Độ phân giải trên smartphone từng bị đẩy lên rất cao, nhưng sau cùng thì Full HD+ mới là độ phân giải mà các hãng lựa chọn Update 12/2024

Cuộc chiến về độ phân giải màn hình đã ngả mũ
Cuộc chiến về độ phân giải màn hình đã ngả mũ. Nguồn: PC World

Nhiều năm qua, thế giới smartphone chứng kiến nhiều cuộc đua về số chấm, khẩu độ, cảm biến trên camera hay về số nhân, kích thước bóng bán dẫn, tốc độ xung trên các con chip. Rồi là tốc độ sạc, dung lượng pin đến màn hình hiển thị trên smartphone. Chúng ta có những màn hình với những tỷ lệ mới, chuẩn màu HDR10 rồi DCI-P3, độ phân giải cao Full HD, Quad HD rồi 4K,… những tưởng sẽ không dừng lại.

Có vẻ cuộc đua về độ phân giải trên màn hình đã tìm được đích đến ở thời điểm hiện tại – Full HD. Phải chăng chuẩn màn hình này đã quá đủ cho ‘một cuộc tình’? Hãy cùng 24h Công nghệ tìm hiểu vấn đề này nhé!

Lịch sử về sự phát triển của độ phân giải màn hình 

Độ phân giải màn hình luôn luôn phát triển theo xu hướng của công nghệ
Độ phân giải màn hình luôn luôn phát triển theo xu hướng của công nghệ. Nguồn: Knowband

Nào chúng ta hãy ngược về quá khứ để xem cuộc chiến công nghệ màn hình đã hình thành như thế nào?

Năm 2010, “kẻ hủy diệt Nokia” – iPhone 4 ra đời, nó ăn điểm nhờ thiết kế rất “sexy” với màn hình Retina. Thời điểm đó, tín đồ công nghệ nghĩ rằng mắt thường đã đạt đến mức giới hạn, không thể phân biệt từng điểm ảnh trên màn hình. Nhưng thực tế, võng mạc của người bình thường vẫn có thể phân biệt được đâu là chuẩn 720p và đâu là 1080p.

iPhone 4 được trang bị màn hình Retina độ phân giải 640 x 960 pixel
iPhone 4 được trang bị màn hình Retina độ phân giải 640 x 960 pixel. Nguồn: Tfortec

Năm 2011, chuẩn màn hình HD (720 x 1280 pixel) ra đời và nhanh chóng trở thành tâm điểm của đại đa số người dùng cũng như ngành công nghiệp điện thoại di động. Sang năm sau (2012), các cuộc thảo luận và những tin đồn xoáy quanh dòng điện thoại thông minh màn hình 1080p bắt đầu khởi tranh, nối tiếp phiên bản tiền nhiệm 720p.

Tháng 12/2012, OPPO trình làng Find 5, một trong những smartphone đầu tiên trên thế giới có màn hình Full HD 1080p có giá rẻ nhất. Khi đó, Full HD là độ phân giải cao nhất trên hầu hết những chiếc TV cao cấp, nên không quá khó hiểu khi Find 5 được ví như một trong những smartphone dẫn đầu công nghệ lúc bấy giờ.

Cuối năm 2012 Oppo Find 5 là smartphone có màn hình full HD đầu tiên trên thế giới
Cuối năm 2012 Oppo Find 5 là smartphone có màn hình Full HD đầu tiên trên thế giới. Nguồn: VnExpress

Đến năm 2013, Vivo nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới trình làng smartphone XPlay 3S có màn hình 6 inch độ phân giải Quad HD hay 2K, mật độ điểm ảnh lên tới 490 ppi. Cùng năm LG cũng giới thiệu chiếc phablet G3 với chuẩn màn hình này, nhưng mật độ điểm ảnh lại chạm ngưỡng 538 ppi vô cùng sắc nét.

Và năm 2015 đánh dấu 1 cột mốc đáng nhớ khi mà Sony đã cho trình làng chiếc Xperia Z5 Premium và đó cũng chính là chiếc phablet có màn hình nét nhất thế giới với độ phân giải 4K (2160p).

Sony Xperia Z5 Premium với màn hình 4K đầu tiên trên thế giới
Sony Xperia Z5 Premium với màn hình 4K đầu tiên trên thế giới. Nguồn: Sony

Có lẽ ở năm 2020 thì điện thoại với độ phân giải 4K đã là giới hạn và mình thì không biết trong tương lai chúng ta sẽ có độ phân giải mới nữa hay không nhưng đối với mình 4K đã là một cái gì đó thực sự kinh khủng ở một chiếc smartphone.

Các nhà sản xuất không còn quá tập trung vào độ phân giải màn hình

Cân bằng tần số quét với độ phân giải là một điều đáng để đánh đổi
Cân bằng tần số quét với độ phân giải giúp nâng cao trải nghiệm người dùng. Nguồn: Android Authority

Ở thời điểm hiện tại, khi mà sự phát triển nó đã đi quá xa so với ngưỡng nhất định nào đó thì có lẽ các nhà sản xuất cũng không còn động cơ để chạy đua về công nghệ. Thay vào đó họ tập trung cải thiện nâng cao chất lượng chuẩn màu hiển thị, đem lại những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

Thêm nữa là màn hình độ phân giải cao cũng làm tăng thêm lo ngại về khả năng tiêu thụ điện năng của thiết bị như: Đèn nền màn hình sáng hơn và yêu cầu CPU cũng như GPU “chịu cày” hơn để thúc đẩy các điểm ảnh bổ sung. Điều đó sẽ làm giảm đáng kể thời gian trải nghiệm trên chiếc smartphone của bạn.

Và từ đó chúng ta lại được thấy hàng loạt những công nghệ về màn hình được ra mắt như công nghệ màn hình HDR hay gần đây là màn hình có tần số quét cao. Các công nghệ mới này sẽ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng hơn và thiết thực hơn là độ phân giải cao.

Các nhà sản xuất đã cho phép cân chỉnh độ chuẩn màu trên smartphone từ Android 8 trở lên
Các nhà sản xuất đã cho phép cân chỉnh độ chuẩn màu trên smartphone từ Android 8 trở lên. Nguồn: Android Central

Có 1 độ phân giải tốt thôi là chưa đủ. Để tái tạo được màu sắc đẹp và chính xác, các thiết bị điện tử nói chung và smartphone nói riêng còn phải được cân chỉnh tốt và có sự hỗ trợ thêm từ phần mềm trong việc hiển thị nội dung cho bạn xem. Cho nên thay vì chạy theo cuộc đua độ phân giải thì các nhà sản xuất đã quan tâm hơn về vấn đề độ chuẩn màu trên smartphone. Từ đó đem lại trải nghiệm màu sắc tuyệt vời hơn trên màn hình chiếc điện thoại của bạn.

Tại sao đến hiện tại xu hướng Full HD+ lại quay lại

Dù có thông số cao nhưng thiết lập mặc định các máy ở mức full HD
Dù có thông số cao nhưng các máy vẫn thiết lập mặc định ở Full HD+. Nguồn: Android Authority

Có lẽ lý do các hãng hiện nay đều thiết lập màn hình chỉ ở Full HD+ như vậy đó chính là thời lượng pin. Việc cung cấp năng lượng cho những pixel bổ sung và đẩy độ phân giải lên cao hơn sẽ khiến bộ xử lý hoạt động nhiều hơn và tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, đặc biệt là từ GPU khi chơi game.

Điều này một phần cũng đến từ xu hướng tần số quét 90Hz và 120Hz. Một lần nữa, điều này sẽ gây áp lực nhiều hơn cho những thành phần xử lý cũng như tiêu hao nhiều năng lượng so với các màn hình 60Hz truyền thống.

Samsung là một trong những công ty áp dụng mức thiết lập mặc định Full HD+ cho dòng sản phẩm Galaxy S cao cấp của mình, và tiếp diễn cho đến ngày nay. Chẳng hạn, Galaxy S20 Plus được trang bị màn hình WQHD+, độ phân giải 3200x1440px, nhưng lại được thiết lập ở mức Full HD+ ngay khi xuất xưởng nằm đảm bảo thời lượng pin.

Bảng thông số lý thuyết và cài đặt mặc định của các máy flagship
Bảng thông số và thiết lập mặc định thực tế của các máy flagship. Nguồn: Android Authority

Điều này đã trở thành một xu hướng lớn cho những chiếc điện thoại flagship trong năm 2020, dù vẫn có số ít thiết bị mang đến độ phân giải tối đa ngay khi xuất xưởng. Và cũng có tin đồn rò rỉ rằng bộ đôi Galaxy S21 và S21 Ultra sẽ được thiết lập độ phân giải ở mức Full HD+.

Hơn nữa, rất nhiều thiết bị cao cấp chỉ được trang bị màn hình Full HD+. Bao gồm LG V60, LG Velvet, Motorola Edge Plus, Xiaomi Mi 10T Pro, Samsung Galaxy Note 10 Lite cùng nhiều thiết bị khác. Như vậy chúng ta có thể thấy Quad HD và Quad HD+ đã không còn được ưa chuộng so với một vài năm trước đây.

Chưa kể chi phí dành cho màn hình thuộc dạng cao trong giá thành một chiếc smartphone. Do đó, việc không chế lại độ phân giải Full HD sẽ giúp giảm áp lực giá thành và tập trung cải thiện chất lượng tấm nền. Đây là phương án tối ưu hơn là theo đuổi các độ phân giải mà mắt thường khó mà nhận ra được.

Tổng kết

Cuộc chiến độ phân giải trên smartphone đã bị đẩy đi quá xa! Tại sao xu hướng hiện tại lại trở về với thông số Full HD+?
Sony vẫn trung thành với độ phân giải 4K trên flagship. Nguồn: Stuff

Có thể thấy ở năm 2020 thì các nhà sản xuất đã không còn chú trọng vào chạy đua về thông số màn hình. Việc tăng độ phân giải, nhồi nhét nhiều pixel vào cùng một diện tích sẽ giảm lợi nhuận. Do đó họ sẽ tập trung để cải thiện chất lượng, nhất là khi màn hình độ phân giải vừa phải sẽ giúp chiếc điện thoại của bạn đỡ hao tốn năng lượng hơn từ đó giúp bạn có thêm nhiều thời gian để sử dụng điện thoại.

Theo bạn, cuộc chiến về độ phân giải màn hình có lẽ đã bảo hòa và dừng lại hay chúng ta vẫn sẽ có độ phân giải mới? Hãy để lại quan điểm của bạn ở phía bên dưới nhé!

Xem thêm: Nhìn lại một năm 2020: Đâu là những chiếc smartphone ‘đỉnh’ nhất tính đến thời điểm hiện tại?