Richter là vị tướng đấu sĩ cực “hot” ở phiên bản hiện tại với tỷ lệ cấm chọn xếp hàng đầu trong các trận đấu xếp hạng lẫn đấu giải. Vậy sức mạnh của Richter thật sự như thế nào? Cách chơi, cách lên đồ và bảng ngọc ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
I. Điểm mạnh và điểm yếu Richter
1. Điểm mạnh Richter
Nội tại Thanh gươm biến ảo cho phép Richter biến đổi các chiêu thức và tăng thuộc tính tùy theo môi trường. Nhờ đó, Richter có độ cơ động cực cao cùng phong cách chơi đa dạng, biến ảo.
Bên cạnh đó thì nội tại Thanh gươm biến ảo còn bổ trợ cho chiêu 1 và chiêu 2 giúp Richter có thể tung ra nhiều hiệu ứng khác nhau như hất tung, làm chậm, gây choáng, miễn sát thương và khống chế.
Chiêu cuối Vùng diệt quỷ tạo ra một lượng sát thương chuẩn lớn đi kèm hiệu ứng làm chậm và câm lặng. Nhờ đó mà Richter có khả năng “solo” cực mạnh, gần như không ngán vị tướng nào.
2. Điểm yếu Richter
Các người chơi mới thường dễ gặp lúng túng khi chơi Richter do chưa biết phải lựa chọn địa hình sao cho hợp lý. Vậy nên bạn cần phải hiểu thật rõ bộ chiêu thức của vị tướng này cũng như luyện tập thật nhiều mới có thể thông thạo được.
Richter thường mạnh nhất khi núp trong bụi rậm, vậy nên ở các khu vực khác thì sức mạnh của vị tướng này sẽ không được phát huy tối đa.
II. Các tướng đồng minh – khắc chế Richter
1. Tướng đồng minh Richter
Lối chơi của Richter là vô cùng đa dạng, vậy nên bất kỳ vị tướng nào cũng có thể phối hợp tốt với Richter, một số đồng minh tiêu biểu thường là: Baldum, Raz, Tel’Annas,…
2. Tướng khắc chế Richter
Với độ cơ động cao và khả năng ra vào giao tranh tốt, nên các vị tướng có kỹ năng khống chế hoặc áp chế sẽ là ác mộng đối với Richter. Ngoài ra các vị tướng cơ động có khả năng “hit and run” (vừa đánh vừa chạy) cũng sẽ gây phần lớn khó khăn cho Richter, có thể kể đến như: Hayate, Arum, Fennik,…
III. Cách cộng điểm kỹ năng và combo chiêu thức của Richter
1. Cách cộng điểm kỹ năng Richter
Richter nên cộng tối đa chiêu 1 trước để lấy lượng sát thương ổn định trong giai đoạn đầu và giữa game, chiêu 2 nâng sau cùng và chiêu cuối cộng đúng cấp độ.
2. Combo chiêu thức Richter
Richter có rất nhiều cách combo khác nhau tùy vào tình hình thực tế, combo cơ bản nhất của Richter thường là mai phục sẵn trong bụi rậm, chờ đối phương tới và tung ra chiêu 1 để hất tung, đồng thời lách người tạo khoảng cách và tung chiêu 1 thêm lần nữa để tiếp tục hất tung, sau đó đánh thường và bật chiêu cuối lên, áp sát kẻ địch và sử dụng chiêu 2 đúng thời điểm để né đi các hiệu ứng lẫn sát thương từ đối phương.
Nếu không có bụi cỏ để hất tung, bạn vẫn có thể thực hiện combo tương tự trên ở cả địa hình sông lẫn ở đường, nhưng khi dùng chiêu 1 lần đầu, hãy cẩn thận bật ngay chiêu 2 để đề phòng đối phương dồn sát thương hoặc khống chế vào mình, tiếp tục đánh thường, dùng chiêu 1, đánh thường và bật lên chiêu cuối.
IV. Bảng ngọc cho Richter
- Ngọc đỏ: 10 viên Công vật lý / Xuyên giáp.
- Ngọc lục: 10 viên Công vật lý / Xuyên giáp.
- Ngọc tím: 10 viên Công vật lý / Tốc chạy.
V. Cách lên đồ cho Richter
Bộ trang bị bao gồm: Giày kiên cường, Áo choàng thần Ra, Áo choàng băng giá, Giáp thống khổ, Huân chương Troy, Giáp hộ mệnh.
Với lượng sát thương chuẩn của mình nên Richter không quá cần các trang bị sát thương, một bộ trang bị full tank sẽ giúp Richter dễ dàng tung hoành trong giao tranh hơn. Tuy nhiên tùy tình hình team đối phương mà bạn cũng có thể thay Thương xuyên phá hoặc Kiếm Muramasa vào bộ trang bị.
VI. Phù hiệu và phép bổ trợ cho Richter
1. Phù hiệu Richter
Đấu khí chắc chắn sẽ là phù hiệu thích hợp nhất cho Richter với khả năng hồi máu mạnh mẽ, về cuối game bạn sẽ có thể chơi một Richter gần như bất tử trong giao tranh.
2. Phép bổ trợ Richter
Richter nên mang theo Tốc biến để tạo ra các tình huống đột biến, ngoài ra bạn cũng có thể mang theo Bộc phá để chơi “khô máu” với đối phương.
VII. Cách chơi Richter
1. Giai đoạn đầu game
Ở đầu game, hãy cố gắng di chuyển thật nhanh ra bụi cỏ ven sông ở đường giữa để lấy tầm nhìn, nếu được thì phối hợp cùng với trợ thủ và pháp sư đi mid để tấn công kẻ địch bất ngờ, giành lấy chiến công đầu.
2. Giai đoạn giữa game
Richter dọn dẹp lính khá nhanh nhờ chiêu 1 và 2, sau đó lợi dụng địa hình sông để tăng tốc độ chạy rồi nhanh chóng đảo đường để gank và tạo sức ép liên tục.
3. Giai đoạn cuối game
Đây là giai đoạn Richter đã đủ trang bị và trở thành một tiền đạo mạnh mẽ trong giao tranh, di chuyển khéo léo và ẩn nấp trong các bụi cỏ, tránh bị lộ tầm nhìn và tấn công bất ngờ vào đội hình địch, tạo tiền đề cho đồng đội lao vào.
VIII. Một số lưu ý và mẹo khi chơi Richter
Trong quá trình đi đường, hãy cố gắng ẩn nấp trong các bụi rậm để có thể hất tung cấu rỉa đối phương, sau đó lùi về bằng chiêu 1 hoặc 2.
Canh thời điểm bật chiêu 2 đúng lúc để tránh đi các hiệu ứng khống chế hoặc các nguồn sát thương lớn. Ngoài ra khi ở trạng thái gươm vàng, bạn bật chiêu 2 tránh được chiêu thức khống chế thì đối phương sẽ bị choáng.
IX. Mẹo khắc chế Richter
Khi bị Richter tấn công, hãy cố gắng đoán hướng di chuyển và bám sát theo Richter, nhờ vậy bạn sẽ có thể tránh được lần hất tung thứ 2 của hắn.
Bên cạnh đó có thể thực hiện các pha di chuyển lắt léo để đánh lừa Richter sử dụng chiêu 1 sai hướng, lúc này Richter sẽ không được hồi lại chiêu 1 và bạn có thể phản công đối phương dễ dàng.
Hy vọng bài hướng dẫn trên giúp bạn hiểu rõ hơn về sức mạnh của Richter, cũng như cách lên đồ và bảng ngọc phù hợp. Hãy theo dõi trang Game/App Thế Giới Di Động thường xuyên để biết thêm các “bí kíp” và mẹo chơi Liên Quân Mobile hiệu quả nhé. Chúc các bạn leo rank thành công!