Camera kép có thật sự tốt hơn? Hay chỉ dùng chụp ảnh xoá phông?
Kể từ đầu năm 2016, cuộc đua camera kép ở thị trường smartphone đã chính thức bắt đầu từ các siêu phẩm LG G5, Huawei P9, iPhone 7 Plus và mới đây nhất là Xiaomi Mi 5s.
Không sớm thì muộn, chúng ta cũng sẽ sớm được chứng kiến những chiếc smartphone có camera kép trở nên phổ biến ở mọi phân khúc giá.
Hiện nay, chỉ có ông lớn là Samsung chưa tham gia vào cuộc chiến này. Liệu camera kép trên điện thoại có thật sự cần thiết, hiệu quả của nó như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về điều đó.
Cải thiện khả năng bắt nét và chất lượng ảnh chụp
Hãy bắt đầu với cụm camera kép trên Huawei P9. Mỗi chiếc camera của P9 hoạt động theo một cách khác nhau. Một camera vẫn sử dụng cảm biến RGB, cho ra ảnh màu trong khi cái lại sử dụng cảm biến đơn sắc cho ra ảnh đen trắng. Khi bức ảnh được xử lý, các chi tiết vùng sáng, vùng tối hiện ra rõ nét hơn.
Huawei cho biết bộ đôi camera sau của họ đều được trang bị công nghệ lấy nét lazer, và khi có chung tiêu cự, 2 camera kép này phối hợp cho một tốc độ lấy nét cực nhanh.
Trong khi đó, camera kép trên iPhone 7 Plus khác nhau, một camera góc rộng và một camera tele có khả năng zoom quang học có tiêu cự và khẩu mở khác nhau.
Ngoài ra, bằng cách kết hợp một cảm biến đơn sắc và một cảm biến màu, P9 có thể thu lại lượng ánh sáng cao gấp 3 lần camera smartphone thông thường, giúp cho hình ảnh sắc nét và rõ ràng hơn hẳn.
Chụp xóa phông và hiệu ứng Bokeh
Bokeh là hiệu ứng mà các máy ảnh chuyên nghiệp DSLR tạo ra khi tách chủ thể với hậu cảnh phía sau bằng cách làm mờ hậu cảnh. Với một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp (DSLR), bạn có thể dễ dàng tạo ra hiệu ứng này bằng cách sử dụng ống kính có độ mở lớn hoặc ống kính tele, sử dụng máy ảnh có cảm biến lớn hoặc chụp cận cảnh (macro) chủ thể.
Camera trên điện thoại hiện nay rất khó có thể tạo ra một bức ảnh xóa phông (Bokeh) vì có khẩu độ mở cố định, cảm biến ảnh nhỏ và tiêu cự ngắn không đổi.
Bên cạnh đó, chúng ta chỉ có thể tạo ra các bức ảnh bokeh bằng phần mềm chỉnh sửa ảnh, tức là làm mờ hậu cảnh thủ công, tuy nhiên rất khó để đạt được độ chân thực như ảnh từ máy ảnh chuyên nghiệp.
Xem thêm: Xoá phông là gì? Cách chụp xoá phông trên điện thoại
Với camera kép trên Huawei P9 hoặc iPhone 7 Plus, chúng sẽ thực hiện chụp 2 tấm ảnh với một tấm bắt nét tại vị trí chủ thể và tấm còn lại sẽ bắt nét hậu cảnh, sau đó dùng hiệu ứng phần mềm để tách 2 phần này ra và làm mờ hậu cảnh.
Tuy hiệu ứng vẫn không thể thật như trên máy DSLR nhưng vẫn cho ra những tấm ảnh rất bắt mắt và đẹp hơn nhiều so với khi bạn tự chỉnh bằng phần mềm.
Khả năng zoom và theo chụp phối cảnh
Camera kép trên iPhone 7 Plus gồm có một camera tele có khả năng zoom quang học 2x (với tiêu cự lớn), và một camera để chụp góc rộng (với khẩu mở lớn). Mang tới nhiều lựa chọn chụp ảnh cho bạn dựa vào phối cảnh cần chụp.
Trong khi đó cụm camera kép trên LG G5 và LG V20 mới đây cũng có vai trò gần như tương tự khi có một camera góc cực rộng có khả năng chụp ảnh tạo hiệu ứng mắt cá (fish-eye).
Với ống kính góc rộng trên LG G5, bạn có thể tạo ra những bức ảnh có hiệu ứng mắt cá tuyệt đẹp, cho góc chụp rộng hơn nhiều so với ảnh thường mà không cần phải dùng chế độ chụp panorama.
Smartphone nào đang dùng camera kép
Kẻ bắt đầu cho cuộc cách mạng camera kép trên điện thoại là HTC One M8 đã ra mắt từ năm 2014, tuy nhiên máy ảnh trên M8 vẫn chưa được đánh giá cao. Lenovo cũng có một mẫu smartphone dùng camera kép ra mắt hồi năm ngoái, chiếc Lenovo Vibe S1 ở phân khúc tầm trung với bộ đôi camera 8MP và 2MP.
LG là hãng có nhiều siêu phẩm flagship với camera kép nhất phải kể đến LG V10, LG G5 và mới nhất là LG V20 đều được trang bị camera kép, với một camera góc siêu rộng có thể chụp fish-eye.
Huawei P9 và iPhone 7 Plus cũng lần lượt tham gia, đặc biệt camera kép trên Huawei có sự hợp tác của hãng máy ảnh nổi tiếng Leica. Camera kép trên iPhone 7 Plus nổi bật với khả năng chụp xóa phông cực kì đẹp mắt.
Xem thêm: HTC mở ra khái niệm camera kép, nhưng Apple sẽ dẫn đầu xu hướng này?