là chiếc cầu dẫn du khách vào được Buôn Đôn. Được bắc ngang qua dòng sông Sêrêpôk, với các chất liệu chính là từ tre, nứa, song kết hợp với cáp sắt để chắc chắn. Và điểm độc đáo đáng nói đến ở đây là cây cầu được gắn vào thân cây cổ thụ có tán lá rất rộng, có thể trùm kín cả một phần cầu treo.
Du khách check in tại cầu treo vào Buôn Đôn
Cảm giác khi bước trên những ống tre nứa rất tuyệt vời, bạn sẽ thấy có chút hồi hộp vì sự chòng chành, lắc lư của cây cầu nhưng cũng sẽ lấy làm thích thú với cảm giác mới lạ ấy.
3. Tha hồ “sống ảo” tại vườn cảnh Troh Bư
Vườn cảnh Troh Bư nằm ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. Tên gọi Troh Bư có nghĩa là “lũng cá lóc suối” (theo cách gọi của người Ê Đê). Đây là điểm đến được rất nhiều du khách yêu thích vì trong vườn có rất nhiều giống hoa lan rừng tuyệt đẹp và vô vàn những loại cây cỏ quý khác.
Tha hồ sống ảo với những view đẹp tại Troh Bư
Nếu bạn là người nghiện “sống ảo” thì đừng nên bỏ lỡ địa điểm này nhé. Sự bày trí và khung cảnh xung quanh Troh Bư sẽ đem đến cho bạn những bức ảnh trên cả tuyệt vời đó.
4. Đắm chìm trước vẻ đẹp của thác Bảy nhánh
Thác Bảy nhánh nằm ở xã Ea Huar. Có thể nói rằng thác chính là một tuyệt tác đặc sắc mà thiên nhiên ban tặng cho Buôn Đôn. Sở dĩ có tên gọi này vì khi sông Sêrêpôk chảy qua Buôn Đôn gặp phải các ghềnh đá lớn nên bị chia thành bảy nhánh nhỏ.
Vẻ đẹp của thác Bảy nhánh
Nếu bạn đứng từ trên cao nhìn xuống sẽ mường tượng được thác Bảy nhánh giống như một bàn tay đang xòe ra và lòng bàn tay là đầu thác rộng tới 500 mét. Xung quanh đó cũng có rất nhiều ghềnh đá có hình thù độc đáo để bạn chiêm ngưỡng. Đừng bỏ sót địa điểm này khi đến Buôn Đôn nhé.
5. Thử cảm giác trekking tại vườn quốc gia Yok Đôn
Bạn có biết rằng vường quốc gia Yok Đôn là một trong những khu rừng lớn nhất của nước ta, nằm trên địa bàn 7 xã, 3 huyện và 2 tỉnh là Đắk Lắk và Đắk Nông không. Đây nổi tiếng là nơi bảo tồn voi và hệ sinh thái rừng khộp ở Tây Nguyên. Và nếu đến Buôn Đôn thì bạn có thể khám phá được một phần ngôi rừng kì vĩ này đấy.
Trải nghiệm trekking tại vườn quốc gia Yok Đôn
Điều tuyệt vời nhất là bạn có thể thực hiện những chuyến trekking tại đây, tận mắt chứng kiến những loài cây cỏ và động vật, hòa mình vào màu xanh của thiên nhiên, cây cối và chinh phục đỉnh núi. Hoặc bạn cũng có thể lựa chọn hình thức đạp xe dưới những tán cây trong rừng hay chèo thuyền độc mộc trên dòng Sêrêpôk cũng rất thú vị.
Còn nếu là người yêu thích việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa, lối sống thường nhật của người dân tộc Tây Nguyên thì bạn có thể tham gia các hoạt động sau:
6. Khám phá nhà Rông của người dân tộc Tây Nguyên
Nhà rông Tây Nguyên chính là nhà sinh sống đặc trưng của người dân tộc, in đậm bản sắc về văn hóa, tinh thần của họ. Điểm đặc biệt của các nhà này là mái nhà rất dài, rộng và cao hệt như một lưỡi rìu. Có những ngôi nhà rông lớn đến mức có thể chứa được cả bản làng, chính vì vậy đây thường được dùng làm nơi hội họp, sinh hoạt tập thể, hoặc tiếp khách quý khi đến thăm. Bên trong các nhà rông Buôn Đôn có trưng bày các hiện vật và các tài liệu về văn hóa, phong tục tập quán, của người đồng bào.
Nhà Rông của người dân tộc, nơi lưu giữ rất nhiều nét văn hóa đặc sắc
Nếu may mắn tham quan Buôn Đôn vào ngay những dịp lễ hội diễn ra, thì bạn sẽ được thưởng thức các giai điệu cồng chiêng đặc sắc, được giao lưu và hòa mình vào các điệu nhảy đầy thú vị tại đây.
7. Thăm mộ và nhà của vua săn voi Khun Ju Nốp nổi tiếng trong huyền thoại
Chắc chắn khi đến Buôn Đôn, bạn sẽ được các già làng kể cho nghe về chiến tích săn và thuần dưỡng voi của vị vua Khun Ju Nốp. Tại đây còn lưu giữ lại hai di tích để tưởng nhớ đến vị vua này đó chính là ngôi mộ và ngôi nhà sàn cổ của ông.
Với khu lăng mộ của vua Voi: thì xây dựng theo mô típ hình khối khá đơn giản, được trang trí bằng tượng nhà mồ có hình búp sen chóp nhọn ở đỉnh và bốn góc – một trong những biểu tượng văn hóa của Tây Nguyên.
Thiết kế của mộ vua săn voi Khun Ju Nốp
Với ngôi nhà sàn cổ của vua: đây là một điểm bạn không thể bỏ qua khi đến Buôn Đôn, nằm ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ngôi nhà được xây dựng bằng những loại gỗ quý, điểm độc đáo nhất đáng phải kể đến là mái nhà được lợp hoàn toàn bằng ngói gỗ, mỗi viên đều được làm thủ công rất công phu. Tuy qua thời gian ngôi nhà đã phần nào xuống cấp nhưng vẫn lưu giữ cấu trúc và bản sắc Tây Nguyên.
Nhà của vua săn voi Khun Ju Nốp
V. Mẹo du lịch
1. Thời gian tốt nhất để du lịch tại Buôn Đôn
Khí hậu ở Buôn Đôn khá ôn hòa và dễ chịu, mức nhiệt độ trung bình thường vào khoảng 23 độ C. Chính vì vậy mà bạn có thể tham quan du lịch đến Buôn Đôn vào bất kì khoảng thời gian nào trong năm cũng được. Tuy nhiên mách nhỏ bạn một chút là thời gian lý tưởng nhất vẫn là vào tháng 12 nhé. Bởi thời điểm này tại Buôn Đôn sẽ diễn ra rất nhiều lễ hội đặc sắc như Lễ hội đua voi, Lễ hội cà phê,… đặc biệt hơn đây cũng là khoảng thời gian hoa dã quỳ nở rộ, rất thích hợp cho việc sống ảo của bạn.
2. Các lưu ý khi đến Buôn Đôn
Thời tiết tại Buôn Đôn khá nắng, vì vậy bạn cần chuẩn bị thật kĩ cho mình những trang phục thông thoáng kèm với đó là kem chống nắng. Bên cạnh đó cũng nên bỏ sung thêm nước uống thường xuyên để quá trình khám phá không bị đuối sức và mất nước. Cuối cùng, đừng quên mang theo các thiết bị cần thiết để phục vụ cho việc “sống ảo” tuyệt đẹp tại vùng đất Tây Nguyên này nhé.
3. Các địa điểm ăn uống hấp dẫn gần Buôn Đôn
Sau khi vui chơi thỏa thích thì đừng quên nạp lại năng lượng cho bản thân bằng các món ăn ngon nhé. Dưới đây là các địa điểm ăn uống hấp dẫn gần, bạn có thể tham khảo:
Lẩu Cá Lăng Mỹ Lan Cầu 14
- Địa chỉ: 112 QL14, Tân Thành, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
- Số điện thoại: 0964.06.47.21
- Giờ mở cửa: 24/24
Lẩu cá lăng tại quán Mỹ Lan Cầu 14
Bánh Canh Cá Dằm Hương
- Địa chỉ: 63 Hai Bà Trưng, Thắng Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
- Số điện thoại: 0935.05.04.40
- Giờ mở cửa: 16:00 – 21:00 tất cả các ngày trong tuần.
Bánh canh cá dằm tại quán Hương
Gà Nướng Cơm Lam
- Địa chỉ: Tân Lập, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
- Số điện thoại: 0932.51.42.26
- Giờ mở cửa: 09:00 – 21:30 tất cả các ngày trong tuần.
Gà nướng cơm lam hấp dẫn thực khách
4. Các địa điểm lưu trú gần Buôn Đôn
Nếu có nhu cầu lưu trú lại ở Buôn Đôn, bạn có thể tham khảo một số địa điểm sau:
Nhà nghỉ H & T
- Địa chỉ: 325 Hùng Vương, Tân Lập, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
- Số điện thoại: 0262.39.86.868
Nhà nghỉ T & H
Khách sạn Hoàng Lộc
- Địa chỉ: 7 Y Bih Alêô, Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
- Số điện thoại: 0262.39.78.777
Khách sạn Hoàng Lộc
Xem thêm:
Trên đây là tất tần tật khinh nghiệm du lịch Buôn Đôn nhà của “chú voi con ở Bản Đôn”. Hy vọng bài viết này đã mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích phục vụ cho chuyến đi sắp tới của bạn. Chúc bạn sẽ có những phút giây thư giãn tuyệt vời bên người thân và bạn bè nhé.