Hơn 24.000 website tại Việt Nam bị báo cáo không an toàn, một nửa trong số đó có yếu tố nguy hiểm, lừa đảo Update 11/2024

Cảnh giác trước các website không an toàn
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Một thông tin đáng lưu ý mình mới có được từ ICTnews mà mọi người nên biết: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết có tới 24.820 website tại Việt Nam bị báo cáo không an toàn. Trong số này, có 12.052 trang web bị cảnh báo có yếu tố nguy hiểm, lừa đảo hoặc giả mạo.

Cụ thể, chiến dịch “Khiên Xanh” được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT và Cốc Cốc khởi động từ 20/5 với trọng tâm kêu gọi mỗi cá nhân chủ động báo cáo trang web không an toàn để bảo vệ người dùng Internet tại Việt Nam.

Chiến dịch này đã kết thúc vào ngày 13/6 vừa qua với nhiều số liệu đáng chú ý. Tính đến ngày 14/6/2021, sau 26 ngày phát động, chiến dịch “Khiên Xanh” thu hút hơn 22.168.698 lượt tiếp cận. Theo thông tin từ Cốc Cốc, chiến dịch này nhận hơn 24.820 website bị báo cáo trang web không an toàn.

Website không an toàn
Nhiều website tại Việt Nam bị báo cáo không an toàn (nguồn: Internet)

Phía Cốc Cốc cũng cho biết: Thông qua quá trình xác thực, Cốc Cốc cùng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC) đã tiến hành gắn cảnh báo hơn 12.052 trang web có yếu tố nguy hiểm, lừa đảo hoặc giả mạo. Theo đánh giá, mức độ thiếu an toàn của môi trường mạng hiện nay tại Việt Nam là đáng báo động.

Việt Nam đã từng nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm mã độc cao, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người dùng Internet. Thời gian gần đây, tình trạng lây nhiễm mã độc đã được cải thiện nhiều, nhờ việc các cơ quan chức năng và nhà quản lý đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp.

Theo số liệu thống kê, năm 2020, tại Việt Nam có 2.209 cuộc tấn công DDoS, 2.220 cuộc tấn công phishing, 1.526 cuộc tấn công deface và 1.814 cuộc tấn công malware. Dù đã ra khỏi Top 10 nước có nguy cơ mất an toàn thông tin mạng cao nhất trên thế giới nhưng Việt Nam vẫn thuộc Top 3 nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương có lượng thiết bị nhiễm malware cao nhất.

cảnh báo website độc hại
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Thông qua chiến dịch ra soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã ghi nhận 5.168 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam; phát hiện hơn 400.000 máy nhiễm mã độc. Từ khi chiến dịch “được triển khai, số lượng địa chỉ IP nằm trong các mạng máy tính ma (IP Botnet) đã giảm mạnh.

Trước tình trạng này, Trung tâm NCSC đã phối hợp cùng Cốc Cốc triển khai chiến dịch “Khiên Xanh”. Chiến dịch hướng tới xây dựng một môi trường Internet an toàn cho người Việt và nâng cao ý thức của cộng đồng về an ninh mạng Việt Nam.

Chiến dịch khiên xanh
Chiến dịch “Khiên Xanh”

Chiến dịch được triển khai từ ngày 20/5/2021 đến ngày 13/6/2021 với hoạt động trọng tâm là kêu gọi mỗi cá nhân chủ động báo cáo trang web không an toàn để tạo thành một “tấm khiên xanh” bảo vệ người dùng internet tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, những người yêu thích tìm kiếm các lỗ hổng bảo mật, khi phát hiện điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, có thể gửi thông tin tới website trên của Trung tâm NCSC để cùng thực hiện cảnh báo, hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức đang bị ảnh hưởng.

Ngoài việc thu thập và cảnh báo về các trang web nguy hiểm, chiến dịch cũng sẽ cung cấp thông tin về những rủi ro trên không gian mạng, cũng như các giải pháp hỗ trợ mọi người chủ động bảo vệ bản thân và cộng đồng thông qua các hoạt động truyền thông quảng bá, chương trình giao lưu trực tuyến “Lên mạng an toàn thời Covid-19”…

An ninh mạng
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một quốc gia số an toàn và lành mạnh và ở vào thời điểm toàn quốc đang “online hóa” các hoạt động như hiện nay, chiến dịch như “Khiên Xanh” là một chiến dịch rất cần thiết và cấp bách.

Chiến dịch “Khiên Xanh” đã bước đầu thành công trong việc nâng cao nhận thức cũng như kêu gọi sự chung tay hành động của người dùng Internet về vấn đề an toàn an ninh mạng. Để xử lý triệt để và tận gốc vấn đề, Cốc Cốc, NCSC đã thống nhất sẽ xoá bỏ các trang web nguy hiểm có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng trong thời gian tới.

Bạn đang làm gì để tự bảo vệ chính mình trước các trang web độc hại?

Xem thêm: Hệ sinh thái Tín nhiệm mạng ra mắt để bảo vệ người dân khỏi lừa đảo