Đã có câu trả lời cho: Tại sao tôi thông minh nhưng lại nghèo? Nhiều người rất giàu nhưng chắc gì họ tài giỏi?
“Đa số người thành công nhất chưa chắc là những người tài năng nhất, mà biết đâu họ… ăn may,” khẳng định chắc nịch này đến từ một mô hình nghiên cứu dựa trên máy tính.
Sự phân phối của cải thường tuân theo quy luật Pareto (hay quy luật 80/20): 20% dân số kiểm soát đến 80% của cải và thu nhập. Đơn cử, một báo cáo vào năm 2017 kết luận rằng, chỉ có 8 người đàn ông sở hữu tổng tài sản tương đương với 3.8 tỷ người nghèo nhất thế giới.
Có thể nói Pareto xuất hiện ở mọi tầng lớp xã hội và quy luật quyền lực này có khả năng bùng phát rộng như một hiện tượng xã hội. Tuy nhiên, việc phân phối của cải là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất vì làm dấy lên những vấn đề về bình đẳng và giá trị. Tại sao chỉ có ít người giàu “nứt vách đổ tường”?
Thường thì chúng ta sẽ nghe được những câu trả lời từ thế hệ đi trước như phải tài giỏi, hay cần cù bù thông minh thì may ra mới thành đạt nổi. Theo thời gian, trong tâm cảm của nhiều người cứ nghĩ đó là nguyên nhân dẫn đến sự phân chia giàu nghèo bên cạnh yếu tố may mắn.
Nhưng có một vấn đề ở câu trả lời trên: Trong khi sự phân phối tài sản diễn ra theo quy luật 80/20, thì sự phân bổ về kỹ năng của con người thường tuân theo một quy luật bình thường, cân đối ở một mức trung bình. Ví dụ, trí thông minh được đo bằng các bài kiểm tra IQ: Chỉ số IQ trung bình là 100, nhưng không ai có chỉ số IQ 1.000 hoặc lên đến 10.000.
Điều này cũng tương tự với sự nỗ lực, được đo bằng giờ làm việc. Không ít người chịu làm việc nhiều giờ hơn mức trung bình hay có một số người làm việc ít hơn, nhưng nhìn chung không ai làm việc hơn người khác đến tận tỷ giờ đồng hồ.
Còn khi nói đến thành quả công việc, một số người có tài sản gấp hàng tỷ lần những người khác. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu dựa theo các cách đo lường khác đã cho thấy, người giàu nhất không hẳn là người tài năng nhất.
Vậy tóm lại những yếu tố nào giúp xác định một cá nhân trở nên giàu sụ? Có phải yếu tố cơ hội đóng vai trò lớn hơn những gì mà chúng ta tưởng? Và làm thế nào, các yếu tố này, dù chúng là gì đi nữa, có thể được áp dụng để thay đổi thế giới trở nơi tốt đẹp và công bằng hơn?
Bây giờ, chúng ta đã có được câu trả lời nhờ vào công trình nghiên cứu của Alessandro Pluchino đến từ Đại học Catania ở Ý cùng một vài đồng nghiệp. Những người này đã tạo ra một mô hình máy tính chuyên tìm hiểu tài năng của con người và cách mọi người sử dụng nó để khai thác các cơ hội trong cuộc sống. Mô hình này cho phép nhóm của Alessandro Pluchino nghiên cứu vai trò của cơ hội trong quá trình này.
Kết quả sau cùng đã giúp chúng ta mở rộng tầm mắt. Mô phỏng của họ diễn giải chính xác sự phân bổ tài sản trong thế giới thực. Theo đó, các cá nhân giàu nhất không phải là những người giỏi nhất (dù họ vẫn có tài năng nhất định), mà là những người may mắn nhất. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cách xã hội có thể tối ưu hóa lợi ích từ các dạng đầu tư khác nhau, từ kinh doanh đến khoa học.
Mô hình của Pluchino cùng đồng nghiệp rất đơn giản, họ sử dụng một số lượng người nhất định, mỗi người có mức độ tài năng riêng (kỹ năng, trí thông minh, khả năng,…). Tài năng được phân chia cho những người này một cách bình thường xoay quanh mức trung trình, với độ sai lệch tiêu chuẩn. Kết quả, có một số người tài năng hơn mức trung bình và một số kém hơn, nhưng không ai là “rồng trong biển người”.
Đây là kiểu phân bổ tương tự đối với các kỹ năng khác nhau của con người, hoặc thậm chí là các đặc điểm như chiều cao, cân nặng. Một số người cao hơn hoặc thấp hơn mức trung bình, nhưng không ai nhỏ bé bằng một con kiến hay cao to như tòa nhà chọc trời. Thật vậy, tất cả chúng ta đều khá giống nhau.
Mô hình máy tính tạo biểu đồ mỗi cá nhân có vòng đời làm việc 40 năm. Trong khoảng thời gian này, các cá nhân sẽ trải qua những sự kiện may mắn mà họ có thể khai thác để gia tăng sự giàu có nếu họ đủ tài năng.
Đời mà, sông có khúc người có lúc, sẽ có thời điểm gặp những biến cố khiến tài sản của họ giảm sút. Những sự kiện này xảy ra một cách ngẫu nhiên.
Đến cuối năm 40, Pluchino cùng đồng nghiệp sẽ xếp hạng các cá nhân theo sự giàu có và nghiên cứu các đặc điểm của những người thành công nhất. Họ cũng tính toán sự phân bổ tài sản. Sau đó, họ lặp lại mô phỏng nhiều lần để kiểm tra độ tin cậy của kết quả.
Khi nhóm nghiên cứu xếp hạng các cá nhân theo sự giàu có, sự phân bổ của cải diễn ra chính xác không khác gì ở ngoài đời thực. “Quy luật 80/20 được củng cố, vì 80% dân số chỉ sở hữu 20% tổng số tài sản và ngược lại”, báo cáo của Pluchino và cộng sự.
Những cá nhân giàu nhất thường không phải là những người tài năng nhất hay bởi yếu tố tương tự gần nhất. Nhóm nghiên cứu cho biết: “Mức độ thành công tối đa không bao giờ đi liền với tài năng tối đa và ngược lại.”
Vậy nếu không phải là tài năng, thì yếu tố nào khác gây ra sự phân bổ của cải lệch lạc này? “Mô phỏng của chúng tôi cho thấy rõ ràng câu trả lời nằm ở sự may mắn,” Pluchino và cộng sự nhận định.
Nhóm nghiên cứu kết luận điều này bằng cách xếp hạng các cá nhân theo số liệu mô phỏng sự kiện may mắn và xui rủi mà họ trải qua trong sự nghiệp 40 năm. Họ nói: “Rõ ràng là những cá nhân thành công nhất cũng là những người may mắn nhất, còn những người ít thành công hơn là những người không mấy hên.”
Điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội. Chiến lược hiệu quả nhất để khai thác vai trò của vận may trong thành công là gì?
Pluchino và đồng nghiệp nghiên cứu vấn đề này từ quan điểm của các nhà nghiên cứu trong một chương trình được tài trợ, rất giống với trường hợp của họ. Các công ty chuyên đầu tư trên thế giới rất quan tâm đến việc tối đa hóa lợi tức đầu tư của họ vào khoa học. Hội đồng nghiên cứu châu Âu trước đây đã đầu tư 1.7 triệu USD vào một chương trình nghiên cứu sự may mắn – vai trò của may mắn trong khám phá khoa học – và làm sao khai thác điều này để cải thiện lợi ích sau khi đầu tư.
Hóa ra Pluchino và cộng sự đã có sẵn câu trả lời. Họ sử dụng mô hình trên, khám phá các loại mô hình tài trợ khác nhau để xem mô hình nào tạo ra lợi nhuận tốt nhất khi tính đến yếu tố may mắn.
Nhóm đã nghiên cứu ba mô hình, trong đó kinh phí nghiên cứu được phân bổ đồng đều cho tất cả các nhà khoa học; được phân phối ngẫu nhiên cho một nhóm nhỏ các nhà khoa học; hoặc ưu ái cho những người đã thành công nhất trong quá khứ. Vậy chiến lược nào trong số này là tốt nhất?
Đáp án, chiến lược tốt nhất là chia đều kinh phí cho tất cả các nhà nghiên cứu. Đối với chiến lược tốt thứ hai và ba lần lượt là phân chia ngẫu nhiên và đầu tư cho 10 đến 20% trên tổng số nhà nghiên cứu.
Trong ba trường hợp này, các nhà nghiên cứu có thể tận dụng tốt nhất những khám phá mang tính may mắn một cách tình cờ. Chốt hạ, việc một nhà nghiên cứu từng có phát hiện quan trọng trong quá khứ không có nghĩa người này sẽ đạt được điều tương tự trong tương lai.
Một cách tiếp cận tương tự cũng có khả năng áp dụng vào việc đầu tư các loại hình kinh doanh khác, ở mức độ doanh nghiệp nhỏ hoặc lớn, công ty khởi nghiệp, hình thức giáo dục đem lại nhiều nhân tài, hay thậm chí tạo ra các sự kiện may mắn ngẫu nhiên.
Sau tất cả, khi may mắn tìm đến chúng ta hãy cố gắng tận dụng triệt để, vì cơ hội chỉ đến một lần trong đời.
Bạn nhận xét thế nào về mô hình nghiên cứu dựa trên máy tính của Alessandro Pluchino về sự thành đạt của một người?
Nguồn: MIT Technology Review
Xem thêm: Kiếm tiền không khó nếu biết cách đầu tư chất xám đúng nơi, đúng lúc!