Kinh nghiệm du lịch Cố Đô Hoa Lư – Ninh Bình từ A-Z Update 03/2024

Trở về vùng đất kinh đô xưa, nơi khởi nguồn của các triều đại phong kiến Việt Nam. Cố đô Hoa Lư là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh xinh đẹp gắn liền với văn hóa – lịch sử. Ngày nay, vùng đất Cố đô này đã trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn mọi du khách. Dưới đây, là kinh nghiệm du lịch Cố đô Hoa Lư – Ninh Bình chi tiết nhất. Hãy tham khảo, để biết thêm những thông tin hữu ích về địa điểm này nhé. 

Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình

Cố đô Hoa Lư – Ninh Bình

I. Giới thiệu về Cố Đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là một quần thể di tích đặc biệt quan trọng của Việt Nam, nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An  được UNESCO công nhận. Đây là nơi ghi lại dấu ấn lịch sử của ba triều đại phong kiến bao gồm: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu của nhà Lý. Đây cũng là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam gắn liền với những giai thoại lịch sử trong quá trình hình thành đất nước, giữ vững bờ cõi thống nhất đất nước và đánh đuổi giặc ngoại xâm. Cố đô Hoa Lư đến nay đã hơn 1.000 năm tuổi, nơi đây không chỉ lưu trữ các di tích lịch sử phong kiến mà các nhà khảo cổ học còn phát hiện được nhiều di vật của người tiền sử từ 30.000 năm trước.

Cổng vào Cố đô Hoa Lư

Cổng vào Cố đô Hoa Lư

Khu di tích Cố đô Hoa Lư có tổng diện tích là 13.87 km² trong đó bao gồm:

  • Vùng bảo vệ đặc biệt là nơi có các khu du tích lịch sử như: đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh, lăng vua Lê, đền thờ Công chúa Phất Kim,…
  • Vùng đệm là nơi bao gồm các di tích lịch sử: động Am Tiên, hang Quàn, hang Muối, đình Yên Trạch, chùa Bà Ngô, hang Luồn, hang Sinh Dược, hang Địa Linh, hang Nấu Rượu, hang Ba Giọt, động Liên Hoa, đền Trần, phủ Khống, phủ Đột, hang Bói…
  • Và các di tích liên quan khác bao gồm: cổng Đông, cổng Nam, động Thiên Tôn, động Hoa Lư, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh và quần thể di tích thờ Vua Đinh ở Ninh Bình…
Những cánh đồng ở Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình

Những cánh đồng ở Cố đô Hoa Lư – Ninh Bình

Khi đến đây, bạn có thể tham quan và chiêm ngưỡng các kiến trúc độc đáo về: đền thờ, đình làng, các ngôi chùa cổ, lăng, bia, phủ, miếu và có thể chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia hay khám phá cung điện dưới lòng đất,…

II. Cách di chuyển đến Cố đô Hoa Lư

1. Di chuyển bằng xe khách

Để di chuyển đến Cố đô Hoa Lư bằng xe khách từ Hà Nội – Ninh Bình với giá vé giao động từ 80.000 đồng – 100.000 đồng/vé/chuyến. Trong đó, có một số hãng xe mà bạn có thể tham khảo như:

2. Di chuyển bằng máy bay

Nếu bạn ở những khu vực phía Nam muốn đến được Ninh Bình thì bạn có thể tham khảo việc di chuyển bằng máy bay với giá vé giao động từ 600.000 đồng/vé/người trở lên. Với một số các hãng như: Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airways,… Khi đến được địa phận tỉnh Ninh Bình bạn có thể tiếp tục di chuyển đến Cố đô Hoa Lư bằng taxi hoặc xe ôm nhé.

3. Di chuyển bằng tàu hỏa

Ngoài việc di chuyển bằng máy bay bạn còn có thể mua vé tàu hỏa đi đến các ga ở Ninh Bình như: ga Ninh Bình (thành phố Ninh Bình), ga Cầu Yên (huyện Hoa Lư), ga Ghềnh (thành phố Tam Điệp) và ga Đồng Giao (thành phố Tam Điệp). Trong đó:

  • Giá vé tàu ở TP.HCM – Ninh Bình có giá giao động: từ 650.000 đồng – 1.500.000 đồng/vé/chuyến (tùy loại ghế). 
  • Giá vé tàu ở Hà Nội – Ninh Bình có giá giao động: từ 100.000 đồng – 200.000 đồng/vé/chuyến (tùy loại ghế). 

Khi đến được Ninh Bình, bạn tiếp tục bắt xe taxi hoặc xe ôm để di chuyển đến Cố đô Hoa Lư.

4. Di chuyển bằng phương tiện cá nhân

Từ trung tâm thành phố Ninh Bình, bạn di chuyển theo hướng Nam lên Trần Hưng Đạo về phía Ngõ 44 Kim Đồng. Sau đó rẽ phải tại Hair Salon Tóc Phố vào Hải Thượng Lãn Ông, đi thêm 2.6km thì rẽ vào đường ĐT491. Sau đó, bạn rẽ trái vào Tràng An đi thẳng thêm 7km nữa rồi rẽ trái vào là sẽ đến nơi. 

III. Giá vé tham quan Cố đô Hoa Lư và các địa điểm du lịch gần đó

  • Giá vé tham quan Cố đô Hoa Lư: 20.000 đồng/người (người lớn và học sinh cấp 3), 10.000 đồng/trẻ em (cấp 1 và cấp 2), miễn phí vé cho trẻ em dưới 1m.
  • Động Am Tiên (Tuyệt Tịnh Cốc): 20.000 đồng/người

IV. Cố đô Hoa Lư có gì thú vị?

Cố đô Hoa Lư là nơi lưu giữ những công trình kiến trúc cổ gắn liền với các triều đại phong kiến đầu tiên của Việt Nam. Khi đến đây, bạn đừng quên việc ghé thăm những khu di tích đặc biệt như:

1. Viếng thăm đền thờ các vị vua nhà Đinh, Lê

Một trong những đề thờ vua chúa mà bạn có thể viếng thăm bao gồm:

Đền thờ Đinh Tiên Hoàng: đây được xem là di tích quan trọng của quần thể di sản cố đô Hoa Lư. Vị trí của ngôi đền này nằm ở trung tâm thành Đông của kinh đô Hoa Lư xưa. Đây là nơi thờ vua Đinh Tiên Hoàng đồng thời cũng là nơi thờ tự của cha mẹ và các con của ông. Kiến trúc của ngôi đền này được chia làm 3 phần chính: bái đường, thiêu hương và chính cung. Được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” tức bên trong có hình chữ Công (工), bên ngoài khung bao quanh như bộ Vi (口), một kiểu đền phổ biến nhất trong thời đại lúc bấy giờ.

Long sàng - Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

Long sàng – Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

Không chỉ có kiến trúc độc đáo, đền vua Đinh Tiên Hoàng còn là nơi lưu giữ dấu ấn mỹ thuật vô cùng giá trị. Trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá được thể hiện dựa trên: long sàng hình rồng, cột gỗ, mái ngói âm dương,… Nếu có dịp đến Cố đô Hoa Lư vào ngày 8 – ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm thì bạn đừng quên ghé thăm đền vua Đinh Tiên Hoàng để tham gia lễ hội đặc sắc ở đây nhé. 

Đền thờ vua Lê Đại Hành

Đền thờ vua Lê Đại Hành

Nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng khoảng 300 mét là đền thờ vua Lê Đại Hành hay còn gọi là đền Hạ, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII cùng với đền Đinh Tiên Hoàng. Đây là nơi thờ vua Lê Đại Hành, thái hậu Dương Vân Nga, Lê Long Đĩnh và công chúa Lê Thị Phất Ngân cùng tướng Phạm Cự Lượng. Kiến trúc của ngôi đền này cũng là lối kiến trúc “nội công ngoại quốc” tuy nhiên nhỏ hơn so với đền Đinh Tiên Hoàng. Khi đến đây ngoài việc chiêm ngưỡng không gian cổ kính của khu đền này vừa có thể tham quan khu trưng bày cổ vật cạnh đền.

Quang cảnh trước đền công chúa Phất Kim

Quang cảnh trước đền công chúa Phất Kim

Ngoài đền thờ các vị vua, tại Cố đô Hoa Lư còn có đền Công chúa Phất Kim – con gái thứ ba của Vua Đinh Tiên Hoàng. Công chúa là người đã từng hy sinh hạnh phúc riêng tư kết hôn cùng Ngô Nhật Khánh (người chống lại nhà Đinh) để giữ gìn sự an nguy nước nhà. Trước sự phản bội của Ngô Nhật Khánh và mối thù giết cha và em trai công chúa Phất Kim đã gieo mình xuống giếng nước để tự vẫn. Cũng vì tấm lòng trung hiếu, sáng trong hy sinh vì nghĩa lớn. Dù chết cũng không hàn trước giặc chống lại vua cha và đất nước của người. Nhân dân đã lập đền thờ nàng ở đây, đền có 3 tòa xếp với dạng hình chữ môn quay vào sân chính giữa. Theo dân gian tương truyền thì vị trí này xưa kia là nền nhà cung Vọng Nguyệt của công chúa Phất Kim đã ở. Phía trước sân đền còn có một cái giếng có hình lục lăng đây là nơi mà công chúa Phất Kim đã tự vẫn. 

2. Các ngôi chùa cổ 

Dựa trên các vết tích còn sót lại, có thể thấy từ thế kỷ thứ X nơi đây có khá nhiều chùa tháp như: chùa Am Tiên, chùa Tháp, chùa Bàn Long, chùa Bà Ngô, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh,… Điều đặc biệt là phần lớn các ngôi chùa ở Cố đô Hoa Lư đều được xây dựng trong các hang núi đá vôi tiêu biểu trong số đó là các ngôi chùa như:

Toàn cảnh chùa Bái Đính

Toàn cảnh chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính bao gồm một ngôi chùa cổ được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa – cách mạng cấp quốc gia vào năm 1997 và một khu chùa mới được xây vào năm 2003 . Chùa Bái Đính sở hữu nhiều hạng mục kỷ lục được ghi nhận như: Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á nằm ở điện Pháp Chủ của chùa. Đại hồng chuông nặng 36 tấn là chuông đồng lớn nhất Việt Nam,…

Chánh điện chùa Bái Đính

Chánh điện chùa Bái Đính

Trên hành trình khám phá chùa Bái Đính bạn có thể ghé thăm các địa điểm khác như: Hang sáng, động tối, đền thờ thánh Nguyễn, đền thờ thần Cao Sơn, giếng ngọc,… Nếu có dịp đến đây vào những ngày đầu năm mới thì bạn đừng quên tham gia lễ hội chùa Bái Đính diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết đến hết tháng 3 âm lịch với những hoạt động mang tính chất văn hóa tâm linh như: rước kiệu, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù, viết thư pháp,…

Bên trong chùa Bà Ngô

Bên trong chùa Bà Ngô

Chùa Bà Ngô: được xây từ thời nhà Đinh bên bờ đê  sông Hoàng Long, do Ngô phu nhân lập nên. Theo tương truyền đây là nơi tu hành của bà, bà Ngô vốn là một người hiền từ, nhân hậu và yêu thương con dân. Do chồng mất sớm nên bà đã giúp con là Ngô Nhật Khánh gây dựng sự nghiệp trở thành một thủ lĩnh mạnh trong số 12 sứ quân thời bấy giờ. Khi Đinh Bộ Lĩnh thu phục Ngô Nhật Khánh ông đã lấy bà làm vợ.

Chùa Bà Ngô - Ninh Bình

Chùa Bà Ngô – Ninh Bình

Do bà là một người hiền hậu và đức hạnh nên vua Đinh Tiên Hoàng vô cùng yêu quý bà và gọi bà là Ngô phu nhân. Nhưng vì biến cố trong gia đình bà đã lập nên ngôi chùa này và ở ẩn tu hành cho đến lúc về với cõi Phật. Ngày nay, ngôi chùa Bà Ngô đã trở thành một trong ngôi chùa cổ cầu thọ nổi tiếng ở Ninh Bình. 

3. Tham gia các lễ hội Hoa Lư

Nếu đã đến với vùng đất Cố đô Hoa Lư thì tuyệt nhiên không nên bỏ qua lễ hội Hoa Lư đặc sắc tôn vinh vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh người lập ra nhà nước Đại Cồ Việt. Thông qua những hoạt động biểu diễn đặc sắc miêu tả về cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh và các triều đại Đinh, Lê, Lý.

Lễ rước kiệu ở Cố đô Hoa Lư

Lễ rước kiệu ở Cố đô Hoa Lư

Lễ hội Hoa Lư được diễn ra vào ngày sinh của Đinh Bộ Lĩnh tức ngày 15/2 âm lịch hoặc vào 06/03 – 10/03 âm lịch hàng năm (tùy thuộc vào ban tổ chức). Trong lễ hội Hoa Lư thường có hai phần:

  • Phần lễ gồm: Lễ mở cửa đền, Lễ rước nước, Lễ dâng hương, Lễ rước lửa, Lễ mộc dục, Lễ tiến phẩm, Lễ rước kiệu, Lễ hội hoa đăng.
  • Phần hội bao gồm các trò chơi dân gian thú vị như: cờ lau tập trận, đua thuyền, múa gậy, cờ người, xếp chữ, ném còn, thi hát chèo, vật, viết chữ nho,…
Lễ rước nước - Lễ hội ở Cố đô Hoa Lư

Lễ rước nước – Lễ hội ở Cố đô Hoa Lư

V. Mẹo du lịch

1. Thời gian tốt nhất để du lịch tại Cố đô Hoa Lư

Thời tiết ở Ninh Bình tương đối phù hợp để du lịch quanh năm nhưng nếu bạn yêu thích không khí nhộn nhịp của lễ hội thì nên đi vào dịp Tết Nguyên Đán nhé. Vì thời điểm nảy Cố đô Hoa Lư sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động nổi bật vô cùng đặc sắc. Ngoài dịp tết thì bạn cũng có thể đến đây vào tháng 5, Ninh Bình sẽ vào ùa lúa chín khi đến đây bạn cũng có thể vừa tham quan các di tích vừa có thể ngắm nhìn những đồng lúa chín trổ đòng đòng cực kỳ đẹp luôn đấy. 

2. Các lưu ý khi đến Cố Đô Hoa Lư

  • Khi tham quan Cố đô Hoa Lư bạn nên ăn mặc lịch sự, kín đáo khi đến viếng thăm đền, chùa. 
  • Tuân thủ các quy định của ban quản lí khi tham quan các di tích, tránh ồn ào, mất trật tự,…
  • Do di tích Cố đô Hoa Lư khá rộng nên bạn cần đi sớm và trang bị bản đồ cũng như lịch trình để có thể tham quan được hết khu di tích nhé. 

3. Các địa điểm ăn uống hấp dẫn gần Cố Đô Hoa Lư

Sau khi vui chơi thỏa thích thì đừng quên nạp lại năng lượng cho bản thân bằng các món ăn ngon nhé. Dưới đây là các địa điểm ăn uống hấp dẫn gần Cố Đô Hoa Lư, bạn có thể tham khảo:

Nhà hàng Vũ Bảo

Gỏi cá Nhếch - Nhà hàng Vũ Bảo

Gỏi cá Nhếch – Nhà hàng Vũ Bảo

Nhà hàng Thăng Long

Lẩu dê - Nhà hàng Thăng Long

Lẩu dê – Nhà hàng Thăng Long

4. Các địa điểm lưu trú gần Cố Đô Hoa Lư

Nếu bạn có nhu cầu lưu trú lại, bạn có thể tham khảo một số địa điểm lưu trú gần Cố đô Hoa Lư như sau:

Green Mountain Homestay

Phòng 4 người - Green Mountain Homestay

Phòng 4 người – Green Mountain Homestay

Tràng An Lamia Bungalow

Phòng đôi - Tràng An Lamia Bungalow

Phòng đôi – Tràng An Lamia Bungalow

Trên đây là kinh nghiệm du lịch Cố Đô Hoa Lư – Ninh Bình chi tiết nhất. Hy vọng qua bài viết sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích phục vụ cho chuyến đi sắp tới của bạn. Chúc bạn sẽ có những phút giây thư giãn tuyệt vời bên người thân và bạn bè nhé.