65W, 100W rồi 200W cuộc đua công suất sạc nhanh chỉ còn hãng Trung Quốc chơi với nhau, Apple và Samsung đứng ngoài cuộc?
Đã qua lâu rồi cái thời bạn phải đến hàng giờ đồng hồ để nạp lại pin cho chiếc smartphone. Hầu hết các mẫu mới ra mắt độ 1-2 năm trở lại đây đều có công nghệ sạc nhanh, trải dài từ các dòng cao cấp cho đến những máy bình dân, giá rẻ vài triệu cũng có.
Từ đó cũng dấy lên cuộc đua công suất sạc nhanh giữa các nhà sản xuất smartphone nào là OPPO, Xiaomi, Vivo, Realme,… Thế nhưng tại sao hai ông lớn đầu ngành là Apple và Samsung lại không mấy mặn mà lắm với công nghệ này?
Các hãng smartphone Trung Quốc và những công suất sạc khủng nhất
Nói về chuẩn chung trước, sạc Quick Charge của Qualcomm đã lên tới phiên bản 5.0 cho khả năng sạc tối đa lên đến 100W, tuy nhiên không được OEM dùng nhiều lắm.
Phần lớn họ sẽ tự làm ra một tiêu chuẩn riêng, ví dụ VOOC của OPPO, Flash Charge của Vivo, Warp Charge của OnePlus,… với đủ loại công suất từ 45W, 65W cho đến tận 100W hay 120W cũng có.
Gần đây nhất thì Xiaomi cũng công bố công nghệ HyperCharge 200W có thể nạp đầy viên pin dung lượng 4.000 mAh chỉ trong 8 phút, một con số cực kỳ ấn tượng.
Chạy đua công suất sạc nhanh để làm gì?
Hầu hết các smartphone và các thiết bị di động đều sử dụng pin lithium-ion (li-ion), có thể sạc nhiều lần. Công nghệ pin trên smartphone phải nói là phát triển rất chậm trong vài thập kỷ trở lại đây.
Những gì được cải tiến được là phần mềm tiết kiệm pin, các nhà sản xuất dạo gần đây cũng đang tối ưu thời lượng dài nhất có thể bằng cách học hỏi thói quen của người dùng.
Các hãng cũng đang có xu hướng làm pin lớn hơn nhưng cũng đồng nghĩa với việc máy sẽ dày và nặng hơn nhiều, nên giải pháp tối ưu nhất chỉ có thể là rút ngắn tối đa thời gian nạp lại pin, ít nhất là cho đến khi phát triển ra lõi pin công nghệ mới. Và các họ đang làm điều này rất tốt.
Công nghệ sạc nhanh nghe thì có vẻ nhiều tên thế thôi chứ nguyên lý cơ bản là đẩy công suất lên thật cao ở mức từ 0 – 50% có thể là 70%, sau đó mới điều chỉnh lại để pin nạp vào được ổn định hơn.
Kỹ sư Arthur Shi của iFixit ví quá trình sạc nhanh giống như một miếng bọt biển. Khi bạn mới đổ nước vào miếng bọt biển, nó sẽ hút nước rất nhanh, đây chính là giai đoạn đầu. Nếu bạn tiếp tục đổ nước vào, miếng bọt biển sẽ bị bão hòa và mất nhiều thời gian hơn để thấm hút được lượng nước còn lại.
Hãy tưởng tượng nếu bạn dùng điện thoại cả đêm và quên sạc, đến sáng thì nhìn vào thấy cạn pin nhưng cứ bình tĩnh xuống cắm dây sạc vào, vệ sinh cá nhân, thay đồ tầm mười mấy phút, quay ra thì đã thấy smartphone gần đầy pin, cực kỳ tiện lợi.
Thế tại sao Apple và Samsung có vẻ không hứng thú mấy với công nghệ này?
Apple thì khỏi nói, đến tận 2017 khi mà iPhone 8 Series và iPhone X ra mắt thì các iFan mới được dùng công nghệ này, thử nghĩ phải sạc các dòng iPhone pin lớn bằng củ sạc 5W, chờ chắc hết thanh xuân mất.
Còn về phía Samsung, hãng cùng từng tham gia cuộc đua này rồi, Galaxy Note 10+ hay Galaxy S20 Ultra từng có công suất cao đến 45W, nhưng đến đời Note 20 Series hay S21 Series mới nhất thì lại ‘quay xe’ về 25W.
Câu chuyện sạc pin nhanh có làm pin smartphone bị chai hay không là vấn đề được đem ra mổ xẻ rất nhiều, sau đây mình sẽ trích dẫn từ một vài nguồn thông tin như sau.
Theo khuyến cáo của Battery University, sạc nhanh chỉ nên lấp đầy pin từ 0% lên 50% và các khối pin bên trong (cell) phải duy trì được sự cân bằng để tránh việc dòng điện gây áp lực lên các khối pin yếu, dẫn đến chai pin.
Vấn đề tiếp theo là nhiệt độ – kẻ thù thực sự đối với mọi loại pin. Sạc nhanh sẽ đẩy công suất lên cao ở những phần trăm đầu tiên nên chắc chắn sẽ có sự nóng lên nhiều. Nếu smartphone tiếp xúc với nhiệt độ cao liên tục, tuổi thọ pin sẽ giảm đáng kể.
“Chúng ta đều biết sạc nhanh làm suy giảm dung lượng của pin. Đó là lý do hầu hết công nghệ sạc nhanh hiện này đều sẽ giảm tốc độ sạc khi pin đạt 75 – 80%. Tuy nhiên, tác động của việc nạp năng lượng quá nhiều trong thời gian ngắn gây tác động thế nào đến pin thì chưa có công bố rõ ràng” – Trích từ tờ Neowin.
Tờ này cũng nói thêm đây cũng là nguyên nhân khiến Apple và Samsung không hứng thú gì mấy với việc đem sạc nhanh công suất cao lên các thiết bị của họ. Apple thì giữ ở 18W và mới lên được 20W ở đời iPhone 12 mới nhất, Samsung thì tiếp tục dùng sạc 25W cho các flagship của họ.
Thêm nữa có lẽ là câu chuyện an toàn, các smartphone mà lại có công suất sạc ngày càng lớn, nhiệt độ tỏa ra càng cao thì sẽ có những lo ngại về vấn đề an toàn cho người dùng.
Mặc dù các hãng đã trang bị hàng loạt công nghệ bảo vệ mới, các loại vật liệu an toàn hơn như Gallium Nitride (GaN) để làm củ sạc, nhưng đồ công nghệ mà vẫn có một xác suất rủi ro nào đó.
Nói như vậy nhưng không thể phủ nhận được lợi ích rất lớn của công nghệ sạc nhanh. Các hãng smartphone sẽ tiếp tục theo đuổi, phát triển công nghệ này và cũng có thể biến đó thành một lợi thế để marketing và bán hàng.
Thế nên nhiều khi cũng là sự đánh đổi thôi, bạn có thể dùng sạc nhanh tẹt ga nhưng phải chấp nhận thời lượng pin sẽ bị rút ngắn dần.
Tờ Gizmochina cũng có đưa tin về chiếc Reno Ace 2 với mức sạc là 65W gây chai pin, OPPO sau đó phản hồi Ace 2 còn khoảng 91.8% sau khi sạc nhanh 600 lần, 91,1% sau khi sạc nhanh 800 lần. Với mức chai pin như vậy, để pin xuống còn khoảng 80% dung lượng sẽ mất cỡ 3 năm.
Trong khi các nghiên cứu chỉ ra trung bình người dùng dùng 2 năm đã đổi máy, nên nhìn chung là có ảnh hưởng, nhưng có lẽ cũng không nhiều. Đến lúc smartphone của bạn pin bị hao hụt nhiều chắc cũng là lúc nên đổi máy mới rồi.
Bạn đã dùng sạc nhanh bao giờ chưa, có cảm nhận được sự tiện lợi của nó mang lại không, nhớ chia sẻ thêm ở mục bình luận bên dưới.
Xem thêm: TOP smartphone có sạc siêu nhanh nhanh 65W, chỉ cần 30-40 phút là đầy