Màn hình OLED là gì? Smartphone nào đang sử dụng màn hình OLED? Update 12/2024

Galaxy Note 8 sở hữu màn hình Super AMOLED
Galaxy Note 8 sở hữu màn hình Super AMOLED

Màn hình OLED là gì? Vì sao nhiều hãng di động bắt đầu chuyển sang sử dụng màn hình OLED cho smartphone? Loại màn hình này có khác biệt gì nhiều không khi so với chuẩn LCD phổ biến trước giờ?

Màn hình OLED là gì?

OLED (Organic Light Emitting Diodes) là một loại điốt phát quang (LED) trong đó lớp phát xạ điện quang là một màng thuốc (film) làm bằng vật liệu từ một loại chất bán dẫn hữu cơ có khả năng phát sáng khi có dòng điện chạy qua. Lớp phát sáng này được đặt giữa hai điện cực và thường thì ít nhất một trong hai điện cực này là trong suốt.

Theo đó, khả năng phát sáng của màn hình OLED không phụ thuộc vào đèn nền, qua đó mỏng hơn và hiệu quả hơn so với màn hình LCD (đòi hỏi phải có đèn nền trắng).

Màn hình OLED không chỉ mỏng và hiệu quả, mà chúng còn mang lại chất lượng hình ảnh tốt nhất cũng như có thể được chế tác trong suốt, uốn cong, gập lại hay thậm chí có thể cuộn lại. Màn hình OLED rất có tiềm năng và được xem là đại diện cho tương lai của công nghệ hiển thị.

So sánh với LCD, màn hình OLED có ưu điểm gì?

Màn hình OLED dẻo của LG cho phép người dùng cuộn lại như một tờ giấy mà không gây ra bất kỳ hư hại nào
Màn hình OLED dẻo của LG cho phép người dùng cuộn lại như một tờ giấy mà không gây ra bất kỳ hư hại nào
  • Chất lượng hình ảnh được cải thiện – độ tương phản tốt hơn, độ sáng cao hơn, góc nhìn đầy đủ hơn, gam màu rộng hơn và tốc độ làm mới nhanh hơn nhiều.
  • Tiêu thụ điện năng thấp hơn.
  • Thiết kế đơn giản và siêu mỏng cho phép các nhà sản xuất thoải mái chế tác đủ kiểu hình dáng cho màn hình, rất linh hoạt.
  • Độ bền tốt hơn – OLED rất bền và có thể chịu được phạm vi nhiệt độ hoạt động rộng hơn.

Hiện tại màn hình OLED được trang bị cho thiết bị nào?

Ngày nay, màn hình OLED được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, phổ biến nhất là ở mảng điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số, tai nghe VR, máy tính bảng, laptop và TV.

Samsung Display (công ty con của tập đoàn Samsung) chuyên sản xuất màn hình OLED cho các thiết bị di động, và hãng này đã trang bị loại màn hình này cho tất cả các thiết bị hàng đầu của họ, mới đây nhất là Galaxy S8, S8 Plus và Note 8.

iPhone X dùng màn hình OLED do Samsung Display sản xuất
iPhone X dùng màn hình OLED do Samsung Display sản xuất

Apple cũng mới bắt đầu bước vào sân chơi smartphone OLED với mẫu iPhone X, và nhiều công ty khác như Motorola, Dell, Google, Sony, Microsoft, LG, Huawei, Xiaomi và Lenovo cũng đang sử dụng màn hình OLED cho nhiều thiết bị của mình.

Với những ưu điểm chính là siêu mỏng, bền, linh hoạt và độ sáng cao, màn hình OLED được nhiều hãng di động tin dùng. Tuy nhiên, giá thành của OLED cao hơn LCD nên đã trở thành rào cản lớn. Nhưng nếu ngày càng có nhiều hãng đặt mua màn hình OLED thì giá thành có thể sẽ dễ chịu hơn.

Bên cạnh đó, OLED thiết kế cũng đơn giản hơn LCD, và một số chuyên gia trong ngành cho rằng OLED trong tương lai sẽ được in bằng các quy trình phun mực đơn giản, từ đó tiết kiệm được khá nhiều chi phí sản xuất.

Màn hình OLED có yếu điểm gì không?

Galaxy S8 dùng màn hình Super AMOLED
Galaxy S8 dùng màn hình Super AMOLED

OLED có tuổi thọ giới hạn (như bất kỳ màn hình hiển thị khác) nhưng đó là vấn đề của vài năm trước đây. Hiện tại công nghệ sản xuất màn hình OLED đã có những bước tiến bộ vượt bậc.

OLED hiện nay có tuổi thọ đủ lâu để trang bị cho các thiết bị di động và TV. Nhưng loại màn hình này chưa thật sự tốt để người dùng sử dụng ngoài trời nắng. Hiện các nhà sản xuất đang nỗ lực khắc phục vấn đề này.

Tuy nhiên, các loại màn hình AMOLED mới hơn, như Super AMOLED, Super AMOLED Plus của Samsung, và ClearBlack AMOLED của Nokia lại có khả năng hoạt động tốt ở ngoài trời sáng, thậm chí còn tốt hơn màn hình LCD trong nhiều trường hợp.

Màn hình OLED trong tương lai sẽ linh hoạt hơn và có thể uốn dẻo

OLED có thể được sử dụng để tạo ra màn hình hiển thị linh hoạt và uốn dẻo. Điều này khá thú vị vì nó mở ra một thế giới đầy tiềm năng như sau:

  • Màn hình OLED cong, đặt trên các bề mặt không phẳng.
  • OLED có thể đeo được.
  • OLED có thể gập được nhằm mục đích tạo ra các thiết bị di động mới.
  • OLED trong suốt được nhúng trong cửa sổ hoặc kính chắn gió xe hơi.
  • Và nhiều hơn thế nữa, thậm chí chúng ta chưa thể hình dung ra được ở thời điểm này.

Màn hình OLED linh hoạt đã có trên thị trường, và nhiều khả năng trong năm 2018, các công ty sẽ bắt đầu sản xuất màn hình OLED có thể gập lại được. Tương lai sẽ mang đến cho chúng ta nhiều màn trình diễn thú vị hơn.

Tại sao gọi là OLED hữu cơ?

Các OLED có thể có hai hoặc ba lớp vật liệu hữu cơ (được làm từ cacbon và hydro), trong trường hợp thiết kế ba lớp thì lớp thứ ba sẽ giúp truyền tải các electron từ cathode tới lớp phát sáng (emissive layer).

OLED rất hiệu quả và không chứa bất kỳ kim loại xấu, bởi thế nó được liệt kê vào nhóm công nghệ xanh đúng nghĩa.

Nguồn: Oled-info

Xem thêm: Nhiều nhà sản xuất sẽ mang màn hình OLED lên smartphone trong năm tới