Intel khẳng định: USB Type-C sẽ soán ngôi jack tai nghe 3.5 mm Update 12/2024

Intel khẳng định: USB Type-C sẽ soán ngôi jack tai nghe 3.5 mm

Có lẽ nào… chuẩn jack cắm tai nghe 3.5 mm sắp hết thời, và thay vào đó USB Type-C sẽ lên ngôi? Điều này đang được thể hiện rõ nhất bởi dòng smartphone Moto Z của Motorola, và nhiều khả năng Apple cũng dõi theo động thái này cho iPhone 7 (tạm gọi).

Theo đó, Intel cũng đồng quan điểm với hai thương hiệu smartphone nổi tiếng kể trên. Tại diễn đàn dành cho các lập trình viên Intel 2016 (Intel Developer Forum – IDF), hai kiến trúc sư công nghệ của Intel là Brad Saunders và Rahman Ismail đã bước lên sân khấu thuyết phục mọi người rằng: “USB Type-C mới là chuẩn kết nối tai nghe của tương lai. Đã đến lúc jack cắm 3.5 mm quen thuộc phải nhường chỗ cho công nghệ mới.”

Chuẩn kết nối USB Type-C đang được ứng dụng trên các thiết bị di động: Samsung Galaxy Note 7, OnePlus 3 và Google Nexus 6P. Còn về phía laptop thì có hai đại diện là Chromebook Pixel và MacBook. Mới đây nhất là sự xuất hiện của chiếc Moto Z – chiếc smartphone đến từ thương hiệu Motorola này đã đi tiên phong trong việc loại bỏ cổng kết nối âm thanh 3.5 mm truyền thống.

Nếu muốn sử dụng tai nghe để nghe nhạc trên Moto Z, bạn phải kết nối tai nghe qua cổng USB Type-C hoặc sử dụng adapter để kết nối tai nghe cũ với cổng USB Type-C. Trong trường hợp bạn cảm thấy quá phiền phức, thì có thể chọn giải pháp sử dụng tai nghe Bluetooth.

Brad Saunders cho rằng, việc loại bỏ jack cắm 3.5mm và tích hợp khả năng truyền dữ liệu âm thanh vào cổng USB Type-C, các nhà sản xuất sẽ có thể chế tác thiết bị trở nên mỏng hơn. Cùng với đó là chất lượng âm thanh cao hơn, khả năng xử lý tiếng ồn hoặc giả lập âm thanh vòm cho dù bạn đang sử dụng một chiếc tai nghe thường. Những chiếc tai nghe kết nối qua cổng USB Type-C cũng sẽ giúp tiết kiệm điện năng nhiều hơn, do nó có thể tắt microphone khi không cần thiết.

USB Type-C Digital Audio
Cổng kết nối USB Type-C có thể cho phép truyền tín hiệu âm thanh kỹ thuật số đã được xử lý trước

Chưa dừng lại tại đó, Intel còn cho biết, hãng sẽ sớm bổ sung thêm một chuẩn kết nối video mới (dùng để truyền phát nội dung video lên màn hình lớn) vào USB Type-C. Tuy nhiên, đây không phải là tiền đề thay thế cho HDMI. Rahman Ismail cho biết: “Chuẩn này hoạt động rất tốt trong các trường hợp như truyền phát nội dung phim ảnh hoặc tài liệu sang các thiết bị ngoại vi, nhưng không phải là lựa chọn tốt để chơi game.”

Sơ đồ chuẩn kết nối với màn hình ngoại vi mới

Ngoài ra, tổ chức thiết lập tiêu chuẩn cho USB, USB Implementers Forum (USB-IF), vừa công bố một chứng thực và logo dành cho bộ sạc USB trên các thiết bị tương thích USB Type-C.

Cụ thể hơn, nhiều bộ sạc USB Type-C trong tương lai sẽ được xác nhận dựa trên các thông số kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn mà USB-IF đưa ra. Đồng nghĩa với việc sẽ giúp người dùng có thể giảm số lượng các bộ sạc cần phải mua hoặc mang theo bên mình, từ đó giảm thiểu số lượng chất thải điện tử tại các bãi chôn lấp, Jeff Ravencraft – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USB-IF cho biết.

Việc đưa ra tiêu chuẩn xác nhận được xem là điều cần thiết trong bối cảnh trên thị trường có rất nhiều bộ sạc USB, trong đó có nhiều bộ sạc hoạt động không đúng tiêu chuẩn, nhất là khi có các sai phạm xảy ra với cáp USB-C trong thời gian qua.

Benson Leung – một vị kỹ sư Google đã thử nghiệm một số cáp sạc USB Type-C mua trên Amazon, tuy nhiên nó đã khiến cho nhiều thiết bị của Leung bị hư hỏng, bao gồm cả chiếc Chromebook Pixel đắt giá. Điều này khiến nhiều người cảm thấy lo lắng với việc mua cáp sạc USB Type-C.

Một trong những nguyên nhân khiến cáp USB Type-C dễ bị hư hỏng chính là vì cáp USB Type-C có khả năng cấp năng lượng lớn hơn so với USB 2.0/3.0, điều này tạo ra nhiều mối nguy hiểm liên quan nếu mua cáp dỏm Chứng nhận USB-IF sẽ giúp cắt giảm các sự cố, hoặc ít nhất là giúp mọi người an tâm hơn mỗi khi mua sắm.

Nếu các bộ sạc không tuân thủ đúng tiêu chuẩn chính thức từ USB-IF có thể gây nguy hiểm cho các chức năng trên thiết bị điện tử, chẳng hạn như khiến thiết bị có những biểu hiện kỳ lạ, thậm chí là làm hỏng ngay lập tức. Các công ty sản xuất hiện đang được khuyến khích nộp bộ sạc lên USB-IF để được thử nghiệm và chứng thực trước khi bán ra thị trường.

Dự kiến, chuẩn USB Type-C sẽ trở nên phổ biến hơn vào cuối năm nay cùng khả năng bảo mật được cải tiến hơn. Giống như các tiêu chuẩn khác, USB Type-C sẽ có nhiều phiên bản khác nhau, chẳng hạn như trên smartphone sẽ khác với ở laptop.

Xem thêm: Những điều cần biết về chuẩn kết nối mới USB type-C (USB-C)